Phong ba lập phế Thái tử diễn ra hai lần, do đó lúc Hoàng đế Khang Hy về già đã phát sinh một sự kiện lớn. Dù là chủ động hay bị động, mấy vị Hoàng tử tài hoa xuất chúng đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh đoạt ngôi vị, dẫn đến bi kịch anh em phản bội đối đầu nhau. 

Trong quá trình xử lý vấn đề mâu thuẫn quyền lực của hoàng gia, thái tử và hoàng tử, Hoàng đế Khang Hy đã thể hội sâu sắc mối tai hại của việc lập thái tử. Cuối cùng ông đã áp dụng cách thức lập di chiếu sẵn và cất giấu, hóa giải mâu thuẫn trong hoàng thất, giúp cho quyền lực hoàng đế vững vàng quá độ, thời thịnh thế tiếp tục được duy trì. Sách lược của ông cũng đi tiên phong mở đường cho việc bí mật sắc lập người kế vị cho vương triều Đại Thanh. 

Lập rồi lại phế

“Khi còn nhỏ, một người vẫn còn tiếp nhận giáo dục, đợi đến khi trưởng thành, một khi đã bị đảng phái hấp dẫn thì sẽ làm theo điều bản thân cho là đúng, sẽ không tuân theo giáo huấn mà ước thúc bản thân nữa rồi” – Hoàng đế Khang Hy, trích trong ‘Hoàng triều thông điển’. 

Năm Khang Hy 47 (1708), đây quả là năm xảy ra rất nhiều sự việc. Ngay tại thời điểm phế Thái tử, Dận Nhưng điên điên khùng khùng, thất hồn lạc phách, hoàng trưởng tử Dận Đề thừa dịp trông coi đã lợi dụng cơ hội này mà hướng đến Khang Hy vu khống hãm hại đẩy Dận Nhưng vào chỗ chết. 

Khang Hy đế điều tra lại mới biết Dận Đề cùng bát hoàng tử Dận Tự kết đảng, mưu đồ bí mật giết hại Thái tử bị phế. Thậm chí Dận Đề còn âm thầm mời Lạt Ma Mông Cổ dùng vu thuật nguyền rủa Dận Nhưng, hơn nữa còn tìm thấy vật trấn yểm ở hơn 10 địa điểm. Tâm cơ của Dận Tự còn sâu hơn nữa, âm thầm hãm hại, cấu kết triều thần. Lúc còn đảm nhiệm chức nội vụ tổng quản, thường đem chính sách thi ân của Khang Hy quy thành công lao của mình để tranh thủ đoạt lấy danh vọng. 

Để cắt đứt tâm tranh giành của hai người con ngày, Khang Hy đế đã công khai tỏ thái độ, tuyệt không có khả năng lập hoàng trưởng tử, sau đó còn thu lại tước Vương, giam cầm trong phủ. Đồng thời, ông cũng triệu tập các hoàng tử và tiến hành răn dạy: “Trong số các a ca đây, nếu có ai luồn cúi giành lấy ngôi vị Hoàng thái tử, người đó chính là quốc tặc, pháp luật không dung thứ”. Ngay sau đó ông cho bắt Dận Tự đưa cho bộ phận thảo luận chính sự thẩm tra xử lý. 

Tình cảnh phế thái tử khiến Khang Hy thương cảm, việc các hoàng tử đấu đá với nhau càng khiến ông thêm lao lực quá độ, hơn nữa ông còn phát hiện thấy nhiều tội danh của Thái tử là do người hãm hại và bắt đầu sinh lòng muốn khôi phục lại ngôi vị Thái tử cho Dận Nhưng. Tháng 10, Hoàng đế Khang Hy đã triệu tập hoàng tử cùng các quan đại thần và nói: “Sự tình lập Hoàng thái tử, lòng trẫm có ý định, nhưng không thông báo đến đại thần, cũng không cho mọi người biết rõ. Khi đó mọi người chỉ cần tuân theo ý trẫm mà làm việc”.

Bởi vì chuyện phế thái tử mà Khang Hy vô cùng đau lòng, “không ngày nào không rơi lệ”. Lúc tuần du Nam Uyển, ông nhớ lại khoảng thời gian trước đây, Thái tử cùng các Hoàng tử đi theo vui đùa náo nhiệt, không khỏi thấy cảnh sinh tình, u buồn sinh bệnh. Sau khi trở về cung, Khang Hy đế liền gọi Dận Nhưng và Dận Tự đến, tâm tình liền có chút đỡ hơn. Đặc biệt, sau nhiều lần gọi Dận Nhưng đến gặp, Hoàng đế Khang Hy đã hạ chỉ: “Từ nay về sau, không nhắc đến chuyện phế Thái tử nữa”, đem giam cầm sửa thành an dưỡng. Ông còn vui mừng nói: “Gặp Dận Nhưng lần nữa, trong lòng không còn thấy cảm giác trĩu nặng”. 

Tháng 11, Khang Hy đế cho mời tất cả đại thần văn võ Mãn Hán, trừ hoàng trưởng tử ra, mỗi vị đại thần đều đề cử một người vào vị trí Thái tử. Điều không mong muốn chính là, mấy vị đại thần lén thông đồng, cùng tiến cử Bát hoàng tử Dận Tự. Hoàng đế Khang Hy vô cùng tức giận, dựa vào việc Dận Tự trẻ người non dạ, gần đây bị hỏi tội, mẹ đẻ có địa vị thấp mà cự tuyệt đề nghị của các đại thần, đồng thời kiên định khôi phục việc lập Dận Nhưng làm thái tử. 

Ngày hôm sau, Khang Hy đế ban bố chỉ dụ sửa lại án sai cho Thái tử, cũng tại tháng 3 năm Khang Hy thứ 48 (1709), cử hành nghi lễ khôi phục tước vị Thái tử cho Dận Nhưng. Tuy nhiên, sự việc cũng không phát triển như dự đoán của Khang Hy, sau khi khôi phục lại tước vị, Dận Nhưng vẫn không có chút thay đổi, tính tình kiêu căng, học theo lối sống xa xỉ, khiến cho giãn cách giữa hai cha con ngày càng sâu. 

Năm Khang Hy thứ 55 (1711), Khang Hi đế nhận được tấu chương tố cáo Thác Hòa Đề, thống lĩnh bộ quân cấu kế quan viên, trên bản tấu cũng có tên của thái tử Dận Nhưng. Thế là Hoàng đế Khang Hy đã nghiêm trị mấy vị quan viên mưu đồ tạo dựng đảng phái Thái tử, đồng thời quyết định phế Thái tử lần nữa. Tháng 9 năm sau, khi đi tuần tra Tái Ngoại trở về kinh, ông đã tuyên bố chỉ dụ phế thái tử, đem Dận Nhưng giam cầm trông coi. 

Tháng 9 năm Khang Hy thứ 51, Hoàng đế Khang Hy lại phế thái tử, đem Dận Nhưng giam cầm trông coi. Tranh ‘Hán cung thu nguyện lập trung’ của Viên Diệu thời nhà Thanh. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Bí mật lập thái tử

“Tư cách và địa vị của Hoàng thái tử có quan hệ trọng đại. Trẫm từng lần xem sách sử, làm gì có đạo lý coi nhẹ và quyết định qua loa” – Hoàng đế Khang Hy nói. 

Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, cuộc chiến tranh giành ngôi vị giữa các hoàng tử diễn ra càng ngày càng gay gắt. Ngoại trừ Trưởng hoàng tử, Thái tử bị phế, Bát hoàng tử thế như nước lửa, Tam hoàng tử Dận Chỉ và Tứ hoàng tử Dận Chân (sau này trở thành Hoàng đế Ung Chính) tự hình thành một phái, Cửu hoàng tử, Thập hoàng tử, hoàng tử thứ 14 ủng hộ Bát hoàng tử, hoàng tử thứ 13 ủng hộ Tứ hoàng tử. Họ hình thành cục diện “Cửu tử đoạt đích” (9 hoàng tử tranh giành ngôi vị). 

Phế thái tử lần thứ 2, Hoàng đế Khang Hy không tỏ ra trầm tư thống khổ như lần trước nữa, ông còn nói với mình “Đừng để trong lòng, vui vẻ xử lý”, kỳ thực nỗi khổ tâm này cũng khiến ông phát bệnh. Sự việc lần này xảy ra và biểu hiện của các hoàng tử khác đã làm thay đổi thái độ ‘kiến trữ’ của Khang Hy sang phía đối lập. Từng có quan viên thỉnh cầu hoàng đế lập thái tử, Hoàng đế Khang Hy liền nói chuyện thẳng thắn với quan đại thần, chỉ rõ nguyên nhân không lập thái tử. Ông nói rằng, lập thái tử là nền tảng lập quốc, không thể đưa ra quyết định một cách dễ dàng, “Nay mong muốn lập Thái tử, tất nhiên phải có thể lấy tâm của trẫm làm tâm của người mới có thể lập, sao có thể coi thường?”  

Lại nói về Dận Nhưng, từ nhỏ tiếp nhận giáo dục rất tốt, biểu hiện tư chất, học vấn và tài năng đều nổi trội, khi trưởng thành rồi vẫn không tránh được học những thứ xấu, trở nên bạo ngược điên cuồng; từ lúc được khôi phục ngôi vị thái tử đến nay, vẫn không thay đổi chút nào, bất đắc dĩ mới phải phế truất lần nữa. Hôm nay, các hoàng tử dần trưởng thành, có tất cả công sở, lập ai làm thái tử cũng đều dẫn khởi các phe phái đấu tranh. 

Ảnh Hoàng đế Khang Hy mặc triều phục. (Phạm vi công cộng)

Vì vậy, Khang Hy đế đã rút ra kinh nghiệm xương máu, khi còn sống không sắc lập thái tử, hơn nữa còn nói rõ mục đích không lập thái tử trước mặt các quan đại thần nhiều lần. Từ tiết xuân hạ năm Khang Hy năm thứ 56 (1717) đến nay, Hoàng đế Khang Hy thường hay bị ốm, quần thần lại bắt đầu đề nghị việc lập thái tử. Ông đã nói trong một chiếu thư nội dung như thế này: “Chúng đại thần tấu thỉnh lập trữ, phụ tá chính sự, đây là lo lắng trẫm đột nhiên gặp biến cố. Sinh tử là lẽ thường, trẫm cũng không kiêng kỵ, chỉ là quyền nắm thiên hạ, nên thống nhất với một người là hoàng đế”. 

Đầu năm sau, Khang Hy đế lại hạ chỉ dụ nói rõ với quần thần: “Từ khi trẫm còn nhỏ đã rất có năng lực chịu đựng bệnh tật, cho nên vẫn có thể bắt đầu cuộc sống hằng ngày như bình thường, vẫn đang xử lý chính sự. Hôm nay điều dưỡng trong suối nước nóng, cảm thấy sắc mặt khôi phục, tinh thần tốt lên nhiều”. Ông lại nói ra một chuyện về việc lập thái tử, năm đó Tác Ngạch Đồ chế định nghi lễ đối với Hoàng thái tử, khiến cho thái tử bị phế thay đổi tâm tính, làm việc giả dối; nay quần thần hy vọng lập thái tử, trước hết cần thương nghị các nghi lễ đối với thái tử, rồi hãy tấu tiếp. Hoàng đế Khang Hy nhấn mạnh: “Ban ngày không có hai mặt trời, dân không thể có hai vương, danh không chính thì ắt ngôn không thuận”. 

Việc không lập thái tử là vì muốn triều đình cùng hoàng thất được yên ổn; đồng thời Khang Hy đế cũng không tạo thêm mối lo cho mình mà cẩn thận lựa chọn người thừa kế. Người lý tưởng được chọn chính là “lấy tâm của trẫm làm tâm của người”, thì ra chính là ông mong muốn người đó có thể vì cơ nghiệp của vương triều mà chăm lo việc nước, dốc cạn tâm lực của vị hoàng đế. Ông dựa vào tiêu chuẩn này mà lặng yên quan sát mỗi từng vị hoàng tử, chọn ra người hiền nhưng lại một mực giữ im lặng; đến trước khi lâm chung, ông mới công bố người được chọn kế thừa ngôi vị hoàng đế. Cách làm của Hoàng đế Khang Hy đã mở ra truyền thống “bí mật kiến trữ” của triều đại nhà Thanh. 

“Bí mật kiến trữ” chính là khi Hoàng đế còn sống chọn được người kế vị ghi thành di chiếu đặt trong chiếc hộp, cất sau tấm biển “Quang minh chính đại” ở cung Càn Thanh; sau khi hoàng đế băng hà, đại thần trong tôn thất lấy ra công bố vị hoàng đế mới, người được lựa chọn. 

Việc này có chỗ tốt chính là thống nhất quyền lực vào tay hoàng đế, không tồn tại sự tranh giành quyền lực giữa hoàng đế và thái tử. Các hoàng tử cũng sẽ không vì tranh đoạt ngôi vị mà âm thầm đấu đá, có thể chuyên tâm xử lý chính sự, phát triển tài năng; tránh đi tai hại cho triều đình về nạn kết bè phái trong cung. Trong 12 vị hoàng đế triều đại nhà Thanh, có 4 vị hoàng đế đã chân chính áp dụng phương thức “bí mật kiến trữ”. 

Ung Chính kế thừa ngôi vị

“Ung thân vương, Tứ hoàng tử Dận Chân, nhân phẩm đoan chính cẩn thận, thập phần như trẫm, nhất định có thể kế thừa sự nghiệp thống nhất đất nước. Mệnh tiếp nối trẫm đăng cơ, lên làm hoàng đế” – Di chiếu truyền ngôi của Hoàng đế Khang Hy. 

Bức họa Thế Tông của triều đại nhà Thanh, Hoàng đế Ung Chính. (Phạm vi công cộng)

Lúc về già, Hoàng đế Khang Hy đã nhiều lần đề cập đến việc ‘lập trữ’ là đại sự quốc gia, chưa từng quên việc này. Trong các hoàng tử, ông dần dần chú ý đến một hoàng tử từ nhỏ được nuôi lớn bên mình, đó chính là Tứ a ca Dận Chân. Trước kia, Dận Chân cũng giống các huynh đệ khác, nhiều lần theo Hoàng đế Khang Hy xuất chinh, đi đây đi đó để rèn luyện tài năng. Tuy nhiên, khi các hoàng tử tranh quyền đoạt lợi, thái tử hiện tại đã bị phế đối với cha bị bệnh và người em chết yểu tỏ ra thờ ơ thì Dận Chân lại tự hứa với mình là “Người rảnh rỗi đệ nhất thiên hạ”, mặc tang phục thể hiện sự thương tiếc, hành động này của Dận Chân đã nhận được khen ngợi và chú ý của Hoàng đế Khang Hy. 

Khang Hy đế từng đánh giá về Dận Chân như sau: “Tứ a ca là trẫm tự mình dưỡng dục, khi còn bé cảm giác con có chút hỉ nộ bất định, hiện tại con đã có thể thể nghiệm và quan sát tâm ý của trẫm. Con đối với trẫm yêu mến tha thiết ân cần, có thể gọi là thành tựu được chữ hiếu”. Khi Thái tử bị phế và giam cầm, chỉ có huynh trưởng Dận Chân là cầu xin giúp. Hoàng đế Khang Hy do vậy mà khen cậu: “Tính tình rộng lượng hơn người, hiểu biết đại nghĩa”. 

Lúc Hoàng đế Khang Hy tuổi đã cao, Dận Chân được giao nhiệm vụ tham dự vào xử lý nhiều việc quan trọng, điều này đủ thấy sự tín nhiệm cùng coi trọng của Hoàng đế Khang Hy đối với cậu. Ví dụ như, năm Khang Hy thứ 51 (1712), Dận Chân tham dự vào việc thẩm vấn ‘Thái tử đảng’; năm 54, bình phản loạn quân Cát Nhĩ Đan, Hoàng đế cũng hỏi ý kiến cậu; năm 56 cậu tham gia vào việc xét xử vụ án trộm cướp Minh lăng, cũng đồng thời chủ trì lễ tế; năm 57, theo Khang Hy đến trước lăng Hoàng Thái hậu tế lễ; năm 60 phụng mệnh chủ trì sự kiện rất lớn là tế lễ Tam lăng ở Thịnh Kinh, Hậu điện Thái miếu, Viên Khâu; tham dự công việc khoa cử, phúc tra bài thi; năm 61 điều tra việc xuất nhập thóc gạo của chính phủ, đồng thời cũng đưa ra đề nghị cải cách, cùng năm đó cậu lại phụng mệnh tới vùng ngoại ô phía Nam để tế Trời. 

Từ năm Khang Hy 47 (1708) đến nay, vì việc phế thái tử mà tinh thần Hoàng đế Khang Hy buồn bã, thân thể không được khỏe mạnh như trước. Năm 54 (1715), tay phải của ông bị đau không thể viết chữ, cho nên trong lúc quan sát các hoàng tử bắn tên tập võ, ông cũng không tham gia vào nữa. Mùa đông năm sau, ông luôn cảm thấy tinh thần hoảng hốt, đầu váng mắt hoa, cử động cũng cần người giúp đỡ. Mùa xuân năm 57 (1718), một buổi sớm, ông bỗng cảm thấy không khỏe, “tay run thịt rung động, nét mặt không bình thường; khi tim đập nhanh, sắc mặt không thể thay đổi được”. 

Ngày 21 tháng 10 năm Khang Hy 61 (1722), như thường lệ, Hoàng đế Khang Hy tới Nam Uyển đi săn. Ngày 7 tháng 11, thân thể ông vẫn còn khỏe mạnh; ngày mồng 9 thân thể ông phát bệnh, lệnh cho Dận Chân thay mặt đi đến vùng ngoại ô phía Nam thực hiện đại lễ tế trời; 10 đến 12 ngày tiếp theo, không ngày nào Dận Chân không sai người đến Trường Xuân vấn an, Khang Hy đều truyền dụ: “Hơi thở của Trẫm yếu”. Đến ngày thứ 13, Hoàng đế Khang Hy biết bệnh tình của mình trầm trọng, triệu Dận Chân hồi cung gấp. 

Sau đó ông lại triệu Tam hoàng tử, Thất hoàng tử, Bát hoàng tử, Cửu hoàng tử, Thập hoàng tử, hoàng tử thứ 12, 13 cùng với Thống lĩnh bộ quân Long Khoa Đa tới trước Ngự Tháp, tuyên đọc di chiếu, nói rõ người thừa kế ngôi vị hoàng đế, Tứ hoàng tử Dận Chân chính là người được chọn. 

Nhận được chiếu lệnh, Dận Chân hoả tốc chạy tới tẩm cung của Hoàng đế Khang Hy, ba lượt bái kiến vấn an. Lúc này, Hoàng đế Khang Hy vẫn còn có thể nói chuyện cùng Dận Chân, ông nói rằng bệnh tình của bản thân ngày càng nặng, không lâu nữa sẽ rời nhân thế. Giờ Tuất (lúc 19—21 giờ) đêm hôm đó, Hoàng đế Khang Hy băng hà tại Sướng Xuân Viên, hưởng thọ 69 tuổi. 

Ngày 20, Dận Chân chính thức đăng cơ xưng đế tại điện Thái Hòa, cải nguyên “Ung Chính”, gọi là “Hoàng đế Ung Chính”. Ông đã đặt thụy hiệu cho Khang Hy là “Nhân”, miếu hiệu “Thánh tổ”, tự mình chủ trì tang lễ một cách long trọng. Hoàng đế Khang Hy hô phong hoán vũ, kết thúc một đời oanh oanh liệt liệt, một tay gây dựng thời đại Khang Hy thịnh thế, lại được con cháu kế tục sự nghiệp, đã viết nên đoạn lịch sử huy hoàng nhất của triều đại nhà Thanh – Khang Ung Càn thịnh thế. 

(Trái) Hoàng đế Khang Hy mặc triều phục lúc tuổi trung niên và (phải) tranh “Vạn quốc lai triêu đồ” thời nhà Thanh (Nguồn Internet / Epoch Times ghép ảnh).

Lời kết

Khang Hy là vị hoàng đế anh minh nhất của vương triều Đại Thanh, lúc ông thống trị, đất nước hùng mạnh, giàu có và đông đúc nhất, có thể nói ông đã khai sáng thời kỳ huy hoàng sánh ngang với Hán Đường. “Thanh sử cảo” khen ngợi ông:

“Kinh văn vĩ võ, hoán vũ nhất thống, tuy nói là gìn giữ cái đã có nhưng cũng đồng thời khai sáng mở rộng thêm. Thánh học cao thâm, sùng Nho trọng Đạo. Mấy ai được như ông truy tìm nguồn gốc, quan sát thông suốt con người và trời đất, hơn nữa còn tìm thấy chỗ không thông của cổ kim. Bởi vì thời gian lâu dài mà xuất hiện những thay đổi, thiên hạ hòa thuận vui vẻ mà tạo nên thời khắc thái bình. Cảnh tượng Ung Hy khiến hậu thế nhớ mãi không nguôi, đến nay vẫn không thay đổi”. 

Nhìn vào cuộc đời của Khang Hy, tại vị 61 năm, thực hiện nền chính trị nhân từ mà đạt được công đức hưng thịnh: 

Về phương diện võ công, đối nội tiêu diệt đại nạn, đặt định cơ nghiệp vương triều; đối ngoại chống cường địch, hiển lộ rõ uy nghiêm của bậc quân vương. 

Về phương diện chính sự, ông đích thân nghe báo cáo và quyết định sự việc, chăm lo việc nước, nhẹ lao dịch ít thuế má, cùng dân nghỉ ngơi, nghênh đón cảnh tượng tứ hải thái bình phồn vinh.

Phương diện văn hóa, ông hâm mộ Hoa Hạ, trọng dụng Nho học của người Hán, khởi xướng thi văn, giáo hóa dân tộc Mãn, mở ra thời đại một triều văn học hưng thịnh.

Phương diện học thuật, ông dốc hết tâm chí với việc học, nóng lạnh không ngừng, học xuyên qua kiến thức Trung Quốc và phương Tây, chú trọng thực tế, trở thành hoàng đế học rộng tài cao nhất trong lịch sử.

Chẳng trách, người đời sau nhớ lại đoạn lịch sử hơn trăm năm thăng bình thịnh thế, vẫn muốn lưu luyến hướng về mà mãi mãi tụng ca.

(Hết)

Theo Epoch Times
San San biên dịch