“Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời!
Lần đầu tiên tôi hiểu
Nỗi buồn kẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời”.

                  (Mất Mẹ – Xuân Tâm)

Lần đầu tiên tôi đọc bài thơ này là vào tháng đầu của năm nhất đại học, từ trong quyển sổ tay của HY, một cô bạn cùng lớp.

Tôi nhớ những buổi trưa tôi cùng HY lê lết ở những quán “cơm bụi” quanh trường Ðại học Sư Phạm, Ðại Học Tổng Hợp, rồi lên lớp nằm trên những băng ghế của giảng đường, khi thì ngủ trưa, khi thì nghêu ngao hát những bản “nhạc vàng,” lúc lại tán dóc chờ đến buổi học chiều.

Thời gian ấy, cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe HY, đứa bạn cùng tuổi mình, kể về cái chết của mẹ nó, kể lại hình ảnh nó trong đám tang, kể lại chuyện nó gắng gượng như thế nào để cho qua kỳ thi tốt nghiệp, rồi thi đại học, nó kể về cái tát của anh trai nó khi mẹ nó vừa qua đời… Nó kể bằng giọng tỉnh rụi, trong khi tôi sụt sùi. Nó bảo: “Mày vô duyên quá! Chuyện tao, tao chưa khóc, mắc gì mày nghe thôi mà cũng khóc!”. Nói vậy, nhưng tay nó quẹt ngang mắt.

Thì có ai bắt đâu, tự dưng thôi mà. Tôi cứ bị ám ảnh bởi câu: “Hoàng hôn phủ trên mộ/Chuông chùa nhẹ rơi rơi”. Tôi nghe ra điều gì trống trải, mênh mông, và lạnh lẽo lắm. Tôi lại hình dung hình ảnh đứa bạn bằng tuổi tôi, 17 khi đó, đóng chặt cửa phòng, khóc nỗi buồn mồ côi. Và nghe môi mình mặn ướt.

***

Cũng năm nhất đại học, lần thứ hai trong đời, tôi chứng kiến một người bạn mất mẹ.

Cũng một cảm giác chơi vơi lạ lùng, khi tôi nghe báo tin: “Má của H mới mất”.

Tôi theo đám bạn thân đi đưa tang má anh, về hướng lò thiêu Bình Hưng Hòa.

Thực sự tôi không hề thấy sợ, mà chỉ là một cảm xúc gì đó không thể diễn tả được khi nắp lò thiêu mở ra và chiếc quan tài rơi xuống…

Tôi nhìn trân trối vào gương mặt anh – một người vừa mất mẹ… Tôi không diễn tả được bởi tôi không rơi vào hoàn cảnh ấy, nhưng điều đó ám ảnh tôi.

Ngày đám tang má anh, anh không khóc nhiều. Nhưng sau khi mọi chuyện qua đi, khách khứa nhà quê đã về, má anh yên vị một chỗ trong tháp chùa, anh bắt đầu khóc. Tiếng khóc đứa con mồ côi, dù lớn, dù nhỏ, cũng có điều chi rất khác.

Anh bảo anh nhớ những lần ăn học ở Sài Gòn, có khi đang đi chơi cùng chúng bạn, tự dưng nhớ má. Vậy là anh lái Honda một mạch từ Sài Gòn về Cần Thơ trong đêm, chỉ để ùa vào nhà, ôm lấy má, ngủ một đêm với má. Sáng mai lại vòng xe quay trở lại Sài thành.

Giờ đang rong ruổi trong đêm, nhớ má, anh chạy về đâu…

***

Hơn 20 năm sau, tôi lại thêm một lần đối diện cuộc trò chuyện: “Mẹ mất rồi, chị L”.

Bạn nói, giọng như thinh không.

“Hả? Hồi nào?” – “Ðứa cháu vừa gọi. Nói mẹ mất lúc 4 giờ sáng ở Việt Nam, tức là 1 giờ trưa ở đây”.

“Tôi kêu ông về mà ông không nghe. Bây giờ tính sao? Có về không?”. Tự dưng tôi nghe giọng mình nhỏ mà thật cáu.

“Th. đang chạy đi hỏi vé”.

Ở hai đầu điện thoại lại là một khoảng trống.

“Bực quá! Cái nhà bên đó đang đập ra dở dang. Hai tháng nữa là xong rồi. Phải chi mẹ ráng chờ thêm một tháng, thấy được hình dáng cái nhà sửa ra làm sao cũng được”. Bạn nói qua điện thoại. Tôi hình dung ra cái mím môi, cái tay chà chà lên đầu, đôi mắt đau đớn, và tiếng chửi thề không rõ tiếng.

Ðứa con cô đơn xa nhà, từng một lần chấp chới chạy về khi ba nhắm mắt, cách đây 4 năm. Nay thêm tin mẹ…

Nhớ giữa tháng 1, hay tin mẹ bạn được đưa vào bệnh viện. Ung thư dạ dày.

Ngồi trong quán Denny’s, tôi hỏi nhỏ: “Về không?” – “Th. cũng chưa biết nữa” – Tôi gắt: “Về thì về đại. Chờ cái gì”.

Bạn ôm đầu. Mắt như có nước. Mưa Huế buồn, chắc không hơn mắt bạn.

Nhớ những dòng bạn viết khi nhận được tin nhà: “Sau khi cúp điện thoại, tôi ngồi thừ người ở trong xe. Tâm trạng bải hoải và chân tay mềm nhũn sau cái tin quá buồn và ác nghiệt đó. Ba tôi đột ngột mất đi đã khiến cho chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Nay nhận được tin về bệnh trạng của Mạ khiến cho lòng chúng tôi như tương bần. Vô cùng bối rối. Con biết phải làm gì cho Mạ đây? Mạ ơi!”.

Bạn xa nhà cũng cùng thời gian như tôi, chênh nhau dăm ba tháng. Một mình bạn, bon chen đủ nghề kiếm sống. Số bạn khổ, trôi dạt từ miền này qua xứ khác. Cái gì bạn cũng làm, cái gì bạn cũng không ngại. Nhưng nỗi khổ như cái gì bấp bênh cứ đeo bám.

Bạn tâm sự: “Th. hứa sẽ kiếm tiền gửi về sửa lại cái nhà cho mẹ trước khi mẹ nhắm mắt. Ðể cái nhà sửa xong thì Th. về. Mẹ ráng ráng chắc cũng qua”.

Bạn an ủi lòng. Tôi lầu bầu: “Có những thứ không chờ được”.

Càu nhàu bạn, nhưng tôi hiểu. Bạn xoay xở cho cuộc sống của mình đã là không dễ. Gánh nặng nỗi niềm phải làm gì trả hiếu cho mẹ, cho cha lại càng khiến bạn cảm thấy oằn vai, dù cha không đòi, dù mẹ không mong.

Tiếng bạn kéo tôi về thực tại. Giọng bạn đau đớn: “Bực quá chị L. ơi! Cái gì cũng dở dang. Cứ nghĩ mẹ ráng được thêm vài tháng”. Bạn nhắc lại. Tôi lại hình dung ra sự uất ức của đứa con cảm thấy mình chưa tròn bổn phận hiện trên mặt bạn.

Nhớ câu bạn viết: “Cho dẫu, đường xa vạn dặm. Mẹ đừng bỏ con đi”.

Thôi, khuya nay bạn về. Muộn rồi.

***

Tôi không nhớ mình thoáng thấy lạnh người như thế nào khi trước giờ đi ngủ, chợt thấy message của bạn hiện lên: “Anh mồ côi mẹ rồi!”, trong một đêm gần giữa tháng 4.

Tôi biết, có nói bao nhiêu lời, có hình dung bao nhiêu thứ, tôi chắc mình vẫn không mường tượng được nỗi tê tái của người vừa để câu nói ấy thoát ra khỏi miệng.

Tôi không mong chờ, cũng chưa bao giờ dám nghĩ, đến ngày, điều khủng khiếp ấy trôi qua đầu tôi.

Tôi hình dung bạn tôi từ nửa vòng trái đất, bay về, đứng bên ngôi mộ vừa đắp, lặng lẽ đốt bài Hồn Phở – như một cách nói “Con thương má lắm!”, rồi ngồi bệt xuống đất ngơ ngác nhìn quanh. “Chiều xuống rồi, mây trời ngẩn ngơ khăn tang trắng, tôi biết rằng mình cũng trắng khăn tang”. Thảng thốt.

Tôi lại nhớ tôi ngồi lặng lẽ đọc, để chia sẻ cùng một người bạn khác, nỗi đau mất mẹ, mà nó ví như “một nhát dao cứa thẳng tắp vô lòng. Nhát dao đâm từ trên đâm xuống. Một lần thôi. Biết bao giờ cho lành”.

“Hình như tôi khóc như chưa từng được khóc. Tôi khóc cho hả. Khóc hờn khóc mát cho cái ngày tôi bị mồ côi.

Chẳng có ai dạy chúng ta phải cư xử làm sao khi mồ côi. Chả trường chả lớp hay văn bằng cấp cho chúng ta cái chứng chỉ mồ côi.

Làm sao nguôi ngoai. Cái phận mồ côi sẽ theo suốt đời chúng ta. Làm sao nguôi ngoai. Tôi không biết. Chỉ biết ngày theo ngày, cái đau càng nặng nề hơn, trống tan hoang hơn và u ám hơn”.

***

Mùa Vu Lan về.

Tôi ngồi bên má tôi. Bình an. Ấm áp. Và hướng về bạn, với tất cả yêu thương.

Nhân ngày Vu Lan 2012

Ngọc Lan

Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: 10 đại ân tình suốt đời mẹ dành cho con, nặng hơn non cao, rộng hơn biển cả

videoinfo__video3.dkn.tv||56fd5dcfd__