Nếu làm một sự việc, tiền hô hậu ủng, phía trước luôn có vạn cỗ xe để cưỡi, vậy thì nên bắt đầu cảnh giác với sự suy bại của sự việc. Nếu làm một sự việc, liên tục gặp bế tắc, may mắn thường tránh, vậy thì kiên trì một chút, đợi qua cơn bĩ cực sẽ đến tuần thái lai.

Luận ngữ luôn là quy tắc vàng mà kẻ sỹ theo đuổi và thực hành, là một trong những kinh điển quan trọng của Nho gia, cũng là một trong Tứ Thư. 

“Hán thư – Nghệ văn chí” của Ban Cố thời Đông Hán có nói: “Luận ngữ là những lời Khổng Tử trả lời đệ tử, người đương thời và những lời các đệ tử trao đổi với nhau rồi hỏi ý kiến Khổng Tử. Thời đó mỗi đệ tử ai nấy ghi chép riêng, sau khi Khổng Tử qua đời, các đệ tử tập hợp lại biên tập và bàn luận soạn ra, cho nên gọi là Luận ngữ“. 

Còn Sử ký là thông sử viết theo thể “kỷ truyện” (các câu chuyện của nhân vật), gồm 130 quyển, ghi lại lịch sử từ thời Hoàng Đế đến năm Chinh Hòa thứ ba thời Hán Vũ Đế, tổng cộng 3000 năm do Tư Mã Thiên thời Tây Hán biên soạn. 

Sử ký có nội dung phong phú, không tô vẽ khoa trương cái tốt đẹp, không che giấu cái xấu của người ta. Mục đích Tư Mã Thiên viết Sử ký là “thăm dò mối quan hệ giữa trời và người, am hiểu hết mọi sự đổi thay từ xưa đến nay, và biến nó thành ngôn luận của một nhà”, “quan sát từ đầu đến cuối, xem thịnh vượng nhìn suy bại”. 

Theo “Luận ngữ” học làm người

1- Cái mình không muốn, đừng làm cho người

Tử Cống hỏi: “Có chữ nào mà có thể thực hành suốt đời không?”.

Khổng Tử đáp: “Chữ Thứ (tha thứ). Cái mình không muốn, đừng làm cho người”.

Câu nói này đối với hậu thế có ảnh hưởng rất lớn, lưu truyền rất rộng, là một trong những chuẩn tắc của Nho gia.

Sự tình mình không muốn làm, đừng cưỡng ép cho người khác.

Học cách suy nghĩ đặt mình vào vị trí người khác, trước khi làm việc đầu tiên nghĩ một chút, nếu là bản thân, liệu có nguyện ý tiếp nhận sự việc này không?

Để trái tim mình hòa đồng cùng với trái tim người khác, học cách đứng ở góc độ người khác mà xử lý vấn đề thì xung đột giữa người với người sẽ giảm đi rất nhiều.

Học cách tha thứ cho người khác, lý giải người khác, cũng chính là khoan dung với người khác. 

Người có tấm lòng rộng rãi, mối quan hệ với người sẽ càng tốt, càng nhận được sự tôn trọng của người khác. 

(Ảnh: zonglanxinwen.com)

2- Quân tử ăn nói chậm rãi, làm việc nhanh nhẹn

Lời nói của quân tử thì cẩn thận, làm việc hành động thì nhanh nhẹn.

Làm người khi đối nhân xử thế, nên nói ít làm nhiều.

Trong Thái căn đàm có nói: Miệng là cửa của tâm, giữ miệng không kín đáo sẽ tiết lộ chân cơ.

Nói nhiều cho nên sai cũng nhiều.

Miệng lưỡi như dao kiếm, giết người không đổ máu.

Dư luận vô tình, một câu mà không chú ý, có thể hủy một người. 

Họa từ miệng mà ra, người ăn nói xằng bậy, hại người hại mình. 

Làm việc nên cần mẫn; thay vì khua môi múa mép, chi bằng trầm ổn làm việc một cách chắc chắn.

Thứ phát ra từ miệng là không khí, điều trực tiếp làm mới là thành tích thực sự. 

Dù là bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, không ai thích một người mà cả ngày cứ nói đùa. 

3- Lấy chính trực báo oán, lấy đức báo đức

Trong “Luận ngữ – Hiến vấn”: 

Người nào đó hỏi: “Có thể lấy đức báo oán không?”.

Khổng Tử đáp: “Vậy lấy cái gì có thể báo đức? Lấy chính trực báo oán, lấy đức báo đức”.

Người có lòng nhân thì yêu thương người. Khổng Tử tuyên giảng nhân nghĩa thật, chứ tuyệt không phải là một người cố tỏ ra tốt với người khác. 

Thiện lương nếu không có nguyên tắc thì chính là yếu đuối.

Một người cần có cái tâm thiện hành động thiện, nhưng cũng cần có nguyên tắc và vạch giới hạn.

Đại trượng phu thì đúng sai rõ ràng.

Khoan dung và lượng thứ một cách vô nguyên tắc, chính là thêm dầu vào lửa, làm hại người khác.

(Ảnh: timetoast.com)

4- Không nổi giận với người khác, không mắc lỗi lặp lại

Lỗ Ai Công hỏi: “Đệ tử ông ai là người hiếu học?”.

Khổng Tử đáp: “Có Nhan Hồi hiếu học, không nổi giận với người khác, không mắc lỗi lặp lại. Không may đoản mệnh qua đời, nay cũng đã hết rồi, chưa thấy có người hiếu học khác”. 

Nhan Hồi là đệ tử mà Khổng Tử hài lòng nhất, Khổng Tử thích phẩm chất “không nổi giận với người khác, không mắc lỗi lặp lại” của Nhan Hồi nhất.

Lúc tâm tình bản thân không tốt, không được hướng vào người khác mà phát hoả. Lỗi đã từng phạm thì không được phạm lần thứ hai. 

Rất nhiều người khi tâm tình không tốt, đều phát tiết tức giận lên người khác một cách không tự giác. 

Thực ra, tâm tư phải dựa vào bản thân để giải quyết, chứ không thể phát tiết lên người khác.

Trong tâm lý học giảng về hiệu ứng giận cá chém thớt. Hiệu ứng giận cá chém thớt là chỉ đối tượng yếu đuối hoặc đẳng cấp thấp phát tiết những tâm tình bất mãn, rồi sinh ra phản ứng dây chuyền, là một loại truyền nhiễm điển hình của những cảm xúc xấu. 

Không mắc lỗi hai lần, lỗi sai tự mình phạm phải thì không được phạm lần thứ hai. 

Trót nói dối cha mẹ thầy cô, sau khi được chỉ ra phải kiên quyết cải chính, quyết không được tái phạm. 

Nếu tái phạm, chính là “mắc lỗi lặp lại”, chính là đã biết rõ mà còn cố tình làm. 

Một cá nhân chỉ có tự xem xét tự ước thúc, mới có thể không ngừng tiến bộ. 

Theo “Sử ký” học làm việc

1- Sai một li, đi một dặm (Sử ký – Thái Công tự tự)

Ban đầu làm sai một chút, cuối cùng sẽ tạo thành sai lầm rất lớn.

Muốn thành đại sự, ắt phải làm việc nghiêm túc cẩn thận, chú trọng chi tiết nhỏ. Nếu luôn hài lòng ở “cũng khả dĩ rồi”, cuối cùng sẽ thành “sai kém rất nhiều”.

(Ảnh: lovepik.com)

2- Công trạng khó thành mà dễ thất bại, thời cơ khó được mà dễ tuột mất. Thời cơ đã qua thì không trở lại (Sử ký – Hoài Âm Hầu liệt truyện)

Sự nghiệp thành công thì khó để thành tựu, nhưng rất dễ thất bại. Thời cơ rất khó nắm chắc, lại rất dễ mất đi. 

Trong Chu dịch có nói: Quân tử chờ thời mà hành động. 

Thời thế tạo anh hùng, nắm chặt cơ hội lớn, lợi dụng cơ hội mà hành động thì mới có thể làm việc một nửa mà thành công gấp đôi. 

Cơ hội không thể đánh mất, đánh mất sẽ không có lại. 

Thấy rõ thời cơ lớn và nắm chặt cơ hội là khảo nghiệm quan trọng nhất đối với trình độ năng lực một người.

Nắm chắc thời cơ là điều then chốt thành tựu sự nghiệp, cơ hội có thể gặp mà không thể cầu. Nếu mất đi cơ hội, rất có khả năng sẽ mất đi khả năng kiến nghiệp lập công. 

3- Người sáng suốt thấy họa khi chưa xảy ra, kẻ trí tránh nguy ở chỗ vô hình 

Kỳ thủ vĩ đại, đi một bước, thấy ba bước; người đánh cờ bình thường, đi một bước, thấy một bước.

Người thông minh sáng suốt luôn biết thu lụa trước khi trời mưa, có thể thấy rõ hiểm họa ẩn tàng ở chỗ tối. 

Trong “Hán thư – Hoắc quang truyện” có nói, ống khói của một nhà rất thẳng, có người khuyên người chủ uốn cong ống khói, dọn củi lửa ở bên ống khói, tránh phát sinh hoả hoạn. 

Người chủ không nghe, không lâu sau quả nhiên phát sinh hoả hoạn. 

Chu dịch có nói: “Quân tử suy nghĩ về cái tai vạ từ đó đề phòng”. 

Thế sự vô thường, cuộc đời giống như chèo thuyền giữa biển cả mênh mông, thấy rõ thế sự mới có thể tránh được tai vạ. 

4- Vật thịnh tắc suy, đến cực điểm sẽ chuyển; từ chất phác chân thành chuyển thành văn hoa trang nhã, biến đổi từ đầu đến cuối (Sử ký – Bình chuẩn thư)

Lúc sự vật đạt được toàn thịnh sẽ chuyển thành suy, đạt đến cực điểm sẽ chuyển hóa; sau chất phác sẽ có văn hoa trang nhã, đây là quy luật biến hoá, cứ lặp đi lặp lại như vậy. 

Vật đạt đến cực điểm tất sẽ phát sinh theo chiều hướng ngược lại, “trăng tròn rồi sẽ khuyết, nước đầy ắt sẽ tràn”, sự việc trên đời luôn là như thế mà biến hóa. 

Nếu làm một sự việc, tiền hô hậu ủng, phía trước luôn có vạn cỗ xe để cưỡi, vậy thì nên bắt đầu cảnh giác với sự suy bại của sự việc.

Nếu làm một sự việc, liên tục gặp bế tắc, may mắn thường tránh, vậy thì kiên trì một chút, đợi qua cơn bĩ cực sẽ đến tuần thái lai.

Mạn Vũ
Theo Sound of Hope

Bạn đang đọc bài viết: “Thuật xử thế của cổ nhân: Quân tử ăn nói chậm rãi, làm việc nhanh nhẹn” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||2c0ed2b28__