Đại sứ Iran tại Việt Nam cho biết năng lực sản xuất lương thực của Iran hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nên nước này muốn tiếp tục nhập khẩu gạo Việt Nam.

Theo Vneconomy, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Đại sứ Iran tại Việt Nam Saleh Adibi mới đây, hai bên đã bàn thảo về vấn đề giao thương giữa hai nước, đặc biệt là nông sản trong thời gian tới.

Ông Saleh Adibi cho biết hiện năng lực sản xuất lương thực của Iran không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, Iran mong muốn tiếp tục được nhập khẩu gạo Việt Nam.

Vị đại sứ này cũng lưu ý rằng Bộ Y tế Iran đã ban hành một số quy định liên quan cho các hàng hóa thực phẩm. Những mặt hàng bị điều chỉnh bởi quy định mới này chủ yếu là các loại hàng hóa thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Do đó, các doanh nghiệp gạo xuất khẩu vào Iran phải đạt chứng chỉ GMP (Good Manufacturing Practice) do Bộ Y tế Iran cấp.

Ngoài mặt hàng gạo, Iran đang cần cao su tự nhiên với sản lượng 500.000 tấn. Hiện Iran đang mua cao su tự nhiên từ Malaysia, nhưng thời gian tới muốn nhập thêm cao su của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Đại sứ Saleh Adibi cũng hy vọng Iran có thể xuất khẩu các sản phẩm động vật vào Việt Nam.

Trước đề nghị mua gạo từ phía Iran, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Iran đang cần gạo basmati, trong khi Việt Nam ít trồng loại gạo này.

Do đó, Việt Nam đề nghị phía Iran cung cấp giống lúa basmati mà người dân Iran ưa thích và khung quy trình hướng dẫn để Việt Nam nghiên cứu trồng. Ngoài ra, Iran có thể cử chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ việc trồng giống lúa này.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Iran năm 2017 đạt hơn 164 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất sang Iran 131,8 triệu USD, nhập khẩu từ Iran 32,7 triệu USD.

Con số này được đánh giá vẫn còn dừng ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Cụ thể, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa sang Iran với giá cả cạnh tranh như gạo, chè, cà phê, hạt điều, cao su, phụ tùng xe máy và xe đạp. Trong khi đó, phía Iran có thể xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như nhựa đường, các sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu…

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy lũy kế đến ngày 15/9, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,7 triệu tấn với kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng gần 9% về khối lượng và tăng 24,4% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2017.

Giá gạo xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9/2018 đạt khoảng 477,1 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 8, nhưng đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Nông nghiệp dự báo hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ sôi động trong những tháng cuối năm do nhu cầu từ các thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi tăng mạnh mẽ.

(Tổng hợp)