“Tôi đi tới lui trong căn hộ. Nghẹt thở vì lo âu. Với bàn tay còn lành lặn, tôi tự bóp cổ mình, ấn các ngón tay nhọn vào da thịt. Tôi nện đầu vào tường. Các tiếng nói cười nhạo.” – trích “Tiếng nói”. 

"Tiếng nói" - cuộc trốn chạy của người đàn bà cô độc
"Tiếng nói" – cuộc trốn chạy của người đàn bà cô độc

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, lớn lên ở Sài Gòn. Năm 14 tuổi bà theo mẹ sang Pháp. Phong cách sáng tác của Linda Lê bị ảnh hưởng bởi một số nhà văn phương Tây như Ingeborg Bachmann, Thomas Bernhard. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Linda Lê đoạt một số giải thưởng uy tín ở châu Âu như Fénéon cho tác phẩm Les Trois Parques, giải Wepler cho tác phẩm Cronos

Bà được độc giả biết tới từ năm 1992 với tập truyện Phúc âm tội ác, sau đó là nhiều tác phẩm được độc giả khắp nơi yêu thích như: Vu khống, Lời tên khùng, Ba nữ thần số mệnh, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa

Sau thành công của hai cuốn tiểu thuyếtVu khốngLại chơi với lửa xuất bản tại Việt Nam, một tác phẩm nổi bật khác là Tiếng nói cũng vừa ra mắt bạn đọc.

Cuốn sách do Nguyễn Đăng Thương chuyển ngữ từ tác phẩm gốc Voix theo bản quyền của NXB Christian Bourgois (Paris), ra mắt lần đầu năm 1998 tại Pháp.

Nội dung xoay quanh hồi ức của một người đàn bà mắc bệnh tâm thần sống cô độc ở Paris, vẫn đang trốn chạy với quá khứ và lý lịch của mình. Chuỗi ngày của người đàn bà luôn bị ám ảnh bởi sự truy vấn lương tâm về vấn đề xa xứ, những kinh hoàng và mất mát đến từ chiến tranh, người cha trong quá khứ…

"Tiếng nói" - cuộc trốn chạy của người đàn bà cô độc
Tác giả Linda Lê.

“Tôi ngồi trên chiếc ghế băng của một hành lang dài có đèn ống rọi sáng. Tôi không biết mình đang ở đâu…” dòng mở đầu của tiểu thuyết, thứ hiện thực không xác định luôn là không gian chính của mọi truyện ngắn/tiểu thuyết của Linda Lê.

Văn của cô như những lời độc thoại sám hối, đầy ám ảnh. Câu ngắn, gây sốc, nối nhau thành những trang viết dằng dặc, như lời ăn năn, tạo nên sức ám ảnh trên trang viết.

Mạch truyện luôn được đẩy lên ở nhịp độ cao khiến độc giả khó rời, chăm chú theo từng lời kể, diễn biến của cốt truyện. Bên cạnh đó, nữ tác giả còn dùng ngôn từ mạnh, đồng thời nâng cao tính tương tác với số phận nhân vật.

"Tiếng nói" - cuộc trốn chạy của người đàn bà cô độc
"Tiếng nói" – cuộc trốn chạy của người đàn bà cô độc

Bằng giọng kể từ một người đàn bà sống với tâm hồn hoảng loạn, tác phẩm lột tả rõ những đau thương trong từng thân phận con người, làm bật lên mối liên hệ mật thiết cùng sự chọn lựa giữa mỗi cá nhân với gia đình và Tổ chức. Người đọc vẫn ngờ ngợ đâu mới thật sự là ký ức, đâu là hiện tại trong lời kể kia?

Liệu nỗi đau về chiến tranh, thân phận của con người đã chấm dứt chưa? Dẫu có trốn chạy thế nào, nỗi dằn vặt vẫn ở đó và sự sợ hãi vẫn ám ảnh không ngừng trong suy nghĩ của người đàn bà điên loạn.

H.H