Nguyên tắc làm người cơ bản chính là “không có công thì không nhận lộc”. Một khi không có công mà nhận lộc thì tương lai đều phải hoàn trả, thậm chí phải hoàn trả gấp nhiều lần. Đó là Thiên lý! Dưới đây là câu chuyện trích trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của tác giả Kỷ Hiểu Lam kể về một thư sinh phải trả giá đắt vì vi phạm nguyên tắc này. 

Xưa kia ở huyện Ngân có một vị thư sinh rất có tài văn chương, ai đọc văn thơ của anh ta đều khen ngợi và tin rằng anh ta sẽ đỗ đạt cao. Nhưng con đường làm quan của anh ta lại lận đận vô cùng. Anh ta đã từng nhiều lần tham dự các khóa thi cử mà không lần nào đỗ đạt.

Anh ta cảm thấy chán nản, thất vọng vì không biết tại sao mà con đường công danh của mình không được suôn sẻ. Một thời gian sau, thư sinh này u uất buồn bã mà mắc bệnh nặng.

Trong lúc mê man, thư sinh thấy mình bị một vị quan dẫn đi đến một nha môn. Một lát sau thư sinh nhìn thấy trong điện một vị quan đi đến, thư sinh liền cúi người xuống sợ hãi hỏi: “Thưa ngài! Có phải tôi bị ốm nặng đã chết rồi hay không?”

Vị minh quan trả lời: “Tuổi thọ của ngươi chưa hết, nhưng số bổng lộc thì đã tận rồi, chỉ e cũng chẳng bao lâu nữa thì ngươi lại phải đến đây.”

Thư sinh không hiểu liền thắc mắc: “Tôi đời này đều là dựa vào dạy học mà sống, tuyệt đối không làm chuyện “thương thiên hại lý” bao giờ. Sao có thể hết lộc sớm như vậy được?”

Vị minh quan thở dài nói: “Nguyên nhân cũng chính là ở chỗ ấy, ngươi dựa vào dạy học mà sống nhưng ngươi đã từng dạy phẩm đức làm người cho học trò của mình chưa? Ngươi đã từng kiểm tra bài vở cho học trò chưa? Ngươi chỉ quan tâm đến số tiền mà mình nhận được còn lại đều mặc kệ mà thôi. Âm ty cho rằng, “không công mà hưởng lộc” thì cũng chẳng khác nào trộm đạo hay phí phạm lương thực. Vì thế, phải khấu trừ phần bổng lộc mà ngươi đáng được nhận để bồi hoàn. Cho nên, thọ mệnh của ngươi chưa hết nhưng bổng lộc thì đã tận rồi!”

Thư sinh nghe xong những lời này, giật mình ngẫm nghĩ lại những việc làm đã qua, quả thực tất cả đều chỉ có một mình thư sinh thấu tỏ, không ngờ nay vị minh quan cũng biết rõ.

Vị minh quan lại nói tiếp: “Thế nhân thường thường nhìn thấy một số người có cuộc sống khốn cùng, có người còn trẻ mà chết non…thì liền oán hận Thiên đạo không công bằng, ông trời không có mắt. Nhưng nào biết rằng ẩn sâu bên trong, tất cả đều là do tự họ làm sai mà khiến cuộc đời rơi vào nông nỗi ấy.”

Thư sinh lúc này buồn bã bừng tỉnh ngộ. Cũng từ sau hôm đó, bệnh của anh ta càng ngày càng nặng hơn và cuối cùng không còn cách nào có thể chữa trị được.

Trước khi chết, thư sinh liền đem giấc mộng đó kể lại với bạn bè người thân nghe cũng là mong muốn mọi người đừng vì lợi mình mà hại người, cố gắng hành thiện, “không công mà nhận lộc” thì rồi cũng phải hoàn trả hết, thậm chí phải hoàn trả gấp nhiều lần cũng đừng tưởng rằng những việc bản thân mình làm là không ai biết.

Câu chuyện từ đó trở đi được lưu truyền đến hậu thế, cũng là lời nhắc nhở cho con người tương lai về một nguyên tắc làm người.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: