Họ hoặc là tôn quý như bậc đế vương, hoặc là bề tôi của vua chúa, hoặc thời vận rất tốt, hoặc thông minh tuyệt đỉnh, nhưng đến cuối cùng lại không tránh khỏi vận mệnh chết bất đắc kỳ tử. Mà những “trái đắng” này lại là chính bản thân họ tự mình gieo trồng, kết cục này làm sao khiến người ta không thổn thức được đây!

Tiếp theo Phần 1.

4. Vương hoàng hậu: Hại người hại mình

Hoàng hậu đầu tiên của Đường Cao Tông Lý Trị họ Vương, bà là danh gia vọng tộc thời Tùy Đường, là người vợ kết tóc thời Lý Trị còn là thái tử. Sau khi Lý Trị làm hoàng đế, dần dần sủng hạnh Tiêu Thục Phi, Vương hoàng hậu không khỏi cảm thấy ghen tức.

Đầu năm Vĩnh Huy, Đường Cao Tông đến chùa Cảm Nghiệp tế bái Đường Thái Tông, vừa khéo gặp được người tình cũ Võ Tắc Thiên, cảnh tượng hai người gặp nhau vô cùng cảm động. Điều này khiến cho Vương hoàng hậu nảy ra một kế. Sau khi trở về cung, một mặt bà lén cử người bảo Võ Tắc Thiên để tóc dài, mặt khác lại khuyên chồng đón Võ Tắc Thiên vào cung. Bà muốn dùng Võ Tắc thiên vào cung tranh giành sủng hạnh của Cao Tông dành cho Huệ phi để giải nỗi hận trong lòng.

Không lâu sau, Võ Tắc Thiên đã được triệu vào cung, được Đường Cao Tông phong làm Chiêu Nghi. Là người thông minh, Võ Tắc Thiên rất mau chóng đã giành được tín nhiệm của Vương hoàng hậu. Vương hoàng hậu thì luôn hết lời ca ngợi tài năng và phẩm hạnh của Võ Tắc Thiên trước mặt chồng mình. Quả nhiên Đường Cao Tông không còn dành nhiều tình cảm cho Tiêu phi nữa, mà lại chuyển mọi sủng hạnh sang Võ Tắc Thiên. Vương hoàng hậu và Tiêu Thục phi đứng trước Võ Tắc Thiên thông minh tinh tế, mưu kế đa đoan càng lực bất tòng tâm.

Tháng Giêng năm 654, Võ Chiêu nghi hạ sinh người con thứ ba cho Cao Tông là An Định công chúa, nhưng vài ngày sau công chúa chết non, trùng hợp trước đó vài giờ, Vương hoàng hậu ghé thăm. Võ Chiêu Nghi khóc lóc thảm thương, Cao Tông càng tin Vương hoàng hậu giết con ông, từ đó Cao Tông nảy ý phế hậu, đưa Võ Chiêu nghi lên thay.

Vương hoàng hậu cảm thấy bất an, bèn kết thân lại với Tiêu Thục phi, dèm pha nói xấu Võ Chiêu nghi. Hai người cùng mẹ của Hoàng hậu là Liễu thị tiến hành vu thuật nguyền rủa Võ Chiêu nghi, bị người tố cáo và phát hiện

Năm 655, ngày 27 tháng 11, Cao Tông ra chiếu chỉ phế Vương hoàng hậu và Tiêu Thục phi làm thứ dân, giam ở ngục tối, Chiêu nghi Võ thị được sắc phong Hoàng hậu.

Không lâu sau, Cao Tông vì niệm tình xưa nên lén vào ngục thăm Vương thị và Tiêu thị. Nhìn thấy hai người tàn tạ khổ sở, Cao Tông đau xót gọi “Ái hậu, ái phi!”. Tiêu phi đáp: “Bọn thiếp bị phế, đâu còn là hậu phi của hoàng thượng nữa?”. Biết Cao Tông vẫn chưa tuyệt tình, Tiêu phi van nài: “Xin người niệm tình tha cho bọn thiếp, cứu thoát khỏi đây”. Cao Tông xúc động hứa sẽ lo liệu.

Võ hậu biết chuyện, nổi giận sai người đến đánh họ 100 roi. Đánh xong, Võ hậu ra lệnh chặt hết tay chân rồi ngâm họ vào chum rượu để “cho họ biết cảm giác mê ly đến tận xương tuỷ”. Sau vài ngày chịu đựng, cả hai qua đời. Cơn hận chưa tan, Võ hậu đổi tên của Vương thị thành “hổ lang” (Mãng, 蟒) và Tiêu thị là “kênh kênh” (Kiêu, 梟). Kết cục thê thảm của hai người họ, thật khiến người đời nghĩ đến mà đau lòng.

Vương hoàng hậu: hại người hại mình
Vương hoàng hậu là người vợ kết tóc thời Lý Trị còn là thái tử, vậy mà có kết cục thật thảm thương. (Ảnh minh họa: youtube.com)

3. Ngư Bảo Gia: Thông minh bị chính thông minh hại

Võ Tắc Thiên làm nữ hoàng đế, muốn tiến hành thống trị trong xã hội nam quyền quả thật không dễ dàng gì. Vì để trấn áp những người bất đồng ý kiến với mình, bà đã mở rộng cánh cửa tố cáo.

Con trai quan Thị ngự sử Ngư Thừa Diệp là Ngư Bảo Gia là người thợ khéo léo, giỏi về phát minh khoa học kỹ thuật. Từ Kính Nghiệp dấy binh chống lại Võ Tắc Thiên, Ngư Bảo Gia từng góp sức chế tác các loại vũ khí Từ Kính Nghiệp, tuy vậy quan phủ trước sau vẫn không hay biết chuyện này. Bởi phụ thân là Ngự sử, Ngư Bảo Gia vô cùng thông minh, sau khi y phỏng đoán được Võ Tắc thiên muốn các quan lại lén lút tố cáo lẫn nhau, bèn tâu lên Võ Tắc Thiên phương án chế tác một cái rương đồng. Võ Tắc Thiên xem bản tấu xong, lập tức căn dặn Công bộ Thượng thư bố trí người chế tác.

Cái rương đồng này vô cùng xảo diệu, “cơ quan trong nó hợp lại như một gian phòng, bên trong có 4 ngăn, trên mỗi vách ngăn có cái lỗ, vật gì nhét vào trong khó có thể ra được”. Từ đó về sau, những kẻ tố cáo khắp thiên hạ đều kết bè kết hội tiến vào Lạc Dương. Ngư Bảo Gia, cha đẻ của “cái rương tố cáo bí mật” đó càng được Võ Tắc Thiên trọng dụng, không những được trọng thưởng rất hậu, còn được phá lệ thăng quan tiến chức, một thời rất lấy làm dương dương tự đắc.

Tuy vậy điều tốt đẹp thường không tồn tại mãi được, có một lá thư tố cáo bí mật chưa được ký tên được đưa vào trong rương, nội dung tố cáo Ngư Bảo Gia từng thiết kế chế tạo các loại vũ khí như đao, kiếm, cung, nỏ… cho Từ Kính Nghiệp khởi binh tạo phản, từng cung cấp phương tiện cho Từ Kính Nghiệp làm phản, tạo thành rất nhiều thương vong cho rất nhiều tướng sĩ dẹp yên phản loạn của triều đình. Võ Tắc Thiên xem xong lá thư tố cáo này, lập tức hạ lệnh lùng bắt Ngư Bảo Gia. Sau khi trải qua điều tra tình huống chân thật, Ngư Bảo Gia bị phán chém ngang lưng giữa phố chợ.

2. Chu Hưng: Gậy ông đập lưng ông

Thời kỳ đầu của Võ Tắc Thiên, vì để củng cố chính quyền của bản thân mình, bà đã áp dụng biện pháp chính trị của những quan lại tàn ác. Bổ nhiệm một bè lũ quan lại tàn ác như Chu Hưng, Lai Tuấn Thần,….. Các quan lại trong triều mỗi ngày đều sống trong nỗi sợ hãi, trước khi vào triều đều nói với người nhà rằng: “Không biết còn có thể thấy mặt nhau nữa hay không?”.

Đầu năm thứ 2 niên hiệu Thiên Thụ (năm 691), ác quan Khưu Thần Tích bị xử tử, có người tố cáo Chu Hưng thông mưu với Khưu Thần Tích. Võ Tắc Thiên lệnh cho Lai Tuấn Thần thẩm vấn. Lai Tuấn Thần bèn mời Chu Hưng ăn cơm, được mấy tuần rượu, liền ra vẻ cao hứng hỏi rằng: “Tù phạm nếu cứ một mực không chịu nhận tội, chúng ta nên làm thế nào mới tốt đây?”.

Chu Hưng cười lớn nói: “Chuyện này quá dễ dàng, đem phạm nhân này bỏ vào trong cái lu, đốt lửa chung quanh cái lu đó, dù có cứng đầu đến đâu cũng phải nhận tội”. Lai Tuấn Thần sai người mang đến một cái lu lớn, đốt khắp xung quanh, sau đó đứng dậy nói rằng: “Lai mỗ vâng theo thánh chỉ của bệ hạ đến thẩm tra ông, mời ông vào trong lu nhé!”. Chu Hưng thấy đại sự không hay, dập đầu xin tha, biểu thị nguyện ý nhận tội. Theo luật thì Chu Hưng đáng xử tử hình, nhưng Võ Tắc Thiên tha chết cho ông ta, cải phán đày đến Lĩnh Nam, trên đường bị kẻ thù giết chết.

Chu Hưng: gậy ông đập lưng ông
Chu Hưng. (Ảnh minh họa: youtue.com)

Đương nhiên kết cục của Lai Tuấn Thần cũng không tốt đẹp đến đâu. Năm thứ 2 niên hiệu Thông Thiên (năm 697), Võ Tắc Thiên đem Lai Tuấn Thần chém giữa phố chợ phơi xác cho mọi người xem. Mọi người dù là già trẻ đều căm hận ông ta, tranh nhau xẻo thịt của ông, rất mau thịt trên người ông ta đã bị cắt sạch.

1. Hoàng đế Sùng Trinh: Bản tính đa nghi hủy cả cơ nghiệp

Đại đa số hoàng đế triều Minh đều chểnh mảng việc triều chính, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng của việc các thế lực trong triều tranh bè kết đảng và hoạn quan chuyên quyền. Chu Do Kiệm, hoàng đế cuối đời có thể nói là một ngoại lệ, sau khi lên ngôi chuyên cần việc triều chính, diệt sạch bè lũ hoạn quan Ngụy Trung Hiền, rửa sạch nỗi oan cho người bị hại, một lần khiến Đại Minh có hiện tượng phục hưng. Sử sách khen ngợi ông: “Nghe tiếng gà gáy liền thức dậy, không ngủ trước nửa đêm, nhiều khi làm việc quá sức thành ra đổ bệnh, trong cung trước sau không có chuyện tiệc rượu múa hát”.

Nhưng cái gen ngờ vực do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương di truyền lại, khiến ông và bề tôi ở vào trạng thái coi nhau như kẻ thù, sống nhờ vào nhau, lợi dụng lẫn nhau. Trong 17 năm ông tại vị, lại thay đổi 50 vị nội các đại học sĩ, thủ phụ (chức quan). Viên Sùng Hoán giữ chức Binh bộ Thượng thư, đội quân thiết kỵ Quan Ninh do ông gây dựng đã ngăn chặn quân Mãn Thanh ở quan ngoại (vùng đất phía đông Sơn Hải Quan hoặc vùng đất phía tây Gia Cốc Quan, Trung Quốc) một cách hữu hiệu. Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Thái Tông Hoàng Thái Cực và các danh tướng Đa Nhĩ Cổn, Đa Đạc, Ngao Bái, trước sau vẫn không băng qua được thành Ninh Viễn.

Năm thứ 2 niên hiệu Sùng Trinh, Hoàng Thái Cực dẫn theo 10 vạn quân vòng qua Mông Cổ, phá vỡ Trường Thành, tiến thẳng đến thành Bắc Kinh. Viên Sùng Hoán một mặt tách binh bố trí chặn đánh đường về của quân Thanh, một mặt đích thân dẫn theo 9 nghìn kỵ binh hành quân cấp tốc hai ngày hai đêm đi hơn 300 dặm, đến Bắc Kinh xả thân vì triều đình, ở ngoài Quảng Cừ Môn đại chiến với 10 vạn quân Thanh, may mắn đánh lui được tiến công của quân Thanh.

Sau khi chiến dịch tập kích Bắc Kinh thất bại, biết Viên Sùng Hoán là một đối thủ rất nguy hiểm, là người duy nhất có khả năng gây trở ngại rất nhiều cho đế nghiệp của mình, Hoàng Thái Cực đã sử dụng đòn ly gián nội bộ để diệt trừ danh tiếng và cả sinh mạng Viên Sùng Hoán.

Biết Sùng Trinh là một ông vua đa nghi, triều thần có nhiều người đố kỵ với Viên Sùng Hoán, Hoàng Thái Cực đã phao tin Viên Sùng Hoán đã có thỏa ước ngầm với Hậu Kim, dẫn đến những thuận lợi trong chiến dịch chống Kim của ông.

Hoàng đế Sùng Trinh: bản tính đa nghi hủy cả cơ nghiệp
Hoàng đế Sùng Trinh vì đa nghi mà giết hại trung lương dẫn đến cơ nghiệp bị hủy hoại. (Ảnh minh họa: read01.com)

Quả nhiên, vua tôi nhà Minh đều trúng kế, lập tức triệu Viên Sùng Hoán vào triều đình vấn tội, trách cứ ông tại sao đưa viện binh về quá trễ, rồi hạ lệnh bắt ông vào ngục. Viên Sùng Hoán cuối cùng bị hoàng đế Sùng Trinh lấy tội danh thông địch phản quốc xử lăng trì, vợ con thì bị bắt đi đày cách xa 3000 dặm.

Đau đớn nhất cho Viên Sùng Hoán là kể cả dân chúng kinh thành mà ông hết lòng bảo vệ, cũng cho rằng Viên Sùng Hoán cấu kết và dẫn đường cho giặc Kim vào xâm lược nên ai cũng hận ông đến tận xương tủy. Sau khi ông thọ hình trước cổng thành, nhiều người đã tranh giành thân xác ông như muốn ăn tươi nuốt sống để thỏa nỗi thù hận.

Cái chết của Viên Sùng Hoán khiến cho quân dân rúng động, binh sĩ tiền phương chán nản và bất mãn. Quân Kim từ lúc đó ngày càng chiếm thế chủ động chiến trường. Nhà Minh đã không còn một viên tướng nào đủ tài năng và nhiệt huyết để có thể đọ sức được với Hoàng Thái Cực, đẩy lùi quân giặc. Cũng chính vì sự kiện này mà các nhà quân sự đời sau bình luận rằng nhà Minh mất nước, không mất vì giặc cướp mà mất ngay từ trong cổng ngõ, không mất ở bờ cõi mà mất ngay từ lời xàm tấu Đài quan (quan Ngự sử).

Năm thứ 16 niên hiệu Sùng Trinh, Lý Tự Thành công phá Bắc Kinh, hoàng đế trèo lên núi Vạn Thọ (tức Môi Sơn, nay là Cảnh Sơn), bước tới dưới một gốc cây hòe ở đình Thọ Hoàng, từng là kiểm duyệt nội thao của hoàng đế. Ông cởi bỏ hoàng bào, giận dữ viết lên mấy lời hoang đường: “Trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư, đều do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, giang sơn xã tắc cũng mất, cơ nghiệp 277 năm, bị hủy trong một sớm, đều là lỗi của bọn gian thần, nên mới đến nông nỗi này”. Nói xong liền treo cổ tự vẫn, năm đó ông 33 tuổi.

Theo Kannewyork.com
Thuận An biên dịch