Cô dâu rớt xe mất tích, chú rể và nhà dâu kiện cáo nhau đến bần cùng. Nhân duyên tế hội, họ gặp lại nhau. Cô dâu đã thu xếp xảo diệu thế nào khiến mâu thuẫn kịch liệt biến thành tam gia kết thân, xui xẻo ban đầu hóa ra đại hỷ sự?

Vào thời nhà Thanh, nằm giữa Hà Bắc và Hà Nam có một thị trấn nhỏ tên là trấn Thanh Phong, Thanh Phong tuy là một thị trấn nhỏ, nhưng lại nằm trên tuyến đường giao thông quan trọng, với các thương nhân ra vào liên tục. Trong trấn có một người tên là Trần Vạn Ngôn, gia đình trung lưu sắp kết hôn, hôn thê sắp cưới của chàng, Ninh thị, sống ở nông thôn. Họ quyết định kết hôn vào mùa đông. Vào đêm tân hôn, gia đình Trần Vạn Ngôn đã đốt đuốc để chào đón cô dâu. Tại sao phải đón cô dâu vào buổi tối? Vì đây là phong tục địa phương, ban ngày mọi người đều rất bận rộn, nếu chọn đón cô dâu vào ban đêm, người khác sẽ không thấy được sự đơn giản của lễ cưới. Người nghèo không cách nào chuẩn bị được xe dâu rực rỡ sắc màu, nên cô dâu ngồi xe bò, phủ nỉ đỏ, chú rể cưỡi ngựa đi trước dẫn đường.

Trần Vạn Ngôn đến nhà họ Ninh, chiểu theo lễ tục hôn lễ, dùng xe đưa cô dâu về nhà mình. Hôm đó tuyết rơi dày đặc, trên xe còn có một phù dâu, cô ấy đến từ nhà họ Trần, tục gọi là “thủ nữ khách”, tuy địa vị thấp, nhưng không phải là nô bộc. Hôm đó phù dâu uống rất nhiều rượu cưới ở nhà họ Ninh, say khướt và nôn mửa trong xe. Cô dâu sợ xiêm y của mình bị dính bẩn nên từng bước lùi về phía sau xe. Phía sau xe lại không có thanh chắn gỗ, lúc này xe đang chạy rất nhanh, bánh xe bất ngờ va vào một vật cứng trên mặt đất, va đập mạnh, cô dâu vô tình ngã ra khỏi xe, người đánh xe phía trước vẫn thản nhiên đánh xe chạy mà không ai để ý rằng cô dâu đã rớt khỏi xe.

Lúc này, có một người buôn vải tên là Biện Phong, người Hà Nam, đang cưỡi la trong tuyết rơi dày đặc để về nhà ăn Tết, đang đi thì gặp một người phụ nữ đang khóc trên đường. Biện Phong xuống xem, thì thấy là một cô dâu, nên hỏi nàng đã xảy ra chuyện gì. Khi Biện Phong hiểu ra, anh chàng muốn đưa cô dâu đuổi theo chú rể, nhưng cổng thành phía bắc đã đóng, anh chàng lại muốn đưa cô dâu về nhà bố mẹ đẻ, nhưng đường quá xa nên không thể, vậy nên đưa nàng đi đâu?

Biện Phong lúc này nghĩ, chỉ có thể cùng cô dâu dừng lại, nghỉ qua đêm cho đến rạng sáng. Nhưng sau đó chàng chuyển niệm nghĩ, tốt hơn là đưa cô dâu về nhà mình, nên chàng để cô dâu cưỡi con la, bản thân đi theo sau. Một lúc sau, tuyết lại càng rơi dày hơn, chàng không thể nhấc chân đi được nữa, nên đành cưỡi la cùng cô dâu, cô dâu tuy ngại ngùng, nhưng vì người ta đang giúp mình, do đó cự tuyệt cũng không nên. Biện Phong mừng quá, cưỡi la đi bảy mươi dặm, về đến nhà mở cửa nói: “Con đem cô dâu về đây này.” Mọi người trong nhà đều cho rằng đây là cô dâu của Biện Phong, mà Biện Phong cũng coi nàng như cô dâu của chính mình. Cô dâu vốn đã có chút bất mãn khi bị ngã xe không có ai chăm sóc, hiện tại lại ở một nơi xa lạ, nên cũng không còn biện pháp nào.

Biện Phong không có vợ, chỉ có mẹ thường xuyên đau ốm và cô em gái mười tuổi. Ninh thị rất giỏi việc nhà, chăm sóc mẹ và em gái vô cùng chăm chỉ, vợ chồng rất yêu thương nhau. Một hôm, Ninh thị ra vườn sau trồng giá, khi xúc đất cho tơi xốp, nàng tìm thấy hai chiếc chum, mở ra thì thấy bên trong chứa đầy bạc, trị giá mấy ngàn lượng. Vì vậy, nàng đã lấy một trong những chiếc chum bạc ra và báo cho Biện Phong, từ đó gia đình trở nên phú dụ.

Cứ như vậy mấy năm trôi qua, vào mùa thu năm đó, khi lúa mì chín, Biện Phong đi bán vải về nhà, một buổi sáng nọ, chàng ra ngoài gặt lúa mì và nhìn thấy một người đàn ông cầm liềm nằm dưới đất. Biện Phong hỏi anh chàng kia: “Sao cậu không đi gặt lúa mì?” Người đàn ông đáp: “Bởi vì tôi là người ngoài, họ không thuê tôi.” Biện Phong hỏi anh đến từ đâu? Người đàn ông trả lời: “Tôi đến từ Thanh Phong”, Biện Phong lại hỏi: “Thanh Phong cách chúng tôi không xa, tại sao lại không thuê cậu? Cậu có sẵn lòng làm việc cho tôi không?” Người đàn ông đồng ý và đi theo Biện Phong. Biện Phong hỏi anh kia họ là gì, anh chàng nói họ Trần. Trần rất siêng năng, khi người khác gặt được một dải ruộng, anh chàng đã cắt được hai dải ruộng. Biện Phong rất vui, thuê anh chàng với mức lương rất cao.

Biện Phong muốn sửa nhà và cần thợ trát tường. Trần nói: “Không cần tìm, tôi có thể làm được.” Một ngày nọ, vào buổi trưa, Ninh thị đang thêu thùa trước cửa sổ, còn Trần đang trải cỏ dưới gầm cầu thang. Khi Ninh thị nghe thấy giọng của anh chàng giống người đến từ Thanh Phong, nàng hỏi: “Anh đến từ đâu?” Trần đáp: “Tôi đến từ Thanh Phong.” Ninh thị lại hỏi: “Có một người đàn ông tên là Trần Vạn Ngôn, anh có biết không?” Trần cười và nói: “Là tôi. Làm sao cô biết tên tôi?”

Ninh thị nói: “Tôi là họ hàng của nhà họ Ninh, nghe nói anh lấy vợ và mất vợ, có đúng không?”

Trần thở dài, nói: “Đúng vậy, cho nên hôm nay tôi mới trở thành người hầu của người khác. Lúc đó tôi cưới một người vợ, nhưng trên đường về nhà lại mất tích. Tôi tưởng nhà họ Ninh đã giấu nàng, nhà họ Ninh thấy con gái họ bỗng mất tích, lại tưởng rằng tôi đã làm hại nàng ấy. Tôi hận nhà họ Ninh, nhà họ Ninh lại hận lại tôi, chúng tôi đều đến quan phủ làm đơn tố cáo, cả hai gia đình đều bị trói buộc vào vụ án này. Vụ án không thể kết thúc, vẫn chưa được giải quyết. Đã năm năm rồi, quan viên đã thay đổi bốn lần, nhưng vẫn không thể giải quyết được. Thay vì vụ án để lâu không được giải quyết, tốt hơn bỏ nó đi. Vì vậy tôi đề nghị với gia đình họ Ninh rằng hai bên từ bỏ vụ kiện, họ đã đồng ý. Sau khi trải qua vụ kiện này, gia đình tôi sa sút, gia đình họ Ninh cũng trở nên nghèo khó.”

Ninh thị hỏi: “Bây giờ anh còn ghét nhà họ Ninh không?” Trần đáp: “Bây giờ chúng tôi đã biết rằng cả hai bên đều không lừa dối đối phương, đương nhiên chúng tôi không còn ghét nhau nữa.” Ninh thị nói: “Tôi chưa liên lạc với gia đình đã lâu rồi, tôi muốn nhờ anh giúp mang một phong thư tới cho họ, anh có muốn đi không?” Trần đáp: “Được.” Ninh thị lập tức niêm phong thư lại, bên trong có rất nhiều thứ, rồi đưa cho Trần chi phí đi lại và chuẩn bị đồ ăn khô để anh chàng mang theo. Sau khi Biện Phong trở về nhà, Ninh thị nói: “Dạo này Trần muốn về nhà. Tôi đưa tiền cho anh ấy, nhưng anh ấy bỏ đi không nhận.”

Trên đường đi, Trần đói bụng, mở đồ khô ra ăn thì phát hiện bên trong có một cục vàng, bẻ ra ba lần đều là như vậy, nhưng anh chàng không biết tại sao. Sau khi đến nhà Ninh, anh chàng đưa lá thư và gói hàng cho họ. Mẹ của Ninh thị bắt đầu có chút nghi ngờ, bà mở phong thư và gói hàng ra thì thấy ngoài số vàng còn có một chiếc kẹp tóc bằng vàng mà con gái bà đã nhận được từ nhà họ Trần khi kết hôn. Cha mẹ của Ninh thị đã hiểu ra sự thật, lập tức nhờ Trần dẫn đường đi tìm Biện Phong. Khi đến nhà Biện Phong, mọi người nhìn thấy con gái đều ôm nhau khóc, muốn tìm Biện Phong lôi ra ngoài chỉ trích mắng mỏ, nhưng Biện Phong lại không dám ra ngoài. Còn Trần Vạn Ngôn thì biết Ninh thị này chính là người vợ đã thất lạc của mình, anh chàng muốn tính sổ với Biện, khí thế hung hung, đến mức muốn bắt đầu lại vụ kiện tụng. Biện Phong lo lắng không biết phải làm gì mới được.

Lúc này, Ninh thị mới xuất hiện, nàng tiến tới mời bố mẹ mình, mẹ của Biện, Biện Phong và Trần Vạn Ngôn cùng nhau ra sân và nói với họ: “Tôi nguyên là con gái nhà họ Ninh, hiện tại tôi đã là vợ của nhà họ Biện. Bây giờ tôi đã trở thành vợ của nhà họ Biện, tôi không thể quay lại làm vợ của nhà họ Trần được nữa. Khi tôi kết hôn với nhà họ Trần, mặc dù Trần Vạn Ngôn không cố ý bỏ rơi tôi, nhưng sự thực là chàng đã đánh mất tôi, đây là sai lầm của bản thân nhà họ Trần, tôi hiện tại đã thuộc về nhà họ Biện, đây cũng là ý trời để tôi ở cùng Biện gia.”

“Bây giờ cho dù có khiếu nại quan phủ, quan phủ cấm, tôi vẫn sẽ trở về nhà họ Biện, tôi vẫn sẽ tuân thủ nguyên tắc người phụ nữ chung thủy cả đời chỉ lấy một người chồng, chồng chết cũng không tái giá, sẽ không theo về nhà họ Trần nữa, thì nhà họ Trần có thể làm gì? Bây giờ tôi có một kế: Vì chuyện của tôi mà bố mẹ tôi mất đi gia sản, tôi nguyện ý dùng tiền để chuộc lại sản nghiệp của cha mẹ. Trần Vạn Ngôn cũng vì chuyện của tôi mà chịu bất hạnh trong gia đình, đến nay chàng vẫn chưa lấy vợ. Biện Phong có một người em gái là em dâu tôi, hiện đã đến tuổi lấy chồng, có thể gả cô ấy cho Trần Vạn Ngôn làm vợ. Để bồi thường, tôi nguyện ý đưa thêm năm trăm lượng bạc làm của hồi môn cho cô ấy, như vậy, hai nhà có thể liên hôn, xóa tan mọi nghi ngờ và bất mãn, tuy đây là sự sắp đặt của con người, nhưng cũng là thuận theo ý trời. Bằng không thì, lên quan phủ khởi kiện cuối cùng chỉ dẫn đến tai họa cho cả ba gia đình, thỉnh ba vị lão nhân làm chứng.”

Biện gia lo lắng bị quan phủ phạt, Ninh gia lại xem trọng tiền, Trần Vạn Ngôn thì vui mừng tìm được phối ngẫu của mình, cuối cùng mọi người đều đồng ý phương án này. Theo đó, Biện Phong hành lễ chào Trần Vạn Ngôn, Trần Vạn Ngôn cũng hành lễ chào Biện Phong. Ninh thị lấy ra một chum bạc đã giấu sẵn, chia đôi số đó đưa cho nhà họ Ninh và nhà họ Trần. Sau này, vào ngày em gái của Biện Phong gả vào nhà họ Trần, anh trai nàng cũng đi cùng em gái. Ninh thị nói với Biện Phong: “Khi đưa cô ấy đến nhà họ Trần, cẩn thận đừng để cô dâu rơi khỏi xe, để người khác lấy mất.”

Nguồn: “Tiểu đậu bằng”, Thái Nguyên chỉnh lý
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch