Thành viên trong gia đình là những người thân cận và yêu thương chúng ta nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể thấy vậy mà tùy hứng nói chuyện, thích gì nói nấy.

Rất có thể những lời nói chưa được suy nghĩ kỹ càng sẽ khiến người nghe chịu nhận tổn thương. Dưới đây là 3 câu tuyệt đối không nên nói với người thân trong gia đình.

1. Nói với người già: “Chỉ quản việc ăn uống, đừng quan tâm đến việc gì khác trong nhà”

Trong ngôi nhà đó, người già từng là chủ nhân, giờ con cháu trưởng thành lại nói lời như vậy với họ, điều này rất dễ khiến cha mẹ ông bà cảm thấy họ bị tước đoạt đi quyền làm chủ và có cảm giác mất mát trong lòng.

Gia đình của anh Cường đang thảo luận chuyện mua nhà ở. Cha mẹ của anh nghĩ tới tuổi tác của bản thân đã cao, đi lại không nhanh nhẹn và có ý định mua nhà ở tầng trệt. Tuy nhiên, vợ anh Cường kiên quyết phản đối. Cô nói rằng tầng trệt ồn ào, ảnh hưởng sức khỏe không nên ở. Bàn qua tính lại nhưng ý kiến vẫn không thống nhất được. Lúc này, cha mẹ và con dâu bắt đầu cảm thấy khó chịu với nhau. Những chuyện vụn vặt cũng lời qua tiếng lại, không ai chịu nhượng bộ.

Bấy giờ, anh Cường mới lên tiếng. Tuy nhiên, anh không đứng ở lập trường hòa giải mâu thuẫn mà thốt lên với cha mẹ lời này: “Con đã nói với cha mẹ rồi. Cha mẹ giờ đã có tuổi, chỉ để ý đến việc ăn uống thôi, đừng quan tâm đến chuyện khác trong cái nhà này nữa. Cha mẹ xem, chuyện bàn bạc mua nhà, cha mẹ cũng xen vào”. Vừa nói đến đây, cha của Cường liền nổi giận quát: “Cưới được vợ rồi là quên luôn cha mẹ”.

Vậy là cuộc chiến tranh trong gia đình đã diễn ra làm cho bầu không khí hết sức căng thẳng.

Vừa may lúc đó người hàng xóm chạy sang, kéo Cường sang một bên nói: “Cậu mua nhà ở, cần lấy tiền của cha mẹ sao?”.

Anh Cường nói: “Đều là người một nhà, tất nhiên là cần rồi ạ”.

Người hàng xóm nói: “Nếu cậu muốn sử dụng tiền của cha mẹ thì cần lắng nghe ý kiến của họ. Lời nói vừa rồi của cậu chẳng phải đang khiến cha mẹ cậu bị tổn thương sao?”.

Chợt nhận ra lỗi lầm của mình, anh Cường cúi đầu không nói được gì. Anh cũng ý thức được vì nóng lòng giải quyết vấn đề mà đã nói lỡ lời.

Cuối cùng, sau khi thảo luận, cả gia đình đã đi đến thống nhất mua một căn chung cư có thang máy đi lại tiện lợi. Mặc dù chi phí mua nhà có đắt hơn một chút nhưng rất thuận tiện. Nó không chỉ giải quyết được vấn đề leo cầu thang của cha mẹ mà còn vừa ý người vợ.

2. Nói với vợ: “Anh đã chịu đựng em bao nhiêu năm rồi, có phải em muốn chết không?”

Bước vào tuổi trung niên, áp lực cuộc sống thường khiến mối quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng bị ảnh hưởng.

Công ty nơi anh Cường làm việc gặp khó khăn bị buộc phải phá sản. Chỉ một số ít công nhân được sắp xếp cho công việc mới, phần còn lại phải tự đi tìm việc ở bên ngoài. Anh Cường bị sa thải, không có kỹ thuật trong tay, không tìm được việc làm thích hợp trong thời gian dài và vẫn phải ở nhà.

Một ngày, bạn làm cùng công ty cũ đến chơi nhà anh Cường. Trong lúc nói chuyện, người bạn có kể về việc anh đã tìm được công việc mới có mức lương cao hơn công việc trước đây. Câu chuyện giữa họ đã được vợ của anh Cường nghe thấy, cô liền thúc giục anh đi ra ngoài tìm việc, nếu không thì sẽ cho nhịn ăn.

Lúc này, anh Cường cảm thấy không còn mặt mũi trước các đồng nghiệp cũ, anh chỉ tay vào mặt vợ rồi hét lên: “Tôi nhịn cô nhiều năm như vậy, cô càng ngày càng quá đáng rồi, cô muốn ăn đập hả. Lúc tôi còn đi làm đã nuôi cô nhiều năm như thế, vừa mới nghỉ việc ít ngày, cô vì sao không thể nuôi tôi chứ?”.

Vợ của anh Cường cũng tức giận nói: “Tôi nuôi anh? Sao mà một người đàn ông khỏe mạnh lại có thể nói ra câu này? Anh không muốn tìm việc làm phải không?”. Lời vừa dứt, cô liền mở cửa bỏ đi.

Cường nhận thức được mức nghiêm trọng của vấn đề nhưng vì muốn giữ thể diện nên không thể đuổi theo vợ ngay lập tức.

Khi mới cưới thì tình cảm còn nồng ấm, mọi lỗi lầm đều có thể lớn biến thành nhỏ, nhỏ coi như không có, vợ chồng sống hòa thuận cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Tuy nhiên, thuận theo thời gian, gánh nặng cuộc sống cũng tăng dần nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, khiến cho nhau tổn thương. Do đó, cả hai bên cùng nên bình tĩnh một chút, nghĩ đến cảm nhận của người khác, tránh nói lời làm tổn thương đối phương.

3. Nói với con: “Cha hối hận vì đã sinh ra đứa con vô tích sự như thế này”

Mong con thành người tài đức là ước nguyện của hầu hết bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ sinh con trời sinh tính, mỗi đứa trẻ đều được ban cho những năng lực khác nhau. Do đó, cha mẹ cần tùy thuận theo sở trường của con trẻ mà vun đắp để chúng trưởng thành tốt nhất.

Ông Ngô là người được mọi người kính trọng là bậc trí giả. Tuy nhiên, con trai ông lại không được như ông, thành tích học tập chỉ đạt kết quả trung bình.

Một lần ngồi dạy con làm bài tập về nhà, vợ ông Ngô cảm thấy tiếc cho bản thân rằng “rèn sắt không thành thép”, đã lỡ miệng trách con trai: “Mẹ sinh nhầm con, mẹ dạy con nhiều lần rồi, sao con không nhớ chút gì vậy. Mẹ hối hận đã sinh ra đứa con bất tài vô dụng như thế này”.

Nghe lời trách mắng của mẹ, cậu con trai ném cây bút đi và nói lớn: “Con sẽ đi chết đây, không làm mất mặt cha mẹ nữa”. Nói rồi cậu đứng lên, mở cửa phóng và chạy một mạch ra ngoài.

Thấy vậy, cả nhà đã vội vàng đuổi theo ngăn lại. Tuy nhiên, không còn kịp nữa vì cậu bé đã lên chiếc taxi và rời đi. Lúc này, ông Ngô cảm thấy lo lắng đứng ngồi không yên. Cả gia đình nhanh chóng đi tìm, sau một thời gian thấy cậu đang ngồi bên hồ, đôi mắt như mất hồn nhìn mặt nước mà không nói lời nào.

Kỳ thực, mỗi người đều muốn gia đình sống hạnh phúc, nhưng lời nói và hành động nhiều khi lại không toát lên điều ấy. Bởi vì người thân bên cạnh đã quá gần, quá quen nên lời nói không cân nhắc trước sau khiến người nghe bị tổn thương nghiêm trọng. Sự thực là, những người thân trong gia đình là người đáng để ta trân trọng và đối xử dịu dàng nhất, vì họ chính là bến đỗ bình yên của mỗi chúng ta trong giông bão cuộc đời.

Nguồn ảnh: Shutterstock.

San San

Theo Secret China

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__