Rất nhiều người đều biết Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa” là muốn đả đảo kẻ thù chính trị lớn nhất Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng nhiều người không biết, rằng để buộc tội Lưu là “phản đồ”, Mao từng chế tạo ra một vụ đại án chấn động trong và ngoài nước – Án tập đoàn phản đồ 61 tên. 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Rất nhiều người đều biết, khi Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng Văn hóa” vào năm 1966, kẻ thù chính trị lớn nhất mà ông ta muốn đả đảo chính là người kế vị đã được tuyển định, Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật số hai trong ĐCSTQ. Lưu Thiếu Kỳ sau đó bị khép vào ba tội danh lớn là “phản đồ, nội gián, công tặc”, bị triệt tiêu mọi chức vụ trong và ngoài đảng, khai trừ vĩnh viễn khỏi đảng, cuối cùng bị bức hại đến chết.

Nhưng có thể nhiều người không biết, rằng để buộc tội Lưu là “phản đồ”, Mao đã từng chế tạo ra một vụ đại án gây chấn động trong và ngoài nước – “Án tập đoàn phản đồ 61 tên”.

Hôm nay, chúng ta hãy nói về vụ đại án tạo giả này.

“Tập đoàn phản đồ 61 tên”

Vào ngày 16 tháng 3 năm 1967, được Mao Trạch Đông phê chuẩn, Trung ương ĐCSTQ ban hành “Chỉ thị về vấn đề xuất ngục của Bạc Nhất Ba, Lưu Lan Đào, An Tử Văn, Dương Hiến Trân và những người khác”.

Chỉ thị nêu rõ: “Trong cuộc đấu tranh chống lại đường lối phản động giai cấp tư sản của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, một tập đoàn phản đồ hơn 60 tên bao gồm Bạc Nhất Ba, Lưu Lan Đào, An Tử Văn, Dương Hiến Trân đã bị vạch trần. Một số phản đồ trường kỳ ẩn tàng trong nội bộ đảng, chiếm cứ đảng trung ương và địa phương, nắm giữ những chức vị trọng yếu trong cơ quan lãnh đạo”.

Trung ương ĐCSTQ nhận định, từ năm 1936 đến năm 1937, 61 đảng viên ĐCSTQ bị giam giữ tại Viện Phản tỉnh Quân nhân Bắc Bình, đã “tự thú phản biến để được xuất ngục”, là do bí thư lâm thời Cục phương Bắc của Trung ương ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ sách hoạch và quyết định, tổng bí thư lâm thời Trung ương ĐCSTQ Trương Văn Thiên đồng ý, “làm điều đó sau lưng Mao chủ tịch”. Chỉ thị viết:

“Việc xuất ngục của nhóm người này tuyệt đối không phải là một ‘thủ tục đơn giản’ như bản thân họ đã nói với chính quyền trung ương sau đó. Họ đã ký cam kết, đăng công khai ‘Thông cáo chống Cộng’ và cử hành ‘nghi thức tự tân’ rồi mới được ra ngoài”.

Bạc Nhất Ba và những người khác “bản thân có ý đồ phản đảng bảo mạng, quyết định của Lưu Thiếu Kỳ đã trở thành căn cứ hợp pháp để họ đầu thú phản đảng. Họ không chỉ tự phản biến, mà còn xúi giục và buộc những người khác phản biến cùng họ”.

Chỉ thị tiếp tục viết: “Sau khi những phần tử phản bội này ra tù, nhờ sự bao che và trọng dụng của Lưu Thiếu Kỳ, họ đã được đưa vào những vị trí lãnh đạo trọng yếu trong đảng, chính phủ và quân đội… trở thành những người chấp hành kiên quyết đường lối phản động giai cấp tư sản của Lưu, Đặng, trở thành phần tử chủ nghĩa cơ hội phản cách mạng, thành phái đương quyền trong đảng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”.

“Vụ án tập đoàn phản đồ” này liên lụy những ai?

Thời bắt đầu “Cách mạng Văn hóa”, 40 trong số 61 người đó vẫn còn sống, 22 người là bí thư tỉnh ủy, phó tỉnh trưởng, thứ trưởng của cơ quan trung ương trở lên, 13 người là cán bộ cấp sở cục, và 5 người là cán bộ cấp tổng cục.

Trong số đó, Bạc Nhất Ba từng là phó thủ tướng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc gia, Lưu Lan Đào từng là bí thư thứ nhất của Cục Tây Bắc của ĐCSTQ kiêm phó chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc, An Tử Văn từng là bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương, Lưu Tích Ngũ từng là phó bí thư Ủy ban Giám sát Trung ương, Dương Hiến Trân từng là hiệu trưởng Trường đảng Trung ương, Liệu Lỗ Ngôn là bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Từ Tử Vinh là thứ trưởng Bộ Công an, Triệu Lâm là bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm, và Vương Kỳ Mai là bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng.

40 người này đều đã bị cầm tù và thẩm tra trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”; hàng chục nghìn thành viên gia đình, họ hàng, thân hữu và cấp dưới cũ của họ đã bị cầm tù, thẩm tra và đàn áp.

“Thông cáo chống Cộng” có thật không?

Trong vụ án này, có hai vấn đề then chốt. Vấn đề thứ nhất: Có phải 61 đảng viên ĐCSTQ vì để xuất ngục, đã thực sự phát biểu “Thông cáo chống Cộng” không?

Đó là xác thực. Từ ngày 31 tháng 8 năm 1936 đến tháng 3 năm 1937, họ đều ký và vẽ các ký hiệu về “khải thị chống Cộng”, được đăng trên “Nhật báo Hoa Bắc” và “Ích Thế báo” thành chín đợt.

Thông cáo được ký bởi An Tử Văn và những người khác đã dùng giả danh viết rằng: “Tử Văn và những người khác (trước đây) vì tư tưởng giản đơn, lực quan sát bạc nhược, giao du không thận trọng, ngôn hành không khuôn phép, đã bị giam giữ tại Viện Phản tỉnh Quân nhân Bắc Bình để phản tỉnh tự tân. Trong thời kỳ quốc nạn này, phàm là thanh niên Trung Hoa, đều phải xác định phương châm, vì lợi ích của tổ quốc mà phấn đấu. Chúng tôi may mắn được chính phủ khoan hồng, không trách cứ chuyện đã rồi, cho phép phản tỉnh tự tân. Hiện tại đã thành tâm hối lỗi, nguyện dưới sự lãnh đạo của chính quyền, kiên quyết chống Cộng, là một quốc dân trung thực, từ nay về sau tuyệt đối không bao giờ tham gia tổ chức đảng Cộng sản hay bất kỳ hành vi phản động nào khác, mong rằng những thanh niên đầy triển vọng sau này sẽ không tiếp tục bị nó mê hoặc”.

Sau khi 61 người này được ra tù, họ được Cục phương Bắc của Trung ương ĐCSTQ phân công đến làm việc ở Sơn Tây, Hà Bắc, Thiên Tân và những nơi khác.

Mao Trạch Đông có thực sự không hay biết sự tình?

Câu hỏi then chốt thứ hai trong vụ án này là: Toàn bộ sự việc có phải được lên kế hoạch và quyết định bởi Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông không hề hay biết?

Theo cuốn “Niên đại đại động loạn” của Vương Niên Nhất, Mao Trạch Đông khi hội kiến Bộ trưởng Quốc phòng Albania Baluku vào ngày 3 tháng 2 năm 1967, đã nói: “Có một số trong quá khứ là Cộng sản đảng bị Quốc dân đảng bắt, sau đó phản biến, đăng trên tờ báo chống Cộng. Lúc đó chúng tôi không biết họ chống Cộng, chúng tôi không biết họ nói ‘làm đầy đủ các thủ tục’ nghĩa là gì. Bây giờ khi chúng tôi tra ra, họ duy hộ Quốc dân đảng, phản đối Cộng sản đảng”.

Những lời trần tình của Mao Trạch Đông là giả. Khi Bạc Nhất Ba và những người khác được ra tù, ông ta không chỉ đã biết, mà còn đồng ý, và Trung ương ĐCSTQ cũng đồng ý.

Nhà sử học Đinh Trữ trong bài báo “Từ đấu tranh với ‘tẩu tư bản phái’ đến săn lùng những kẻ phản bội” từng khảo chứng: Bạc Nhất Ba đã viết một bản tự thuật trong thời gian bị giam cầm thẩm tra. Ông ấy viết: “Mùa thu năm 1943, tôi đến Diên An học tập… Khi Mao Chủ tịch tìm tôi nói chuyện, tôi đã báo cáo ngắn gọn với Mao chủ tịch về giai đoạn sống trong tù này và quá trình xuất ngục… Khi tôi báo cáo rằng chúng tôi là chấp hành chỉ thị của Cục phương Bắc và Lưu Thiếu Kỳ đại biểu Trung ương, đăng ‘Thông cáo chống Cộng’ để xuất ngục, chủ tịch (Mao) nói: ‘Chúng tôi biết về chuyện này. Trung ương hoàn toàn chịu trách nhiệm’. Sau này, chủ tịch bảo chúng tôi khai ra danh sách những người xuất ngục lần đó, chúng tôi viết xong rồi đưa chủ tịch. Chủ tịch viết trên danh sách đó: ‘Cán bộ xuất ngục phương Bắc, tháng 1/1945 Bạc Nhất Ba viết ra, giữ’.

Năm 1943, Bạc Nhất Ba cũng báo cáo vấn đề này với Nhậm Bật Thời, bí thư Ban Bí thư Trung ương. Nhậm Bật Thời cũng nói với Bạc Nhất Ba rằng: “Trung ương hoàn toàn nhận thức được vấn đề này, đó là kiến nghị của Lưu Thiếu Kỳ và Cục phương Bắc, Trung ương đã thảo luận cách để cho các bạn ra tù”.

Năm 1945, ĐCSTQ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII tại Diên An. Trong số các đảng viên ĐCSTQ bước ra từ Viện Phản tỉnh Quân nhân Bắc Bình, có 12 người đã trở thành đại biểu của Đại hội toàn quốc lần thứ VII của ĐCSTQ, 2 người trở thành đại biểu dự khuyết.

Với tư cách là đại biểu của Đại hội toàn quốc lần thứ VII, Bạc Nhất Ba đề xuất rằng vấn đề họ được xuất ngục vào năm 1936 nên được báo cáo trước Đại hội toàn quốc lần thứ VII, giải thích rõ ràng quá trình này và đưa ra kết luận.

Trong quá trình thẩm tra và thảo luận của “Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu toàn quốc lần thứ VII”, chủ nhiệm ủy ban Nhậm Bật Thời đã chính thức giải thích về vấn đề này, rằng ủy ban đối với vấn đề xuất ngục của Bạc Nhất Ba và những người khác, đã đưa ra kết luận minh xác, nhận định việc họ xuất ngục không có vấn đề, tư cách đại biểu của họ cũng không có vấn đề gì.

Nhưng trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, Mao Trạch Đông đã đổi mặt.

Theo ông ta xét, chỉ khi Lưu Thiếu Kỳ bị xác định là “phản đồ” ​​thì Lưu mới không thể lật mình. Và nếu vụ án “61 người phản biến tự thú xuất ngục” do Lưu làm ra bị định tội, thì tội trạng ‘phản đồ’ của Lưu sẽ có bằng chứng then chốt, và nhân mã của Lưu, Bạc Nhất Ba và những người khác đều có thể bị xóa sổ. Do đó, bất kể sự thực đã được xác minh trước đó là gì, ông ta đều giả vờ như không biết gì.

Bạc Nhất Ba và những người khác bị chỉnh đốn thậm tệ

Vào sáng sớm ngày đầu năm mới năm 1967, theo lệnh của Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, Bạc Nhất Ba bị “Đội chiến đấu bắt phản đồ” bao gồm hàng chục hồng vệ binh từ Viện Địa chất Bắc Kinh, áp giải lên xe lửa từ Quảng Châu trở về Bắc Kinh. Kể từ đó, ông bắt đầu 8 năm “giám hộ” và 4 năm “quản chế”.

Trong thời kỳ này, Bạc Nhất Ba đã trải qua 136 lần bị phê đấu, 206 lần bị thẩm vấn, phê phán bằng vũ lực, biệt giam, v.v., xương sống bị đánh gãy; vợ của Bạc Nhất Bác là Hồ Minh đã tự sát; ba người con trai của Bạc Nhất Ba là Bạc Hy Vĩnh, Bạc Hy Lai, Bạc Hy Thành bị giam trong “lớp học” 5 năm.

Năm 1980, Đái Hoàng, một phóng viên của Tân Hoa Xã, đã đăng một phóng sự dài mô tả cuộc sống trong tù của Bạc Nhất Ba trên tạp chí “Thanh minh”, bài báo trích dẫn lời kể của Bạc Nhất Ba, nói: “(Năm đó) ngồi trong nhà lao của Quốc dân đảng, mỗi ngày đều có thể được một lần đi hóng gió, họ cũng cho phép thân hữu đến thăm tù, gửi một chút đồ ăn để dùng…. Nhưng lần ngồi lao này (ám chỉ nhà tù Tần Thành của ĐCSTQ), toàn bộ đều… mấy năm không được gặp người thân, hoàn toàn cách tuyệt với thế giới. Thân thể của tôi cũng bị đánh đến suy nhược không chịu nổi”.

Năm đó, Bạc Nhất Ba bị giam trong nhà tù của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trong 5 năm. Sau khi ĐCSTQ kiến chính, ông bị giam trong nhà tù của ĐCSTQ trong 12 năm.

Năm đó, Bạc Nhất Ba ít nhiều được tự do trong nhà tù của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc; nhưng trong nhà tù của ĐCSTQ, ông đã bị đánh đập đến mức “da thịt rách nát, gân đứt xương gãy”.

Có lần tổ chuyên án bố trí hơn 20 tên côn đồ đánh đập ông dã man, sau khi đánh bất tỉnh, ông bị nhấc bổng lên trời rồi thả ngã đập mạnh xuống nền bê tông, khiến ông bị di chứng nghiêm trọng.

Ngoại trừ Bạc Nhất Ba, trong số 40 người sống đến “Cách mạng Văn hóa”, 12 người bị bức hại đến chết, trong đó có Từ Tử Vinh, cựu Thứ trưởng Bộ Công an.

Ai là tòng phạm của Mao Trạch Đông?

Trên thực tế, lãnh đạo ĐCSTQ Chu Ân Lai đã biết về cái gọi là “tập đoàn 61 kẻ phản đồ”, Khương Sinh, cố vấn của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương và các lãnh đạo trung ương khác đều đã biết về nó.

Năm 1966, trước khi “Án 61 người” được chế tạo, hồng vệ binh biết rằng “Lưu Hoa Phủ”, người đã đăng “Khải thị phản Cộng” trên “Nhật báo Hoa Bắc” năm 1936 chính là Lưu Lan Đào, khi đó là bí thư thứ nhất của Cục Tây Bắc của ĐCSTQ. Hồng vệ binh lập tức bùng nổ, chuẩn bị công bố tin tức tại đại hội phê đấu, đồng thời truy tra vấn đề Lưu làm “phản đồ”.

Vào ngày 23 tháng 11 năm 1966, Lưu Lan Đào khẩn cấp xin chỉ thị của Chu Ân Lai dưới danh nghĩa Cục Tây Bắc. Vào ngày 24 tháng 11, Chu Ân Lai khởi thảo một bức thư trả lời của Trung ương ĐCSTQ gửi Cục Tây Bắc, nói rằng: Xin hãy giải thích cho các Hồng vệ binh Đại học Nam Khai và đội chiến đấu Bộ tư lệnh Pháo đài Tây An, Trung ương biết việc Lưu Lan Đào xuất ngục mà họ vạch trần.

Viết xong, Chu Ân Lai vội gửi thư trả lời này cho Mao Trạch Đông phê duyệt, đồng thời viết một bức thư cho Mao, nói rằng sau khi thương lượng với Đào Chú và Khương Sinh (cố vấn của tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương), vì tập thể người đầu thú liên án là rất lớn, mà đương thời do Lưu Thiếu Kỳ thay mặt Trung ương ĐCSTQ quyết định, và Đại hội VII, VIII đã thẩm tra qua, Trung ương cũ tất phải thừa nhận đã biết việc này. Mao ký hồi đáp “theo đó mà làm”.

Nhưng sang năm sau, Mao hạ quyết tâm, lấy cớ “phản đồ” để đả đảo Lưu Thiếu Kỳ và những người khác, Chu Ân Lai và những người khác toàn bộ đều im lặng, toàn bộ đều giả vờ như không biết.

Trương Văn Thiên cũng chịu áp lực rất lớn, buộc phải nói trái với tâm địa của mình, rằng khi Lưu Thiếu Kỳ yêu cầu Trung ương ĐCSTQ chỉ thị về việc “tự thú xuất ngục” cho 61 người, là do chính bản thân ông ta phê chuẩn, nghĩa là thừa nhận rằng Lưu Thiếu Kỳ đã “thực hiện sau lưng Mao chủ tịch”.

Những người này đều trở thành tòng phạm trong vụ hại người.

Sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc, vào ngày 20 tháng 11 năm 1978, Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ đã đệ trình “Báo cáo điều tra về Vụ án 61 người” lên Trung ương ĐCSTQ. Báo cáo xác định rằng cái gọi là “tập đoàn phản đồ” căn bản không tồn tại.

Tại sao một “tập đoàn phản đồ” căn bản không tồn tại này lại xuất hiện trong lịch sử của ĐCSTQ? Câu trả lời là: Dục gia chi tội, hà hoạn vô từ – ĐCSTQ nếu muốn buộc tội ai, nó sẽ chẳng từ thủ đoạn.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch