Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn bộ nhân viên Thú y địa bàn (thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM) không được trả một đồng lương nào nên nhiều người đang muốn xin nghỉ việc.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết, số nhân viên Thú y địa bàn thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM xin nghỉ việc chưa có dấu hiệu dừng lại bởi lý do họ không được thanh toán tiền lương từ đầu năm 2018. Tính từ cuối năm 2017 đến nay có 10 người nghỉ việc.

Theo tìm hiểu từ cuối năm 2017, số lượng nhân viên Thú y địa bàn tại TP. HCM có 97 người. Các nhân viên này phân bố chủ yếu các địa bàn vùng ven, nơi có đông các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… với chức năng là tiêm phòng gia súc và thực hiện công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Tuy nhiên đến thời điểm này, lực lượng trên chỉ còn 87 người, trong đó có hai người đang có ý định nghỉ việc với lý do cả năm trời không nhận được một đồng lương nào.

Trước tình hình này, từ đầu năm 2018 Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM có văn bản cho rằng đã xây dựng đề án tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với nhân viên Thú y địa bàn. Nhưng chưa được các sở, ngành thẩm định trình UBND TP thông qua.

Thời điểm đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM có kiến nghị trả lương cho 91 nhân viên Thú y còn làm việc, mức lương là 1,3 triệu đồng/người/tháng. Tức mỗi tháng số tiền chi trả cho nhân viên Thú y là 118.300.000 đồng, tương đương trên 1,4 tỷ đồng/năm.

Một cán bộ Thú y TP nói: “Thú y địa bàn nghỉ tức không có người giám sát dịch bệnh, công tác tiêm phòng không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh trên và nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao”.

Một ruộng tôm bị bỏ trống. (Ảnh: Báo Nông Nghiệp)

Báo Nông Nghiệp cũng phản ánh bài báo với nhan đề: “Đáng ngại tình trạng cán bộ thú y cơ sở xin nghỉ việc, còn lại không có chuyên môn” của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, mặc dù là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh Long An về nuôi trồng thủy sản với diện tích tôm thả hàng năm gần 1.500 ha.

Ông Nguyễn Quang Đăng, Trưởng Trạm thú y huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, trước đây cán bộ thú y địa bàn (xã) chỉ cần bằng sơ cấp và không giới hạn độ tuổi, nhưng sau này tiêu chuẩn hóa là phải có bằng trung cấp trở lên và tuổi công tác cũng phải nghỉ hưu theo quy định, nên có nhiều cán bộ thú y xã trước đây phải nghỉ việc vì không đáp ứng đủ điều kiện.

Thay vào đó, buộc phải đôn cán bộ khác kiêm nhiệm dù họ không hề có nghiệp vụ. Thứ hai, hiện có một số cán bộ thú y xã đủ điều kiện đang công tác, dù có thời gian làm việc thú y ở xã rất lâu, có kinh nghiệm trong công tác chống dịch, tiêm phòng nhưng lại làm đơn xin nghỉ việc vì điều kiện kinh tế gia đình, thu nhập thấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)