Sử Hạo (1106 – 1194), tự là Trực Ông, đại thần của triều đại Nam Tống. Ông là thi sỹ, người huyện Minh Châu Ngân (nay là Ninh Ba, Chiết Giang). Ông đỗ tiến sĩ vào năm Thiệu Hưng thứ mười lăm của triều đại Nam Tống (1145), đảm nhiệm quốc tử tiến sĩ, tham gia chính sự.

Ông từng là thầy dạy học trong Đông cung của Tống Hiếu Tông. Ông làm quan đến chức Hữu Thừa Tướng và được phong là Ngụy Quốc Công.

Khi vừa tròn 40 tuổi, thừa tướng Sử Hạo thi đỗ khoa cử. Trước lúc thi đỗ, gia cảnh của ông vô cùng nghèo khó. Vào đêm giao thừa của một năm, sau khi tận lực chuẩn bị một ít đồ ăn để thờ cúng, lễ bái gia tiên xong ông chìm vào giấc ngủ.

Trong giấc ngủ, ông  nằm mộng thấy mình giống như đang ở trong kinh thành. Có hai quý nhân cưỡi ngựa trong hoàng cung tiến đến tuyên gọi ông và thúc giục ông đi nhanh hơn. Sử Hạo liền đi theo họ vào phía dưới của đại điện.

Có một người giống đế vương đang ngồi ở chính giữa đại điện. Hai bên trái phải là hai hàng tùy tùng đứng thẳng với trang phục hoa lệ, dung nhan đoan trang, khung cảnh long trọng.

Hai quý nhân ấy dẫn Sử Hạo tiến đến dập đầu bái kiến. Những nghi lễ này rất giống với nghi lễ bái triều ở nhân gian. Hai bên đại điện bài trí một cái bàn dài. Bên trên mặt bàn, đặt để đủ loại dụng cụ bằng vàng bạc, lóng lánh lóa mắt.

Chỉ một lát sau, viên tùy tùng từ trên đại điện truyền lời xuống phía dưới. Viên tùy tùng này nói rằng, phụng mệnh thánh chỉ ban thưởng cho Sử Hạo thêm nhiều tiền vàng bạc, tổng cộng 470 món. Sử Hạo vừa bối rối vừa kinh ngạc không dám nhận.

Hai người mặc áo xanh nhấc cánh tay Sử Hạo lên rồi giúp ông tạ lễ. Lúc này, Sử Hạo mới quỳ sụp xuống bái tạ. Một lúc sau ông liền lui ra ngoài. Hai quý nhân kia lại dẫn ông trở về. Trên đường đi, họ phải qua một con sông lớn. Vừa bước lên cầu bắc qua con sông này được vài bước, Sử Hạo liền trượt chân rơi xuống dòng sông nên giật mình tỉnh giấc.

Ngày hôm sau, đúng là ngày mùng một đầu năm mới, Sử Hạo kể cho vợ nghe về giấc mộng của mình.

Vợ ông nghe xong liền cười nói với ông: “Đêm qua là giao thừa, dân gian vô cùng coi trọng ngày lễ này. Nhưng nhà chúng ta ngay cả một chén rượu một miếng thịt mà cũng không có, thật là uổng phí cả một năm! Đâu dễ dàng có được nhiều vàng bạc như vậy được? Chắc đó chỉ là trò đùa cợt của quỷ hồn tà ác mà thôi!” Sử Hạo cũng bật cười vì giấc mộng này.

Sau đó không lâu, Sử Hạo thi đỗ trong khoa thi cử năm Thiệu Hưng thứ 15 Tống Cao Tông (1145). Hơn 20 năm mới được đảm nhiệm chức Thái Học Quan. Đến năm Thiệu Hưng thứ 29 (1159), ông được đề đạt làm Ty phong lang, làm thầy dạy học của Kiến Vương.

Khoảng gần 3 năm sau, Tống Cao Tông thoái vị, Kiến Vương (Tống Hiếu Tông) thay thế.  Tống Hiếu Tông phong Sử Hạo làm thừa tướng. Từ đó về sau cuộc sống của ông đại phú đại quý suốt hơn 30 năm. Tính toán tất cả, tổng cộng số tặng phẩm được ban thưởng, vừa bằng với con số 470 trong giấc mộng.

Sự việc này được ghi chép lại trong “Di Kiên Chí” của Hồng Mại nhà Tống. Từ những điều được ghi lại trong cuốn sách có thể thấy rằng, vận mệnh của con người là đã được định sẵn trước.

Lúc Sử Hạo khốn đốn, Thượng Thiên đã báo mộng sau này ông sẽ được giàu sang phú quý. Khi ấy, ông và vợ không tin, cho rằng quỷ hồn đùa giỡn. Không ngờ, sau đó vài thập niên, kiểm lại phúc lộc cả đời ông nhận được, cùng phúc lộc nhận trong giấc mộng giống y như nhau không lệch chút nào.

Có thể thấy được rằng không chỉ số mệnh của con người là đã được định sẵn từ trước mà phúc lộc một đời được hưởng bao nhiêu cũng là có hạn mức rồi. Người xưa có câu: “Thực lộc tận tắc thì mệnh tận” (Tạm dịch: Phúc lộc mà hưởng hết thì cũng là lúc mệnh kết thúc). Nếu một người hưởng dụng phúc lộc của mình quá sớm thì sẽ tùy theo đó mà lìa đời sớm!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: