Trong mùa dịch, cô Hải cùng gần 20 người con cháu ra sống ngoài lán trại, sống dựa vào những thực phẩm mình làm ra.

Cả gia đình tự cách ly

Cô Đặng Thị Hải (53 tuổi, ở Cổ Bản, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) được nhiều người biết đến với tên gọi “người phụ nữ đông con nhất Hà Nội” vì đã sinh hạ 14 người con.

Cô Hải chia sẻ, từ khi dịch bệnh bùng phát, gia đình cô bị ảnh hưởng ít nhiều. Cả nhà chỉ một mình cô đi ra ngoài bán tôm cá lo kiếm tiền. Còn lại, tất cả con cháu, tổng cộng gần 20 nhân khẩu đều ở lán trại ngoài bờ đê, vừa cách ly không tiếp xúc nhiều người, vừa làm những công việc đồng áng, chăn nuôi.

Chia sẻ với báo Phụ nữ Việt Nam, cô Hải nói “Đông con, đông cháu lại ở tập trung tất ngoài lán thế này cũng vui lắm. Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, nghe thấy các con các cháu cười đùa mình cũng vơi bớt phần mệt mỏi”.

Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng là cô Hải dậy đi kéo vó, bắt tôm dưới đầm, rồi 5 giờ lại mang ra chợ ngoài Hà Đông bán. Vì tôm cá chẳng được nhiều nên cô chủ yếu bán cho người quen, đến khoảng 9 giờ, cô về nhà chỉ cho các con làm việc.

Ảnh chụp màn hình Phụ nữ Việt Nam.

Nhà đông con nên mỗi người một tay: Mấy cậu con trai thì kéo cá dưới đồng; mấy cô con gái vừa cắt cỏ, vừa đi thu nhặt bẫy chuột; có đứa thì thái chuối cho ngỗng ăn. Dù công việc bận rộn vất vả nhưng trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười nói, đó cũng là động lực tinh thần để gia đình cô vượt qua khó khăn, dịch bệnh.

Cuộc sống khó khăn của bà mẹ 14 con

Theo Dân Trí, cô Hải kết hôn năm 1998, rồi “đàn con” lần lượt chào đời. Không đất, không nhà, gia đình cô sống lang thang một thời gian dài. Rồi họ dựng được một túp lều giữa cánh đồng, ngày ngày vợ chồng mò cua, đi lượm ve chai kiếm ăm từng bữa.

Sau đó, cô Hải lần lượt sinh 14 người con cả trai, lẫn gái, nhưng do mắc bạo bệnh nên con gái út đã qua đời. Vài năm trước, chồng cô cũng đã qua đời vì bạo bệnh, để lại một mình cô gồng gánh nuôi đàn con thơ dại.

Ảnh chụp màn hình: Báo mới.

“Các con tôi khi nhỏ đã khổ, nhưng càng lớn chúng càng khổ hơn, phải ra ngoài lao động. Sợ nhất đi làm chúng sa vào tệ nạn vì bố mất không có người khuyên bảo. Tôi suốt ngày ngoài đồng nên không có thời gian bên chúng”, cô Hải chia sẻ với PV Dân Trí.

Hiện tại con trai cả nhà cô (30 tuổi) đã lấy vợ và ra ở riêng. Con gái cũng có người lấy chồng nhưng không hạnh phúc nên giờ đưa cháu ngoại về để cô trông. Hiện cô có 3 đứa con và 5 đứa cháu đang đi học.

Khổ như vậy, nhưng cô Hải cũng không mong ước giàu sang. Cô chỉ mong các con “khỏe mạnh và giữ cho mình được cái “đức”, không làm những điều xấu xa để từ đời này sang đời khác con luôn được hưởng sự may mắn”.

“Tôi nghĩ sống trên đời phải biết giữ cho mình cái Nhân, cái Đức. Tiền của cũng không mua được hai chữ đó nên tôi đặt tên con là Phúc, Đức”, cô cho hay.

Cô Hải cũng mong dịch bệnh sớm qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường, các con trở lại trường học và cô cũng bán được nhiều hàng hơn.

Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__