Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 người tử vong.

Trao đổi với Vietnamnet, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh liên cầu cầu lợn rải rác quanh năm nhưng tăng mạnh vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán do nhiều nơi mổ lợn ăn Tết và giữ tập tục ăn tiết canh cho may mắn.

Ăn tiết canh lợn khỏe mạnh vẫn mắc liên cầu khuẩn
(ảnh: Phụ nữ Việt Nam).

Kết quả điều tra dịch tễ, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại do ăn nem chạo sống, thịt lợn tái, do tiếp xúc, giết mổ lợn.

Mọi người thường chủ quan, nghĩ lợn do gia đình nuôi là sạch nên yên tâm ăn tiết cạnh. Tuy nhiên, giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%, bằng mắt thường không thể phát hiện.

Ông Phu cũng cho biết, bệnh liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra. Vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng của lợn và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu nhưng cũng rất khó phát hiện.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%. Trong số những trường hợp được cứu sống, 40% sẽ có di chứng điếc không hồi phục.

Ăn tiết canh lợn khỏe mạnh vẫn mắc liên cầu khuẩn
Ăn tiết canh lợn khỏe mạnh vẫn mắc liên cầu khuẩn

Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm thế nào?

Bệnh liên cầu lợn là bệnh lý lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis).

Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…).

Hoặc người bị lây bệnh do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…); phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp.

Ở nhiệt độ 25 độ C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng.

Ban đầu, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.

Trường hợp nặng, người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.

Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khác như lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Nếu bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Phòng bệnh liên cầu lợn

Theo VTC, để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần:

– Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

– Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

– Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

– Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Phương Nam