Vào thời nhà Thanh, có một nhóm người tiến vào núi sâu để đốn gỗ. Sau khi họ rời đi không lâu, nhân gian liền phát sinh hồng thủy. Bởi có một số người đã tình cờ gặp những người có nguồn gốc kỳ lạ này, vì vậy nhân gian đã lưu lại truyền thuyết “Long cung phạt mộc”.

Một năm nọ, khi Lương Chương Cự, một viên quan Thanh triều, đi qua Hàng Châu, nghỉ ngơi vãn cảnh ở chùa Tịnh Từ. Các con của Lương quân cho rằng chuyện vận chuyển gỗ từ dưới giếng cổ lên chỉ là một truyền thuyết dân gian, không thể tin được và rất khả nghi.

Vị tăng nhân ở đó kể: “Tương truyền vào những năm Gia Định thời Tống, đại sư Đạo Tế vì kiến tạo chùa Tịnh Từ, tất cả cột trụ chính bằng thân gỗ đều từ trong giếng này vận chuyển ra. Vì vật liệu cho xây chùa đã đủ, nên một thân cây gỗ lớn đến sau vẫn còn lưu lại trong giếng này.” Đối với những sự việc từ xa xưa, lời nói của tăng nhân là xác tạc. Lương quân tin tưởng Phật lực vô biên, tự nhiên sẽ có một số chuyện không thể dùng lẽ thường mà suy trắc. Kế tiếp, ông đơn cử không ít ví dụ.

Vị quan Minh triều Hà Mạnh Xuân (1474-1536, năm Yến Tuyền), tác giả của “Dư đông tự lục” ghi chép, vào năm Đại Minh Vĩnh Lạc (1406), Minh Thành Tổ hạ chiếu xây dựng cung điện Đế Kinh, Công bộ thượng thư Tống Lễ (1358 ─1422) thừa lệnh lấy vật liệu từ đất Thục, lấy được rất nhiều cây lớn từ Mã Hồ.

Một ngày nọ, những thân cây to lớn này đột nhiên tự di chuyển, đi đến đâu là hống lên như sấm sét, cự thạch mở ra, gỗ không bị tổn hại một chút nào. Sau khi sự việc này được truyền đến kinh đô, Minh Thành Tổ đã hạ chiếu phong cho ngọn núi này là Thần Mộc Sơn, và xây một từ đường để tế cống.

Vào năm Gia Khánh thứ sáu (1801, năm Tân Dậu), Lương Chương Cự đi qua Bắc Kinh vào mùa hè. Năm đó, có một trận lụt phát sinh ở kinh kỳ, phủ Thuận Thiên thuộc Tam Hà và các huyện khác, nước cao vài thước, có những thân cây lớn đứng thẳng trên mặt nước, cứ thế theo nước mà trôi, đỉnh cây gỗ nhô lên khỏi mặt nước, trên đỉnh luôn có ánh quang. Nhìn trong đêm, chúng tựa như ngọn đèn sáng, hoặc có các loại rùa hoặc cá ngồi trên đó. 

Theo truyền thuyết dân gian, đây là duyên cố rồng đốn gỗ xây long cung. Một số phụ lão trong làng biết chuyện này nói rằng, phàm là thân gỗ xuất từ vùng núi sâu của huyện Bình Cốc, thì 10 năm hoặc 20 năm lại lấy một lần, và những năm đó sẽ phát sinh đại thủy.

Cũng có một bà lão kể rằng, thời còn nhỏ gia đình bà có một người bà con sống ở chân núi Bắc Sơn. Một ngày nọ, có sáu bảy người đến, trông giống như những người thợ mộc. Những người này muốn lưu lại làng vào ban đêm, nhưng không ai nguyện ý sẵn sàng mời họ lưu túc. Họ bèn hướng về người thân thích của bà lão, ông thấy họ đáng thương, đồng ý cho họ ở lại qua đêm.

Đến tờ mờ sáng, khi những người khách chưa ngủ dậy, người thân thích nhìn qua cửa sổ thấy một đàn cá và rùa nằm dưới đất, ông thất kinh, vội vàng rời đi. Ông đứng từ xa và hét lên: “Mặt trời đã lên rất cao!” Một lúc sau, tất cả những người khách liền bước ra, dung mạo y như tối hôm qua. Trước khi rời đi, họ để lại một đồ vật trên mái hiên như một lời cảm ơn và bảo ông dứt khoát không được di động nó. Sau này, trong thôn trang phát sinh một trận lụt lớn, tất cả các ngôi nhà trong thôn đều bị ngập dưới nước, nhưng ngôi nhà người thân của bà cụ vẫn bình an vô sự.

Vào mùa hè năm Đạo Quang thứ ba (1823, Quý Mùi), trời mưa to thành họa. Hàng trăm châu quận ở Trực Lệ, toàn bộ đều bị nước lớn nhấn chìm. Ba tháng trước khi trận lụt phát sinh, có mười ba người, mặc y phục màu xanh lục, khăn vớ áo khố đều đồng màu, đeo rìu và cưa ở eo, đi ngang qua hàng cơm bên ngoài cổng phía tây của Bình Cốc, mỗi người đều ăn bánh bao chay. Họ nói chủ quán rằng họ vừa mới đốn gỗ trên núi về. Nhóm người này ngoại mạo tương tự nhóm người đã đi ngang qua cửa hàng ở Gia Khánh sáu năm trước. Chúng nhân cảm thấy bàng hoàng kinh hãi, lo sợ phát sinh một trận lũ khác. Nhưng nỗi lo của mọi người vẫn ập đến, mùa hè năm ấy lại phát sinh một trận lũ.

Thông qua những ví dụ này, Lương Chương Cự tin rằng chuyện Long cung phạt mộc đã được chứng thực minh xác bởi những việc xảy ra trước và sau đó. Vì vậy, chuyện các cao tăng có thể dùng thần thông của mình, vận chuyển gỗ từ giếng cổ lên và xây dựng Phật điện là hoàn toàn khả tín. (Tư liệu: “Quy điền tỏa ký” Tập bảy)

Tác giả: Đỗ Nhược, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch