Các vị minh quân xưa kia đều hàng năm kính lễ cầu mưa đặc biệt là những khi có hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Lễ cầu mưa được gọi là “Thường vu” 常雩, “Đại vu” 大雩. Những ghi chép sớm nhất về thuật này đã có từ thời Xuân Thu và là một trong các lễ quan trọng của bất cứ triều đại nào.

Theo sách Hoàng đế kỳ vũ nghi thức, nghi lễ cầu mưa đời Thanh được định vào năm Càn Long thứ 7, mỗi năm vào tháng Mạnh Hạ chọn ngày cử hành lễ Thường vu ở Viên khâu 圜丘 (Thiên đàn 天坛). Nếu sau Thường vu mà vẫn không mưa, Hoàng đế sẽ sai các quan lần lượt cầu đảo Thiên thần, Địa thần cùng Thái tuế. Sau 7 ngày mà vẫn không mưa thì lại tế cáo đàn Xã tắc, qua 7 ngày nữa vẫn không mưa, sẽ tế cáo lại Thiên thần, Địa thần, Thái tuế. Như vậy qua 3 lần cầu đảo mà vẫn không mưa, lúc đó sẽ cử hành lễ Đại vu.

Thiên Đàn tại Bắc Kinh là nơi Hoàng Đế tiến hành lễ cầu mưa (Ảnh: airchina)

Lễ cầu mưa thuộc về hàng đại tự 大祀 của nhà Thanh, vô cùng long trọng. Mỗi khi đến kì cầu mưa, các cơ quan có liên quan cần tiến hành chuẩn bị, không được để sơ sót.

Ngày cầu mưa đến gần, trong cung ngoài cung, người trên kẻ dưới đều bận rộn. Trước ngày tế 10 ngày, đại thần các bộ mỗi ngày đều đích thân đến Thiên đàn, đốc thúc thuộc hạ diễn tập các nghi thức. Các loại nhạc vũ tế Thần phải diễn tập. Nhạc vũ cầu mưa gọi là vũ “bát dật” 八佾, do 64 văn vũ sinh và 64 võ vũ sinh tổ thành, dụng cụ vũ đạo có tiết 节, tinh 旌, can 干, thích 戚, thược 籥, vũ 羽 … còn có các loại nhạc khí tấu nhạc như chung 钟, khánh 磬, cầm 琴, sắt 瑟, tiêu 箫, sinh 笙. Khi luyện tập, Hoàng đế đích thân đến hoặc phái người đến quan sát, để kịp thời chỉ ra những sai sót, nhanh chóng sửa đổi.

Theo quy định của triều Thanh, trước ngày tế 1 ngày, Hoàng đế nhập trai cung trai giới. Sáng sớm ngày hôm sau, quan viên Thái thường thị và Khâm thiên giám vào cửa bắc của trai cung, đem thẻ bài báo giờ để trước chính điện của trai cung để báo giờ, viên thái giám chuyên lo việc thẻ bài báo giờ đem giao cho thủ lĩnh thái giám để tâu lên Hoàng đế, thỉnh giá ra đàn. Khi Hoàng đế khởi giá, đánh thái bình chung.

Hoàng đế rời trai cung dưới sự hộ vệ của thống lĩnh cùng thị vệ hộ tùng, lỗ bộ, nghi trượng, đèn dẫn đường, lư hương dẫn đường đi trước, tiến vào bên trái cửa Chiêu Hanh, đến phía tây Thần lộ bên ngoài Linh tinh môn xuống kiệu, tại Cụ phục đài 具服台thay triều phục mặc vào tế phục, sau khi rửa tay rửa mặt, nghỉ ngơi một lát, Hoàng Đế lên đàn, bắt đầu nghi thức cầu mưa với hàng loạt các thủ tục trang trọng và phức tạp. Đặc biệt, khi cầu mưa phải thành tâm, nếu không Trời Đất khó lòng ban ân huệ.

Cầu mưa quan trọng nhất là sự thành tâm mới có thể động tới lòng Trời Đất (Ảnh minh họa)

Sau khi cầu đảo, nếu trời cao chứng giám sẽ ban mưa lớn, phải tiến hành nghi thức “tạ vũ” 谢雨. Nếu mưa to liên tiếp không dứt cũng phải làm lễ “kì tình” 祈晴 (cầu mưa tạnh), sau khi mưa tạnh phải làm lễ “tạ tình” 谢晴. Nếu sau khi “tạ tình” mà trời vẫn mưa to không dứt, thì triều đình dùng biện pháp gì cũng không biết được.

Người xưa kính Trời, kính Đất, coi việc cầu mưa thuận gió hòa là thượng sách để an dan, vượng quốc. Tại Việt Nam, các vua chúa ngày xưa cũng rất coi trọng việc tế Trời cầu mưa. Nổi tiếng nhất là các giai thoại về vua Minh Mạng triều Nguyễn với nhiều lần trai giới, thành tâm cầu mưa giúp nhân dân thoát khỏi cảnh hạn hán, tạo được tiếng thơm trong sử sách.

Hoài Anh