Tiền tài, vật chất đương nhiên với nhiều người là đáng giá. Nhưng có một thứ trên đời còn quý báu hơn bạc tiền. Bạn có biết đó là thứ gì không?

Từ bỏ công danh, làm tròn đạo hiếu

Phạm Thuần Nhân (1027 – 1101) là con trai của Phạm Trọng Yêm, một danh thần thời Bắc Tống. Chuyện kể rằng, vào tối hôm Thuần Nhân ra đời, mẹ của ông là Lý thị mơ thấy một đứa trẻ từ trên Mặt Trăng rơi xuống. 

Bà liền dùng váy đón lấy, một lúc sau thì đã sinh ra ông. Phạm Thuần Nhân tư chất thông minh, lúc 8 tuổi đã có thể đọc thông, tự lý giải được kinh thư. 

Năm 1049, Phạm Thuần Nhân đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm đến huyện Vũ Tiến làm tri huyện nhưng ông ngại đường xa, phải rời xa cha mẹ nên không đi nhậm chức. Về sau, ông lại được cử đến huyện Trường Cát làm tri huyện nhưng vẫn không đi. 

Phạm Trọng Yêm nói với ông: “Ngày trước con lấy lý do phải rời xa song thân để không đi nhậm chức, bây giờ huyện Trường Cát cách nhà không xa, còn gì có thể nói nữa đây?”. 

Phạm Thuần Nhân nói: “Con làm sao có thể lấy bổng lộc làm trọng, mà dễ dàng rời xa cha mẹ đây! Huyện Trường Cát tuy cách nhà không xa, nhưng con cũng không thể hoàn toàn làm tròn đạo hiếu được”. 

Phạm Thuần Nhân thường qua lại với rất nhiều hiền sĩ. Bản thân ông cũng không kể ngày đêm, chuyên cần, cố gắng học hành. Có lúc ông đọc sách đến tận đêm khuya, khói mù của đèn dầu xông lên, cáu thành màu đen giống như mực trên vách.

Phạm Thuần Dương không chịu ra làm quan, giữ trọn hiếu đạo, dù mất đi bổng lộc nhưng lại được sự trung hiếu. “Trăm cái thiện, hiếu đứng đầu”, Khổng Tử đã nói: “Người quân tử phụng dưỡng cha mẹ có thể làm tròn đạo hiếu, lấy hiếu làm trung, có thể là hiếu tử thì cũng ắt có thể là bậc trung thần”.

Sau này, mãi cho đến khi cha của Phạm Thuần Nhân qua đời, ông mới bước ra làm quan. 

Phạm Trọng Yêm từ bỏ chức quan làm tròn đạo hiếu (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Bỏ tiền mua nhân nghĩa 

Thời Chiến Quốc, nước Tề có người tên Phùng Hoan, gia cảnh bần hàn, đến làm môn khách của Mạnh Thường Quân. Người này bình thường không có tài gì nổi bật nhưng vốn tính trung hậu, đáng tin. 

Mạnh Thường Quân có nhiều ruộng đất ở đất Tiết, cho dân chúng cày cấy mấy năm rồi mà vẫn chưa thu lợi tức. Lúc đó ông muốn phái người đến thu. Đây là một việc làm phiền phức, ít ai chịu làm. Phùng Hoan tự nguyện xin đi.

Mạnh Thường Quân rất vui, giao cho Phùng Hoan các loại giấy tờ, văn khế, ngoài ra còn tặng ông một số tiền lộ phí, ra tận cửa tiễn đưa. 

Khi ra đi, Phùng Hoan hỏi: “Lần này thu nợ xong, chủ nhân có cần mua vật gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Tiên sinh xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”.

Phùng Hoan đến đất Tiết, cho mời tất cả những người thiếu nợ đến đông đủ, rồi truyền rằng Mạnh Tướng quốc ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Hoan đem đốt hết những văn khế nợ. Dân đất Tiết vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi họ Phùng trở về, Mạnh Thường Quân thấy ông đòi nợ nhanh quá, lấy làm lạ mới hỏi: “Nợ đã thu xong cả rồi ư? Tiên sinh sao lại có thể về mau đến vậy?”. Phùng Hoan trả lời: “Thu xong cả rồi”.

“Tiên sinh có mua vật gì về không?”, Mạnh Thường Quân lại hỏi. Phùng Hoan trả lời: “Khi đi, điện hạ có dặn thấy trong nhà còn thiếu gì thì mua về. Tôi trộm nghĩ trong nhà điện hạ chứa đầy đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa, nhà sau la liệt những mỹ nhân. Vậy vật mà điện hạ còn thiếu, duy chỉ có ‘nhân nghĩa’ mà thôi. Nên tôi trộm lệnh mua ‘nhân nghĩa’ đem về”.

Mạnh Thường Quân nói: “Thế tiên sinh mua ‘nhân nghĩa’ thế nào?”. Phùng Hoan trả lời: “Điện hạ nguyên trước được phong cho thực ấp ở đất Tiết là đất nhỏ mọn, mà không lo vỗ về thương yêu dân, lại còn mưu toan làm lợi. Vì vậy, tôi trộm lệnh xóa sạch nợ cho tất cả con dân đất Tiết, nhân đó lại thiêu hủy cả văn khế. Dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế. Ấy là tôi vì điện hạ mà mua điều nghĩa vậy”. 

Phùng Hoan mua nhân nghĩa về cho Mạnh Thường Quân (Ảnh minh họa: chuansong.me)

Mạnh Thường Quân lúc đó tỏ vẻ không vui. Nhưng 2 năm sau, vua Tề thấy Mạnh Thường Quân lắm tài nghệ nên đề phòng, tước binh quyền, lệnh cho ông về đất Tiết.

Dân chúng nghe ân nhân Mạnh Thường Quân trở về, nam nữ già trẻ đều ra nghênh đón. Mạnh Thường quân cảm động vô cùng, ngoảnh mặt nhìn Phùng Hoan: “Tiên sinh mua nhân nghĩa cho tôi, ngày nay tôi mới thấy!”.

Buông bỏ tiền tài lợi ích, mất là mất đi cái lợi nhỏ mà có được lại là tấm lòng của trăm họ. Phùng Hoan đã dạy Mạnh Thường Quân một bài học thấm thía về đạo nghĩa làm người.

Phùng Hoan đã đổi một số tiền nợ có hạn để thu về một giá trị vô hạn, đó chính là: Nhân tâm.

Mạnh Thường Quân có thể mất đi công danh, chức tước và bổng lộc. Nhưng cái được của ông là lòng người. Đó là giá trị mà suốt hàng nghìn năm qua, biết bao anh hùng luôn mong muốn có được. Bởi lẽ, đắc được nhân tâm thì sẽ có cả thiên hạ. 

Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng được thuận buồm, xuôi gió. Tuy nhiên, dù là ở trong hoàn cảnh nào, giàu sang hay nghèo khổ, phú quý hay tủi nhục, hãy luôn giữ vững thiện niệm và lòng nhân nghĩa, tranh thủ tích đức hành thiện. Đến khi sa cơ lỡ vận, bạn có thể mất tất cả nhưng phúc đúc và nhân nghĩa lưu lại sẽ trở thành tài sản đáng quý nhất nâng đỡ chúng ta đi tiếp chặng đường dài.

Phi Long