Chiều 26/1, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có phản hồi nhanh về thông tin “san phẳng bãi đá 7 màu và bãi rêu xanh” – một thắng cảnh nổi tiếng ở Bình Thuận.

Cụ thể trên báo Người Lao Động, ông Điển khẳng định không có việc bãi đá 7 màu bị xóa sổ vì san lấp như thông tin trên mạng xã hội đã lan truyền.

Một phần đất cát đã tràn vào bãi đá cuội 7 màu. (Ảnh: Trọng Đức/Thanh Niên)

Ông Điển cho biết, việc một hộ dân sinh sống gần khu vực này đổ đất đá để san ủi, lấn chiếm trái phép mặt bằng là có thật. Ngành chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính lần đầu, nhưng hộ dân này không chấp hành và tiếp tục tiến hành việc san ủi lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, việc sản ủi này chưa xâm hại đến khu vực bãi đá 7 màu.

“Hiện nay, UBND huyện Tuy Phong đã chỉ đạo UBND xã Bình Thạnh tiến hành lập biên bản hành chính lần 2 đối với hộ dân này để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, huyện yêu cầu cá nhân này phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đưa toàn bộ số đất đã san ủi trở lại vị trí ban đầu. Dứt khoát không để phần đất đó đe dọa ảnh hưởng đến bãi đá 7 màu. Bãi đá 7 màu là viên ngọc quý của huyện Tuy Phong, làm sao chúng tôi lại để san lấp hay xóa sổ được”, ông Huỳnh Văn Điển nói.

Vẻ đẹp bãi đá 7 màu. (Ảnh: Người Lao Động)

Trước đó, vào sáng cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng một hộ dân ở xã Bình Thạnh, H.Tuy Phong tự ý san đất trồng cây đổ xuống biển và “san phẳng” bãi rêu, bãi đá cuội 7 màu, một địa danh nổi tiếng ở Bình Thuận.

Đáng chú ý, thông tin trên cho rằng hộ dân này tự ý san lấp biển diễn ra cả tuần nay nhưng không thấy bất cứ động thái ngăn chặn nào của chính quyền địa phương.

Một góc bãi đá 7 màu nổi tiếng. (Ảnh: Người Lao Động)

Đến khoảng 16 giờ ngày 26/1, Chủ tịch UBND H.Tuy Phong Huỳnh Văn Điển gửi cho báo Thanh Niên một báo cáo tóm tắt toàn bộ vụ việc nói trên. Báo cáo này cũng được UBND H.Tuy Phong gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Nội dung báo cáo nêu rõ hộ dân tự ý san ủi đất sau đó tràn xuống ven biển là hộ ông Cao Văn Cư (nhà sát ven biển xã Bình Thạnh). Từ ngày 9/1, UBND xã Bình Thạnh đã phát hiện ông Cư tự ý san lấp trên diện tích đất nông nghiệp của mình (5.000 m2) nhưng không xin phép cơ quan chức năng. Để có mặt bằng, gia đình ông Cư thuê máy san đẩy đất dư thừa về phía biển. Gió mùa đông bắc đã thổi đất cát xuống bãi đá 7 màu.

UBND xã Bình Thạnh đã lập biên bản xử phạt và buộc hộ ông Cao Văn Cư phải phục hồi nguyên trạng, cào hết đất dư từ mép biển lên phần đất của nhà ông. 

Bãi đá 7 màu nằm trong quần thể Khu du lịch Cổ Thạch ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Năm 2011, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam” và là một trong 13 bãi đá đẹp nhất trên cả nước. Hình dạng và màu sắc độc đáo của đá nơi đây không chỉ đơn thuần một màu đen hay xám mà còn nhiều màu sắc khác nhau: nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng… Dưới những đợt sóng và ánh nắng, cả bãi đá ánh lên những gam màu lung linh như những viên ngọc thuần khiết.

Khôi Minh (tổng hợp)