Trong cuộc sống, có những sự việc trùng hợp đến mức lạ kỳ, không sai chạy đường tơ kẽ tóc, dùng lẽ thường khó mà giải thích được.

Triều Đường có hai nhân vật, ở vào hai thời điểm khác nhau, nơi sinh ra cũng khác nhau, nhưng lại có cùng một trải nghiệm: Họ đều ngủ mơ và thấy sự việc sẽ xảy ra 20 năm sau này. Từ đó, chốn quan trường có thêm một câu chuyện kỳ lạ, cõi dân gian cũng có thêm một đoạn truyền kỳ.

Nguồn gốc của đình Trưng Mộng

Chàng thư sinh Đậu Lư Thự vốn tên là Phụ Chân. Năm thứ 6 nguyên hiệu Trinh Nguyên đời nhà Đường, cậu không đỗ khoa thi, nên đến Tín An (vùng Cù Châu, Chiết Giang ngày nay) du ngoạn cho tâm hồn khuây khỏa, nhân tiện mang theo bài thơ của mình đi bái kiến quận trưởng Trịnh Vũ Chiêm.

Trịnh Vũ Chiêm lễ đãi người đọc sách, liền giữ chàng nho sinh ở lại thêm vài ngày. Sau khi hai người trở nên quen thân, quận trưởng nói rằng: “Họ Đậu Lư của cậu là họ kép, không thích hợp để đặt tên hai chữ”, nên ngỏ ý muốn đổi tên, bèn hỏi ý cậu thế nào.

Đậu Lư đứng dậy vái tạ, thỉnh xin Trịnh Vũ Chiêm đặt giúp cái tên mới cho mình. Trịnh Vũ Chiêm viết ra mấy chữ, lần lượt là chữ “Trước, Trợ, Thự”. Để tránh trùng tên với thân quyến, quận trưởng bảo chàng thư sinh tự mình chọn lấy.

Tối hôm đó, Đậu Lư ngủ mơ thấy có một ông lão nói với cậu rằng: “Tôi nghe nói, quận trưởng muốn đổi tên cho cậu, cậu thi cử thêm bốn lần nữa, mới có thể có tên trong bảng. ‘Tứ Giả’ là tốt nhất”.

Ông lão còn nói thêm, 20 năm nữa, cậu sẽ trở thành quận trưởng của nơi này. Ông lại chỉ một miếng đất trống của quận phủ nói: “Đến lúc đó, cậu có thể xây một đình đài ở đây”.

Sau khi tỉnh dậy, Đậu Lư trong lòng suy nghĩ, ông lão nói “Tứ Giả tốt nhất”, “Tứ Giả” (四者) không phải chính là chữ “Thự” (署) hay sao? Dựa theo khải thị trong giấc mơ, chàng thư sinh đã đổi tên thành chữ Thự.

Về sau, sự tình tiến triển quả nhiên giống hệt như những gì được khải thị trong giấc mơ, sau khi Đậu Lư Thự đổi tên đã tham gia thi cử 4 lần, cuối cùng mới có tên trên bảng. Năm thứ 9 niên hiệu Đại Hòa đời Đường, Đậu Lư Thự từ chức quan Thiếu giám được điều nhiệm đến Cù Châu nhậm chức Thứ sử.

Sau khi ông nhậm chức, tuần tra trong ngoài quận phủ phát hiện miếng đất trống ông lão nói trong mơ đó, bèn sai người dựng một đình đài trên mảnh đất đó, đặt tên là “Trưng Mộng đình” (cái đình chứng nghiệm giấc mộng). Người xưa ý thiện tâm thành, vậy nên dễ dàng tương thông với Thần linh.

Nguồn gốc của đình Trưng Mộng
Giấc mơ của Đậu Lư Thự 20 năm trước giờ đây hoàn toàn ứng nghiệm. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Cuộc đời đã được trình diễn trước

Một câu chuyện khác cũng diễn ra vào thời nhà Đường. Năm thứ 5 niên hiệu Nguyên Hòa, Vương Phan thi đỗ tiến sĩ. Có một ngày ông mơ thấy bản thân mình làm đến chức phủ doãn Hà Nam.

Trong mơ, có hai vị khách viếng thăm, một người mình mặc áo tím, ngồi ở phía đông; một người thì mặc áo đỏ, ngồi ở phía tây. Người mặc áo đỏ hỏi người mặc áo tím rằng: “Ta nên xử phạt Luân Bang thế nào?”. Người mặc áo tím nói: “Đã đánh 20 gậy rồi, đuổi ra địa giới Lạc Dương vậy”. Sau khi tỉnh dậy, Vương Phan đem những gì mình thấy trong mơ viết vào quyển công văn.

Hai mươi năm sau, Vương Phan quả nhiên làm đến chức phủ doãn Hà Nam. Sau khi đến nhậm chức, mấy người bạn cũ gặp nhau ôn lại chuyện xưa. Huyện lệnh Lạc Dương và quan Ty đều là bạn ngày trước của ông, vậy nên trong tiệc rượu hai bên nói chuyện đều rất tự nhiên thoải mái.

Quan Ty hỏi huyện lệnh: “Ta nên xử phạt Luân Bang thế nào?”. Huyện lệnh Lạc Dương nói: “Đã đánh 20 gậy rồi, đuổi ra địa giới Lạc Dương vậy”. Luân Bang mà hai người nói đến chính là một gia nô của nhà quan Ty, bởi lấy trộm tài vật nhà quan, sau khi bắt được liền giải đến huyện nha chịu phạt. Huyện lệnh Lạc Dương đã đưa ra phán quyết trên.

Vương Phan nghe xong không khỏi ngẩn người, liền đi vào phòng sau, hồi lâu vẫn chưa đi ra. Hai vị khách kinh ngạc nói: “Khi nãy chúng tôi nói năng quá tùy tiện, phải chăng đã khiến Vương phủ doãn không được vui?”.

Cuộc đời đã được trình diễn trước
Nghe được cuộc nói chuyện giữa hai người bạn Vương Phan bất giác không nói lên lời. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Một lúc sau, Vương Phan lấy ra quyển sổ công văn từng ghi chép lại đoạn thoại ông mơ thấy của 20 năm trước cho họ xem. Đoạn đối thoại của hai người giống hệt như mộng cảnh năm xưa của Vương Phan vậy.

Mộng cảnh của Đậu Lư Thự và Vương Phan giống hệt như một thước phim đã xuất hiện trong đầu não từ 20 năm trước. Xưa nay chúng ta đều không ngừng thăm dò trong cõi vô minh rốt cuộc có định số hay không, vậy thì hai giấc mộng kể trên biết đâu cũng có thể cho chúng ta một gợi ý nào chăng?

(Trích từ “Thái Bình Quảng Ký”)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thuận An biên dịch