Đó là một mùa đông khắc nghiệt, chàng với cái bụng đói, hành tẩu trên con đường quê. Gió lạnh chích vào xương, lại thêm mưa và tuyết, khiến đường lầy lội trơn trượt, chàng ngã vùi xuống bùn, một lúc lâu sau mới từ từ bò lên một ngôi miếu cổ, nằm thẳng cẳng dưới miếu.

Thời nhà Thanh, có một cử nhân tỉnh An Huy, mọi người gọi chàng là Hoa Thập Ngũ, tên ban đầu không còn được biết đến. Chàng nghiên cứu sâu về cổ học, thích cao giọng luận đàm, tự cao tự đại, không những chê bai bậc thánh hiền đời trước, mà còn bới lỗi các danh sĩ đương đại. Có người hỏi chàng về kinh nghĩa, chàng liền nói: “Các người như con kiến, tuy có đủ chân, mà ngay cả sân đình cũng chưa ra khỏi, còn muốn cùng hồng hạc đàm luận chuyện thiên hạ sao?”

Có một vị thư sinh ở quận lân cận, học thức uyên bác, vô cùng tự phụ, nhưng anh ta ngưỡng mộ danh tiếng của Hoa Thập Ngũ, nghĩ rằng, trừ Hoa Thập Ngũ ra, thì không ai có thể đàm luận học vấn với mình. Vì vậy, anh ta đã mang những văn chương bình sinh của mình đến thăm Hoa Thập Ngũ. Khi đến nơi, Hoa Thập Ngũ vừa thức dậy, với chân trần và đầu tóc rối bù, bước ra đón khách. Vị thư sinh vội vàng đặt cặp sách lên bàn, bước tới vái chào Hoa Thập Ngũ. Hoa Thập Ngũ mở to hai mắt nhìn quanh, làm ra vẻ như không thấy người.

Một lúc sau, người hầu bưng trà đến cho Hoa Thập Ngũ, nhưng vị khách thì không có trà. Hoa Thập Ngũ vờ như không có ai bên cạnh, thong thả rửa tay, rửa xong liền cầm cuốn vở của thư sinh lau bàn. Vị thư sinh tức khí, không thể nhẫn chịu được nữa, nói: “Văn chương của tôi dù không là gì cả, nhưng chữ lẽ nào không nên được trân trọng sao?” Hoa Thập Ngũ vứt cuốn vở xuống đất, nói: “Ta nghi ngờ nó có chữ. Nếu là luận cân bán giấy, chẳng phải giấy thấm nước nặng hơn sao?” Thư sinh nhặt lại cuốn vở, cay đắng rời đi. Sự kiêu căng và cuồng ngạo của Hoa Thập Ngũ đã đến mức độ như vậy.

Sau đó, Hoa Thập Ngũ đi xa, gần mười năm sau, mọi người ở quê không biết tin tức gì về chàng, đều cho rằng chàng đã chết. Một năm nọ, Lễ Bộ có một hội thi, sau khi phát bảng, tin tức Hoa Thập Ngũ trúng tiến sĩ mới truyền ra. Khi bài văn xếp hạng nhất được sao chép ra, các đồng học sau khi đọc đều rất ngạc nhiên, nói: “Đây quả nhiên là văn chương của Hoa Thập Ngũ, nhưng tại sao nó không cuồng ngạo như xưa?”

Hoa Thập Ngũ thi trúng cử nhân lúc còn trẻ, thanh danh đại chấn. Một thầy tướng nhìn thấy chàng ta, nói: “Người đàn ông này có một cái trán xương xẩu, các góc cạnh quá lộ liễu, tuy rằng anh ta rất nổi tiếng, nhưng tương lai e không tránh khỏi chết vì đói và rét.” Những người nghe thấy lời này đều cười lớn cho rằng thầy tướng nói luyên thuyên. Sau này, vì Hoa Thập Ngũ ngạo mạn với người ta, mọi người đều ghét chàng, ngay cả bạn hữu hay thân thích cũng không quan tâm chàng, đến nỗi nguồn sống bị cắt, bấy giờ chàng ta mới thấy sợ, lo lắng lời dự ngôn của thầy tướng ứng nghiệm. 

Hoa Thập Ngũ có một người họ hàng là một quan lớn ở địa phương khác, chàng định chạy trốn định mệnh, nên vội vã lên đường. Hoa Thập Ngũ không biết tính toán chi tiêu, mới đi được nửa đường đã hết tiền, đành bán hết quần áo của mình. Đó là một mùa đông khắc nghiệt, chàng với cái bụng đói, hành tẩu trên con đường quê. Gió lạnh chích vào xương, lại thêm mưa và tuyết, khiến đường đi lầy lội trơn trượt, chàng ngã vùi xuống bùn, một lúc lâu sau mới từ từ bò lên một ngôi miếu cổ, nằm thẳng cẳng dưới miếu. Một lúc sau, một vài người ăn xin mang theo giỏ đi vào, hét vào mặt Hoa Thập Ngũ: “Đây là địa bàn của chúng tao. Mày sắp chết rồi, tại sao lại ngủ ở đây?” Người ăn xin lôi chàng ra và ném xuống bên đường.

Hoa Thập Ngũ suýt nữa chết cóng trong tuyết. (Sơ đồ) (Pixabay)

Tình cờ có một lão ông đi ngang qua, thấy chàng đáng thương, liền đem về nhà, đút cho bát canh ấm. Sau một ngày một đêm, Hoa Thập Ngũ mới bắt đầu hé miệng nói khẽ. Khi lão ông biết chàng là một cử nhân, càng thiện đãi chàng hơn. Toàn thân Hoa Thập Ngũ sưng tấy do máu đông, sau vài ngày, những chỗ sưng tấy mưng mủ, biến thành vết lở loét, phải mất ba năm sau mới khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, chàng rất ham ăn, mỗi bữa ăn hết một chậu cơm, một bát thịt. Lại qua nửa năm, thân thể chàng đã trở nên cường tráng vạm vỡ, so với trước kia hoàn toàn khác hẳn.

Chàng bái tạ lão ông, nói: “Tôi được nhận đại ân đại đức của nhà lão nhân, không cách nào báo đáp, nguyện ý dạy các con trai của lão ông đọc sách.” Lão ông rất vui mừng. Vì vậy, Hoa Thập Ngũ liền trở thành gia sư riêng tại nhà lão ông, dạy học suốt năm năm không gián đoạn. Gia nhân, tỳ nữ trong nhà đều khen chàng hết mình vì người khác, hàng xóm trong làng đều tôn kính chàng. Vì vậy, lão ông đối với chàng càng kính trọng. Khi Bộ Lễ tổ chức kỳ thi, lão ông đã tư trợ rất nhiều lộ phí để chàng tiến kinh cho kịp kỳ thi, nhờ đó chàng đã trúng tiến sĩ.

Hoa Thập Ngũ đã trải qua rất nhiều gian nan, ngạo khí trong quá khứ đã triệt tiêu tận gốc. Ngôn từ là tiếng nói trái tim, văn chương của chàng cũng tự nhiên hiển lộ sự bình dị dễ gần. Chẳng bao lâu, chàng nhận chức tri huyện, hơn mười năm nhậm chức, đi đến đâu chàng cũng làm được việc hữu ích cho người dân địa phương. Khi từ quan hồi hương chàng đã có một gia sản khả quan. Khi người thân và bạn bè cũ đến thăm, chàng đối xử với người khác bằng sự khiêm nhường và chân thành, hết sức mình vì làng xóm. Hai mươi năm sau, Hoa Thập Ngũ mới qua đời.

Nghe nói rằng khi Hoa Thập Ngũ đang dạy học tại nhà của lão ông, một người nông phu từng bước vào phòng, vỗ vai chàng, nói: “Tiên sinh hiện tại đã được ăn no mặc ấm, có nhớ chuyện gì đã xảy ra trong ngôi miếu cổ không?” Chàng nghiêm mặt nói: “Tôi đâu dám quên”. Có khi chàng đi ngang qua làng, lũ trẻ trong làng chỉ vào chàng cười: “Đây nguyên lai là kẻ ăn mày trong miếu! Hiện tại đã biến thành giáo viên của nhà người ta.” Chàng nghe mà không tức giận.

Hoa Thập Ngũ rất tài năng, vì vậy chàng có thể hoàn toàn thoát khỏi những tật xấu trong quá khứ, chàng trước và sau là hai người khác biệt. Sau này khi chàng trúng tiến sĩ, trở thành một huyện lệnh hiền đức, đều là do bản thân đã phản tỉnh thâm khắc, ăn năn hối lỗi, nếu không chàng đã nhận kết cục chết đói chết rét. Khi còn trẻ, Hoa Thập Ngũ kiêu ngạo vì tài hoa của mình, đến mức bị người thân và bạn bè xa lánh, cuối cùng tự mình chuốc lấy khốn cảnh – bài học quá khứ này là lời giáo huấn đặc biệt đối với những người ngạo mạn, coi thường người khác.

Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch