Từ xưa đến nay, những người ôm chí lớn đều coi trọng thời gian hơn vàng ngọc. Cổ nhân có câu: “Thánh nhân không quý một thước ngọc bích, mà quý trọng một thốn thời gian”.

Trước kia có một chàng Nho sinh họ Tốn. Chàng Tốn ôm mộng khoa cử, nhưng học mãi mà không tiến bộ, lần nào tham dự kỳ thi cũng trượt ngay từ vòng đầu tiên. Vậy là, nghe theo lời cha mẹ khuyên nhủ, chàng khăn gói đến theo học ông thầy đồ danh tiếng nhất vùng.

Thầy đồ thường căn dặn các học trò của mình rằng phải kiên trì bền bỉ, chăm chỉ học hành, đừng bao giờ buông lơi hay lười nhác. Hầu hết các học trò đều vâng lời sư phụ dạy, duy chỉ có chàng…

Chàng Tốn không chỉ không tinh tấn, mà còn đặc biệt ham ngủ. Khi các bạn đồng môn chăm chú nghe sư phụ giảng bài thì chàng ta gật gù lơ mơ ngủ, và khi họ cùng nhau luyện tập cưỡi ngựa, bắn cung thì chàng ta cũng ôm gối lên giường đi ngủ. Chàng có thể ngủ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, thậm chí đó là giữa trưa nắng gắt, hay là khi mặt trời vừa xế bóng và mọi người vẫn đang tất bật với các công việc thường nhật của mình.

Một buổi trưa nọ, sau khi bài học trên giảng đường kết thúc, chàng Tốn về phòng và nằm xuống ngủ ngon lành. Và cứ như thế, chàng ngủ liền một mạch tới tận sáng hôm sau mà vẫn chưa tỉnh dậy.

Sáng hôm sau, thầy đồ gọi các học trò đến để căn dặn lần cuối trước kỳ thi hương sắp diễn ra. Tất cả mọi người đều có mặt ngoại trừ chàng Nho sinh họ Tốn. Sư phụ bèn hỏi vì sao người học trò này lại vắng mặt?

Một người đứng lên thưa rằng: “Bạch sư phụ, cậu ấy ngủ suốt từ trưa hôm qua tới tận bây giờ. Cho dù chúng con có cố gắng thế nào cũng không thể gọi cậu ấy dậy được”.

Thầy đồ là người tinh thông Nho học, đồng thời là vị cao nhân biết xem tướng số và vận mệnh, lại có khả năng nhìn thấu quá khứ và vị lai. Ông biết rằng người học trò này không chỉ không đỗ đạt khoa thi, mà tương lai còn rất ảm đạm bi ai. Nếu anh ta vẫn cứ tiếp tục ngủ như vậy thì chẳng phải là sống một đời hoài phí lắm sao? Thầy đồ bèn đích thân đến thăm người học trò vẫn còn đang ngủ ấy.

Bước đi từ xa, cả thầy đồ cùng với các học trò đều nghe thấy tiếng ngáy vang rền như sấm động. Dường như chàng Tốn đang chìm trong cơn say miên man và không biết rằng sư phụ đang tiến tới đứng trước mặt mình.

Một người bạn đồng môn gọi tên chàng Tốn, nhưng chàng ta vẫn say sưa ngủ, và cứ như vậy suốt một lúc lâu. Sau đó, thầy đồ bèn nhẹ nhàng lay người, khiến cậu ta giật mình tỉnh dậy.

Nhận ra rằng sư phụ đang nhìn mình chăm chú, chàng Tốn xấu hổ đứng dậy nói:

“Thưa sư phụ, xin hãy thứ lỗi vì con thất lễ”.

“Nếu cứ tiếp tục mê ngủ như vậy, con sẽ trượt khoa thi và rồi phải lang thang kiếm ăn trên phố. Ta không nỡ nhìn con ngày càng lụn bại trong khi vẫn còn ham ngủ và không ý thức nỗ lực để tự cứu chính mình. Vậy nên, ta tới đây để đánh thức con dậy”.

Câu nói của sư phụ khiến chàng Tốn chấn động. Anh ta không thể ngờ rằng kết cục của mình lại bi đát đến vậy.

Sư phụ bèn giảng giải cho anh ta:

“Âu đó cũng là do con không cố gắng. Ta đã nhìn thấy rằng trong tiền kiếp con từng sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Nhưng vì quá đắm chìm trong ăn và ngủ, con đã khiến phúc phận của mình tiêu tán. Sau đó, con đã liên tục chuyển sinh thành ‘gấu ngủ đông’ trong suốt 1000 năm, sau đó lại chuyển sinh thành con ‘sâu ngủ’ trong 1000 năm kế tiếp.

Trong những kiếp ấy, con đều ham ngủ và có thể ngủ liên tục mà không biết mệt mỏi. Con đã mất 2000 năm luân hồi như thế mới có thể thoát kiếp con vật để chuyển sinh thành người.

Bây giờ con đã là một Nho sinh, được đọc sách Thánh hiền, đáng lẽ con cần phải tinh tấn nỗ lực để trở thành một bậc chính nhân quân tử, đường đường chính chính. Ta không muốn nhìn con tiếp tục ham ăn ham ngủ giống như con của 2000 năm về trước”.

Chàng Tốn bỗng đỏ mặt vì hổ thẹn. Anh thấy hối hận sâu sắc và bắt đầu ra sức nỗ lực học hành. Hết thảy những truy cầu về ăn uống ngủ nghỉ trước kia trong phút chốc cũng tan biến như mây khói. Sau này, nhờ sự nhẫn nại và bền bỉ không ngừng, đến năm 40 tuổi anh cũng thi đỗ và được giao cho một chức quan nhỏ tại quê nhà.

Thiên thượng ban cho mỗi người một phúc phận không như nhau, duy chỉ có “món quà thời gian” là công bằng… (Ảnh minh họa: pinsdaddy.com)

***

Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, và 24 giờ ấy sẽ trôi qua trong nháy mắt. Chúng ta vẫn thường than phiền rằng: Thời gian trôi đâu mất rồi? Chỉ mới quay đi quay lại, chưa kịp làm được gì mà đã hết cả một ngày!

Thiên thượng ban cho mỗi người một phúc phận không như nhau, duy chỉ có “món quà thời gian” là công bằng, ai ai cũng có đủ 24 tiếng mỗi ngày. Bạn có thể làm chủ gần như hết thảy, có thể lãng phí một vài thứ rồi bù đắp lại sau này, duy chỉ có thời gian là không ai làm chủ được, cũng không thể tìm lại khi đã mất đi rồi.

Cổ nhân có câu rằng: “Thánh nhân không quý một thước ngọc bích, mà quý trọng một thốn thời gian” (“Thánh nhân bất quý xích chi bích, nhi trọng thốn chi âm”).

Bậc hiền giả Đào Uyên Minh cũng viết:

“Thịnh niên bất trùng lai,
Nhất nhật nan tái thần,
Cập thời đương miễn lệ,
Tuế nguyệt bất đãi nhân”

Tạm dịch:

“Tuổi xuân không còn mãi,
Một ngày khó trở lại,
Kịp thời ráng gắng sức,
Năm tháng chẳng chờ ai”.

Vài chục năm đời người sẽ chỉ là một khắc trong tuế nguyệt xoay vần, hy vọng rằng mỗi chúng ta sẽ làm được như những bậc Thánh nhân: biết quý trọng thời gian của chính mình!

Tâm Minh