Đinh lăng là loại cây mọc nhiều ở các tỉnh miền núi nước ta, có nhiều công dụng tốt đối với sức khoẻ. Các món ăn chế biến với lá đinh lăng vừa tạo cảm giác ngon, lạ miệng vừa có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Theo y học cổ truyền, lá đinh lăng vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…

Theo y học hiện đại, lá đinh lăng chứa nhiều hoạt chất có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe như Saponin, Glucoxit, Vitamin B1, Flavonoit, Axitamin, Alcaloit…

Cho nên, sử dụng lá đinh lăng nấu nước uống hay kết hợp chế biến món ăn đều có tác dụng rất tốt đối với cơ thể. Hôm nay, Bếp Đại Kỷ Nguyên sẽ chia sẻ đến bạn một số món ăn từ lá đinh lăng, hy vọng sẽ giúp ích cho gia đình bạn nhé.

Trứng chiên lá đinh lăng

Nguyên liệu:

  • Lá đinh lăng 1 nắm vừa
  • Trứng 3-4 quả (sử dụng trứng gà sẽ tốt hơn)
  • Hành khô nửa củ 
  • Gia vị: Dầu ăn, muối, bột ngọt

Cách làm:

– Lá đinh lăng rửa sạch thái nhỏ.

– Hành khô bóc vỏ, băm nhuyễn.

– Đập trứng vào bát tô sau đó cho lá đinh lăng cùng 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê bột ngọt, đánh đều hỗn hợp.

– Đổ dầu lượng vừa vào chảo phi thơm hành. Từ từ đổ hỗn hợp trứng và lá đinh lăng vào chiên dưới lửa nhỏ.

– Sau khi vàng một mặt rồi thì bạn khéo tay cuộn tròn trứng lại. Để tầm 2 -3 phút nữa là được.

Món trứng chiên lá đinh lăng dễ làm, ăn lạ miệng (ảnh chụp màn hình soytebackan).

– Cho ra đĩa, cắt từng khoanh vừa, thưởng thức cùng cơm nóng.

Cháo đinh lăng – tim lợn

Nguyên liệu:

  • Gạo 100gr
  • Tim lợn một cái
  • Lá đinh lăng 1 nắm vừa
  • Gừng nửa củ
  • Gia vị: Muối, bột ngọt, nước mắm, tiêu, rượu trắng

Cách làm:

– Tim lợn làm sạch, thái miếng vừa ăn rồi ướp với 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê muối, nửa thìa cà phê bột ngọt, gừng (băm nhỏ), 2 thìa cà phê rượu trắng, nửa thìa cà phê tiêu.

– Lá đinh lăng rửa sạch, thái nhỏ.

– Gạo vo sạch, bỏ vào nồi đem hầm với lượng nước vừa đủ.

– Sau khi cháo chín thì cho lá đinh lăng và tim lợn (đã chắt nước) vào hầm chung.

– Đến khi tất cả nguyên liệu đều chín thì nêm gia vị vừa ăn, tắt bếp.

– Thưởng thức khi cháo còn nóng sẽ rất ngon.

Món cháo đinh lăng – tim lợn rất thích hợp cho người mới ốm dậy.

Sườn non hầm lá đinh lăng

Nguyên liệu:

  • Sườn non 200gr
  • Lá đinh lăng 200gr
  • Hành khô 1 củ
  • Gia vị: Dầu ăn, muối, bột ngọt, nước mắm

Cách làm:

– Sườn non rửa sạch, ướp với 1 thìa cà phê muối, nửa thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê nước mắm trong tầm 15 phút.

– Hành khô bóc bỏ, rửa sạch băm nhỏ.

– Lá đinh lăng rửa sạch, để ráo nước.

– Bắc nồi lên bếp cùng 1 thìa canh dầu ăn phi thơm hành. Sau đó, đổ sườn vào xào đều tay cho đến khi thịt săn lại thì thêm lượng nước vừa đủ vào.

– Đậy nắp vung kín, tiếp tục đun cho đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa.

– Đun đến lúc sườn chín mềm thì cho lá đinh lăng vào rồi vặn lửa lớn. Nước canh sôi tầm 2 phút, nêm lại gia vị vừa miệng là tắt bếp.

Món canh bổ dưỡng đối với chị em đang trong quá trình cho con bú (ảnh chụp màn hình cooky).

– Canh sườn non hầm lá đinh lăng thưởng thức cùng cơm nóng sẽ rất tuyệt vời. Đây là món ăn có tác dụng rất tốt đối với sản phụ bị tắc sữa.

Một số bài thuốc từ các bộ phận khác của đinh lăng được báo Tiền Phong đăng tải tham khảo tài liệu Hội Đông y Việt Nam, bạn có thể lưu lại sử dụng khi cần nhé.

– Chữa mệt mỏi: Lấy rễ cây đinh lăng sắc uống có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể.

– Chữa đau lưng, mỏi gối: Dùng thân, cành đinh lăng 20-30g sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày.  Bạn có thể kết hợp cả cam thảo dây, rễ cây xấu hổ, cúc tần.

– Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

– Bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sữa: Lấy 30-40g rễ cây đinh lăng, sắc với 500ml nước lấy còn 250ml. Uống nóng.

– Chữa đau lưng, mỏi gối: Lấy 20-30g thân và cành đinh lăng, rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây sắc lấy nước, uống 3 lần mỗi ngày.

– Chữa ho lâu ngày: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

– Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g; tam thất 20g; tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp. Không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say, có hiện tượng mệt mỏi đối với cơ thể.

Video xem thêm: Pháp Luân Công đã giúp tôi khỏi hẳn các chứng bệnh tiêu hóa mãn tính, chứng mệt mỏi và có một sức khỏe kiện toàn

videoinfo__video3.dkn.tv||520751dd8__