Chồng thẳng thắn bộc trực, bà đã thấy trước tai họa mà chồng sẽ gặp phải, bà đã làm gì?

Bá Tông là một đại phu của nước Tấn vào thời kỳ Xuân Thu, là một người hiền tài và được quốc vương Tấn Cảnh Công coi trọng.

Năm Tấn Cảnh Công thứ sáu (594 TCN), nhà Tống phái đại phu Lạc Anh Tề đến nước Tấn để thỉnh cầu xuất binh hỗ trợ nhà Tống, Tấn Cảnh Công vốn dĩ có ý muốn xuất quân tương trợ, nhưng lại bị Bá Tông ngăn cản. Chuyện xảy ra là thế này:

Một năm trước đó, tức là năm Tấn Cảnh Công thứ sáu, Sở Trang Vương phái sứ giả đến nước Tề. Theo lễ tiết tương giao giữa các nước đương thời, nước Sở cần phải trước tiên thông báo cho nước Tống, phải xin phép nước Tống mới có thể đi qua. Tuy nhiên, ỷ vào thế nước cường thịnh, nước Sở không thông báo, cũng không được sự đồng ý của nước Tổng. Tống Văn Công cho rằng nước Sở hành xử như vậy là quá vũ nhục nước Tống, do đó đã giết sứ thần nước Sở trên đường đi ngang qua nước Tống, điều này lập tức khiến nước Sở đại nộ, phái xuất đại binh từng đoàn từng đoàn bao vây nước Tống. Chiến sự giữa hai bên rơi vào bế tắc, sau khi nước Tống bị nước Sở bao vây vài tháng, Tống Cảnh Công phái đại phu Lạc Anh Tề đến nước Tấn, thỉnh cầu xuất binh yểm trợ.

Tấn Cảnh Công ban đầu đã đồng ý yêu cầu của nước Tống, nhưng bị Bá Tông phản đối.

Bá Tông nói với Cảnh Công: “Làm sao chúng ta có thể vì giúp nước Tống mà trở thành kẻ thù của nước Sở? Cổ nhân có câu nói: ‘Roi tuy dài nhưng không tới bụng ngựa’, ý tứ là nói dù roi rất dài nhưng không thể quất tới bụng ngựa được.”

Bá Tông tin rằng nước Sở được Trời bảo hộ, thế nước đang ở thời kỳ mạnh nhất: “Nước Tấn tuy cường đại, nhưng liệu có thể phản kháng ý Trời không?”, hàm ý là nói, nước Tấn dù hùng mạnh đến đâu cũng không thể trở thành địch thủ của nước Sở.

Nghe xong lời này, Tấn Cảnh Công cảm thấy có lý, nhưng trong tâm vẫn có chút nghi hoặc. Ông nói: “Sao chúng ta có thể chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà từ chối thỉnh cầu của người khác? Ta cảm thấy xấu hổ khi làm điều này!”

Bá Tông khéo léo giải thích: “Tục ngữ có câu: ‘Xử lý sự tình dù cao hay thấp, tất cả đều do tâm ý của bản thân.’ Trong sông suối hồ ao có nước bẩn bùn nhơ, trong rừng núi cỏ cây ẩn tàng trùng độc mãnh thú, trong mỹ ngọc trắng tinh khiết cũng ẩn tàng vết đốm.” 

Bá Tông khuyên Cảnh Công: “Bậc quân vương của một nước có lúc không thể không chịu nhẫn nhục, nhẫn nhục đều là việc rất tự nhiên. Hơn nữa, một lỗi nhỏ cũng không làm tổn hại đại đức! Bệ hạ chẳng phải cũng cần nhẫn một lần sao! Tạm thời không xuất binh, đợi đến khi nước Sở quốc thế suy thoái rồi hãy nói!”

Lời nói của Bá Tông khiến Tấn Cảnh Công liên tục gật đầu. Tấn Cảnh Công từ bỏ ý định xuất binh. Và câu chuyện này cũng lưu lại cho hậu nhân một thành ngữ, gọi là “vượt quá tầm roi”, dùng để diễn tả lực lượng vốn có không đủ.

Bá Tông rất giỏi thuyết phục, ông luôn giỏi nói thẳng và thuyết phục người khác bằng tài hùng biện của mình, tuy có dũng khí dám nói lời thật, nhưng tính cách tranh cường hiếu thắng của ông cũng dễ đắc tội với người khác. Điều này khiến vợ ông trong tâm lo lắng, bà cho rằng chồng mình thẳng thắn không e sợ gì, dù ông thận trọng, nhưng ông lại thường bỏ qua cảm thụ của người khác, ngoài việc giải thích đạo lý, cũng cần phải có tấm lòng khiêm tốn. Lâu dần như vậy, bà lo rằng chồng mình sẽ bị người khác ghét bỏ. 

Hơn nữa, nước Tấn lúc đó đã nội bộ mâu thuẫn trùng trùng, giữa quân vương và quần thần nghi ngờ lẫn nhau, giữa các đại phu với nhau cũng đầy bất hòa và hiềm khích.

Vì vậy, người vợ hiền năng thông tuệ của Bá Tông, vào buổi sáng sớm mỗi ngày trước khi Bá Tông rời khỏi nhà, đều dặn dò chồng mình cần phải cẩn ngôn thận hành, bà nói: Đạo tăng chủ nhân, dân ái kỳ thượng”, ý tứ là nói, đạo tặc rất ghét chủ nhân, trăm họ lại yêu kính quân vương, một cá nhân khi xử sự, nhất định cần khiến người khác vui vẻ, cũng tất yếu có người phải ghen tị với người đó.

Vợ Bá Tông nói: “Mình luôn thích nói thẳng suy nghĩ của mình, như vậy, một số kẻ quanh co bất chính sẽ ghét mình, đến khi đó tai họa chắc chắn sẽ ập đến mình đấy, chồng à.”

Có lẽ vì sự nghiệp suôn sẻ, nên Bá Tông luôn phớt lờ lời khuyên của vợ.

Một lần, Bá Tông về nhà với nụ cười trên môi, tinh thần có chút tự mãn và đắc ý. Vợ bèn hỏi: “Chồng ơi, trông mình có vẻ vui, hôm nay xảy ra chuyện gì vậy?” Bá Tông đắc ý nói: “Hôm nay tôi lên triều trình bày, các đại phụ đều công nhận, tôi có trí huệ tài hùng biện và thông minh như Dương Tử.”

Người vợ nghe vậy liền nói một câu: “Thực cốc bất hoa, chí ngôn bất sức”, ý tứ là nói hạt gạo không nở hoa, lời nói thật không cần phải ngụy trang. “Dương Tử chỉ khoa trương không thực, nói mà như không, mới khiến bản thân gặp tai họa. Người ta nói mình giống ông ta, mình làm sao có thể cao hứng đây?” Người vợ chất vấn Bá Tông.  

Dương Tử chính là Dương Xử Phụ. Tấn Tương Công khi tại vị, Dương Xử Phụ đã thuyết phục Tương Công thay thế Giả Quý, người đang nhậm chức quân sư, sau khi Giả Quý bị giáng chức, trong tâm phẫn hận, vào năm 621 TCN, đã phái tộc nhân Hồ Cúc Cư đi giết chết Dương Xử Phụ.

Bá Tông sau khi nghe những lời vợ nói, trở nên cảnh giác, ông thấy vợ mình minh bạch tình hình, nên nói với vợ: “Tôi mời các đại phu đến nhà mình uống rượu, mình hãy nghe nội dung trò chuyện của chúng tôi xem thế nào nhé?” Người vợ đáp: “Được thôi!”

Bá Tông tổ chức tiệc chiêu đãi các quan lại. Bức tranh thể hiện một phần cuốn “Thập bát học sĩ đồ”, do một người thời nhà Tống vẽ. (Phạm vi công cộng)

Vài ngày sau, Bá Tông tổ chức yến tiệc chiêu đãi các đại phu. Suốt đêm, Bá Tông uống rượu, đàm đạo với họ, trong khi vợ Bá Tông ở phòng bên cạnh. Sau khi tiễn khách khứa ra về, Bá Tông vào phòng hỏi vợ: “Vợ ơi, mình nghĩ sao về cuộc nói chuyện tối nay với các đại phu?”

Phu nhân vẻ mặt lo lắng nói: “Đúng là tài nói năng của các đại phu không bằng mình, nhưng đã lâu rồi dân chúng không còn ủng hộ quân vương nữa, nếu cứ tiếp tục như vậy, mình khó tránh khỏi bị tai nạn. Hơn nữa, trước mắt quốc gia đã xuất hiện rất nhiều người bất trung, mà chồng thì chưa bao giờ thay đổi được tính cách thẳng thắn trực ngôn của mình, nguy nan e là sẽ ập đến rất nhanh.”

Bá Tông cảm thấy hình thế hiện tại quả nhiên đúng như lời vợ nói, ông hỏi vợ: “Chúng ta nên làm gì đây?”

Người vợ trả lời: “Mình tại sao không kết giao với người hiền năng, sau này phó thác con trai của chúng ta cho ông ấy?”

Bá Tông im lặng một lúc rồi mới nói: “Được rồi! Làm như vậy nhé.”

Thế là Bá Tông gặp gỡ hiệp sĩ Tất Dương, kết thành bạn tốt với ông ấy.

Sau này, sau khi Tấn Cảnh Công qua đời, Tấn Lại Công lên ngôi, Bá Tông mắt thấy nước Tấn bị khanh tộc lũng đoạn, đặc biệt là “tam Khích” Khích Kỳ, Khích Sưu và Khích Chí, kiểm soát thực quyền quân sự và chính trị. Bá Tông chính trực, đã nhiều lần khuyến cao Lại Công: “Thị tộc nhà Khích thế quá thịnh, nên kiềm chế quyền lực của họ một chút.” Sau khi biết chuyện, “tam Khích” căm ghét Bá Tông đến tận xương tủy, liên danh thượng tấu, vu cáo Bá Tông tội phỉ báng triều chính. Cuối cùng Bá Tông bị hại chết.

Sau khi Bá Tông bị giết, con trai ông là Bá Châu Lê rơi vào khốn cảnh. May mắn thay, Bá Tông đã nghe theo lời khuyên của vợ, kết bạn với Tất Dương. Bá Châu Lê nhờ đó mới có thể trốn thoát đến nước Sở dưới sự hộ tống của Tất Dương, nhờ đó được bảo toàn tính mạng.

Trong “Thư kinh – Đại Vũ Mô” có câu: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thời nãi Thiên đạo”, ý tứ là nói, tự mãn sẽ dẫn đến thất bại, khiêm tốn sẽ có ích, đó là quy luật của tự nhiên, là chân lý phổ biến. Bá Tông vốn là người bộc trực, không cách nào tuân tòng. Nhưng vợ của Bá Tông lại hiểu rất rõ đạo lý đó, người đời sau ca ngợi vợ của Bá Tông biết đạo Trời, nhờ đó mà bảo toàn tính mạng của con trai bà.

Theo “Liệt nữ truyền”, “Đông Chu Liệt Quốc chí – Hồi 08”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch