NK News ngày 27 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hướng dẫn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tham quan một cuộc triển lãm vũ khí quy mô lớn ở Bình Nhưỡng hôm thứ Tư. Tại đây các máy bay không người lái mới giống máy bay Mỹ và các tên lửa khổng lồ có khả năng tấn công Washington đã được đem ra trình diễn.

Các chuyên gia đánh giá rằng: cuộc gặp cấp cao với vị tướng chịu trách nhiệm giám sát cuộc xâm lược Ukraina của Điện Kremlin giống như một màn chào hàng, một dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên đang tìm cách cung cấp vũ khí hạng nặng cho nỗ lực chiến tranh của Nga.

“Đây là một vấn đề rất lớn,” Yang Uk, một chuyên gia quân sự tại Viện Asan nói với NK News . Ông cho rằng: “Kim Jong Un dường như đang làm việc với tư cách là người bán hàng số một của Triều Tiên”.

Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên bán pháo thông thường cho Nga vào năm ngoái, và đã cung cấp vũ khí cho Tập đoàn bán quân sự Wagner. Nhưng cho đến nay, chưa có báo cáo xác minh nào về việc vũ khí của CHDCND Triều Tiên xuất hiện trên chiến trường ở Ukraina.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc ông Kim háo hức phô diễn một số tên lửa lớn nhất của Triều Tiên có thể thay đổi điều đó.

Ông Yang nói với NK News rằng: chuyến thăm của ông Shoigu trong bối cảnh Điện Kremlin đang xâm lược Ukraina, “nên được coi là một nỗ lực để xác định liệu Triều Tiên có thể cung cấp vũ khí hay không”. Ông nói thêm: “Nga đã bị thiếu đạn dược và vũ khí trong suốt cuộc chiến ở Ukraina”.

Do khả năng khởi động hoạt động mua bán vũ khí này, ông đánh giá rằng: cuộc triển lãm vũ khí của CHDCND Triều Tiên dành cho phái đoàn quân sự Nga, “có thể quan trọng hơn” cuộc duyệt binh dự kiến ​​diễn ra vào thứ Năm.

Đáng chú ý, phái đoàn Nga đến thăm triển lãm vũ khí bao gồm Thứ trưởng Quốc phòng Aleksei Krivoruchko, người chịu trách nhiệm trang bị vũ khí cho các lực lượng Nga và mua sắm vũ khí mới.

Theo Tarao Goo – nhà phân tích của Oryx và Deep Dive, các loại vũ khí của Triều Tiên mà Nga quan tâm nhất là tên lửa đạn đạo tầm ngắn như KN-23, KN-24 hoặc KN-25. 

Chuyên gia Goo nói: “KN-23 dựa trên tên lửa Iskander của Nga và gần như giống hệt nhau, nhưng có hình dạng hơi khác một chút. Gần đây, Nga ít khai triển Iskander hơn. Tôi không biết liệu họ đã thay đổi chiến lược hay họ đã giảm kho dự trữ tên lửa, nhưng Triều Tiên là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có thể phát triển và cung cấp cho Nga loại vũ khí tương tự”.

Theo ông Goo, tên lửa của Triều Tiên dành cho bệ phóng nhiều tên lửa và đạn pháo 152mm và 122mm, cũng có thể nằm trong danh sách mua sắm của Nga. 

Tên lửa KN-23 và bệ phóng nhiều tên lửa nằm trong số các khả năng được trưng bày tại triển lãm vũ khí của Triều Tiên, cùng với các phương tiện bay không người lái (UAV) chưa từng thấy trước đây.

Daniel Pinkston – giảng viên tại Đại học Troy cho rằng: nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự của hai nước không chỉ hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga, mà còn mang lại lợi ích cho các mục tiêu phát triển vũ khí của CHDCND Triều Tiên, bao gồm cả chương trình máy bay không người lái.

Ông nói: “Trong thời chiến, có những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ quân sự do nhu cầu đẩy nhanh quá trình phát triển. Tôi nghĩ rằng khả năng chuyển giao công nghệ và học tập mang đến cho người Triều Tiên cơ hội tiếp thu và tích hợp những công nghệ đó”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng, chuyến tham quan triển lãm vũ khí của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu là về mua bán vũ khí hoặc hợp tác công nghệ. Nhưng họ nhấn mạnh các hàm ý chính sách đối ngoại của chuyến thăm của phái đoàn Nga.

Vasily Lebedev, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo nói với NK News rằng: “Tôi rất nghi ngờ rằng Nga sẽ cung cấp cho Triều Tiên bất kỳ công nghệ nào. Triều Tiên rất mong muốn có được một số phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân, để họ có thể răn đe Seoul tốt hơn. Nhưng đối với tôi, có vẻ như còn quá sớm để chỉ xem xét khía cạnh quân sự ở đây”.

Thay vào đó, chuyên gia Lebedev gợi ý rằng, chuyến đi của ông Shoigu tới Bình Nhưỡng và cuộc gặp với Kim Jong Un nhằm gửi một thông điệp tới Hàn Quốc, như một lời cảnh báo về việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraina.

Ông nói: “Liên bang Nga muốn tránh càng nhiều càng tốt sự can dự trực tiếp của Hàn Quốc vào cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Nhưng vì các cuộc đàm phán với phía Hàn Quốc về vấn đề này khó có thể thực hiện được do các nghĩa vụ của Hàn Quốc đối với Mỹ, nên một lá bài khác đang được sử dụng trong trường hợp này”.

Lebedev lưu ý rằng, Nga trước đây đã đe dọa gửi vũ khí đến Triều Tiên nếu Seoul trang bị vũ khí cho Kyiv: “Và [chuyến thăm của Nga] này là một gợi ý rõ ràng về điều đó”.

Hàn Quốc cho đến nay đã chống lại áp lực cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraina, thay vào đó cung cấp hỗ trợ nhân đạo và viện trợ quân sự gián tiếp bằng cách bán vũ khí cho Ba Lan.

Gabor Sebo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên Kyu-jang-gak cũng lập luận tương tự, rằng cuộc gặp cấp cao nhất nhằm thể hiện sức mạnh của liên minh, hơn là về khả năng bán vũ khí.

Ông nói với NK News : “Việc Nga cử đại diện cấp bộ trưởng cao nhất, ông Sergei Kuzhugetovich Shoigu, tới CHDCND Triều Tiên gửi một thông điệp tới Mỹ rằng cả hai quốc gia đều cam kết thể hiện mối quan hệ ngoại giao lâu dài và không thể phá vỡ” .

Ông lưu ý rằng, các chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc và Nga diễn ra trong bối cảnh “sự phục hưng của trật tự thế giới lưỡng cực”, khi Bắc Kinh và Matxcova thấy mình ngày càng liên kết với nhau để chống lại “sự thống trị quân sự toàn cầu” của Mỹ.

Trong bối cảnh này, chuyên gia Sebo cho biết: việc họ tham gia sự kiện của CHDCND Triều Tiên trong tuần này là “một thông điệp cảnh báo rõ ràng tới Mỹ rằng, Triều Tiên vẫn không đơn độc”.