Hạ tầng đô thị quá tải do mục tiêu giãn dân các quận nội đô không đạt, trong khi dân số thành phố tiếp tục tăng nhanh sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.

Mùa thu 2022, tức 14 năm sau ngày Hà Nội mở rộng, 713 phụ huynh phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) đi bốc thăm giành suất cho con ba tuổi vào trường mầm non công lập do số đăng ký gấp đôi chỉ tiêu.

Chiếc hòm chứa lá thăm đặt tại hội trường trước sự chứng kiến của phụ huynh, chính quyền phường Hoàng Liệt và đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai. Các phụ huynh phải lấy số thứ tự rồi mới bốc thăm tuyển sinh. Dấu mốc đầu đời của con trẻ được quyết định bởi bàn tay may rủi của cha mẹ.

Một phụ huynh đưa con đến tham dự buổi bốc thăm giành suất vào trường Mầm non Hoàng Liệt, 8/2022. Ảnh: Duy Phương
Một phụ huynh đưa con đến tham dự buổi bốc thăm giành suất vào trường Mầm non Hoàng Liệt, 8/2022. Ảnh: Duy Phương

Lo lắng đến mất ngủ là tâm trạng của chị Ngọc Anh suốt hai tuần kể từ khi nhận được giấy mời đi bốc thăm. Sinh ra ở làng Tứ Kỳ, nơi đặt trụ sở trường Mầm non Hoàng Liệt, chị nói việc bốc thăm “vô lý không chấp nhận được”. Bởi người dân nơi này từng hiến đất xây trường nên con cái phải được ưu tiên.

Tuy nhiên, phụ huynh buộc phải chấp nhận bởi đó là cách duy nhất đảm bảo công bằng khi số hồ sơ đăng ký gấp đôi năng lực tiếp nhận của trường. Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể nhận 333 trẻ ba tuổi, đáp ứng hơn 46% nhu cầu. 380 trẻ còn lại sẽ phải vào trường tư hoặc lựa chọn khác.

‘Chiếc áo’ chật chội

Hoàng Liệt, phường cửa ngõ phía nam năm 2012 có khoảng 30.000 dân và chỉ mất 10 năm sau để dẫn đầu Thủ đô với hơn 92.000 người.

Năm ngoái, phường có 8.150 trẻ mầm non nhưng chỉ một trường công lập, 5 trường tư thục và 79 nhóm lớp độc lập. Mỗi năm, phường tăng thêm 2.000 trẻ mầm non song cơ sở vật chất lẫn giáo viên chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu, số còn lại phải vào trường tư hoặc nhóm lớp độc lập.

Năm học 2023-2024, toàn phường có gần 5.800 trẻ mầm non nhưng chỉ tiêu vào trường công chỉ 620, tức hơn 10%. Một cuộc bốc thăm giành suất vào mầm non có thể tái diễn.

Với cấp tiểu học, hơn 8.000 học sinh phân bố vào ba trường công lập Hoàng Liệt, Chu Văn An và Linh Đàm. Các lớp có sĩ số 47-55 em, vượt tiêu chuẩn 35 em mỗi lớp. Sự quá tải thệ thống giáo dục ở phường đông dân nhất Thủ đô chỉ là minh chứng nhỏ cho sức ép dân số mà trung tâm Hà Nội đang phải gánh.

“Ở lại nội đô Đống Đa hay ra huyện ngoại thành Hoài Đức?”, câu hỏi mà gia đình anh Phan Văn Tài mất bốn năm mới quyết định được. Cuộc thương thảo trong gia đình ba thế hệ diễn ra nhiều tháng cuối năm 2021, trước khi họ rời khỏi ngôi nhà cạnh ga Hà Nội để về khu đô thị ngoại ô cách 18 km.

Anh Tài mua một suất dự án ở An Khánh năm 2012 khi nhìn thấy rõ cơ hội sinh lời. Sau nhiều năm sống ở quận Đống Đa, nơi có mật độ dân cư cao nhất thành phố, anh muốn chuyển về ngoại ô cho “dễ thở”. Khu đô thị được giới thiệu đầy đủ tiện ích, có vườn hoa, hồ điều hòa…, được kỳ vọng là không gian sống lý tưởng để mẹ anh (75 tuổi) cải thiện sức khỏe.

“Ai cũng tâm tư. Thay đổi nơi sống không dễ dàng, nhất là khoản đi lại khá nhiêu khê”, người đàn ông gần 50 tuổi nhớ lại.

Vợ anh không muốn ra ven đô vì ngại đường xa. Tính từ nhà cũ ở Trần Quý Cáp, chị mất 10 phút đưa con đến trường ở Giảng Võ, thêm 15 phút phóng xe máy đến cơ quan ở Tam Trinh. Chuyển về Hoài Đức, chị sẽ mất hơn một giờ di chuyển trên hai chặng xe buýt và đợi thêm nửa tiếng nếu lỡ chuyến. Ngày mưa, taxi trở thành lựa chọn duy nhất với chi phí hơn 300.000 đồng cho gần 20 km.

Đại lộ Thăng Long – con đường 8.000 tỷ trở thành điểm sáng nhất trong hạ tầng giao thông kết nối đô thị vệ tinh Hòa Lạc cùng các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất với trung tâm. Nhà nằm gần cuối đại lộ, anh Tài sẽ phải ra khỏi nhà sớm một tiếng vào các ngày họp cơ quan trên phố Huỳnh Thúc Kháng, tránh cảnh tắc nghẽn.

Chênh lệch cơ sở hạ tầng đô thị giữa nội và ngoại thành khiến anh Tài cũng như nhiều người dân ngại rời trung tâm. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng anh chuyển về nhà mới trước, con trai ở lại nhà cũ để tiện đường đi học khi trở thành sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân. Nhiều hàng xóm của anh sau thời gian chuyển về An Khánh lại bán nhà để quay về nội đô, thuận tiện cho con đi học.

Nguyễn Trãi - "con đường đau khổ" với người dân thủ đô giờ cao điểm. Ảnh: Ngọc Thành
Nguyễn Trãi – “con đường đau khổ” với người dân thủ đô giờ cao điểm. Ảnh: Ngọc Thành

Vì sao quá tải?

15 năm trước, đề án mở rộng Hà Nội được đặt lên bàn nghị sự tại Quốc hội, một trong những lý do là “hạ tầng kỹ thuật không thể đáp ứng tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao”. Cuộc đại điều chỉnh tháng 8/2008 đã nâng diện tích thành phố lên 3,6 lần, dân số tăng thêm 80%, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích đứng thứ 17 thế giới.

Ba năm sau đó, bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch 1259) ra đời với mục tiêu mở rộng không gian và giảm tải cho hạ tầng đô thị. Thành phố đặt mục tiêu kiểm soát tăng dân số cơ học, giãn dân nội đô, trước hết đưa dân số bốn quận lõi Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng từ 1,2 xuống 0,8 triệu người. Tuy nhiên, bốn quận vẫn trên một triệu người tính đến cuối năm 2022.

Bản quy hoạch dự báo dân số Hà Nội đạt khoảng 7,5 triệu năm 2020 với mức sinh trung bình. Thực tế thành phố chỉ mất 5 năm để cán mốc này và đến nay dân số vượt dự báo gần một triệu, đạt khoảng 8,5 triệu. Số tăng thêm bình quân mỗi năm bằng dân số một quận nội thành. 12 quận chỉ chiếm 9% diện tích nhưng “gánh” trên 45% dân số Thủ đô, khoảng 3,8 triệu. Tại các quận nội đô mở rộng như Hà Đông, Hoàng Mai, dân số thậm chí tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Mật độ dân số nội đô hiện đạt 22.000 người/km2, gấp đôi so với trước thời điểm Hà Nội mở rộng. Riêng quận Hai Bà Trưng là 29.000 người/km2, Đống Đa 37.800 người/km2, thuộc loại cao nhất thế giới.

Thành phố lý giải phần lớn là gia tăng dân số cơ học từ người nhập cư, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở…

“Dân số cơ học tăng nhanh ở trung tâm Hà Nội, trong khi phát triển hạ tầng giao thông lại rất chậm so với nhu cầu và quy hoạch chung Thủ đô”, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, chỉ ra nguyên nhân nội đô Hà Nội quá tải.

Hà Nội đã thất bại với cuộc thử nghiệm buýt nhanh BRT, trong khi các tuyến metro liên tục trễ hẹn. Thành phố mới có 12 km đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông với khả năng vận chuyển 32.000 lượt khách mỗi ngày. Năng lực vận tải công cộng của Hà Nội chưa tới 17% trong khi quy hoạch đến năm 2020 cần đáp ứng 35%.

Vận tải công cộng không đáp ứng nhu cầu khiến phương tiện cá nhân tăng nhanh. Trong 10 năm, số ôtô tăng ba lần từ 389.000 lên hơn một triệu; xe máy từ 4,2 lên 6,5 triệu, bình quân cứ 1,3 người Thủ đô lại sở hữu một xe máy; chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành. Trong khi đó, số km đường chỉ tăng 1,3 lần.

Trên tuyến vành đai, trục hướng tâm, những cuộc ùn tắc diễn ra “quy mô và thường xuyên hơn” dù số điểm đã giảm 70% so với 10 năm trước, theo báo cáo của ngành giao thông Hà Nội. Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải tính toán ùn tắc giao thông khiến Hà Nội thiệt hại 1-2 tỷ USD mỗi năm (khoảng 23.000-28.000 tỷ đồng).

Nhìn lại quy hoạch đô thị Hà Nội từ 1954 đến nay, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết thành phố đã phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể 7 lần, song sức ép dân số vào nội thành không giảm, ngược lại còn tăng, mật độ dân số Hà Nội hiện nay thuộc loại cao nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông, bãi đỗ xe, không gian đi bộ và giao thông phi cơ giới, không gian công cộng rất thấp.

Các đô thị Bắc Mỹ dành 35-40% quỹ đất cho không gian chung như đường phố, vỉa hè, đỗ xe. Tại châu Âu và một số đô thị hiện đại châu Á, tỷ lệ là 20-25%. Hệ thống vận tải công cộng của các đô thị này tốt so với thế giới, song ách tắc giao thông vẫn diễn ra.

Suốt thập kỷ qua, tỷ lệ quỹ đất cho giao thông ở Hà Nội chỉ chiếm 8-10% tổng diện tích đất đô thị, trong khi quy hoạch đến năm 2020 cần đạt 20-26%. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%, trong khi xe cơ giới tới 750 xe/1.000 dân.

Để giảm tải hạ tầng đô thị, quy hoạch 1259 cũng đặt mục tiêu di dời nhà máy, xí nghiệp, đại học, trụ sở bộ ngành khỏi nội đô, nhưng triển khai rất chậm chạp. Cuối tháng 7 vừa qua, tức sau 12 năm có quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch trụ sở các bộ ngành ở khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây mới được công bố.

Hòa Lạc dự kiến là khu đô thị đại học nhưng mới có trường đại học FPT và Đại học Quốc gia Hà Nội đặt trụ sở tại đây. Một số nhà máy, cơ quan chấp nhận di dời khỏi nội đô lại bị thay thế bởi tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại cao tầng, làm gia tăng dân số, gây sức ép lên hạ tầng đô thị.

Một trong những giải pháp giãn dân được kỳ vọng nhất ở bản quy hoạch 1259 là hình thành 5 khu đô thị vệ tinh của Hà Nội gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, chùm đô thị vệ tinh sau hơn một thập kỷ vẫn trong tình trạng quy hoạch “treo”, khi chỉ có 2 khu hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (Xuân Mai và Phú Xuyên) và chưa có cơ chế tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư cũng như chính sách khuyến khích người dân đến làm việc.

Các tòa cao ốc lèn chặt khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) nhìn về hướng tây nam Thủ đô, tháng 7/2023. Ảnh: Ngọc Thành
Các tòa cao ốc lèn chặt khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) nhìn về hướng tây nam Thủ đô, tháng 7/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Sau 15 năm Hà Nội mở rộng và 12 năm triển khai quy hoạch chung 1259, chính quyền thành phố nhận định diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp như: quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm, kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.

Do vậy, Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065, với mục tiêu trở thành “thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Trong khi chờ quy hoạch mới, chính quyền các quận phải xoay xở để giải bài toán quá tải. Như Hoàng Mai chủ trương đề nghị thành phố cho nâng thêm tầng khi triển khai dự án trường học. Trường mầm non chồng thêm 4-5 tầng, khối tiểu học và trung học thêm 5-6 tầng ở những khu dân cư khó có khả năng mở rộng do vướng giải phóng mặt bằng.

Tương tự để tăng chỗ vào lớp 10 trường công khu vực nội thành và giáp ranh, ngành giáo dục Hà Nội xin “xé rào” mở thêm 5 lớp mỗi trường, nâng sĩ số lớp thêm 5%.

Nhưng ngay cả khi chủ trương xây thêm trường được chấp thuận, quy trình từ thủ tục tới khi xây dựng xong cũng mất 2-5 năm nếu không gặp vướng mắc. Trong khi đó, mỗi năm Hoàng Mai tăng thêm 4.000 học sinh. Như vậy, nhiều phụ huynh trong những năm kế tiếp rất có thể sẽ phải bốc lá thăm may rủi hay xếp hàng dài từ nửa đêm để có suất cho con vào học trường công.

Năm ngoái may mắn không đến với chị Ngọc Anh khi bốc trúng tờ phiếu “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”. Không đủ điều kiện cho con học trường tư, chị đành cho con theo nhóm lớp độc lập. Hai năm nữa con vào lớp 1, chị lại nơm nớp lo sợ không có suất vào trường công.

Theo VNE