Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất cho vay sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019 do những rủi ro từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế.  

Liên quan đến các rủi ro từ bên ngoài, VDSC cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở nhiều nước trên thế giới đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau 1 thập kỷ nới lỏng. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể có thêm 2 đợt tăng lãi suất từ nay đến cuối năm. Mức lãi suất điều hành của FED dự kiến sẽ đạt 3,5% trong năm 2019.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ kết thúc chương trình kích thích kinh tế khổng lồ vào cuối năm 2018 và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, đồng USD và dầu thô tăng giá cũng như căng thẳng thương mại leo thang đang tạo sức ép lớn lên chi phí vốn và đe dọa sự ổn định tài chính cũng như chất lượng tín dụng tại nhiều quốc gia. Các nước sở hữu quy mô nợ nước ngoài lớn dễ bị tổn thương hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng mức lãi suất điều hành nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát và dòng vốn tháo chạy.

Trong nước, lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu. Áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các yếu tố thị trường như giá xăng dầu, lương thực và tỷ giá… Trong năm 2018, lạm phát được dự báo ở mức 4%, cao nhất kể từ 2014.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, với chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đang chịu nhiều sức ép, áp lực lạm phát gia tăng… việc ổn định được mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là rất tốt, khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm, đặc biệt là trong mùa kinh doanh cuối năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 4-7/9, mặt bằng lãi suất cho vay tiền VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay tiền USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VDSC nhận định áp lực từ lạm phát vẫn tiếp tục được duy trì và tiền đồng mất giá cũng đe dọa chính sách lãi suất thấp của Việt Nam.

Lãi suất cho vay nhúc nhích tăng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm

Chia sẻ trên Đầu tư Chứng khoán ngày 20/9, lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông Việt Nam (OCB) cho hay nhu cầu vốn của khách hàng thường tăng vào dịp cuối năm và OCB đang có nhiều chính sách ưu đãi cho vay. Trong đó, ngân hàng ưu tiên hướng vốn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với các lĩnh vực rủi cao như bất động sản, việc cho vay đã được các ngân hàng kiểm soát chặt hơn trước đây. Do đó, lãi suất cho vay lĩnh vực này đang có xu hướng nhích lên trong thời gian gần đây theo đà tăng của lãi suất đầu vào.

Cụ thể, với đối tượng khách hàng cá nhân, mức tăng thêm hiện dao động trong khoảng 1-1,5%/năm so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng còn lại của năm khi nhu cầu vay mua, sửa chữa nhà và tiêu dùng tăng mạnh dịp này.

(Tổng hợp)