Nhiều hố sụt lún lớn ở Bản Tàn (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) khiến nước trong các ao rút xuống cạn trơ đáy, cá cũng theo dòng bị hút xuống. Trong đó, nhà bà Bàn Thị Thục có hố sụt rộng 14 m, sâu 16 m, miệng vẫn xuất hiện các vết nứt, nguy cơ sạt trượt. 

TTXVN đưa tin, khoảng 17h ngày 27/11, ruộng ngô của nhà ông Hoàng Văn Sướng (tại thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) xuất hiện một hố sụt lún có đường kính khoảng 4 m, độ sâu khoảng 2 m. Vài hôm trước cũng xảy ra sụt lún nhỏ và gia đình đã lấp đi.

Khi xảy ra sụt lún ông Mông Văn Phủ chạy ra thì thấy một góc ruộng vừa thu hoạch lúa xong của gia đình bị “nuốt chửng”.

Ông Phủ cho biết thêm, năm 2016 đã xuất hiện sụt lún nhỏ, năm 2017 thêm các hố sụt lún nữa ở thửa ruộng và ao. Gia đình đành bỏ hoang ao cá vì bị hố sâu đã hút cạn nước.

ho sut lun o bac kan nuot ao ca rong hang nghin m2
Hố sụt lún xuất hiện tại ruộng ngô của gia đình ông Hoàng Văn Sướng. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, 15h ngày 26/11, mọi người trong gia đình bà Bàn Thị Thục nghe tiếng ầm ầm như động đất. Họ chạy ra thì thấy hố lớn nuốt chửng bờ ao và một phần thửa ruộng bên cạnh.

Hố sụt lún lớn ở sát bờ ao đã làm vỡ đoạn dài, một phần của thửa ruộng bên cạnh cũng sạt xuống hố sâu. Hố có đường kính 14 m, sâu 16 m, nuốt chửng một búi tre và 1 cây xoan. Miệng hố vẫn có dấu hiệu nứt, nguy cơ sạt trượt. Cách hố to khoảng 5-6 m còn hai hố sụt lún nhỏ hơn, nằm giữa ao nhà bà Thục. 3 hố sụt lún khiến nước trong ao bị rút xuống hố, cạn trơ đáy, cá trong ao theo dòng nước bị hút xuống hố.

Bà Thục cho biết, ao của gia đình có diện tích gần 3.000 m2; cá đã thả nuôi được 2 năm, và chuẩn bị cho thu hoạch, nhưng hiện phần lớn số cá đã theo dòng nước chảy xuống các hố sâu.

Năm 2017, khu vực này cũng xuất hiện các hố sụt lún, tuy nhiên chỉ là các hố nhỏ, gia đình bà đã dùng đất lấp đi, còn lần này xuất hiện các hố to và sâu hơn.

ho sut lun o bac kan nuot ao ca rong hang nghin m2
Hố sụt lún tại ao của gia đình bà Bàn Thị Thục. (Ảnh: TTXVN)

Theo Báo Nông nghiệp, chiều ngày 26/11, nhiều người dân ở Bản Tàn bị giật mình bởi tiếng động lớn kèm theo cảnh tượng cây cối và mặt đất sụt xuống ở ngoài cánh đồng.

Lúc này, mọi người chạy ra xem và phát hiện một hố tử thần lớn đang nuốt chửng những cây gỗ cao hàng chục mét và cả bụi tre lớn. Trong đó, nhà ông Cam Văn Khải có ao rộng hơn 3.000 m2 đã bị hố này nuốt hết nước và cá vào trong. Khu vực sụt lún gồm có 1 hố lớn, rộng gần 1.000 m2 và một hố nhỏ rộng khoảng gần 30 m2 ở ao nhà ông.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – nghiên cứu viên Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết trên TTXVN, tại thôn Bản Tàn hố sụt lớn có diện tích 280 m2 (lớn nhất trong hơn 80 hố sụt lún xảy ra ở khu vực), các hố nhỏ khoảng 25 m2.

Khu vực này có địa chất caster với nhiều hang động ngầm phát triển bên dưới. Cấu trúc địa chất, địa tầng nơi xảy ra sập, sụt ở trên tầng đất phủ với thành phần chủ yếu là đất cát lẫn cuội sỏi dễ bị rửa trôi, phía trên là lớp đất sét dày từ 0,8-1 m2.

Khi có sự tác động của các yếu tố mạch nước ngầm cạn, hiện tượng bơm hút nước ngầm sẽ dễ xảy ra sụt lún, đặc biệt vào mùa khô. Do đó, người dân không nên đến gần các hố sụt lún.

Đầu năm 2017, tại thôn Bản Tàn cũng xảy ra gần 20 hố sụt lún lớn nhỏ làm nhiều ao nuôi thủy sản của người dân bị thiệt hại, con suối chảy qua thôn cũng bị rút cạn nước. Tình trạng sụt lún tại đây xảy ra từ lâu và mật độ ngày càng tăng.

Hoa Liên (Tổng hợp)