Biển Hồ (tên gọi khác là Tơ Nưng) là một hồ nước ngọt tự nhiên huyền bí giữa đại ngàn Tây Nguyên. Tích tụ theo thời gian, lòng hồ sản sinh và lưu giữ nhiều của hiếm, vật lạ, thu hút nhiều người quen với nghề sông nước kéo đến săn tìm.

Báo Dân Việt cho biết, Biển Hồ là một miệng núi lửa khổng lồ nằm ở xã Biển Hồ (TP. Pleiku, Gia Lai) – một trong những hồ nước tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, với diện tích 230 ha.

Biển Hồ được ví như hòn ngọc trên cao nguyên là trái tim lớn của Gia Lai. (Ảnh: Vietnam AirTravel)

Theo báo VTV News, nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku (Gia Lai), Biển Hồ quanh năm ăm ắp nước và luôn luôn xanh ngắt như một chiếc gương trên cao nguyên chót vót. Nơi đây có hệ sinh thái trong lành, được bao quanh bởi những rẫy cà phê và rừng thông xanh biếc.

Biển Hồ được ví như hòn ngọc trên cao nguyên là trái tim lớn của Gia Lai gắn với nhiều truyền thuyết kỳ bí về hồ Tơ Nưng, có lời đồn: “Lòng hồ sâu không đáy và dưới đáy hồ có rất nhiều vật lạ có giá trị”.

Săn cá… khủng dưới miệng núi lửa khổng lồ

Báo Công an TP. HCM thông tin, dọc bờ của Biển Hồ, có rất nhiều cần thủ thả câu chuyên nghiệp, chuyên săn cá lớn. Một số cần thủ tiết lộ, đầu mùa mưa (từ tháng 4) là thời điểm cá lớn xuất hiện nhiều trên Biển Hồ, vì đây là thời điểm cá bắt đầu vào mùa sinh đẻ.

Cần thủ vui mừng câu được chép vàng. (Ảnh: 4so9)

Anh Nguyễn Văn Hùng (TP. Pleiku) chia kể: “Tuần trước ở vị trí này, sau một buổi sáng không 1 con cá nào cắn câu. Vừa nghỉ giữa trưa xong, vừa quăng mồi xuống, 1 con cá trắm đen gần 17kg đớp ngay. Lúc đó, con trắm rất khỏe vùng vẫy nhằm thoát khỏi lưỡi câu. Theo kinh nghiệm, tôi quần dưới nước cho cá mệt lử đi. Tôi nhờ thêm mấy người bạn nữa cho tới khi thấy cá có vẻ yếu đi, tôi từ từ kéo con cá trắm đen lên. Bắt được con trắm, tôi về xẻ thịt chia cho mỗi người một ít”.

Cũng theo anh Hùng, sau khi câu được con trắm “khủng” đã 3 ngày nay anh quay lại Biển Hồ câu tiếp nhưng chưa có thêm con nào cắn mồi.

Ông Quách Trọng Hoan (78 tuổi, nhà ở sát Biển Hồ) cho biết, ở hồ nước này có rất nhiều con cá to, trong đó chủ yếu là cá trắm đen và cá mè. Có người nhiều người từng câu hoặc giăng lưới được cá to “khổng lồ” nặng đến gần 30 kg. Nhờ cá nhiều mà nuôi sống được biết bao nhiêu thế hệ làm nghề chài lưới ở các làng xung quanh đây.

Con cá chép nặng gần 10 kg bị mắc câu. (Ảnh: Tùy Phong)

Theo ông Hoan, ở Biển Hồ này có 1 loài cá chép vảy vàng, thân hình óng ánh rất quý hiếm. Ông ở đây cả mấy chục năm rồi nhưng chỉ duy nhất 1 lần nhìn thấy con cá này. Vào một ngày giữa tháng 12, anh Việt (xã Biển Hồ) đi câu cùng nhóm bạn. Đến lúc chuẩn bị về có 1 con cá lớn cắn câu. Khi kéo được lên bờ, anh Việt vui mừng vì câu được con cá chép khoảng 1 0kg có màu vàng óng ánh. Người dân ở đây hiếu kỳ kéo nhau đến xem con cá chép vàng.

Mò tìm ‘báu vật’

Ông Quách Trọng Hoan sau nhiều năm ngụp lặn nắm rõ chi tiết từng ngóc ngách Biển Hồ. (Ảnh: Báo Công an TP. HCM)

Ông Quách Trọng Hoan cũng chính là người đã từng săn được xác chiếc máy bay dưới Biển Hồ. Ông kể rằng, qua những lần lặn ngụp sâu nhất xuống tận đáy Biển Hồ để trục vớt xác người chết đuối bị mặc kẹt, ông phát hiện một khối sắt lớn hao hao giống chiếc máy bay. Nhiều lần, ông nói với mọi người về vị trí chiếc máy bay bị rơi, nhưng mọi người hoài nghi.

Một bộ phận của máy bay được ông Hoan vớt dưới Biển Hồ lên. (Ảnh: Báo Công an TP. HCM)

Để minh chứng, ông Hoan cùng anh Đinh Văn Biên và anh Phạm Văn Ban chèo thuyền ra vị trí được xác định có máy bay. Theo ông Hoan, xác chiếc máy bay nằm ở độ sâu dưới lòng hồ khoảng 22 m. Ông Hoan cùng 2 anh Biên và Ban đã thay nhau ngụp lặn 3 ngày liền, mới đưa được xác chiếc máy bay lên bờ. Những ngày sau, cả 3 người đều bị ốm vì khí độc trong chiếc máy bay phả vào người.

Hoàng Kỳ (tổng hợp)