Công điện ngày 8/8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các tỉnh thanh tra các hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đồng thời yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành khẩn trương có giải pháp cấp bách bảo vệ an toàn người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

Khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải tìm cách di dời người dân và tài sản. Địa phương hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở cho hộ dân bị mất nhà hoặc phải di dời.

Đồng thời, các tỉnh rà soát kỹ, phát hiện kịp thời khu vực nguy sạt lở, lũ quét, nhất là nơi có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp… Người dân cần được hướng dẫn kỹ năng ứng phó sự cố để hạn chế thiệt hại.

Lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt quy hoạch xây dựng, nhất là xây nhà, công trình ở sườn dốc, ven sông suối, ven biển, nơi nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.

Từ đầu tháng 7, sạt lở đất, lũ quét xảy ra tại nhiều nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của người dân. Nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng hư hại, nhất là ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hà Nội, sáng 4/8, lũ quét kéo theo đất đá từ đồi Dõng Chum tràn xuống tuyến đường bêtông dân sinh dài hơn 600 m, rộng 6 m ở xóm Ban Tiện, huyện Sóc Sơn, vùi và làm hư hỏng 13 ôtô. Chính quyền cảnh báo nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài, đặc biệt là mưa trên 100 mm, sẽ uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.

Tại Yên Bái, tối 5/8, mưa như trút nước xuống xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải cuốn sập hàng chục ngôi nhà, làm ngập đường, chia cắt quốc lộ.

Tại Tây Nguyên, sau nhiều ngày mưa lớn, thân và chân đập thủy lợi Đăk N’Ting, huyện Đăk G’long xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, nguy cơ vỡ, gần 100 người phải sơ tán. Hôm nay, tỉnh Đăk Nông công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Chiều 30/7, một mảng đồi trên đèo Bảo Lộc sạt xuống trụ sở cảnh sát giao thông khiến ba cảnh sát và một người dân tử vong.