‘Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’…

Đó là hai câu thơ trong “Truyện Kiều” mà Nguyễn Du từng viết để diễn tả cảnh chàng Kim sau khi về Liêu Dương hộ tang chú, quay trở lại vườn Lãm Thúy để tìm Kiều mà chẳng gặp nàng đâu. Nhưng ít ai biết rằng những vần thơ khắc khoải niềm thương ấy lại được lấy cảm hứng từ một thiên tình sử đẫm lệ của một thi nhân nổi tiếng thời Đường…

Đó là câu chuyện tình của Thôi Hộ, tự Ân Công, người quận Bác Lăng – Trung Nguyên xưa, sống vào khoảng niên đại Đường Đức Tông. Thôi Hộ vốn nổi danh phong lưu tuấn nhã, lịch thiệp hơn người, văn tài nức tiếng. Một lần nhân tiết Thanh minh chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Nhân thấy một khuôn viên trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước, đôi tay khẽ chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống, đôi má ửng hồng như đóa đào hoa diễm lệ khiến chàng thất thần bối rối. Uống nước xong, thi nhân cảm tạ giã từ.

Nhưng rồi việc đèn sách và mộng công hầu không thể xóa mờ hình bóng của giai nhân. Phút giây gặp gỡ tại Đào Hoa Trang vẫn gợi lên một kỷ niệm thiết tha, đầm ấm trong tâm khảm khiến cõi lòng chàng nho sinh chất chứa biết bao nỗi niềm nhung nhớ.

Một năm sau, ngày hội du xuân lại đến. Thôi Hộ vội tìm về Đào Hoa Trang. Cảnh cũ còn đây, nhưng người xưa vắng bóng. Bên hiên cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn vạn đóa đào hoa rực rỡ khoe mình như đang mỉm cười chào đón gió Đông mà có hay chăng nỗi niềm chàng lữ khách!

Ngẩn ngơ, thẫn thờ trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:

– Hay là nàng đã về nhà chồng?

Có hay không chuyện ‘yêu xa’ trong văn hóa truyền thống xưa?
Thẫn thờ trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ tưởng rằng nàng đã về nhà chồng… (Ảnh: dkn.tv)

Tâm tư trĩu nặng, chàng quay bước trở ra. Trước lúc rời xa, Thôi Hộ thảo vội mấy câu thơ lên cánh cổng:

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”…

(Thôi Hiệu – Đề Đô Thành Nam Trang)

Tạm dịch:

“Ngày này năm ngoái, nơi đây:
Hoa đào ửng đỏ, hây hây má hồng
Biết tìm đâu nữa chân dung?
Hoa đào cười giỡn gió Đông lạnh lùng”.

Chiều đến, thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ đi thăm viếng người thân trở về. Đi theo sau cha mẹ, nàng chợt nhìn lên cánh cổng thấy bốn câu thơ nét chữ tinh xảo, thơ tứ dạt dào… kiều nữ chợt nhận ra ‘thông điệp’ và cả tấm chân tình của người lữ khách du xuân năm ngoái. Nàng buồn bã thở dài, thầm thương cho mối lương duyên chưa kịp gặp gỡ đã lại khéo chia xa trong bẽ bàng tiếc nuối.

Kể từ dạo đó, ngày này sang ngày khác nàng thiếu nữ họ Đào vẫn tựa mình bên cổng, chờ mong và hy vọng gặp lại bóng dáng chàng công tử hào hoa phong nhã từng xin nước năm xưa, cũng là chủ nhân của bài thơ để lại trên cánh cổng nhà nàng. Nhưng buồn thay ngày lại qua ngày, biết bao lần bóng chiều rủ tím cõi lòng mà người xưa đâu chẳng thấy. Chỉ thấy vài cánh chim cô lẻ từ ngàn phương bay về gọi bạn cõng theo cả hoàng hôn bay mỏi…

Thiếu nữ âm thầm gạt lệ, nhưng lệ hàng nối hàng vẫn trào lên khóe mắt. Má thắm nhạt nhòa! Rồi đông qua xuân lại, hạ đến thu về, lá thu rụng bay lả tả bên thềm. Khí thu hiu hắt. Cảnh thu giục nỗi sầu đau…

Xuân lại tới mênh mang, ánh thiều quang ấm áp e ấp trên ngàn cây nội cỏ, hoa đào vẫn cứ vô tình cười ghẹo gió Đông như gợi thêm nỗi nhớ miên man từ trong sâu thẳm tâm tư của nàng khuê nữ.

Có hay không chuyện ‘yêu xa’ trong văn hóa truyền thống xưa?
Hoa đào vẫn cứ vô tình cười ghẹo gió Đông mà không thấy dáng người xưa. (Ảnh: youtube.com)

Tháng ngày đằng đẵng sầu đong càng đầy, nàng cảm thấy tâm tình đã hoàn toàn tuyệt vọng. Kể từ đó nàng không ăn không ngủ, dung nhan võ vàng, dáng liễu tiều tụy.

Song thân ngày đêm lo lắng, đôn đáo khắp nơi tìm thầy tìm thuốc những tưởng chữa chạy được cho nàng nhưng nào đâu có biết:

“Nhược hữu lương y viên tuyệt mệnh
Tùng lai vô dược liệu tương tư”.

Tạm dịch:

“Thầy giỏi cứu được người tuyệt mạng
Tương tư không có thuốc trị lành”.

Biết chẳng thể sống được bao lâu, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha mẹ già nghe và xin cha mẹ tha tội bất hiếu. Người cha xúc động và buồn thương cho số phận đen éo le của cô con gái duy nhất trong gia phủ của mình. Nhìn con nằm thiêm thiếp trên giường như lửa tàn trước gió, ông lão quá thương con nên nóng lòng mà chạy liều đi tìm chàng thư sinh đã đề thơ trên cổng. Nhưng cảnh hạc nội mây ngàn, biết tìm đâu cho thấy?

Lão viên ngoại đau khổ ấy bối rối nên cứ sớm đi tối về, lòng thấp thỏm mong manh một tia hi vọng cầu mong tìm gặp được chàng lữ khách trẻ tuổi xa lạ đã vô tình gây ra cơn sóng gió trong gia đình mình, nhưng trong hoàn cảnh này chàng trai cũng là vị cứu tinh duy nhất có thể cứu được cô con gái mà ông bà đều rất mực yêu thương.

Một sớm nọ, vừa ra khỏi cổng ông lão bỗng đụng phải một chàng thư sinh khôi ngô tuấn tú. Thấy ông mặt mày tiều tụy nước mắt lưng tròng, phong thái lại vội vàng hốt hoảng, chàng thư sinh bèn động lòng thăm hỏi. Ông già vừa gạt đôi dòng lệ đục ngầu vừa xót xa kể lể sự tình… Nhưng lạ thay, lão viên ngoại kể chưa dứt câu chuyện, chàng thư sinh bỗng ôm mặt khóc nấc. Ông lão lấy làm ngạc nhiên lắm, chưa kịp hỏi thì chàng đã nói:

– Con là Thôi Hộ, người đã đề bài thơ trên cánh cổng!…

Có hay không chuyện ‘yêu xa’ trong văn hóa truyền thống xưa?
Con là Thôi Hộ, người đã đề bài thơ trên cánh cổng!… (Ảnh: youtube.com)

Chàng trai chưa dứt lời, ông lão đã mừng rú lên rồi cứ thế mà kéo tay chàng tới thẳng phòng khuê nữ.

Đau đớn thay, nàng thiếu nữ cũng vừa trút hơi thở cuối cùng.

Thôi hộ nhìn nàng thiếu nữ đã nặng tình với mình mà giờ đây như đang ngủ thiếp trên giường, vóc liễu tiều tụy, hai mắt khép hờ, dung nhan võ vàng vì ngày đêm mong nhớ nhưng vẻ diễm lệ khi xưa dường như vẫn còn khắc khoải in trên bờ môi, khóe mắt.

Người xưa dáng cũ ngay trước mặt mà âm dương đã cách biệt phương trời! Quá đau đớn và xúc động, chàng ngã quỵ xuống bên giường, nắm chặt lấy đôi bàn tay xanh xao mềm mại, úp mặt mình vào khuôn mặt của nàng, chàng khóc lên nức nở!

Lạ thay, nước mắt của chàng vừa nhỏ xuống thì nàng bỗng nhiên từ từ mở mắt ra, dịu dàng âu yếm nhìn chàng, trên môi khẽ điểm một nụ cười tươi thắm. Nàng đã sống lại. Gia đình viên ngoại họ Đào mừng rỡ. Đôi trẻ cũng hạnh phúc ngất ngây, mừng mừng tủi tủi.

Lấy cảm hứng từ thiên tình sử trên, sau này đoạn diễn tả cảnh Kim Trọng sau khi về Liêu Dương hộ tang chú, rồi quay trở lại vườn Lãm Thúy để tìm Kiều nhưng chẳng gặp, đại thi hào Nguyễn Du đã viết:

‘Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’…

Đường Phong