Vợ chồng tình sâu nghĩa nặng, hôn nhân là sự an bài của Thần linh, vậy nên phá hoại hôn nhân của người khác tạo thành tội nghiệp to lớn, có thể khiến tiền đồ một người bị huỷ hoại.

Trong lễ đường hôn nhân, cô dâu chú rể thề: “Cho dù nghèo hèn hay phú quý, bệnh tật hay mạnh khỏe vẫn yêu thương nhau, trân trọng nhau cho đến hết cuộc đời”. Vào ngày lễ tình nhân, rất nhiều thanh niên lãng mạn thề non hẹn biển rằng “mãi mãi bên nhau”. Mọi người đều mong muốn người yêu cuối cùng trở thành gia quyến, mãi mãi không chia ly. Thời xưa, hàm nghĩa hôn nhân cũng bao hàm những ý nghĩa này.

Hôn nhân tình sâu nghĩa nặng như vậy nên phá hoại hôn nhân của người khác tạo thành tội nghiệp to lớn, có thể khiến tiền đồ một người bị huỷ hoại. Dưới đây là 2 câu chuyện như thế:

Viết giấy ly hôn cho người khác, Nho sinh bị huỷ công danh

Thị lang Tôn Công vốn tên là Hồng, thuở thiếu niên đã từng cùng một người bạn đồng song (1) cùng nhau học ở Thái học (2). Hai người giao hẹn với nhau, nếu một trong hai người nhận được thư nhà thì cả hai đều xem chung, không được giấu. 

Một hôm, người bạn học nhận được thư nhà nhưng trái với giao hẹn, đã đem thư giấu đi không đưa Tôn Hồng xem. Khi Tôn Hồng phát hiện ra có trách bạn thì người bạn nói: “Trong thư có một câu e sẽ làm mất hứng của huynh”. Tôn Hồng khăng khăng muốn xem, người bạn không còn cách nào đành đưa bức thư của cha mình cho bạn xem.

Trong thư có viết: “Hôm qua cha mộng đến một tòa quan phủ, nhìn rõ danh sách bảng vàng. Con và Tôn Hồng đều có tên trong danh sách, nhưng dưới tên của Tôn Hồng còn có một hàng chữ đỏ rằng, ngày này năm này tháng này đã viết giấy ly hôn cho một người họ thế này. Vì vậy bị Trời trách phạt, xóa tên bảng vàng”.

Tôn Hồng rất kinh ngạc. Người bạn học hỏi anh có phải đúng là có việc như thế này không. Tôn Hồng trả lời: “Đây là việc mới xảy ra gần đây. Tôi ở châu này có gặp một cặp vợ chồng già. Hai người cãi nhau muốn ly hôn, không có ai viết giấy ly hôn cho họ, thế là nhờ tôi viết giúp. Nhưng khi đó tôi cũng không có suy nghĩ gì khác”.

Người bạn học nói: “Cảnh trong mộng mơ màng, không cần phải để ý. Người tài học như huynh đây thì sao có thể không đỗ được?”.

Nhưng đến khi thi xong, ngày niêm yết bảng thì phát hiện ra người bạn học có tên trên bảng vàng, còn Tôn Hồng thì trượt. Lúc đó, họ mới tin những gì cha người bạn học thấy trong giấc mộng là thật.

Tôn Hồng bị ảnh hưởng mạnh, tinh thần chán nản. Người bạn học nói: “Huynh không cần lo nghĩ, để đệ đi khuyên hai cụ già đó tái hợp”.

Người bạn học ghi lại họ tên và địa chỉ của 2 cụ. Sau khi đến đó mới biết hai cụ vẫn chưa có ai tái hôn, thế là anh đem chuyện Tôn Hồng ra kể lại với hai cụ. Người bạn học nhiệt tình đặt tiệc rượu mời hai cụ, tác thành để hai cụ tái hợp. Sau khi xử lý xong việc này, người bạn học vội vàng viết thư báo cho Tôn Hồng. Tôn Hồng vô cùng cảm động.

(Ảnh minh họa: nipic.com)

Sau này, Tôn Hồng với danh nghĩa là nội xá sinh (3) Thái học nên được miễn thi tỉnh (4). Từ đó trở đi, con đường quan lộ thăng tiến vùn vụt, làm quan lớn, cai quản quận lớn. Trong thời gian tại nhiệm, đi đến bất cứ đâu Tôn Hồng hễ gặp chuyện ly hôn thì đều dốc sức hòa giải, vì vậy đã bảo toàn được rất nhiều gia đình.

Bày mưu cướp vợ người, hiếu liêm bị đánh

Năm Mậu Tuất Thuận Trị có khoa thi, khi điểm danh thì sai nha tìm thấy một tờ giấy ly hôn của một hiếu liêm (5) người Chiết Giang. Quan giám khảo nổi giận đánh cho anh ta một trận ngay tại chỗ, đồng thời xóa bỏ tư cách cử nhân của hiếu liêm đó.

Thì ra, người bạn học của vị hiếu liêm này muốn cướp đoạt vợ người khác làm thiếp, hiếu liêm bèn bày mưu cho anh ta. Đầu tiên phao tin đồn hủy hoại danh tiết người phụ nữ đó, khiến chồng cô ta phẫn nộ, nảy ý định bỏ vợ. Sau đó hiếu liêm lại giúp tác thành việc hôn nhân cho bạn và viết giấy ly hôn cho người ta, nhưng lại nhầm lẫn nhét vào trong quản bút.

Có lẽ Thượng Thiên rất ghét người phá hoại hôn nhân của người khác nên hiếu liêm đó đã phải chịu báo ứng hiện thế tức thời, bị giám khảo đánh đòn một trận và bị xóa bỏ tư cách cử nhân.

Người xưa cho rằng nguồn gốc của hôn nhân có 2 loại. Vợ chồng do thiện duyên kết thành thì hai người thương yêu kính trọng nhau, thành tựu thiện duyên đó. Hôn nhân do ác duyên sinh ra thì hai người vì báo thù mà nảy sinh suy nghĩ ác độc tổn hại người kia, khi chưa đạt được mục đích thì sẽ không dừng cho đến khi hết nợ nghiệp.

Hôn nhân không chỉ là sự hòa hợp của 2 người khác giới mà còn liên quan đến con cháu thừa tự nối dõi, khiến cho các thành viên trong gia tộc chung sống hòa thuận. Phá hoại hôn nhân của người khác là làm loạn sự an bài của Thần linh, có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến tai họa.

Tham khảo:

  • “Tôn thị lăng ký sự”
  • “Khuyến trừng lục”

Kiến Thiện
Theo epochtimes.com

Chú thích:

(1) Đồng song: nghĩa đen là “cùng cửa sổ”, tức là hai người bạn học cùng nhau học chung bên cửa sổ. Trong tích “Lưu Bình – Dương Lễ” có câu: “Bạn đồng song hai sách một đèn”, nghĩa là hai người bạn cùng nhau học bên cửa sổ, chung một ngọn đèn.

(2) Thái học: cũng gọi là Quốc tử giám, tức là Trường học Quốc gia, là nơi đào tạo nhân tài cho bộ máy nhà nước thời xưa.

(3) Nội xá sinh: Triều Tống phân Thái học làm 3 xá: ngoại xá sinh gồm 2000 người, là con em quan chức cấp huyện, xã; nội xá sinh gồm 300 người, là con em quan chức thất phẩm trở lên; thượng xá sinh gồm 100 người, là con em quan chức ngũ phẩm trở lên.

(4) Thi tỉnh: Thời Đường, Tống, Nguyên gọi là thi tỉnh, thời Minh, Thanh gọi là thi hội. Người đỗ thi tỉnh (thi hội) gọi là cống sinh, được tham gia thi đình (đỗ thi đình gọi là tiến sỹ).

(5) Hiếu liêm: tức hiếu tử (con hiếu thuận) và liêm lại (thư lại thanh liêm). Nho sinh là con hiếu hoặc thư lại liêm khiết được quan địa phương xét chọn đề cử lên làm một chức quan hiếu liêm. Bắt đầu từ đầu năm Nguyên Quang thứ nhất thời Hán Võ Đế có lệnh cho toàn quốc mỗi quận đề cử 1 người con hiếu và 1 thư lại liêm khiết để triều đình bổ nhiệm làm quan. Sau này chuyển thành thi cử. Đời Minh, Thanh cũng gọi cử nhân là hiếu liêm.

videoinfo__video3.dkn.tv||a6949e53b__