Michelangelo (1475 – 1564) là một họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng thời kỳ Phục hưng. Các tác phẩm điêu khắc của ông là đỉnh cao về sự trau chuốt tỉ mỉ và thần thái vô cùng chân thực, sống động. Thậm chí với tác phẩm “David”, ông khiến Leonardo Da Vinci đố kỵ và quyết tâm tạo ra được một tác phẩm hội họa có tiếng vang lớn: “Mona Lisa”.

Xem thêm: Đi tìm lời giải ‘nụ cười bí ẩn’ trong bức họa nổi tiếng ‘Mona Lisa’ của Leonardo Da Vinci

(tiếp theo Phần 1)

Sự nghiệp nghệ thuật thời kỳ đầu

Sau cái chết của Lorenzo năm 1492, Michelangelo trở về nhà của cha ông. Trong thời gian này, với sự hỗ trợ của tu viện trưởng Santo Spirito của nhà thờ Florence, ông có thể sử dụng những thi thể trong bệnh viện của tu viện để nghiên cứu giải phẫu. khám phá bí ẩn về cấu trúc cơ thể con người. Kết quả, Michelangelo đã tạc được một bức tượng Chúa Giê-su bằng gỗ để tặng cho nhà thờ.

Tuy nhiên, cái bóng quyền lực của Savonarola đã thay thế Medici, dần bao trùm Florence. Ông ta chỉ trích Giáo hoàng Alexander VI và cảnh cáo nghiêm khắc gia đình Medici rằng sự phù phiếm xa xỉ sẽ mang đến thảm họa cho Florence. Ông ta khuyến khích người dân Florence từ bỏ tất cả sự giàu có và hưởng thụ của con người để có được sự cứu chuộc. Lời tiên tri của Savonarola rất thuyết phục vào thời điểm đó, khi Florence đang đối mặt với mối đe dọa của quân đội Pháp.

Trong tâm Michelangelo có mâu thuẫn lớn. Ông bị thuyết phục bởi lời rao giảng của Savonarola, nhưng rất đau lòng khi ông ta nghiêm khắc buộc tội vẻ đẹp nhân thể trong nghệ thuật Hy Lạp và La Mã.

Tháng 10 năm 1494, ngay trước cuộc xâm lăng của vua Charles VIII, Michelangelo, người vốn rất nhạy cảm và cảnh giác, đã lo mình bị liên lụy nên đã rời khỏi Florence đến Venice và Bologna. Ông đã hoàn thành phần cuối cùng của bức tượng cho điện thờ thánh Dominic (Santo Domingo) và bức tượng “Thánh John người rửa tội“, được coi là hình ảnh của bản thân ông. Hình ảnh vị thanh niên có vẻ nổi loạn này cho thấy sức mạnh, nhưng lại thiếu đi sự bình tĩnh.

Đây là ảnh về
Tranh: Sự thống trị của Savonarola (Nguồn ảnh: commons.wikimedia)

Một năm sau, Michelangelo mới trở lại Florence, nơi Savonarola đang nắm quyền. Nhưng ông không nhận được bất cứ công việc nào hay sự ủy thác nào từ Savonarola. Vì thế nhà điêu khắc trẻ phải tìm kiếm công việc từ gia đình Medici. Để có tiền, Michelangelo thậm chí còn làm một bức tượng thần cupid đang ngủ, làm giả thành một món đồ cổ để đem bán. Người trung gian sau đó đã bán cho Raffaele Riario. Sau khi món hàng đến tay Raffaele Riario, ông ta nhận ra ngay đây là đồ giả, nhưng lại bị thu hút bởi giá trị điêu khắc của bức tượng này nên đã mời Michelangelo tới Rome làm việc.

Chuyến đi đầu tiên đến Rome

Tại Rome, Michelangelo đã làm cho Raffaele Riario một bức tượng vị thần rượu La Mã Bacchus. Bức tượng thể hiện một chàng trai trẻ say xỉn, đứng nghiêng nghẹo, thân thể tròn trịa, nhưng biểu cảm đờ đẫn chán chường. Dưới chân anh ta còn có một tiểu thiên thần đang cầm những chùm nho, toét miệng cười. Có lẽ Michelangelo muốn qua đó chỉ trích biểu hiện thô tục của sự phóng túng. Nhưng kỹ thuật biểu hiện quá lộ liễu này đã làm cho Raffaele Riario từ chối chấp nhận nó. Bức tượng này về sau được đem đến cho người chủ ngân hàng Jacopo Galli và đặt trong khu vườn nhà ông.

Đây là ảnh về
Tượng thần rượu nho “Bacchus” (Ảnh: epochtimes)
Đây là ảnh về
Thiên thần đứng sau thần rượu nho “Bacchus” (Ảnh: artium)

Tuy nhiên, chuyến đi đến Rome rất có ích cho Michelangelo: Đầu tiên là để tránh xa “Cơn bão Savonarola”. Savonarola đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và xã hội ở Florence, cộng với việc kiểm soát nghiêm ngặt về nghệ thuật, thậm chí còn đốt đi một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật được quy cho là không đáp ứng yêu cầu. Điều đó đã cản trở nghiêm trọng sự phát triển của nghệ thuật. Thứ hai, ở Rome có một số lượng lớn các di tích, tạo cơ hội cho Michelangelo quan sát và học hỏi. Giới thượng lưu giàu có và trí tuệ ở đó cũng cung cấp cho ông khả năng có được kiến thức mới và gặp gỡ các nhà quý tộc trong tương lai.

Tác phẩm nổi tiếng: Pieta (Tượng “Đức Mẹ sầu bi”)

>> Xem thêm: Tượng ‘Đức Mẹ sầu bi’ của Michenlangelo: kiệt tác điêu khắc vĩ đại thời Phục Hưng

Tháng 11 năm 1497, viên đại sứ Pháp tại Tòa thánh – Jean Bilhères de Lagafas – đã ủy nhiệm cho Michelangelo thực hiện tác phẩm điêu khắc “Đức Mẹ sầu bi”. Công việc này được Michelangelo thực hiện tại nghĩa trang của Nhà nguyện Santa Petronilla và được hoàn thành hai năm sau đó, khi Michelangelo chỉ mới 24 tuổi.

Bức tượng thể hiện Đức mẹ đang ngồi ôm Chúa Giêsu trên tay, như kim tự tháp vững chắc và nghiêm trang. Tạo hình của các nhân vật có khí thế cùng nội hàm. Kết cấu của cơ bắp và các nếp gấp của y phục, kết hợp với sự thay đổi của từng chi tiết trên cơ thể đều phản ánh sức mạnh truyền cảm rất lớn của nghệ thuật.

Đây là ảnh về
Tác phẩm “Pietà” (Ảnh: artium)

Vasari mô tả Chúa Giê-su của Michelangelo như sau: “Tôi không thể tưởng tượng được có một cảnh tượng cái chết chân thực hơn thế này. Tư thế đầu mềm mại rất hài hòa với các cơ cánh tay, cơ thể và chân, các chi tiết tinh tế của cổ tay, cho đến các mạch máu làm cho mọi người phải ngạc nhiên trước một phàm nhân có thể tạo ra một tác phẩm thiêng liêng và đáng kính như vậy trong một thời gian rất ngắn…Thật là một phép màu, thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của máu thịt trên một tảng đá“.

Một vị ký giả khác mô tả về Đức mẹ Mary của Michelangelo: “Đức mẹ ngồi trên tảng đá dựng lên cây thánh giá và giữ người con trai nằm trên đùi, thể hiện một vẻ đẹp tuyệt vời và hiếm có, khiến người xem hoàn toàn xúc động“.

Điểm nổi bật của tác phẩm này là cho thấy sự khéo léo vô song của nghệ sĩ cùng kiến ​​thức giải phẫu thân thể người chính xác và dứt khoát. Thứ hai, vẻ đẹp cao quý và tình cảm của các nhân vật thể hiện ý nghĩa sâu sắc, vượt thời gian. Đặc biệt là hình tượng Đức mẹ, với khuôn mặt đẹp lý tưởng và sự hướng nội của cảm xúc; trên thực tế giống như thẩm mỹ của nghệ thuật Hy Lạp cổ điển.

Michelangelo (trái) và Francesco Ferrucci với bản thiết kế pháo đài của thành phố Florence. Minh họa bởi Guglielmo De Sanctis.

Một số người thắc mắc rằng khuôn mặt của Đức mẹ có vẻ còn quá trẻ. Câu trả lời là: Một người phụ nữ gìn giữ trinh tiết có thể giữ được tuổi trẻ của mình, Chúa sẽ dùng điều này để chứng minh đức hạnh của nàng. Ngoài ra, Michelangelo còn thể hiện sự điềm tĩnh và chiêm nghiệm như các vị thần Hy Lạp thời cổ đại. Cảm xúc duy nhất bộc lộ ra là hình ảnh cánh tay trái yếu đuối, như không thể thể chịu đựng nổi nỗi đau buồn tột cùng này.

Tác phẩm sau khi ra đời ngay lập tức được công chúng đánh giá cao. Nhưng lúc đó có chuyện xuyên tạc rằng bức tượng là tác phẩm của nhà điêu khắc Christopher của Milan. Michelangelo sau đó đã phải khắc tên mình trên dây đeo vai trước ngực Đức mẹ. Từ đó trở đi, cái tên “Michelangelo” không còn là của một người vô danh nữa. Tác phẩm mang chữ ký duy nhất của Michelangelo này thậm chí đã tạo cho ông danh tiếng là một nhà điêu khắc vĩ đại.

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Xem thêm: