Mỗi người chúng ta sinh ra trên đời đều có một cái tên. Cái tên là dấu ấn của cá nhân, gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả những ước vọng của người đặt tên gửi gắm vào trong ấy. Hiểu được cái tên của chính mình, một người có thể thấu hiểu nỗi lòng mẹ cha, trân quý sinh mệnh bản thân và hướng về những giá trị nhân sinh cao đẹp. Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng gửi đến quý độc giả loạt bài phân tích, bình giải nội hàm văn hoá của những cái tên Việt, với hy vọng đồng hành cùng các bạn trên con đường tìm lại bản ngã tiên thiên thuần tịnh.

  • Tiếp theo: Phần 1   2

Ngày nay, việc đặt tên cho con đã trở thành một nỗi trăn trở của bao gia đình Việt. Phần vì ai cũng muốn tìm cho con một cái tên tốt đẹp, hợp “phong thuỷ”, có thể phát huy sở trường, tiết chế sở đoản; phần vì đôi khi những ý kiến khác biệt của cha mẹ, ông bà về cách đặt tên cũng dẫn tới mâu thuẫn.

Cái tên được chọn có khi không vừa lòng tất cả thành viên trong gia đình, thậm chí không vừa lòng cả chủ nhân của cái tên ấy (khi “bé” lớn lên). Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng mỗi cái tên đều là duyên phận Trời ban, và nếu như mỗi người chúng ta bỏ công tìm hiểu nội hàm văn hoá truyền thống đằng sau nó, tu dưỡng bản thân theo đức hạnh mà cái tên ấy truyền tải… thì ai cũng có thể đạt tới nhân sinh hạnh phúc.

Tiếp nối nỗ lực khôi phục vẻ đẹp truyền thống của những cái tên Việt, Ban biên tập Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin mạn phép chọn tiếp 4 cái tên từ những bình luận “đặt hàng” của quý vị độc giả dưới 2 kỳ trước để phân tích trong tập này. Chúng tôi kính mong quý vị lượng thứ vì một số tên rất hay nhưng chưa kịp xuất hiện, và hi vọng các bạn kiên nhẫn đón đợi ở những kỳ tiếp theo. Biết đâu, tìm hiểu về một cái tên “xa lạ” với mình cũng có thể là một hành trình văn hoá đầy thú vị.

8. Bình (chữ Hán: 平)

“Bình” 平 nghĩa là công bằng, công chính, không thiên lệch, yên ổn, điều hoà. Tên Bình vì thế chỉ người chí công vô tư, biết phân định đúng sai, tính khí ôn hoà, biết điều phối công việc, có thái độ bình tĩnh an định trước cuộc đời.

Tên nam giới thường dùng chữ Bình với nghĩa là dẹp yên, sửa trị. Theo quan niệm Nho gia truyền thống, người quân tử phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Sách Đại học viết:

“Xét sự vật cho cùng lẽ rồi thì sự hiểu biết mới đạt đến đích, hiểu biết thấu đáo rồi thì điều mình suy nghĩ mới được chân thành (thành ý).

Điều mình nghĩ có chân thành thì lòng mình mới ngay thẳng (chính tâm), lòng có ngay thẳng thì bản thân mới tu dưỡng và rèn luyện được (tu thân).

Tu dưỡng và rèn luyện bản thân được rồi thì mới sửa sang, sắp xếp việc nhà (tề gia). Sắp xếp việc nhà được rồi thì mới lo liệu cho đất nước (trị quốc). Lo liệu cho đất nước được thì thiên hạ mới yên ổn (bình thiên hạ)”.

Lê Lợi khi phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh từng xưng là “Bình Định vương”. Ông sinh ra trong gia tộc nhiều đời làm quân trưởng ở Thanh Hoá, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan. Tướng nhà Minh biết tiếng ông, đã trao cho chức quan để dụ theo, nhưng ông không chịu khuất phục. 3 tiếng “Bình Định vương” thể hiện rõ nét ở đoạn sử sau trong sách Lam Sơn thực lục: “Nguyên trước nhà vua kinh doanh việc bốn phương, bắc đánh giặc Minh, nam đuổi quân Lào, mình trải trăm trận, đến đâu được đấy”.

Trong khi đó, tên nữ giới thường dùng chữ Bình trong nghĩa yên bình, bình hòa, với mong ước một cuộc đời yên vui, đồng thời biết trân quý và gắng sức dựng xây, gìn giữ cuộc sống bình yên như trong câu thơ:

“Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu”.

(Trần Quang Khải)

Bình nghĩa là công bằng, không thiên lệch, yên ổn, điều hoà. Tên Bình vì thế chỉ người chí công vô tư, tính khí ôn hoà. (Ảnh minh họa: ongbachau.vn)

9. Hiển (chữ Hán: 顯)

“Hiển” 顯 nghĩa là rõ ràng, sáng tỏ, vẻ vang, vinh diệu, như trong “hiển đạt”, “quý hiển”, “vinh hiển”.

Chữ Hiển 顯 gồm có bộ Hiệt 頁 (đầu) ghép với chữ Nhật 日 (mặt trời), hai chữ Yêu 幺(bé nhỏ) và bốn chấm Hoả (灬), có nghĩa là những đồ trang sức nhỏ bé trên đầu sáng rực rỡ như mặt trời, như lửa, biểu thị người hiển đạt, vinh hiển.

Hiếu Kinh có viết: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã”, nghĩa là: Lập thân hành đạo, rạng danh ở đời sau, làm vẻ vang cha mẹ, (đó) là tận cùng của hiếu. Chẳng thế mà Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan từng có thơ rằng:

“Nam nhi tự hữu hiển dương sự,

Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu”.

Dịch nghĩa:

Nam nhi tự có chí làm vẻ vang cho cha mẹ

Muốn làm một kẻ trượng phu khí phách hiên ngang.

Nhà Nho xưa cũng quan niệm rằng, khi gặp thời thì đem tài năng ra phục vụ đất nước (Hiển), còn nếu chính sự thối nát thì đi ở ẩn để giữ gìn tiết tháo trong sạch (Tàng). Ngô Thì Nhậm có bài thơ “Mừng bạn” chứa hai chữ “hiển tàng” này như sau:

“Khang tế đại thần phi độ ngoại,

Hiển tàng quân tử chính thời trung”.

Dịch nghĩa:

Giúp dân yên vui, bậc đại thần không ngoài bổn phận

Xuất hay xử, người quân tử phải xử đúng thời.

Hiển nghĩa là sáng tỏ, vẻ vang… Người xưa quan niệm rằng, gặp thời thì đem tài phục vụ đất nước (Hiển), còn chính sự thối nát thì đi ở ẩn để giữ tiết tháo. (Ảnh: sohu.com)

10. Phong (chữ Hán: 豐, 峰, 風, 鋒, 楓)

Tên Phong trong tiếng Việt thường mang các sắc nghĩa: phong phú (豐), ngọn gió, phong thái (風),  đỉnh núi (峰), sắc nhọn (鋒), hay cây phong (楓).

Chữ Phong 豐 nghĩa là đầy đủ, to lớn, tốt tươi, được mùa, sung túc; ví như trong: “phong phú” (dồi dào), “phong y túc thực” (ăn no mặc ấm), “phong công vĩ nghiệp” (công to nghiệp lớn).

Chữ Phong 豐 phía dưới có bộ Đậu 豆, phía trên là hình mầm đậu, hạt đậu đang nảy mầm đầy đặn, phong mãn, có thể đặt tên cho cả nam và nữ.

Trong lịch sử phương Đông, có một vị Thánh nhân danh chấn thiên hạ mang tên Phong 豐, đó chính là Trương Tam Phong – tổ sư phái Võ Đang, người sáng lập ra Thái Cực Quyền.

Tương truyền, Trương Tam Phong từng tham gia thi cử, tìm kiếm công danh. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ với một vị Đạo trưởng họ Khâu, Trương Tam Phong bỗng ngộ ra: “Phú quý như cặn bã cỏ rác, năm tháng thời gian lại nhanh giống như tia chớp vậy. Điều quý giá nhất của đời người là tìm kiếm đại Đạo”. Thế là, từ đây Trương Tam Phong quyết định từ bỏ con đường danh lợi, ngao du bốn biển, thăm hỏi minh sư.

Sau này, khi Trương Tam Phong đã đắc Đạo thành Tiên, Hoàng đế nhà Minh nhiều lần thỉnh cầu gặp mặt nhưng ông vẫn nhất mực ẩn cư. Biết được Minh Thành Tổ cầu xin bí kíp trường sinh bất lão, Trương Tam Phong đã hồi đáp bằng một bài thơ, tạm dịch như sau:

“Trời đất giao hòa tạo hóa công,
Quốc gia thịnh trị Đạo hanh thông.
Hoàng Cực Điện kia rồng hổ tĩnh,
Trống chuông văng vẳng vượt tầng không.

Thần nơi hoang dã là vô dụng,
Vua hỏi tiều phu ấy hữu tình.
Dám đem lời mọn phiền Thánh đế,
Thanh tâm quả dục phép trường sinh”.

Các chữ Phong còn lại lần lượt là:

Chữ Phong 鋒 gồm bộ Kim 金 (vàng, kim loại) và chữ Phong 夆 (đỉnh núi – chữ cổ), có nghĩa là mũi nhọn, sắc nhọn, sắc bén. Chữ này vẫn được dùng trong tiếng Việt như trong các từ: tiên phong, xung phong, tiền phong… Do đó, nó thường để đặt tên cho nam giới.

Chữ Phong 峰 gồm chữ Sơn 山 (núi) và chữ Phong 夆 (đỉnh núi – chữ cổ), có nghĩa là đỉnh núi, mỏm núi, đỉnh cao. Tiếng Việt hiện nay ít dùng, chỉ còn trong tên núi như Tây Phong Lĩnh, hay thành ngữ “Đăng phong tạo cực” (Lên đến đỉnh cao (sự nghiệp)). Chữ này cũng thường dùng cho nam giới.

Chữ Phong 風 nghĩa là gió, phong thái, phong khí, phong tục. Chữ này có thể dùng đặt cho tên cả nam và nữ, hàm ý phong thái, phong độ, thuần phong mỹ tục.

Chữ Phong 楓 nghĩa là cây phong – một loài cây đẹp, xuân nở hoa từng chùm như những trái bóng tròn, thu về lá chuyển màu đỏ rực, vì thế xưa thường được trồng trong cung vua. Chữ này đặt tên cho nữ. Hình ảnh cây phong rất thi vị trong câu thơ của Nguyễn Du:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.

(Truyện Kiều)

Chữ Phong nghĩa là đầy đủ, to lớn, tốt tươi, được mùa, sung túc… (Ảnh: xuehua.us)

11. Phương (chữ Hán: 方 hoặc 芳)

“Phương” 方 nghĩa là ngay thẳng, chính trực, như trong “chân phương”, “phương chính”. Phương còn có nghĩa là đạo lý lễ nghĩa. Chữ phương này thường để đặt tên cho nam giới.

Đạo Đức Kinh có viết: “Thị dĩ Thánh nhân phương nhi bất cát, liêm nhi bất quế”, nghĩa là: Như thế bậc Thánh nhân chính trực mà không làm thương tổn người, có góc cạnh mà không làm hại người.

Triều nhà Nguyễn, nước Việt Nam có một vị đại thần trung liệt tên Phương, đó chính là Nguyễn Tri Phương (chữ Hán: 阮知方). Ông vốn tên là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập, ông đã làm nên cơ nghiệp lớn. Nguyễn Tri Phương là Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Thành Hà Nội thất thủ, bị quân Pháp bắt giữ nhưng ông đã cự tuyệt hợp tác và tuyệt thực tới chết. Danh tiếng của ông vang mãi tới ngày hôm nay.

Tên Tri Phương là do vua Tự Đức đặt cho ông, có xuất xứ từ Luận ngữ như sau:

“Tử Lộ suất nhĩ nhi đối viết: ‘Thiên thặng chi quốc, nhiếp hồ đại quốc gia gian, gia chi dĩ sư lữ, nhân chi dĩ cơ cận, Do dã vi chi, tỷ cập tam niên, khả sử hữu dũng, thả tri phương dã’”.

Dịch nghĩa:

Tử Lộ trả lời ngay: “Quốc gia có ngàn cỗ chiến xa, nằm giữa 2 quốc gia lớn, bên ngoài bị uy hiếp quân sự, bên trong gặp thiên tai mất mùa đói khổ, nếu để Do (tức Tử Lộ) này trị sửa, 3 năm sẽ khiến bách tính đều dũng cảm, lại biết đạo lý lễ nghĩa”.

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. (Ảnh: nhanvatsukien.org )

Còn chữ “Phương” 芳 gồm bộ Phương 方 và bộ Thảo đầu 艹 kết hợp lại  thì có nghĩa là mùi thơm của cỏ hoa, cỏ thơm, cũng có nghĩa là tiếng thơm, đức hạnh và tốt đẹp. Ví dụ như trong: “phương thảo” (cỏ thơm), “phương danh” (tiếng thơm), “phương tư” (dáng dấp xinh đẹp), “lưu phương bách thế” (để tiếng thơm trăm đời). Chữ Phương 芳 này có thể đặt cho cả nam và nữ, xuất hiện trong bài thơ Đường “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu:

“Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.

Trích bản dịch của Khương Hữu Dụng:

Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,

Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.

Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?

Khói sóng trên sông não dạ người.

Quá trình tìm hiểu mỗi một cái tên là một hành trình đầy thi vị trên dòng chảy lịch sử và văn hoá của ông cha. Quý vị độc giả hãy tiếp tục đồng hành cùng Đại Kỷ Nguyên trên hành trình đó nhé!

(Còn tiếp…)

Thanh Ngọc – Nam Phương