Hà Nội có một tòa tháp rất đặc biệt: Không đồ sộ nguy nga nhưng vĩ đại, không lộng lẫy lầu tía gác son nhưng vang bóng một thời, không cổ kính rêu phong nhưng là chứng tích cho một thời kỳ đầy rối ren biến động. Tòa tháp ấy dẫu nhỏ bé và khiêm nhường nhưng mang trong mình hoài bão thật lớn lao: Viết lên trời xanh! Đó chính là Tháp Bút trên núi Độc Tôn bên hồ Hoàn Kiếm.

Chỉ là một tòa tháp bằng đá 5 tầng, cao không hẳn là cao, mà thấp cũng không hẳn là thấp, trên bề mặt cũng chẳng có lấy một họa tiết cầu kỳ. Nhưng nội hàm và giá trị bên trong lại vô cùng vĩ đại. Ấy là khi ta cùng nhìn lại bối cảnh lịch sử ra đời của Bút Tháp.

Bối cảnh lịch sử

Tháp Bút được cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1864. Đó là sau khi người Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn lúng túng lựa chọn giữa việc cải cách toàn diện đất nước hay cố thủ vào các giá trị đã lỗi thời. Những thập niên ấy uy thế của cố đô Thăng Long bị hạ thấp, còn văn hóa xã hội thì sa sút đến mức báo động. Nhiều năm trước đó, tức năm 1831, ông nghè Phan (Vũ Tông Phan) đã mượn lời thơ để miêu tả về một Hà Nội văn hóa suy thoái, đạo đức suy đồi:

“Chợ buổi chợ phiên buôn bán bỏ.
Quanh thành trộm cướp nổi triền miên,
Một đêm năm lần cháy trong phố.
Thôn phường mười hộ, chín trống không,

Dắt díu bỏ đi tìm lạc thổ.
Than ôi! Nghìn năm đất phồn hoa,
Vật thịnh hay suy đều tại số (…)

Đi học chỉ cốt giật tiếng Nho,
Đi buôn chửa giàu đã khoe của.
Cư dân thường túm tụm ba hoa,

Bộ hành áo giày cực diêm dúa.
Sòng bạc tràn lan khắp gần xa,
Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối.”

(Đến đầu địa giới Hà Nội, Vũ Tông Phan)

Còn Quốc Tử Giám, niềm tự hào hơn bảy trăm năm của các Nho sĩ Đại Việt, nay cũng còn lại hoang phế cô liêu:

“Trăm vua hình bóng tàn cây cổ,
Muôn thuở phong văn nát đá bia.
Trở lại thiếu thời nơi trọ học:
Giảng đường cô tịch bóng chiều đi!”

(Thăm Quốc tử giám cũ, Vũ Tông Phan)

Trước tình hình đó, Tiến sĩ Vũ Tông Phan cùng với các Nho sĩ tài hoa như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Lê Duy Trung… đã cải tạo ngôi chùa tư gia của gia đình Tín Trai thành đền Ngọc Sơn, làm nơi khôi phục văn hóa và phục hưng Nho học:

“Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến
Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh”

Chữ Hán:

舊邦文雅傳先進
古道儀型迪後生

Tạm dịch:

Phong văn nước cũ truyền người trước
Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau

Vào thời điểm đền Ngọc Sơn mới được hoàn thành thì chưa có Tháp Bút, mà đến năm 1864 (có tài liệu ghi là 1865) khi Nguyễn Văn Siêu tôn tạo lại đền mới cho xây dựng thêm Bút Tháp, Đài Nghiên, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba.

Như vậy, đền Ngọc Sơn vốn đã là trung tâm Nho học, nay có thêm Tháp Bút và Đài Nghiên lại càng thể hiện hoài bão “thế bút chống trời” (Kình thiên bút thế). Nghĩa là, việc khôi phục lại văn hóa truyền thống và cứu vãn đạo đức sa đọa cũng giống như chống đỡ bầu trời đang suy sụp vậy.

Tháp Bút được cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1864. (Ảnh: wikipedia.org)

Ý nghĩa Tháp Bút

Tháp Bút có 5 tầng, trên đỉnh là hình ngọn bút lông dựng ngược như đang viết lên nền trời xanh. Ngay gần Tháp Bút là Đài Nghiên nằm bên cầu Thê Húc. Trên Đài đặt một cái nghiên mực hình quả đào bằng đá, hai bên đài đề đôi câu đối:

“Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn
Kình thiên bút thế thạch phong cao”

Chữ Hán:

潑 島 墨 痕 湖 水 滿
擎 天 筆 勢 石 峯 高

Tạm dịch:

Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ
Chạm bầu trời thế bút ngất núi

Coi nước hồ là mực, lấy trời xanh làm giấy, lại có sẵn nghiên đá “ngậm nguyên khí mà mài hư không, ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi” [1]. Trong thư pháp, người ta thường nhắc đến bốn vật báu (văn phòng tứ bảo) là Bút, Nghiên, Giấy, Mực. Vậy nên, Bút Tháp cùng Đài Nghiên khi đứng bên hồ Gươm đã tạo nên một bộ tứ bảo hoàn chỉnh giữa đất trời. Đó không phải tứ bảo trong văn phòng, mà là bộ tứ bảo kỳ vĩ của đất Việt trời Nam.

Trên thân Tháp Bút có ba chữ khắc theo chiều dọc: Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), quả đã thể hiện cái hùng tâm tráng chí của các bậc sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.

Nhưng Tháp Bút không một mình lẻ bóng, mà được tôn vinh thêm nhờ núi đá Độc Tôn bên dưới. Bài minh “Bút Tháp chí” trên thân tháp còn ghi:

“Trên đỉnh núi Độc Tôn có tháp Bút năm tầng. Tháp nhờ núi mà cao thêm, núi nhờ tháp mà truyền mãi (…) Từ ấy Núi là biểu tượng của võ công mà Tháp là biểu tượng của văn vật, cả hai dựa vào nhau mà tồn tại, lưu truyền”. [2]

Tháp Bút đứng trên đỉnh núi tạo thành hai biểu tượng Võ Công – Văn Vật, khi đứng bên hồ Gươm lại tạo thành cặp Bút – Kiếm sóng đôi, Văn – Võ toàn tài. Hai cách kết hợp tạo nên sự hài hòa âm dương hoàn hảo.

Tháp Bút với ngòi bút lông dựng ngược đang viết lên bầu trời, nghĩa là “Đỉnh Thiên” (đầu đỉnh đội trời), lại đứng trên núi “Độc Tôn” (một mình cao lớn) mà tạo thành cái thế “đỉnh thiên độc tôn”. Không rõ là vô tình hay hữu ý, nhưng cái thế độc nhất vô nhị của Bút Tháp lại trùng hợp với một câu chú ngữ trong giới tu luyện: “Đỉnh thiên độc tôn”, thân-thần hòa hợp, một mình đội vòm trời bao la.

Lẽ dĩ nhiên, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu không tu Phật cũng không tu Đạo, mà chỉ là một nhà Nho mẫn thế ưu thời. Nhưng dù ông có biết về câu chú ngữ trên hay không, thì khi xây dựng Bút Tháp trên đỉnh núi Độc Tôn, thần Siêu đã tạo nên cái thế vĩ đại của văn nghiệp nước nhà.

Có thể thấy, các nhà Nho xưa coi khôi phục văn hiến đạo xưa là trách nhiệm của mình, dẫu thế sự có rối ren, dòng đời biến động, thì họ vẫn hiên ngang kiên định “đội bầu trời”. Năm xưa đức Khổng Tử vì đau lòng trước lễ băng nhạc hoại mà tự gánh vác sứ mệnh khôi phục chế độ lễ nhạc đạo đức nhà Chu. Các nhà Nho yêu nước thời Nguyễn Văn Siêu cũng vậy, họ ôm ấp hoài bão chống đỡ thế đạo đang suy đồi.

Tháp Bút. (Ảnh: minhdanpoet.com)

Nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả!

Người xưa tin rằng xây tháp sẽ hưng khởi nghiệp văn chương, làm rạng rỡ đường khoa cử đỗ đạt. Dương trạch tam yếu viết rằng: “Phàm các tỉnh, phủ, huyện, thị mà đường học hành bất lợi, đường khoa cử không phát thì nên chọn tại các hướng Giáp, Tốn, Bính, Đinh mà dựng văn bút tháp, chỉ cần cao hơn núi thì khoa giáp sẽ phát. Hoặc lập tháp trên núi, hoặc dựng tháp cao ở đất bằng, đều gọi là văn bút tháp”.

Xưa ở huyện Kinh Dương, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) có vùng đất phong thủy rất tốt nhưng việc học lại không phát được. Vị Quan thượng thư Lý Đạt đã thỉnh thầy phong thủy đến xem, thấy phía bắc có núi Bút Gia nhưng chỉ có giá mà không có bút, phía nam có sông Kinh như dòng mực lớn, chỉ còn chờ bút ứng vào. Thầy phong thủy bèn chọn hướng đông nam lập tòa Sùng Văn Tháp, bởi vì hướng đông nam là phương Tốn, mà Tốn lại là “phủ của văn chương” chủ tể về văn vận. Cũng từ đó đất Kinh Dương xuất hiện nhiều văn tài.

Không rõ Tháp Bút của ‘Thần Siêu’ chỉ mang giá trị văn hóa tinh thần hay còn có mục đích phong thủy, nhưng một điều dễ thấy là tòa tháp ấy cũng nằm ở hướng đông nam so với đền Ngọc Sơn.

Vì sao lại là “văn”?

Nếu như Tháp Bút, Đài Nghiên là để tôn vinh văn nghiệp, thì “văn” ở đây có ý nghĩa thế nào? “Văn” không chỉ là văn chương, khoa cử, mà còn là tu dưỡng đạo đức và nhân cách làm người. Hai câu đối trên lớp cổng thứ hai gần Tháp Bút đã nói rõ ý này:

“Nhân gian văn tự vô quyền toàn bằng âm đức,
Thiên thượng chủ tư hữu nhãn đơn khán tâm điền”

Chữ Hán:

人間文字無權全憑陰德
天上主司有眼單看心田

Tạm dịch:

Cõi đời chữ nghĩa không quyền, toàn dựa vào âm đức
Thượng giới chủ tư có mắt, chỉ nhìn xét cõi lòng

(Ảnh: tptravelvietnam.com)

Thiên thượng đâu có coi trọng tài năng hay bản sự, mà chỉ nhìn vào nhân tâm. Con người cũng vậy, cần phải tu dưỡng đạo đức và tinh thần mới có thể xứng đáng giữa đất trời. Dân tộc Việt nếu muốn mượn ngòi bút tháp mà viết lên trời xanh, khôi phục xã tắc giang sơn, thì không có con đường nào khác ngoài chấn hưng đạo đức, tu dưỡng tinh thần, gìn giữ các giá trị văn hóa và tinh hoa của dân tộc. Ấy mới xứng là văn nghiệp vĩ đại của đất trời.

***

Người ta vẫn thường nói: các cụ nhà Nho ngày xưa của chúng ta thâm thúy lắm, ý tứ hàm súc, ngụ ý sâu xa, mỗi di tích hay văn vật để lại đều là vì muôn vạn đời sau. Đền Ngọc Sơn cũng vậy, Bút Tháp cũng vậy, mà Đài Nghiên cũng thế, chẳng phải vô cớ mà đi vào tâm hồn dân tộc hơn 150 năm qua. Nhưng cũng bởi vì lời của cổ nhân quá ư sâu sắc, trí tuệ lại uyên bác vô cùng, nên chúng ta dẫu có tìm tòi mãi cũng không thể khám phá cho hết chiều sâu trong đó.

Người viết với hiểu biết hạn hẹp của mình chẳng dám nói là đã hiểu được ý tứ gửi gắm của người xưa, nên chỉ bằng tình yêu Hà Nội, yêu những giá trị văn hóa cổ truyền mà viết ra đây một vài thiển ngộ. Cũng mong rằng bạn đọc yêu Hà Nội sẽ để lại đôi lời tâm huyết, để chúng ta cùng sống lại cái chí khí của một thời.   

Tâm Minh – Tam Nhật

  • [1] Trích bài minh của Nguyễn Văn Siêu khắc trên thân nghiên đá.
  • [2] Nguyên văn:  “Độc Tôn sơn lãnh, ngũ tầng Bút Tháp. Tháp dĩ sơn tăng cao. Sơn dĩ tháp nãi truyền (…) Phù, sơn dĩ tượng vũ công, tháp dĩ tượng văn vật. Lưỡng giả tương nhân nhi tương trị dĩ tương truyền”.
Từ Khóa: