Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông trong những tháng cuối năm 2018.  

Đó là một trong những nội dung tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN về tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành mới đây.

Theo đó, văn bản này yêu cầu các tổ chức tín dụng, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông báo, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời, NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

Các ngân hàng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, lĩnh vực chứng khoán, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông…

Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản cũng được NHNN yêu cầu kiểm soát chặt chẽ.

NHNN cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các kế hoạch thanh tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, NHNN sẽ thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ…

Thực tế, từ năm 2017, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách siết các khoản vay liên quan tới bất động sản.

Chia sẻ trên Người lao động, đại diện của NHNN cho biết việc siết tín dụng này là cần thiết để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng bất động sản tương tự như các năm 2007, 2010.

Theo vị đại diện NHNN này, một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản những năm trên lâm vào khủng hoảng là do ngân hàng thả nổi trong các khoản vay. Việc cho vay quá dễ đã dẫn tới thị trường mất kiểm soát và hậu quả khi thị trường đóng băng, các ngân hàng sẽ mang gánh nặng nợ xấu.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cũng cho rằng ngân hàng siết cho vay bất động sản giúp nâng cao việc kiểm soát rủi ro với thị trường. Theo đó, việc thắt chặt tín dụng bất động sản giúp thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các chủ đầu tư, buộc họ phải nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường cũng như phương án đầu tư, thực hiện tái cơ cấu hoạt động… trước khi triển khai dự án để đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ở khía cạnh khác, lãnh đạo CTCP Bất động sản Đại Phúc Land nhận định việc siết tín dụng bất động sản sẽ khiến các doanh nghiệp phải chủ động tài chính cho mình, thay vì dựa vào tài chính từ phía ngân hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản sẽ loại bỏ được những nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, thay vào đó là những nhà đầu tư có tiềm lực, có uy tín. Khi đó, người dân sẽ bớt đi phần nào gánh nặng lo lắng khi bỏ tiền đầu tư hay mua nhà.

Vỹ An