Tục ngữ có câu: “Quân tử làm việc tốt đẹp cho đời, không gây việc ác cho đời, còn tiểu nhân ngược lại” (quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác).

Thời Đường Thái Tông (599 – 649), Hiệt lợi khả hãn Đốt Tất, người tộc Đột Quyết, trọng dụng người Hán là Triệu Đức Ngôn, cải biến rất nhiều thói quen phong tục, chế định vô số luật lệnh hà khắc và rườm rà, làm người dân Đột Quyết bất mãn. Đốt Tất còn tín nhiệm người Hồ (những dân tộc ở phương bắc hoặc Tây Vực), người xa cách với bản tộc. Thêm vào mấy năm mất mùa, thuế má nặng nề làm nhân dân khổ cực, khắp nơi lòng người ly tán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, rất nhiều bộ lạc phản kháng, binh lực của Đốt Tất ngày càng suy yếu. Nhân dịp đó nhiều quan đại thần Triều Đường thỉnh cầu xuất binh chinh phạt. Đường Thái Tông hỏi: “Xuất binh chinh phạt, ta không thể không lưu tâm đến hiệp ước vừa mới ký kết với người Đột Quyết. Nhưng không xuất binh thì sợ lại để mất cơ hội. Các khanh xem phải làm sao cho hay nhất?”

Thái tử Tiêu Vũ thỉnh cầu xuất binh, nhưng quan Sử bộ thượng thư là Trưởng Tôn Vô Kỵ phản đối. Ông nói: “Đột Quyết không gây rối vùng biên giới của chúng ta, trong tình huống này mà xuất binh thảo phạt là bội tín xa nghĩa, ngoài ra còn tốn công tốn của muôn dân. Đây không phải việc làm của kẻ chính nghĩa”.

Đường Thái Tông nghe theo ý kiến của Trưởng Tôn Vô Kỵ, không cho xuất binh. Sau này Đốt Tất càng ngày càng suy bại, bách tích ly tán. Không những thế lại gặp thiên tai đại tuyết liên tục làm vô số gia súc bị chết, người dân vừa thiếu ăn vừa thiếu mặc. Đốt Tất lo lắng nhà Đường sẽ thừa cơ hội xuất binh liền đích thân dẫn binh mã đến vùng biên giới, bên ngoài nói là đi săn nhưng kỳ thực là đề phòng triều Đường tấn công. Đường Thái Tông phái viên quan Trịnh Nguyên Đĩnh đi xứ Đột Quyết, Trịnh Nguyên Đĩnh trở về bẩm tấu rằng: “Hiện bách tính Đột Quyết bị nạn đói kém, gia súc gầy ốm, dấu hiệu diệt vong thấy rõ. Có lẽ không còn tồn tại quá được 3 năm”.

Đa số quan đại thần đều khuyên Đường Thái Tông nhân cơ hội tấn công Đột Quyết. Nhưng Đường Thái Tông kiên quyết phản đối. Ông nói: “Chúng ta đã ký hiệp ước với người ta, nếu hủy bỏ là không trọng chữ tín. Lợi dụng người ta lúc đang gặp thiên tai là bất nhân bất nghĩa. Thừa lúc người ta nguy khốn ra tay, đây không phải hành vi võ dũng. Ta chỉ có thể xuất binh thảo phạt khi thấy họ đắc tội”.

Theo NTDTV

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: