Nhật Bản gần đây bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima, gây hoang mang rộng rãi trong người dân Trung Quốc, lúc đầu người dân điên cuồng mua muối dự trữ, sau đó không dám ăn hải sản, giờ lại tranh nhau mua máy dò phóng xạ hạt nhân đến cháy hàng.  Tuy nhiên, thật bất ngờ, người ta không những không phát hiện ra bức xạ hạt nhân trong nước biển vượt tiêu chuẩn, mà ngược lại phát hiện bức xạ hạt nhân trong nhà của chính mình đã vượt quá tiêu chuẩn gần một nghìn lần.

Một số học giả cho rằng, bức xạ hạt nhân của vật liệu xây dựng của Trung Quốc nhìn chung đã vượt quá tiêu chuẩn; đối với việc xả nước thải Fukushima ra biển khiến người dân Trung Quốc hoảng sợ, các học giả khác cho rằng, điều này không đáng lo ngại, vì nước thải đã được qua xử lý.

Theo Newstalk, một cư dân mạng Trung Quốc đăng trên mạng xã hội rằng, anh ta đã sử dụng máy đếm Geiger – một dụng cụ điện tử dùng để phát hiện và đo bức xạ ion hóa để đo bức xạ hạt nhân tại nhà mình và phát hiện ra rằng, giá trị bức xạ thực sự cao gấp 976 lần so với con số từ nước của Tokyo, Nhật Bản.

Bài đăng cho biết, giá trị bức xạ trong nhà anh ta còn cao hơn bức xạ của nước thải nhà máy Fukushima 3.0, thỉnh thoảng tăng tới 9,7, anh nói rằng giá trị này “thực sự khiến bản thân choáng váng!”

Cư dân mạng này chỉ ra rằng, theo dữ liệu từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, giá trị nước thải hạt nhân do Nhật Bản thải ra ở Tokyo là 0,01, còn dữ liệu của nhà anh ta cao gấp 976 lần so với nước thải ở Tokyo. Người này nói, máy đếm Geiger mua được nửa năm, không ngờ ngay khi vừa đo ở nhà đã phát nổ. Hiện tại đầu anh ta đang rất đau và muốn biết đây là hiện tượng phổ biến hay hiện tượng cá biệt.

Bài đăng đã được chụp màn hình và lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc như The Paper và Tin tức Cửu Phái, máy dò bức xạ hạt nhân, một sản phẩm không được ưa chuộng với đơn giá từ 350 đến 500 nhân dân tệ, đã trở thành cơn sốt ngay lập tức sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước đã qua xử lý hạt nhân vào ngày 24 tháng 8. Theo mua sắm trực tuyến, số liệu tìm kiếm nóng cho thấy lượng tìm kiếm “máy dò bức xạ hạt nhân” đã tăng 232% so với một tuần trước.

Chỉ chưa đầy một tuần, máy dò bức xạ hạt nhân ở Trung Quốc nhanh chóng cháy hàng. Kể từ tháng 8, doanh số bán hàng của một số nhà sản xuất đã vượt quá 10.000 chiếc, gấp nhiều lần doanh số hàng tháng trước đó. Một số nền tảng bán hàng cho thấy có hàng chục nghìn đơn đặt hàng máy dò bức xạ hạt nhân vẫn chưa được xử lý.

Theo báo cáo của Tian’mu News, những người Trung Quốc đã mua thành công máy dò bức xạ hạt nhân đều nóng lòng muốn đo xung quanh môi trường của họ ngay khi nhận được hàng. Đúng như kết quả mà cư dân mạng Trung Quốc nói trên thu được, nơi có lượng phóng xạ hạt nhân cao nhất thực chất lại chính là nhà của mình.

Báo cáo dẫn lời một phụ nữ họ Hạ đến từ một thành phố ven biển ở tỉnh Chiết Giang cho biết, cô lấy máy dò bức xạ ra ngoài trời để đo thì hiển thị mức độ bức xạ ở mức 0,06 đến 0,08  Sievert (Si-vờ) /giờ, nhưng khi cô mang về nhà đo thì mức phóng xạ đã tăng lên 0,1 đến 0,2 Sievert/giờ. Trong đó, giá trị bức xạ trong nhà vệ sinh và phòng ngủ là cao nhất.

Theo báo cáo, nhiều người Trung Quốc đã khoe số đo bức xạ hạt nhân của họ ở trên mạng và hầu hết trong số đó là khoảng 0,1 Sievert (Si-vờ) /giờ, tương tự với những gì cô Hạ đo được. Do đó, một số người nghi ngờ rằng những bức xạ hạt nhân này đến từ vật liệu xây dựng, trong đó gạch men và đá cẩm thạch có mức độ bức xạ rất cao.

Một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, nếu trong tương lai họ muốn lắp đặt nội thất, chắc hẳn ai cũng sẽ có một chiếc máy dò để tự mình phát hiện mức độ phóng xạ của vật liệu xây dựng’.

Về điều này, ông Thẩm Vinh Khâm (沈荣钦), phó giáo sư tại Đại học York ở Canada chỉ ra rằng, vật liệu xây dựng của Trung Quốc nhìn chung có vấn đề về bức xạ hạt nhân quá mức, điều này đã khiến nhiều người dân Trung Quốc bị sốc, người dân ở các thành phố khác cũng đo theo, bước đầu cho thấy tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong các tòa nhà Trung Quốc không phải là hiếm, người dân bắt đầu phàn nàn về các nhà phát triển bất động sản, đồng thời họ cũng nghi ngờ liệu có sự thông đồng nào giữa chính phủ và doanh nghiệp hay không.

Ông Thẩm tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính từ Tập đoàn Hằng Đại và Bích Quế Viên đến SOHO đã làm vỡ bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, giờ đây mọi người nhận thấy rằng ô nhiễm phóng xạ hạt nhân không đến từ biển mà đến từ các gia đình và văn phòng, và họ bị phơi nhiễm quá mức ô nhiễm hạt nhân mỗi ngày. Phát hiện này tương đương với việc gây thêm tổn thương cho thị trường bất động sản đang suy thoái và khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn.

Một bài báo đăng trên tạp chí “The Conversation” của Nigel Marks, phó giáo sư vật lý tại Đại học Công nghệ Curtin ở Úc và các chuyên gia khác, đã chỉ ra rằng, bức xạ thực sự có ở khắp mọi nơi và đã có khoảng 8,4 kg tritium trong nước biển của Thái Bình Dương. Nếu so sánh, thì tổng lượng tritium trong nước thải từ nhà máy Fukushima nhỏ hơn nhiều, khoảng 3 gram.

Phó giáo sư Marks nói thẳng rằng, xả nước thải Fukushima ra biển sẽ không “giết chết” Thái Bình Dương.