Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa, và được xem là kiệt tác nổi tiếng nhất cho thế hệ trẻ. Rất nhiều người đã tìm thấy những nội hàm khác nhau trong Tây Du Ký. Ở tập phim 25- Đường về cực lạc ẩn chứa những ẩn ý thâm sâu nhắc nhở cho hậu nhân về con đường tu luyện chân chính.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đã có những công trình phân tích và tìm sâu nghiên cứu những bí mật ẩn chứa trong Tây Du Ký và họ đưa ra kết luận rằng, xét về góc độ nghệ thuật, Tây Du Ký là một kiệt tác nghệ thuật.

Nhưng xét về nội hàm thì đây là một thiên kì thư về tu luyện mà trong đó ẩn chứa rất nhiều giá trị thâm sâu, những bí mật mà đời người nhất định phải biết.

Trong khuôn khổ bài viết này, Đại Kỷ Nguyên xin mời độc giả cùng thưởng thức lại Tây Du Ký tập 25 với tên gọi Đường về cực lạc để cùng chiêm nghiệm lại đôi điều ẩn chứa sau những tình tiết điện ảnh, để có cái nhìn sâu sắc hơn về con đường tu luyện chân chính ngay cả khi ở chặng cuối của tiến trình viên mãn quả vị.

Tâm lo lắng và sợ hãi chính là chấp trước phải buông trên con đường tu luyện

Ở tập 25, bốn thầy trò nhà Đường Tăng phải băng qua một con sông sâu chảy xiết, nước cuồn cuộn như muốn cuốn theo đi tất thảy.

Nhìn dòng nước mà Đường Tăng thấy ái ngại, còn Bát Giới thì sợ, Sa Ngộ Tĩnh thì phân vân lo lắng không biết làm sao mà qua.

Họ tìm thấy một chiếc cầu rất cheo leo nhỏ xíu được bắc qua con sông chảy xiết như thế thì ai ai cũng hoảng.

Bốn thầy trò phải vượt qua con sông nước chảy xiết. (Ảnh: Headzone.net)

Duy có Tôn Ngộ Không là không sợ. Nhiều người nói rằng, bởi vì Tôn Ngộ Không có thể cưỡi mây đạp gió. Nhưng trải qua rất nhiều tập phim trước đó, người xem cũng được chứng kiến tới những màn bay lượn của Trư Bát Giới và Ngộ Tĩnh. Vậy vấn đề không nằm trong sự khác nhau về bản sự. Mà chính là tâm thái khác nhau của những con người khác nhau khi đối đầu với sự nguy hiểm hay thử thách mang tính sống còn.

Ngộ Không nói: ‘‘Đây là con đường chính phải qua, không còn con đường nào khác’’. Thì Đường Tăng sợ tới chẳng dám nhìn. Còn Bát Giới thì bảo: ‘‘Cây cầu gì mà bé tí thế này, vừa trơn vừa nhỏ làm sao mà đi được. Không đi được đâu’’. Liên tục xua tay rồi chạy đi chỗ khác.

Có thể thấy rằng, khi đối diện với hiểm nguy, tâm thái của họ hoàn toàn khác nhau. Với Đường Tăng hay Bát Giới thì vĩnh viễn không thể qua được. Bởi trong tâm họ là sự sợ hãi. Hay ngay cả người như Ngộ Tĩnh cũng khó lòng mà vượt bởi chỉ ôm theo lo lắng mà chẳng tìm cách giải quyết. Nhưng Ngộ Không thì lại mạnh dạn mà bước trên cây cầu đó mà đi. Không phải là bản sự to lớn mà chính là Ngộ Không không hề có chấp trước. Khi Ngộ Không không có bất kì một tâm thái nào, không sợ hãi, chẳng lo lắng, cũng không hoài nghi sự nguy hiểm. Ngộ Không mang trong mình một chính niệm rằng mình sẽ thử, có gì mà phải sợ chứ. Thế là một mình Ngộ Không qua được.

Phải chăng đây chính là ngụ ý cho việc khi chấp trước buông đi rồi, thì đường dưới chân tự thông.

Việc vượt sông bằng chiếc cầu nhỏ này cũng là để khảo nghiệm xem sự kiên định với con đường tu luyện của mình tới đâu. Ngộ Không nói rằng: ‘‘Không qua cây cầu này thì làm sao mà thành Phật được’’ Khi Đường Tăng và Ngộ Tĩnh còn đang suy nghĩ thì Bát Giới đã nói: ‘‘Thành Phật hay không thành cũng không cần, đồ đệ không qua đâu’’. Câu nói có thể đo lường được chính xác sự kiên định của Bát Giới trước nỗi sợ hãi. Người như Bát Giới thì trong giới tu luyện coi họ là trung sĩ, lúc tu lúc không, thành Phật hay không thành Phật cũng chẳng cần, người như Bát Giới vĩnh viễn không thể thành Phật. Đó là chân lí.

(Ảnh: Youtube)

Tại sao lại như vậy? Bởi lẽ với những con người chân chính tu luyện thì mục đích cuối cùng của họ là viên mãn quả vị của mình. Vì mục tiêu đó mà cả đời họ khổ luyện trong ma nạn, liên tục củng cố tín tâm tròn đầy. Họ đối diện với nỗi sợ hãi như thế nào? Họ coi đó như là một khảo nghiệm xem họ có thể vượt qua hay không? Họ nhìn vào tâm mình xem mình có sợ hãi hay lo lắng khi đối diện với nó không? Họ chân chính tu sửa tâm thái của mình. Bởi mục tiêu, mục đích ở đời của họ đã được xác lập rõ ràng và họ cần phải dũng mãnh vượt qua. Khi đối diện với sợ hãi chính họ còn tự hỏi tâm mình, một vị Phật thì có thể sợ hãi hay không?  Ấy là bậc thượng sĩ ở đời. Họ coi tu luyện là con đường giải thoát duy nhất khỏi luân hồi khổ đau.

Một tình tiết rất thâm thúy chính là việc xuất hiện của một con thuyền không đáy. Đường Tăng nói: ‘‘thuyền không đáy làm sao mà qua được’’. Ngộ Không đã kịp nhắc lại lời của cao nhân: ‘‘Đừng thấy thuyền không đáy mà vội ngã lòng, có chí là sang được’’.

Một lần nữa chính là sự vứt bỏ tâm thái sợ hãi lo lắng trước khó khăn, khảo nghiệm. Tu luyện không hề dễ dàng, nó là một chặng đường gian nan. Là một quá trình liên tục vứt bỏ những chủng tâm không tốt. Sự kiên định, dũng mãnh của người tu chính là thước đo cho một con người được coi là chân chính tu hành.

Hình ảnh con thuyền không đáy mà vẫn có thể chở được người sang sông, phải chăng chính là hình ảnh ngụ ý cho việc xả bỏ tới vô lậu những nhân tâm chấp trước. Chỉ có xả tận thì mới có thể bao dung, mới có thể từ bi, mới có thể cứu độ được chúng sinh.

Chân kinh là báu vật không thể dễ dàng mà có được

Đây là câu nói mà hai vị tôn giả A Nan và Ca Diếp nói, khi có ý muốn bốn thầy trò Đường Tăng hối lộ cho mình. Có nhiều người cho rằng, ở đất Phật mà vẫn còn lòng tham như thế.

(Ảnh: Youtube)

Nói về lòng tham thì tình tiết 2 vị tôn giả cùng ăn cơm với bốn thầy trò Đường Tăng nhưng họ lại ăn rất nhanh, ăn vội vàng như thể sợ người khác ăn hết.

Đây có phải là chân tướng của sự việc không? Hẳn là không phải như vậy. Vậy phải chăng có ẩn chứa hàm ý?

Sự việc xảy ra hay việc mà ta chứng kiến được chính là phản ánh của tâm thái nào đó còn tồn tại trong người tu luyện. Vậy hình ảnh đó phải chăng là khảo nghiệm xem những tham chấp vào đồ ăn và thói hưởng lạc của người tu hành liệu đã buông bỏ.

Tuy ăn uống thịnh soạn nhưng Đường Tăng vẫn mong cầu được thỉnh chân kinh. Minh chứng cho việc ông không quên đi nghĩa vụ và mục đích của mình trong say sưa hưởng lạc.

Để có được chân kinh, bốn thầy trò Đường Tăng phải mang trao đổi cái bát vàng mà nhà vua Đường ban tặng cho Tam Tạng để đi hóa duyên. Nhiều người cho rằng, đất Phật mà cũng có hối lộ, lo lót. Thực chất không phải như vậy. Là muốn con người ta buông bỏ tận cùng mọi chấp trước trước khi nhận được chân kinh. Cái bát bằng vàng rất đẹp. Nhiều vị tu hành rất thích có một cái bát đẹp, cái bằng vàng, cái bằng bạc, và họ mang ra để mà khoe về cái bát của mình. Phải chăng đó chính là chấp trước. Có lẽ vì đó mà Phật Thích Ca Mâu Ni trong những năm khổ tu trong rừng, đã có bài giảng về cái bát.

Nếu một người tu hành chân chính mà còn có cái tâm thích những cái đẹp, thích những cái có giá trị thì phải chăng đó chính là tâm chấp trước chưa buông.

Sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc với nụ cười đầy ẩn ý mà nhiều người cho rằng đó chính là lời tiên tri cho sự xuất hiện của Ngài khi Pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni truyền để độ nhân đã không thể ước chế câu thúc đạo đức con người được nữa. Đức Phật Di Lặc khi ấy sẽ hạ thế và truyền pháp vào thời kì Mạt pháp, đó cũng là thiên cơ mà Tây Du Ký tiết lộ.

(Ảnh: Ifeng.com)

Phải thừa nhận rằng, Tây Du Ký không đơn thuần là một tác phẩm thể hiện cái hay cái tài của tác giả. Mà trên hết nó chính là một kho tàng ẩn chứa rất nhiều đạo lý thâm sâu mà người đời từng ngày từng ngày hiểu được. Tác phẩm được chuyển thể thành phim và sự cuốn hút mạnh mẽ đối với trẻ nhỏ cũng như người lớn. Nhưng với những người đang tìm cho mình những đạo lý ở đời người, hay những con người đang bước trên con đường tu hành thành Phật, thì Tây Du Ký chứa đựng những nội hàm rất sâu sắc về con đường tu luyện và những giá trị cốt lõi của tu luyện chân chính.

Tịnh Tâm