Cúm A, tay chân miệng, sởi là 3 bệnh đang diễn biến phức tạp và có thể bùng phát thành dịch gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Hàng trăm trẻ biến chứng nặng vì cúm A

canh giac 3 benh tan cong tre dang vao mua
Hàng trăm trẻ mắc cúm A với biến chứng nặng nhập viện.

Chỉ trong một tuần gần đây, khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận 400 trẻ mắc cúm, trong đó, gần 200 ca dương tính cúm A. Trung bình mỗi ngày, 4-5 ca phải nhập viện vì bệnh diễn biến nặng. Đặc biệt, 100% bệnh nhi đến viện điều trị đều chưa được tiêm phòng.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo, thời điểm cuối thu đầu đông rất thuận lợi cho virus phát triển, khiến nhiều trẻ mắc bệnh.

Virus cúm A có nhiều loại như H1N1, H5N1, H7N9. Phần lớn bệnh nhi hiện đang điều trị tại viện do cúm mùa. Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ dưới 18 tháng tuổi tiêm phòng đầy đủ.

Biến chứng hay gặp của cúm A là viêm phổi suy hô hấp, viêm cơ tim, thậm chí viêm màng não do virus. Các bác sĩ chỉ có thể xác định bệnh bằng xét nghiệm dịch mũi họng.

Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột trên 38 độ, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn trớ nhiều, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con tới các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tay chân miệng gia tăng

canh giac 3 benh tan cong tre dang vao mua
Dự báo bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền. Ảnh: KC.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ mắc tay chân miệng cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam.

Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như Tp.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng…

“Do bệnh hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, lại đang là mùa tập trung vào năm học mới nên có xu hướng gia tăng do tính chất lây truyền”, ông Tấn nói.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Hai tác nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là CVA16 và EV71. So với CVA16, nhóm mắc virus EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Tuy nhiên, năm nay số ca mắc tay chân miệng do virus EV71 tăng đột biến ở các tỉnh thành phía Nam.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm chủng EV71 trong tổng số hàng trăm trường hợp nhập viện do tay chân miệng.

EV71 là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Dịch sởi vào mùa cao điểm

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 5-8/2018, số ca mắc sởi tăng nhanh với khoảng gần 70 ca mắc/tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh năm nay tăng gấp 30 lần.

Tại Hà Nội, số ca mắc sởi năm nay cao gấp 10 lần năm 2015, gấp 130 lần năm 2016, gấp gần 5 lần năm 2017. Nếu như các năm trước, số ca bệnh xuất hiện chủ yếu trong mùa xuân thì năm 2018 lại xuất hiện nhiều ở mùa hè và mùa thu.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, nếu như mọi năm chỉ ghi nhận khoảng 100 ca mắc thì từ đầu năm 2018 đến nay đã có khoảng 250 ca mắc.

Trong số các ca nhập viện, nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng. Đặc biệt, đầu tháng 9, có trường hợp trẻ sơ sinh 14 ngày tuổi nhiễm virus sởi và cả hai mẹ con đều mắc bệnh.

Có thể thấy, số trẻ không tiêm phòng bị mắc sởi nhiều hơn, đặc biệt nhóm chưa đến tuổi tiêm phòng. Số miễn dịch sởi trong cộng đồng ở bà mẹ độ tuổi sinh đẻ đang giảm xuống.

Tuệ Anh (Tổng hợp)