Hằng ngày, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề căng thẳng, mệt mỏi. Căng thẳng sẽ là rào cản gây khó khăn cho công việc của chúng ta. Nếu không kiểm soát được, nó sẽ làm cho mọi việc tồi tệ hơn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Tel Aviv, người có mức độ căng thẳng cao có khả năng mắc phải bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu khác tại Đại học California cho thấy căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến các rối loạn về da như vảy nến, bệnh chàm có khả năng phát triển nhanh hơn.

Nếu bạn đang căng thẳng, hãy thực hiện những phương pháp dưới đây để cải thiện tình trạng của mình nhé!

1. Tập hít thở sâu

Thiền định là một trong những biện pháp giảm căng thẳng hữu hiệu nhất. (Ảnh: Huffpost)

Đây là một phương pháp cổ điển giúp giải tỏa căng thẳng trong vài phút. “Hít thở sâu giúp tăng nồng độ oxy trong máu của bạn, giúp bạn thư giãn ngay lập tức”, Tiến sĩ Robert Cooper chia sẻ.

Khi bạn cảm thấy căng thẳng quá mức, hãy nghỉ ngơi từ 5-10 phút để hít thở sâu. Chuyển đổi tư thế sao cho thoải mái nhất, nên giữ thẳng lưng, thả lỏng hai vai và chậm rãi hít vào bằng mũi 4 nhịp, sau đó thở chậm ra 4 nhịp. Hít thở theo phương pháp này làm giảm huyết áp, giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và thư giãn, từ đó giảm thiểu căng thẳng. Khi đã quen, bạn có thể tăng số nhịp lên 6 hoặc 8.

2. Nằm dài và thư giãn

Buông bỏ và thư giãn để nội tâm trở nên thanh tịnh. (ảnh: Getty)

Phương pháp này có thể sử dụng khi bạn ở nhà hoặc bất kỳ nơi nào đó mà bạn có thể ngả lưng được. Trước tiên bạn nằm ngửa, duỗi thẳng tay chân sao cho thoải mái nhất. Thư giãn các cơ trên gương mặt của bạn, bao gồm lưỡi, hàm và xung quanh mắt. Bạn không nên nheo mắt hay nhăn nhó trán. Buông thõng vai thấp nhất có thể.

Tiếp theo là cổ, cánh tay trên và cẳng tay dưới, lần lượt mỗi bên. Hít thở thật sâu để thư giãn ngực. Tiếp đến là đùi và đôi chân để toàn bộ cơ thể được thư giãn. Sau đó, bạn nên dành 10 giây để xóa bỏ những suy nghĩ trong tâm trí. Hãy tưởng tượng mình đang nằm trên thuyền trôi ở mặt hồ yên tĩnh.

3. Tập trung vào một đồ vật nào đó và hít thở

Phương pháp này gần giống với phương pháp hít thở sâu. Việc tập trung vào một vật nào đó giúp bạn điều hòa lại nhịp thở, giảm huyết áp. Chỉ cần chú tâm nhìn vào một vật nào đó và hít thở.

“Khi căng thẳng, tôi thấy dễ chịu hơn khi tập trung sự chú ý vào những vật xung quanh. Ví dụ, tôi có thể tập trung vào các màu sắc và hình dạng của chúng. Làm điều này có thể giúp thay đổi sự chú ý từ những suy nghĩ “nóng” sang những suy nghĩ “mát mẻ”, để tạo ra trạng thái tinh thần bình tĩnh hơn”  thạc sĩ Scott McGreal chia sẻ.

4. Nghỉ ngơi và nghe nhạc

Âm nhạc là liệu pháp chữa trị mọi vết thương. (Ảnh: BBC)

Tiến sĩ Art Markman cho biết: “Nghe nhạc là một cách hữu hiệu để giảm căng thẳng. Sử dụng tai nghe khi di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc tập chơi một loại nhạc cụ nào đó là một cách hay để lấy lại cảm giác quân bình”.

Nghe nhạc giúp cải thiện tâm trạng và tinh thần của bạn một cách nhanh chóng. Nó giúp bạn nhanh chóng vượt qua tâm trạng căng thẳng và u sầu. Bản nhạc yêu thích sẽ giúp bạn thư giãn, “thả lỏng” thần kinh một cách nhanh chóng.

5. Hãy luôn mỉm cười 

Nụ cười xua đi những mỏi mệt. (Ảnh: Pixabay)

Tự ép bản thân mỉm cười đã được chứng minh là sẽ giúp bạn giảm căng thẳng nhanh hơn là cứ giữ nguyên khuôn mặt căng thẳng. Khi bạn mỉm cười, cơ thể sẽ tiết ra serotonin, có tác dụng giúp bạn bình tĩnh, giảm sự lo sợ và đập tan căng thẳng. Phương pháp này rất dễ dàng, bạn có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Căng thẳng là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đã “quá tải”, là một trạng thái cần thiết để con người có thể điều chỉnh lại cuộc sống. Nhưng việc để nó điều khiển và làm cho cuộc sống của bạn tồi tệ hơn thì thật là điều đáng tiếc. Những phương pháp trên có thể thực hiện trong vài phút, hãy sử dụng khi lâm vào trạng thái căng thẳng bạn nhé.

Tuấn Vũ