Triều đại nhà Minh xuất ra một viên quan nổi tiếng chính trực là Hải Thụy. “Minh Sử” viết: “(Hải Thụy) bản tính bướng bỉnh cương nghị, ngay thẳng tự chủ, hơn cả Cấp Ảm thời Hán Hy Phong, Bao Chửng thời nhà Tống, chính trực, thành tâm khó ai vượt qua.”

Hải Thụy (1514-1587), tự Nhữ Hiền, người Quỳnh Sơn, Hải Nam, nhậm chức tri huyện, châu phán quan, thượng thư Bộ Hộ, thượng thư Bộ Binh, thượng thư thừa, đô ngự sử hữu thiêm…

Sau khi Hải Thụy trúng cử nhân, được bổ nhiệm làm tri huyện Thuần An, vừa bắt đầu làm quan ông đã nổi tiếng thanh liêm, mặc áo vải bố, ăn lương khô gạo nát, để bộc nhân của mình trồng rau tự cung tự cấp, không bao giờ nịnh nọt tâng bốc kẻ quyền quý. 

Một lần, đô ngự sử Yên Mậu Khanh, vốn là vây cánh của Nghiêm Tung – quan đại thần trong triều, trên đường tuần du đi qua huyện Thuần An, Hải Thụy phản đối, nói rằng huyện này quá nhỏ không thể dung nạp nhiều quân mã như vậy, cung cấp rượu và thức ăn rất đơn giản. Yên Mậu Khanh không còn cách nào đành phải thu liễm uy phong của mình mà rời đi. Sau này, Hải Thụy được đề bạt làm phán quan, được chọn làm thượng thư Bộ Hộ.

Hải Thụy cả đời vô tư vì dân, cực kỳ thanh liêm, điều đặc biệt đáng ngưỡng mộ là ông có thể vì dân mà liều mình lên tiếng. Chân dung Hải Thụy, vẽ bởi Lãnh Mai. (phạm vi công cộng)

Mua sẵn quan tài, vĩnh biệt vợ, quyết tử đi can gián vua

Năm cuối thời vua Minh Thế Tông (niên hiệu Gia Tĩnh). Sau khi Hải Thụy lên kinh đô, ông thấy hoàng đế không xử lý chính sự, mà ẩn sâu trong cung, hút cạn tài sản của dân để xây dựng các công trình thổ mộc. Các đại thần không người nào bàn chuyện chính sự mà toàn những kẻ xu nịnh. Tháng 2/1567, Hải Thụy liều chết can gián Thế Tông, thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của nhà vua.

Thế Tông đọc tấu sớ của Hải Thụy, mười phần phẫn nộ, ném tấu sớ xuống đất, nói với các đại thần: “Mau bắt lấy hắn, đừng để hắn chạy thoát.” Đại thần ở bên cạnh nói: “Người này quả là ngu xuẩn, nghe nói hắn khi dâng sớ, tự mình biết sẽ phạm tội chết, đã mua sẵn một quan tài, nói lời vĩnh biệt vợ, tại triều đình chờ nghe trị tội, bọn nô bộc đã chạy tứ tán không dám ở lại, mà hắn vẫn không chạy.”

Thế Tông hạ lệnh tống giam Hải Thụy, sau đó sẽ kết án tử hình, nhưng cuối cùng không có phán quyết nào được đưa ra. Bộ Hộ có một Tư Vụ tên là Hà Dĩ Thượng, đoán rằng Thế Tông không có tâm ý giết chết Hải Thụy, đã thượng sớ thỉnh hoàng đế phóng thích Hải Thụy. Thế Tông đại nộ, lệnh cho cẩm y vệ đánh ông ấy một trăm roi, giam trong ngục, ngày đêm dùng hình thẩm vấn. Hai tháng sau, Thế Tông chết, Minh Mặc Tông kế vị, ra lệnh cho Hải Thụy xuất ngục, phục hồi nguyên chức. Hải Thụy và Hà Dĩ Thượng đều được thả.

Thời điểm Thế Tông vừa băng hà, tin tức còn chưa truyền ra khỏi cung cấm, thì cai ngục trưởng cho rằng Hải Thụy không chỉ được trả tự do mà còn được trọng dụng, đã tổ chức tiệc rượu chiêu đãi Hải Thụy. 

Hải Thụy cho rằng mình sắp bị chém đầu nên được cai ngục chiêu đãi tiệc rượu nên rất bình tĩnh, an nhiên hưởng thụ. Viên chủ sự thấy thế, ghé gần vào tai ông nói nhỏ: “Hoàng đế đã băng hà, tiên sinh hiện tại sắp ra tù, sẽ được trọng dụng.” Hải Thụy hỏi: “Xác thực không?”. Sau đó, ông bi thống khóc lớn, ngã quỵ xuống đất. 

Quả nhiên sau khi được ra tù, Hải Thụy phục quan nguyên chức, không lâu sau được chuyển nhiệm sang Bộ Binh. Ông lên chức Thượng Thư Thừa, điều nhiệm Đại Lý Tự.

Hưng lợi trừ hại, một lòng vì dân

Vào mùa hè năm thứ ba triều Minh Mục Tông Long Khánh, Hải Thụy lấy thân phận là đô ngự sử Hữu Thiêm đi tuần mười phủ Ứng Thiên. Rất nhiều tham quan ô lại sợ hãi đến mức phải nhanh chóng từ chức. Một số chức sắc hiển hách ban đầu sơn cửa màu đỏ, nghe nói Hải Thụy đến, nhanh chóng đổi sơn thành màu đen. 

Tại đây, Hải Thụy luôn một lòng một dạ hưng lợi trừ hại, thỉnh cầu hoàng đế cho tu sửa sông Ngô Tùng, Bạch Mão để thông lưu về biển, xây dựng các công trình thủy lợi, đồng thời lại vừa dốc sức an ủi trăm họ đang trong cảnh lầm than. Đất đai của bách tính nghèo khó bị phú gia tước đoạt, thì đại đa số đã được giao lại cho nguyên chủ. Những quan lại đi đến địa hạt của Hải Thụy đều không thể nịnh nọt tâng bốc được ông, vì thế oán ngôn càng ngày càng nhiều. Không lâu sau Hải Thụy bị hạch tội, đổi nhiệm chức vụ khác. Thời điểm Hải Thụy làm tuần phủ Ứng Thiên tròn nửa năm, bình dân bách tính nghe nói Hải Thụy bị giải chức mà đi, đã khóc lóc trên đường, nhà nhà chế tượng Hải Thụy để hoài niệm ông.

Khi Hải Thụy nhậm chức vị mới, ông bị gian nhân chèn ép mà thoái hưu, trở về quê hương ở Quỳnh Sơn. Vào năm Minh Thần Tông thứ mười ba, Hải Thụy lại được bổ nhiệm làm Lại bộ Thượng Thư ở Nam Kinh đến khi qua đời vào năm Vạn Lịch thứ mười lăm.

Hải Thụy không có con cái, cả đời thanh bần. Sau khi ông qua đời, Thiêm đô Ngự sử đến lo việc hậu sự, chỉ thấy Hải Thụy ngày thường dùng màn bằng vải thô chế thành, tre trúc tả tơi, những thứ mà ngay cả văn nhân nghèo khó bần cùng cũng không muốn sử dụng, ông ấy đã không thể cầm được nước mắt, gom góp tiền lo ma chay cho Hải Thụy.

Tin tức về cái chết của Hải Thụy lan rộng, bách tính ở Nam Kinh vì thế mà bãi thị. Khi linh cữu của Hải Thụy được chở về quê bằng thuyền, dân chúng mặc áo tang trắng đội mũ đứng hai bên sông, đứng dài hàng trăm dặm đưa tang, lễ bái. Triều đình truy tặng Hải Thụy tước hiệu Thái tử Thái Bảo, thụy hiệu Trung Giới.

Hải Thụy cả đời vô tư phục vụ nhân dân, cực kỳ trong sạch liêm khiết, điều đặc biệt ngưỡng mộ là ông dám vì dân mà liều mình lên tiếng. Chính khí uy nghiêm của ông đã động đến tâm can của hoàng đế, điều này càng khiến ông thiên cổ lưu danh; rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của người đời sau đều mô tả về sự việc này, cho thấy địa vị của ông trong tâm, trong mắt của nhân dân. (Nguồn: “Minh sử”)

Thái Bình chỉnh lý, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch