Bí ảo phong thủy, Tử Cấm Thành đã tồn tại 600 năm, làm sao để khóa được vương khí? Sông Kim Thủy liên thông thiên địa? Bố cục của Thiên An Môn có ý nghĩa thâm sâu gì?

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục nói về phong thủy của Tử Cấm Thành. (Tiếp theo Khám phá phong thủy Tử Cấm Thành – Phần I)

Lần trước khi nói đến việc xây dựng Tử Cấm Thành, trước tiên là tìm long mạch, rồi dùng một ngọn núi nhân tạo để dẫn khí long mạch vào thành Bắc Kinh, sau đó định vị long huyệt để tiếp nhận khí long mạch, rồi lại lấy long huyệt làm cơ điểm, vẽ ra một đường kinh tuyến quán xuyến Bắc Nam, sau đó mới có thể động thổ xây dựng các kiến trúc.

Phong thủy sông Kim Thủy

Nhưng chờ đã, mọi thứ đã sẵn sàng nhưng vẫn còn thiếu một thứ, đó chính là nước. Bởi vì từ xa xưa, có một điểm rất đặc biệt trong phong thủy khi xây nhà, chính là phải “phụ âm bào dương”, tức là phía trước có nước, phía sau có núi. Khái niệm “phụ âm bào dương” không chỉ là đặc hữu trong giới phong thủy, mà nó xuất phát từ “Đạo đức Kinh” của Lão Tử, gọi là “Vạn vật phụ âm nhi bao dương, trùng khí dĩ vi hòa”, diễn giải một cách đơn giản là chỉ có sự kết hợp âm dương mới có thể diễn sinh vạn vật.

Trong tự nhiên, nước hoạt bát linh động, thuộc về dương, còn núi an định trầm tĩnh, thuộc về âm. Nơi sông núi giao hội, chính là nơi âm dương tương hợp, hiển hiện sinh cơ bừng bừng, nếu xây nhà ở nơi đó thì gia chủ sẽ được thụ ích. Rất nhiều thành thị thời cổ đại đều được xây dựng trong môi trường phía trước là nước, phía sau là núi, cơ sở của lý thuyết này chính là đây.

Như đã đề cập ở số trước, thành Bắc Kinh là một bình nguyên không có núi, nên một ngọn núi được xây dựng nhân tạo ở đó. Đây chính là Vạn Thọ sơn, nay là công viên Cảnh Sơn. Vậy thì “thủy” nằm ở đâu?

“Thủy” này cũng được đào bằng nhân công, đây chính là sông Kim Thủy. Thiết kế của sông Kim Thủy cũng vô cùng đặc biệt.

Trước hết, nước sông được dẫn từ đầm Tích Thủy, nguồn nước của đầm Tích Thủy cũng đến từ núi Thiên Thọ, nơi tọa lạc của long mạch nhà Minh. Chúng tôi đã giới thiệu về long mạch ở tập trước, đó là những dãy núi tương thông với nguyên khí của Thiên thượng. Bằng cách này, ngọn núi Vạn Thọ phía sau Tử Cấm Thành được tương thông với nguyên khí của Thiên thượng thông qua long mạch, và sông Kim Thủy đặt ở phía trước lại thúc đẩy sự lưu động của khí ẩn tàng trong long mạch, người sống ở trong đó có thể câu thông với Thiên thượng.

Thứ hai, như chúng tôi đã đề cập ở số trước, thiết kế của Tử Cấm Thành mô phỏng cư sở của Thiên Đế tại Thiên Cung, nên sông Kim Thủy cũng có chỗ đối ứng trên Thiên thượng, đó chính là dải Ngân Hà. Trên sông Kim Thủy cũng có hai cây cầu đá, cầu Ngưu Lang và cầu Chức Nữ, mô phỏng hai ngôi sao Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên dải Ngân Hà.

Ngoài ra, hướng chảy của dòng nước cũng là được thiết kế tinh cẩn. Sông Kim Thủy chảy từ góc tây bắc của Tử Cấm Thành, trong ngũ hành, phía tây thuộc Kim, phía bắc thuộc Thủy, đây có thể là nguồn gốc của cái tên “sông Kim Thủy”. Phương vị phía Tây Bắc của bát quái là Can vị, đại biểu Thiên Môn, tức Cổng Trời. Việc dẫn nước từ Cổng Trời nhập vào thành là dẫn “sinh khí” từ trên Thiên thượng xuống. Sau khi được dẫn xuống, dòng sông uốn khúc về phía đông nam, khi đến cổng Thái Hòa ở chính nam Tử Cấm Thành, liền uốn lượn thành một hình chữ “cung” (弓), điều này cũng rất đặc biệt trong phong thủy. Nó được gọi là thế “Kim thành hoàn bào”, thuộc về đại cát tường.

Sau đó nước lại chảy ra khỏi góc Đông Nam. Phương vị Đông Nam của Bát quái là Tốn vị, đại biểu Địa hộ. Việc dùng dòng nước chảy để liên thông giữa Thiên Môn và Địa hộ đại biểu cho sự tương thông giữa Thiên và Địa của Tử Cấm Thành, tương hợp “Thiên, Địa, Nhân”, đồng thời nó cũng phản ánh địa mạo tổng thể của Trung Quốc, cao phía Tây Bắc, thấp phía Đông Nam.

Ở góc đông nam của Địa hộ có rất nhiều cây xanh rậm rạp, có hai cây cầu đá được xây bắc qua sông. Thiết kế này cũng rất đặc biệt. Cây cối rậm rạp dùng để ngăn sinh khí tràn ra ngoài, những cây cầu đá có tác dụng kiềm chế, mục đích là giữ “sinh khí” được dẫn từ Thiên thượng lưu lại trong Tử Cấm Thành, để Tử Cấm Thành vĩnh viễn sinh cơ bừng bừng. Vì vậy có người nói, mỗi cây mỗi hoa, mỗi viên gạch viên ngói trong Tử Cấm Thành đều được thiết kế vô cùng tinh tâm, xem ra đúng là như vậy.

Vậy ngoài núi Vạn Thọ và sông Kim Thủy tương thông long mạch, Tử Cấm Thành còn có những thiết kế tinh mật nào khác?

Âm dương trên trục trung tâm

Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào trục trung tâm. Trục trung tâm này trong thành Bắc Kinh dài khoảng 8km từ Tháp Trống ở phía nam đến cổng Vĩnh Định ở phía bắc, đây là trục trung tâm dài nhất thế giới. Những kiến trục quan trọng nhất trong thành như điện Thái Hòa nơi hoàng đế thượng triều, điện Giao Thái nơi sở tại của long huyệt đều nằm trên trục trung tâm này. Trục trung tâm này cũng chia thành Bắc Kinh thành hai nửa Đông và Tây. Phía Đông là nơi Mặt Trời mọc, thuộc dương, phía Tây là nơi Mặt Trời lặn, thuộc âm. Các công trình kiến ​​trúc hai bên cũng được xây dựng chiểu theo quy luật âm dương.

Ví dụ, tại Quảng trường Thiên An Môn hiện nay, vào thời nhà Minh và nhà Thanh, thực tế chỉ có một quảng trường nhỏ hình chữ T chạy hướng Bắc Nam, gọi là Hành lang Ngàn Bước. Hai bên trái và phải hình chữ T dày đặc nhà ở, mỗi bên có 144 hành lang hướng Đông Tây, đều là tòa nhà văn phòng của cơ quan chính phủ trung ương.

Như vừa nói, phía Đông thuộc dương, phía Tây thuộc âm. Trong triều đình có hàng trăm quan văn võ, văn thuộc dương, võ thuộc âm, cho nên các quan văn đều làm việc trong tòa nhà văn phòng phía Đông của Hành lang Ngàn Bước: Bộ Lễ, Bộ Hộ, Viện Thái Y,  đều nằm ở các tòa lầu phía Đông. Còn nha môn nơi quan võ sở tại, chẳng hạn như Bộ Hình chủ quản hình phạt, phủ Đô Đốc quản quân quyền, và Đại Lý Tự để xét xử phạm nhân, đều có văn phòng ở phía Tây.

Khi lên triều, bách quan văn võ sẽ từ hai cổng lớn hai bên Thiên An Môn là Cổng trái Trường An và Cổng phải Trường An tiến vào, sau đó ai xuống ngựa xuống ngựa, ai xuống xe xuống xe, từ Thiên An Môn đi bộ vào hoàng thành. Trường An chính là được đặt theo tên của hai cổng này, mang ý nghĩa trị vì lâu dài và bình an. Có rất nhiều câu chuyện đằng sau hai cái cổng này.

Cổng Đông Trường An và cổng Tây Trường An

Cổng trái Trường An nằm ở phía đông nên còn gọi là cổng Đông Trường An. Đây là nơi đặt “Kim bảng”, tức danh sách thí sinh trúng bảng vàng sau mỗi kỳ thi của triều đình.

Kỳ thi cung đình được tổ chức ba năm một lần, thời gian đều vào mùa xuân khi hoa nở. Cử nhân từ khắp nơi trên cả nước đến Bắc Kinh để dự thi, sau khi vượt qua hai kỳ thi hoàng gia do Bộ Lễ tổ chức, và kỳ thi hoàng gia do hoàng đế đích thân tổ chức trong cung điện, cuối cùng chỉ những người vượt qua mới được nêu danh trên bảng vàng, làm tiến sĩ.

Những nhân tài được tuyển chọn qua tầng tầng tuyển lựa như vậy đều là những người rất giỏi rất giá trị, nên việc đãi ngộ đương nhiên không phải tầm thường. Vào ngày thứ hai của kỳ thi, triều đình sẽ cử hành lễ ăn mừng hoành tráng để chào đón những nhân tài mới này gia nhập đội quản lý. Các vương công đại thần, văn võ bách quan đều sẽ đến điện Thái Hòa, nơi hoàng đế lên triều để tiếp đãi nồng hậu. Những tiến sĩ trúng cử thân mặc công phục, đầu đội mũ miện ba cành chín lá, họ đứng trước quảng trường Thiên An Môn chờ lệnh gọi, lần lượt vào cung điện để diện kiến hoàng đế.

Sau đó, các quan viên Bộ Lễ bước ra cầm theo “Bảng vàng” do hoàng đế “chỉ định” có ghi tên của tiến sĩ, đội trống nhạc chơi phía trước để mở đường, nâng ra khỏi Thiên An Môn, ra đến ngoài cổng trái Trường An, treo bảng vàng trong “lầu rồng” làm bằng sậy. Tân trạng nguyên và các tiến sĩ tập trung bên dưới xem danh sách. Khi đó, các vương công đại thần trong nhà có con gái đã đợi ở đó từ lâu. Để làm gì? Họ muốn tìm con rể ở trong danh sách.

Sau đó, ba vị tiến sĩ đứng đầu sẽ cài hoa vàng trên tóc, mặc áo lụa đỏ tươi, cưỡi trên những con ngựa cao do hoàng đế ban tặng, được phủ Thuận Thiên, cũng chính là thị trưởng thành Bắc Kinh mời đến phủ tham gia tiệc chiêu đãi.

Tóm lại, chính là đủ loại hào quang. Từ đó trở đi, những học trò nhà nghèo giá trị tăng lên gấp bội, quan cao lộc hậu sắp cận kề, nên người ta còn gọi việc thi trúng tiến sĩ là “cá chép vượt long môn”. “Long môn” này chính là chỉ cổng trái Trường An. Tại sao nói như vậy? Nguyên lai, phong thủy học có bốn phương vị lớn, đó chính là “bên trái Thanh Long, bên phải Bạch Hổ, phía trước Chu Tước, phía sau Huyền Vũ”. Cổng trái Trường An nằm ở bên trái Thiên An Môn, theo phong thủy “Thanh Long bên trái”, thì cổng trái Trường An chính là “Long môn”.

Tương ứng, cửa bên phải Trường An, cũng là cửa phía Tây, chính là “bên phải Bạch Hổ” hay là “Hổ môn”. Theo phong thủy học, bạch hổ ở phía Tây mang ý nghĩa giết chóc, rất xui xẻo. Cửa bên phải Trường An có phải như vậy không?

Thời cổ đại cho rằng, mạng sống con người là quan trọng nhất. Vì vậy, vào thời nhà Minh và nhà Thanh đều có chế độ “thu phán” và “triều phán” để xem xét lại các phán quyết tử hình. Khi đó, hoàng đế sẽ ra lệnh cho ba bộ là Bộ Hình, Đại Lý Tự và Viện Đô Sát, cùng với các vương hầu, đại học sĩ v.v., bày một dãy bàn cạnh phía Tây Hành lang Ngàn Bước để thẩm án. Án kiện sau khi xem xét lại, một số sẽ được đổi thành “án treo”, nghĩa là đợi đến năm sau mới xử, hoặc là “có thể thương xót”, chính là có thể giảm án, chuyển thành hình phạt lưu đày hoặc các hình phạt khác. Những người vẫn bị xử hình sau khi xem xét sẽ trình lên hoàng đế. Hoàng đế dùng bút đỏ đánh dấu, việc đã được quyết.

Các tử tù còn ở trong lao sẽ bị áp giải vào cổng bên phải Trường An và quỳ thành hàng trước bàn “Triều phán” để nghe thẩm vấn. Những người cuối cùng vẫn bị kết án tử hình sẽ bị đưa đến nơi hành quyết lúc sáng sớm vào ngày đông chí. Vì vậy, một khi tù nhân bị đưa vào cổng phải Trường An, chẳng khác nào bước vào “miệng hổ”, rủi nhiều may ít.

Hai cổng một bên trái một bên phải, có thể nói là một cửa “sinh” và một cửa “tử”, chúng có công dụng hoàn toàn khác nhau.

Phong thủy Thiên An Môn

Vậy cổng trung gian giữa hai cổng tả hữu của Thiên An Môn, có đặc sắc gì?

Thiên An Môn là cổng chính của hoàng thành Bắc Kinh trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nằm phía chính nam hoàng thành. Hoàng thành nằm ở ngoại ô Tử Cấm Thành, cũng là cấm địa thời nhà Minh. Thái miếu, tế đàn, bao gồm cả Trung Nam Hải, đều nằm trong hoàng thành khi đó.

Phía đông nam và tây bắc của hoàng thành đều có các cổng. Cổng phía đông gọi là “cổng Đông An”, cổng phía tây gọi là “cổng Tây An”, nhưng phía bắc và phía nam thì khác. Cổng phía nam gọi là “Thiên An Môn”, cổng phía bắc gọi là “Địa An Môn”. Tại sao lại lấy tên “Thiên” và “Địa”? Điều này cũng có nguyên lý. Tiên Thiên Bát Quái có thuyết pháp “Thiên nam Địa bắc”. Quẻ Càn đại biểu cho Thiên nằm ở phía Nam, còn quẻ Côn đại biểu cho Địa nằm ở phía Bắc. Vì vậy phía Nam đại biểu Thiên, phía Bắc đại biểu Địa. Tương ứng, cổng phía Nam gọi là “Thiên An Môn”, cổng phía Bắc gọi là “Địa An Môn”.

Vậy thì tại sao cổng chính của hoàng thành lại là “Thiên An Môn” ở phía nam, mà không phải là “Địa An Môn” ở phía bắc, hay là hai cổng Đông và Tây? Điều này cũng rất đặc biệt. Như chúng tôi đã nói tập trước, Tử Cấm Thành được xây dựng mô phỏng nơi ở của Thiên Đế trên thiên thượng. Cổng chính của Thiên đình là “Nam Thiên Môn”, do vậy đối ứng đến cổng chính của hoàng thành, thì chẳng phải là cổng Thiên An Môn phía chính nam sao?

Trong truyền thuyết thần thoại, “Nam Thiên Môn” là lối vào từ nhân giới nhập vào tiên giới. Các bạn thấy đấy, năm đó khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung, chính là náo từ Nam Thiên Môn, các thiên binh thiên tướng hạ phàm xuất chinh, đều đi từ Nam Thiên Môn. Có người cho rằng nếu có quan hệ đối ứng giữa Thiên thượng và Địa thượng, thì lối vào từ tiên giới đến nhân giới chẳng phải chính là “Thiên An Môn” sao? Ba chữ “Thiên An Môn” chẳng phải có nghĩa là “cổng trời bình an” sao? Điều này nghe có hơi huyền hoặc, nhưng cũng là một thuyết pháp rất thú vị. Trên thế giới này có rất nhiều điều chúng ta chưa biết phải không?

Tóm lại, chúng ta không biết Thiên An Môn có phải là cổng lên trời hay không, nhưng nó có quy cách cao nhất trong số tất cả các cổng ở hoàng thành. Trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, các hoàng đế thường ban hành chiếu lệnh quan trọng tại Thiên An Môn, được gọi là “ban chiếu kim phụng”. Còn có một số nghi thức trọng đại như hoàng đế kết hôn, tướng lĩnh xuất chinh cũng đều được cử hành tại đây. Quảng trường Thiên An Môn cũng được thiết kế theo quy cách cao nhất.

Ví dụ, mặt tiền của Thiên An Môn rộng chín gian, sâu năm gian, thể hiện sự uy nghiêm của “Cửu Ngũ chi tôn” hoàng đế. Tại sao hoàng đế lại là “Cửu Ngũ chi tôn”? Có hai thuyết pháp lưu hành trên mạng.

Có thuyết pháp cho rằng căn cứ theo học thuyết âm dương cổ xưa của Trung Quốc, các con số được chia thành số dương và số âm, số lẻ là dương, số chẵn là âm. Số dương còn được gọi là “Thiên số”, số âm được gọi là “Địa số”. Trong năm thiên số, một, ba, năm, bảy và chín, số chín là cao nhất, số năm ở trung gian. Hoàng đế là đại biểu cho Thiên Đế tại nhân gian, đại biểu cho Trời, nên đương nhiên là ở vị trí tối cao. Mà trong tam tài “Thiên, Địa, Nhân” thì “Nhân” chính là nằm ở vị trí trung gian. Do đó mà “Cửu Ngũ chi tôn” đại biểu cho hoàng đế.

Một số người đã từ “Kinh Dịch” tìm ra căn cứ, nói rằng trong tám tám sáu mươi tư quẻ Hậu thiên bát quái của Chu Văn Vương, quẻ đầu tiên là quẻ Càn, tượng trưng cho Trời. Mỗi quẻ là do sáu hào tổ thành. Hào thứ năm của quẻ Càn được gọi là “Cửu Ngũ”, là hào có dương khí thịnh nhất trong số các quẻ tượng, đồng thời cũng là hào cát tường nhất.

Giải thuyết của hào “Cửu Ngũ” này trong Kinh Dịch là: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.” Đại sư Dịch học triều Đường Khổng Dĩnh Đạt giải đọc, viết: “Dương khí thịnh chí ư Thiên, cố vân ‘phi long tại thiên’. Thử tự nhiên chi tượng, do nhược Thánh nhân hữu long đức, phi đằng nhi cư Thiên vị”, hiểu nôm na là tại hào này dương khí thịnh như trên trời, như thể ‘rồng bay trên trời’, hiện tượng tự nhiên này, như thể Thánh nhân có đức rồng, bay cao đến trời cư ngụ. Người có “long đức” lại “cư Thiên vị” thì đương nhiên là đế vương, vì “long” và “Thiên” đều là tượng trưng của đế vương, nên sau này có người ẩn dụ hào “Cửu Ngũ” là bậc đế vương.

Không chỉ được thiết kế tinh xảo về kiến ​​trúc, mà cách vận dụng màu sắc trong Tử Cấm Thành cũng rất tinh xảo. Trong ngũ hành, Kim đại biểu phương Tây, có màu trắng; Mộc đại biểu phương Đông, có màu xanh lục; Thủy đại biểu phương Bắc, có màu đen; Hỏa đại biểu phương Nam, có màu đỏ. Mà Thổ lại ở vị trí trung tâm, là căn bản của vạn vật, màu sắc đại biểu là màu vàng. Sáu cung điện lớn trên trục trung tâm của Tử Cấm Thành, đặc biệt là cung Càn Thanh nơi hoàng đế cư ngụ, được lợp bằng ngói lưu ly màu vàng, đối ứng là vị trí trung tâm của Thổ, bởi vì hoàng đế cũng là trung tâm của thiên hạ, là căn bản của vạn dân. Màu vàng cũng là màu sắc tôn quý nhất trong năm màu, tượng trưng cho đế vương.

Tuy nhiên, khi đến trụ sở của hoàng tử ở Đông Cung thì nó được làm bằng ngói lưu ly màu xanh lục. Bởi vì màu lục thuộc Mộc, đại biểu cho vạn vật sinh trưởng. Vì vậy, để các hoàng tử trưởng thành tráng kiệt, mái ngói được dùng màu lục. Đến gần cổng Huyền Vũ ở phía bắc, những mái ngói màu đen xuất hiện. Bởi vì phía Bắc thuộc Thủy, màu đại biểu là màu đen. Thư viện trong Tử Cấm Thành, gọi là ‘Tàng thư các’ cũng có mái màu đen, được cho là có tác dụng phòng hỏa, vì màu đen thuộc Thủy mà. Các bức tường và cột trụ trong cung điện đều được sơn màu đỏ. Điều này đối ứng chính là họ của hoàng đế nhà Minh – họ “Chu” (朱), chính là màu đỏ. Nhà Minh cũng lấy Hỏa đức lập quốc, màu của Hỏa là màu đỏ.

Vẫn còn rất nhiều bí mật trong Tử Cấm Thành đang chờ mọi người cùng nhau khám phá.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch