Cuốn gia thư “Nhan Thị gia huấn” của Nhan Chi Thôi thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc, lấy quan điểm luân lý gia đình giản dị và chân thực để giáo dục hướng đạo con cháu hậu thế tu thân, học hành v.v. vẫn nguyên vẹn ý nghĩa giáo huấn đến ngày nay. 

Là bậc phụ mẫu, cha mẹ luôn muốn lưu lại cho con cháu những gì trân quý nhất. Chúng ta muốn lưu lại điều gì nhất cho con cháu một trăm năm sau? Một biệt thự sang trọng? Hay đồ trang sức bằng vàng?

Trong thế cục kịch liệt của thời kỳ Nam Bắc triều tại Trung Quốc, có một người cha đã chọn cách lưu lại cho con cháu một cuốn “Gia huấn”, nhưng ông không ngờ rằng mình được lưu danh thiên cổ nhờ cuốn sách này.

“Nhan Thị gia huấn” – Cuốn truyền thư lâu đời nhất về giáo dục gia đình 

“Nhan Thị gia huấn” là một bộ sách giáo dục gia đình sớm nhất hiện tồn từ thời cổ đại, tác giả Nhan Chi Thôi sống vào thời liên tục cải triều hoán đại, khi thế cục mười phần hỗn loạn. 

“Nhan Thị gia huấn” mà ông viết ra, là những lời căn dặn, chia sẻ sâu sắc về nhân sinh của một người cha – người đã từng trải qua những biến động thế sự kịch liệt, gửi đến ba người con trai của mình. Cuốn sách không chỉ hiển lộ những lý niệm về giáo dưỡng, mà còn từ hoàn cảnh xã hội, mà qui định hướng dẫn cách lập thân xử thế, thậm chí qui hướng tín ngưỡng và sinh mệnh, truyền đạt một cách có hệ thống những tư tưởng uẩn hàm thâm khắc. Trong hàng ngàn năm qua, nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng giáo dục gia đình trong văn hóa Trung Hoa. 

Xuất thân của cuốn sách: Từ một gia tộc khoa bảng nổi tiếng hiếu đễ 

Sau khi kết thúc thời Đông Tấn, bắt đầu thời kỳ Nam Bắc triều, các ngoại tộc ở phương Bắc xâm lược lẫn nhau, chính quyền Hán tộc ở Trung Nguyên bất đắc dĩ phải lui về phương Nam phòng thủ, cuối cùng rút lui về phía nam sông Dương Tử, xây dựng thành Kiến Khang (nay là Nam Kinh) thành thành đô, và trải qua các triều đại Tống, Tề, Lương và Trần. Các ngoại tộc ở phương Bắc cũng phân chia thành nhiều thế lực, không chỉ công phạt lẫn nhau, mà còn không ngừng chiến loạn với chính quyền phương Nam.

Tổ tiên của Nhan Chi Thôi đều làm quan trong triều đình từ thời Đông Hán, gia tộc lấy kinh sử truyền gia, là một dòng họ khoa bảng điển hình. Khi nhà Đông Tấn dời xuống phương nam, Nham Hàm, tổ bối của gia tộc, cũng theo triều đình dời về phương nam, kế thừa gia nghiệp, nổi tiếng là người hiếu thảo. 

Gia phong của Nhan Thị là nghiêm cẩn và chất phác, không hâm mộ danh lợi. Nhan Hàn khuyên răn con cháu: “Chúng ta là dòng dõi thư sinh, xưa nay đều không là con nhà phú quý, từ giờ trở đi, bổng lộc làm quan không thể quá hai ngàn thạch (đơn vị tiền tệ thời Đông Tấn), kết hôn không thể vì ham muốn gia thế của đối phương.” Đương thời, Phù Khoa, một phú ông giàu có tặng ông những món ngon hiếm có, ông đã khéo léo từ chối; Vị đại tướng quân Hoàn Ôn chức cao quyền trọng đã ngỏ lời cầu hôn cho con, Nhan Hàn vì gia tộc Hoàn Ôn có thanh danh quá lớn mà cự tuyệt. 

Cha của Nhan Chi Thôi, Nhan Hiệp, đã mất từ ​​khi ông mới 9 tuổi, gia đình của ông đều dựa vào hai anh trai lo liệu, gia đạo vốn đã thanh đạm, nay lại càng khốn đốn hơn. Tuy nhiên, dù gia cảnh bần hàn, truyền thống gia đình vẫn được bảo tồn, Nhan Chi Thôi từ nhỏ đã được tiếp thụ giáo dưỡng tốt và rất siêng năng học tập.

Nhan Chi Thôi từ thời niên thiếu đã sớm có trí tuệ, tài hoa xuất chúng, giỏi văn chương, viết chữ rất đẹp, vì vậy, năm mười chín tuổi, ông đã được Nam Lương Vũ Đế Tiêu Diễn Diên mời làm quan. Khi đó Nam Lương đang ở thời bình, Nhan Chi Thôi tuổi trẻ làm quan nên đắc ý, làm thơ luận sử, thường lui tới cung đình yến tiệc, bị nhiễm thói tục đương thời, có chút lệch khỏi gia phong, thích uống rượu và sống khá phóng túng.

Chân dung Lương Vũ Đế Tiêu Diễn (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Cuộc nổi dậy của Hầu Cảnh đã cứu hồi một sinh mệnh 

Tuy nhiên, hảo cảnh đâu thường tại, khi ông 21 tuổi, cuộc nổi loạn của Hầu Cảnh đã khởi lên. Cuộc đời của Nhan Chi Thôi nhanh chóng trở nên tồi tệ, chính là “Ca vũ còn chưa dứt, phong trần ám thiên khởi.”

Thời Nam Bắc triều hỗn loạn như thế nào? Từ sự kiện cuộc nổi dậy của Hầu Cảnh, chúng ta có thể hình dung được những nỗi bi oán của thời đại đó.

Hầu Cảnh vốn là một đại tướng quân của nhà Đông Ngụy, vì giảo trá hung tàn mà bị hoàng thất hoài nghi. Hầu Cảnh sau đó thống lĩnh mười ba châu tìm kiếm nơi lánh nạn ở Nam Lương Vũ Đế. Bất chấp sự khuyến cáo cảnh tỉnh của các sứ thần, Nam Lương Vũ Đế vẫn tiếp nạp Hầu Cảnh.

Vài năm sau, nhà Đông Ngụy tấn công Nam Lương và đề nghị lấy Hầu Cảnh để giao hoán hòa bình, không ngờ rằng Vũ Đế bất ngờ đồng ý.

Đại thần liền khuyến nghị Vũ Đế: “Thu nạp chi, phế bỏ chi”, thực tại không hợp đạo nghĩa, mà với binh quyền và tính cách của Hầu Cảnh, làm sao có thể ngoan ngoãn để bị bắt được? Quả nhiên, Hầu Cảnh cùng đại quân đã tấn công thành Kiện Khang, thế như chẻ tre phá trúc. Vào thời điểm đó, con trai thứ bảy của Vũ Đế, Tiêu Dịch, đang đóng quân ở Kinh Châu, nhưng đã chọn cách buông xuôi, án binh bất động.

Nhìn toàn thể sự việc, có thể nói “vua không ra vua, quan không ra quan, con không ra con”, giữa quân và thần không tồn tại thành tín trung nghĩa, giữa phụ tử cũng tận tuyệt ân nghĩa.

Sau khi Hầu Cảnh tâm hoài oán phẫn tiến nhập kinh đô, đã đốt phá tàn sát kinh đô Nam Lương, khiến “khói bao phủ ngàn dặm, xương trắng chất thành núi”, kinh tế điêu tàn, dịch bệnh và nạn đói hoành hành, tình huống thê thảm.

Trong cuộc hỗn loạn này, Nhan Chi Thôi không chỉ bị bắt làm tù binh mà còn suýt bị sát hại, may mắn thay, một người bạn của ông đã ra tay can ngăn, ông mới được cứu hồi mạng sống.

Nam Lương Nguyên Đế thiêu hủy kho sách

Nhan Chi Thôi kinh hồn, quay trở về tới Nam Lương, đúng lúc Lương Nguyên Đế là Tiêu Nghị đang tự lập vương nghiệp. Nhờ tài học thâm hậu, ông được bổ nhiệm làm Tản kỵ Thị lang, chịu trách nhiệm quản lý, biên tập và hiệu chỉnh thư tịch trong thư viện. Hai năm sau, khi nhà Tây Ngụy tấn công vây hãm Giang Lăng, Lương Nguyên Đế thấy tình thế đại biến, liền hạ lệnh cho người đốt 24 vạn quyển sách cổ. Nhan Chi Thôi tận mắt chứng kiến huyết mạch của nền văn hóa đã bị đốt cháy hết, bi thống tận tâm can, trên hành trình bị bắt làm tù binh đến Trường An ở phương bắc, ông thập phần hổ thẹn.

May mắn thay, Ngụy đại tướng quân Lý Hiển Khánh đã xem trọng tài học của ông, và tiến cử ông tới huynh trưởng của mình là Lý Viễn Môn để làm quan, Nhan Chi Thôi một lần nữa may mắn thoát nạn.

Bất chấp nước sông dâng cao, đi thuyền bảy trăm dặm vượt sông cùng gia đình

Sau đó, ông nghe nói rằng nhiều người Bắc Tề đã quay trở về Nam Lương, vì vậy ông quyết định từ quan, bất chấp nước sông dâng cao, đi thuyền theo hướng Bắc Tề mà hồi cố hương. Ông đã đưa cả gia đình người thân lên lên thuyền, vượt qua hành trình bảy trăm dặm trong đêm, trên đường gặp phải đá ngầm và xoáy nước, suýt bị lật thuyền, trải qua khó khăn nguy hiểm, cuối cùng cũng về tới được Bắc Tề.

Tinh thần kiên nghị và bất khuất cùng với sự quả quyết mang đầy dũng khí của Nhan Chi Thôi đã khiến mọi người thán phục. Hiển nhiên, chính những khổ nạn đã hun đúc nên tính cách kiên cường của ông.

Bước vào quan trường Bắc Tề

Tuy nhiên, Nam Lương đã bị diệt vong, Nhan Chi Thôi phải đối mặt với thế cục có nhà mà không thể về. Hoàng đế Cao Dương của Bắc Tề thập phần đánh giá cao ông, vì vậy mà giữ ông lại Bắc Tề làm quan.

Nhan Chi Thôi, người đang mang theo gia đình nhỏ, không thể từ bỏ gia đình mà tuẫn tiết, chỉ có thể hồi ứng lại lời mời nhiệt tình của hoàng đế Bắc Tề. Tuy nhiên, trái tim thủy chung của ông luôn cảm thấy hổ thẹn, nên ông đã viết những vần thơ biểu đạt nội tâm đau buồn của mình: “Vị hoạch tuẫn lăng mộ, độc sinh lương túc sỉ. Mẫn mẫn tư cựu đô, trắc trắc hoài quân tử. Bạch phát khuy minh kính, ưu thương mấy dư xỉ”, ý tứ là: “Chưa được chết dưới mộ, kẻ độc sinh hổ thẹn. Nhớ thương cựu thành đô, bi thống người quân tử. Soi gương tóc đã trắng, ưu thương còn bao tuổi?

Ông đã trải qua hai mươi năm ở Bắc Tề trong một cuộc sống tương đối ổn định. Trong thời kỳ này, Nhan Chi Thôi, dựa vào tài học vững vàng và tư duy mẫn thiệp của mình, nhậm chức “Chấp chưởng văn thư”, một chức quan trung tầng, không được coi là hiển quý, nhưng luôn bình thuận. Mặc dù vậy, quan trường ác hiểm, ông đã nhiều lần bị hãm vào nguy cơ bị sàm hại, nhưng đều may mắn tránh được.

Sau khi nhà Bắc Tề vong, ông lại làm quan cho triều Bắc Chu, rồi khi nhà Tùy tiêu diệt Bắc Chu, Nhan Chi Thôi cũng vẫn được tân triều lễ ngộ, phong làm học sĩ, đến năm 60 tuổi ông mất vì bệnh.

Kết tinh trí huệ lúc bình sinh

Nhan Chi Thôi gặp phải thời loạn thế, đã phải chịu đựng muôn nỗi khổ chiến loạn, đảm nhậm chức vị tại nhiều vương triều, từ Nam Lương, Tây Ngụy, Bắc Ngụy, Bắc Chu rồi đến nhà Tùy, ba lần trở thành người dân vong quốc, là hình ảnh thu nhỏ của phần tử trí thức dưới thời đại đại bi kịch.

Vào thời điểm đó, thiên hạ bị chia cắt, chính quyền phân phân hợp hợp, các vương triều tranh đoạt kịch liệt, cảnh tương tàn giữa các thủ túc trong hoàng tộc cũng phổ biến; đang là vương chủ kim triều, nháy mắt nhát đao hạ xuống đã thành dã quỷ; kẻ thượng vị cũng bất trung bất nghĩa, thì kẻ hạ vị nên vì ai mà tận trung đây? Đó xác thực là một nghị đề khiến người ta chán nản. Điều duy nhất có thể làm chính là trên cương vị của mình, cẩn trọng thủ giữ đạo đức, và làm tốt phận sự của bản thân. 

Trong những cuộc di cư của mình, ông đã tận mắt chứng kiến ​​hàng triệu người bị cầm tù, trẻ sơ sinh, trẻ em, những người già và bệnh tật, lưu ly thất lạc trong chiến tranh, và hàng ngàn vạn trang sử tịch bị thiêu hủy. Ông tận mắt chứng kiến vị trung thần bảo hộ đại nghĩa bị tặc nhân hãm hại, Nam Độ của danh tộc Nhan Thị bị giết hại,… trong tâm bi thống, nhưng đành bất lực. Ông cảm thán, trong thời đại đó, vì sao kiên trì giữ gìn đạo lý lại khốn khó đến vậy? Vì sao mà sinh mạng dễ dàng bị mất đi đến vậy?

Đặt thân mình vào giữa thời đại loạn lạc, Nhan Chi Thôi ở trong chính cục thăng trầm, trong quan trường quỷ quyệt gian hiểm, cuối cùng ông vẫn có thể bảo vệ sự toàn vẹn của chính mình và toàn gia đình mình. Trong những năm tuổi xế chiều, ông đã viết cuốn “Nhan Thị gia huấn” lưu lại cho con cháu trong gia tộc, ghi chép lại rất nhiều câu chuyện thấu đạt nhân tình, cũng như những trí huệ và cảm ngộ mà ông đã tôi luyện một đời mình. (còn tiếp)

Theo “Cửa sổ Minh Huệ”
Tác giả: Lý Dực Vân, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch