Vào ngày 19 tháng 12 năm 2023, Giang Bình, một người nổi tiếng trong giới pháp luật Trung Quốc, qua đời vì bệnh tật. Mộng tưởng lớn nhất trong đời của giáo sư Giang Bình là “pháp trị thiên hạ”, tuy nhiên, ngay cả ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, cũng không có pháp trị nào cả, chứ đừng nói đến cai trị thiên hạ bằng luật pháp.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào ngày 19 tháng 12 năm 2023, Giang Bình, giáo sư chung thân tại Đại học Chính trị Pháp luật Trung Quốc và là học giả nổi tiếng trong giới luật pháp Trung Quốc, đã qua đời ở tuổi 94.

Ước mơ lớn nhất trong đời của giáo sư Giang Bình là “pháp trị thiên hạ”, cai trị thiên hạ bằng luật pháp. Nhưng giờ đây ông đã ra đi, mà giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ. Chưa nói đến “pháp trị thiên hạ”, ngay cả ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, cũng không có thứ pháp trị nào cả.

Tại sao khó thực hiện giấc mơ pháp quyền dưới sự thống trị của ĐCSTQ? Trong tập này, dựa trên cuốn hồi ký “Thăng trầm và khô vinh” của Giang Bình và những tài liệu khác, chúng ta nhìn lại chặng đường mà vị lão giáo sư đã đi, điều này có thể giúp chúng ta nhận thức vấn đề thanh tỉnh hơn.

Sang Liên Xô học luật

Tuổi thơ, tuổi thiếu niên và tuổi trẻ của Giang Bình về căn bản là thuận buồm xuôi gió. Ông sinh ra ở Đại Liên vào năm 1930 trong một gia đình nhân viên ngân hàng, chuyển đến Thượng Hải năm 7 tuổi, và đến Bắc Kinh năm 9 tuổi. Ông theo học tại trường Trung học Văn nghệ Bắc Bình, và trường Trung học Sùng Đức.

Năm 1948, Giang Bình, 18 tuổi, được nhận vào Khoa Báo chí của Đại học Yến Kinh, chỉ sau nửa năm đi học, ông gia nhập Đồng minh Thanh niên Dân chủ, một tổ chức ngoại vi của đảng ngầm của ĐCSTQ, và bỏ học để theo đuổi “cách mạng”.

Đầu năm 1949, sau khi quân ĐCSTQ tiến vào Bắc Bình, Giang Bình tham gia công tác chuẩn bị của Ủy ban Đoàn Thanh niên Bắc Bình.

Từ năm 1951 đến năm 1956, là một trong những sinh viên đầu tiên được Liên Xô cử đi du học, Giang Bình theo học tại Khoa Luật của Đại học quốc lập Kazan và Khoa Luật của Đại học quốc lập Lomonosov ở Moscow.

Trong thời kỳ này, Liên Xô có thể tạm chia thành hai giai đoạn: 

Từ năm 1951 đến tháng 2 năm 1953, Liên Xô nằm dưới sự thống trị của Stalin. Stalin thực hiện thống trị cực quyền, luật pháp chỉ là công cụ để ông ta tấn công các đối thủ chính trị của mình.

Từ tháng 3 năm 1953 đến năm 1956, Liên Xô dưới thời Khrushchev nắm quyền. Khi đó, mặc dù Liên Xô đã được nới lỏng về mặt chính trị ở một mức độ nào đó, nhưng thực chất vẫn là đảng trị và cá nhân trị, chứ không phải pháp trị.

Vì vậy, mặc dù Giang Bình đã học được một số tri ​​thức pháp luật phương Tây khi học ở Liên Xô, nhưng với môi trường chung lúc bấy giờ, ông rất khó có cơ hội hình thành các khái niệm hiện đại về nhà nước pháp quyền.

Trở về Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ, chịu nhiều đau khổ

Sau khi trở về Trung Quốc năm 1956, Giang Bình được phân công làm việc tại Học viện Chính trị Pháp luật Bắc Kinh. Chẳng bao lâu, ông được điều động về Bộ Tư pháp để làm phiên dịch cho phái đoàn tư pháp Liên Xô sang thăm Trung Quốc. Khi trở lại trường thì đã là tháng 12 năm 1956.

Năm 1957 là một năm khó quên đối với Giang Bình: ông đang lúc xuân phong đắc ý, nháy mắt đã rơi xuống vực sâu, liên tiếp hứng chịu ba trận đòn lớn.

Đầu tiên, bị coi là phái hữu về mặt chính trị.

Vào mùa xuân năm 1957, Giang Bình tích cực hưởng ứng lời kêu gọi “giúp đảng chỉnh phong” của ĐCSTQ, cùng 19 giáo viên trẻ viết một tấm áp phích chữ lớn để đề xuất ý kiến cho lãnh đạo nhà trường. Nhưng đến tháng 6, vận động”giúp đảng chỉnh phong” đã bị bẻ quặt 180 độ, bị Mao dán nhãn thành “cuộc tấn công điên cuồng của phái hữu chống đảng”, và Giang Bình bị dán mác phần tử phái hữu.

Từ đó ông bị xếp vào loại “kẻ thù của nhân dân” suốt 22 năm. Phải đến cuối tháng 12 năm 1978, vấn đề cánh hữu mới được “cải chính”.

Cú đánh thứ hai mà Giang Bình phải gánh chịu là về tình cảm.

Khi học ở Liên Xô, ông đã gặp gỡ và yêu Trần Nhuy. Khi đó, ĐCSTQ không cho phép du học sinh kết hôn, phải mãi đến năm 1957, khi hoa xuân nở rộ, hai người mới kết hôn ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau khi kết hôn, Giang Bình bị dán mác phái hữu. Đương thời, Trần Nhuy đã là đảng viên dự bị. Lãnh đạo hỏi bà: Cô muốn Giang Bình hay muốn đảng? Trần Nhuy đã chọn cách thứ hai, đệ đơn ly hôn sau một tháng kết hôn. Giang Bình tuy rất đau lòng, nhưng ông không còn cách nào khác ngoài việc đồng ý.

Cú đánh thứ ba mà Giang Bình phải chịu đựng glà về thể xác.

Sau khi bị dán nhãn phái hữu và ly hôn, ông bị đưa đến Mỏ than Môn Đầu Câu Đại Đài ở Bắc Kinh để cải tạo lao động.

Một ngày mùa thu năm 1960, Giang Bình xuống núi khiêng ống thép. Vì quá mệt nên ông thậm chí còn không nghe thấy tiếng còi chói tai của đoàn tàu chạy qua, kết quả, ông bị cuốn vào gầm tàu, một chân bị dập nát.

Từ năm 1964 đến năm 1965, Giang Bình được bố trí tham gia “vận động bốn sạch” ở nông thôn, nơi ông ăn, sống và làm việc với nông dân. Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966, ông đã bị tịch thu nhà, bị thẩm tra và phê đấu.

Năm 1971, ông được cử đi làm việc tại “Trường Cán bộ 7 tháng 5” do Học viện Chính trị Pháp luật Bắc Kinh ở An Huy điều hành. Tháng 4 năm 1972, khi chỉ thị hàng đầu của Mao Trạch Đông về “đập tan Công Kiểm Pháp” được truyền đi, “Trường Cán bộ 7 tháng 5” thuộc Học viện Chính trị Pháp luật đã bị giải tán ngay tại chỗ.

Giang Bình được phân công làm việc tại Trường Sư phạm huyện Túc ở An Huy. Vì lúc đó ông vẫn còn là “phái hữu” nên bị từ chối, và phải quay lại Bắc Kinh tìm việc làm. Sau nhiều tháng vật lộn, ông trở thành giáo viên cấp hai ở huyện Diên Khánh, ngoại ô Bắc Kinh.

Tại Diên Khánh, Giang Bình tái kết hôn và sinh được một trai một gái. Vì cuộc sống khó khăn và không nhìn thấy hy vọng được tham gia giảng dạy pháp luật trong tương lai, nên ông đã bán hầu hết số sách luật mua được khi học ở Liên Xô cho một trạm thu gom phế liệu với giá hai xu một cân.

Suốt quãng đời còn lại, ông cố gắng hết sức kêu gọi “pháp quyền”

Vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, Hoa Quốc Phong, người kế vị cuối cùng được Mao Trạch Đông chỉ định trong suốt cuộc đời của ông, đã phát động “Chính biến Hoài Nhân Đường” ở Trung Nam Hải cùng với nguyên soái Diệp Kiếm Anh của ĐCSTQ, bắt giữ Giang Thanh cùng “Bè lũ bốn tên” khác. Hạo kiếp “Cách mạng Văn hóa” kéo dài 10 năm cuối cùng đã kết thúc.

Vào tháng 8 năm 1978, Hoc viện Chính trị Pháp luật Bắc Kinh mở cửa trở lại trường học. Ba tháng sau, Giang Bình được trở lại trường.

Ông dẫn đầu giảng dạy về “Luật La Mã” và “Luật Dân sự và Thương mại của các nước phương Tây” trong khuôn viên trường, giới thiệu khái niệm luật dân sự vào Trung Quốc. Kể từ đó, ông đã thực hiện nhiều công việc tiên phong trong lĩnh vực giảng dạy luật dân sự và nghiên cứu khoa học, chủ biên cuốn “Luật dân sự học” và các cuốn sách khác.

Giang Bình đã xuất bản hai tuyển tập tiểu luận, một tuyển tập tên là “Tất cả những gì tôi có thể làm là hét lên”, và một là “Tiếng kêu của quyền riêng tư”.

Sau khi nghỉ hưu, ông từng nói: “Việc tôi có thể làm cho xã hội bây giờ là khóc. Sứ mệnh xã hội hiện tại của tôi là khóc. Trong thời gian, trong phạm vi và lực ảnh hưởng mà tôi có thể, tôi tận lực lên tiếng vì quan niệm pháp luật và pháp luật nên có của Trung Quốc hiện đại. La hét luôn có thể khởi một chút tác dụng nào đó.”

Nhưng tiếng kêu của Giang Bình rốt cuộc có hiệu quả bao nhiêu? Chúng ta đã thấy rằng cho đến ngày nay, Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ vẫn là một quốc gia phi pháp trị, đảng ở trên luật pháp, quyền lực ở trên luật pháp.

Tại sao khó thực hiện giấc mơ pháp quyền?

Tại sao “giấc mơ pháp quyền” của giáo sư Giang Bình lại khó thực hiện đến vậy?

Từ đầu những năm 1980, giáo sư Giang Bình tham gia vào một số công tác lập pháp, bao gồm việc xây dựng “Những nguyên tắc chung của Luật Dân sự”, giữ chức tổ trưởng tổ khởi thảo “Luật tín thác” và “Luật hợp đồng”, phụ trách biên tuyển “Dân pháp điển”, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Luật Công ty, Luật Hợp đồng và Luật về Quyền tài sản.

Tuy nhiên, tất cả các hoạt động lập pháp mà ông tham gia đều nằm bên trong “lằn ranh đỏ” do ĐCSTQ vạch ra. Ngay cả khi những ngôn luận của ông đôi khi đi “ngoài lằn ranh”, chúng cũng nhanh chóng được thu về trong ranh giới.

Có lẽ giáo sư Giang đã không nhận ra, rằng ĐCSTQ mới thực sự là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc.

Trong bài viết “Trải nghiệm và suy ngẫm về phái hữu của tôi”, Giang Bình nói: “Có người hỏi tôi, trải nghiệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi là gì? Tôi gần như trả lời mà không cần suy nghĩ: ‘Trải nghiệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi là trải nghiệm phái hữu!’ … Nỗi đau tinh thần cùng cực mà tôi phải trải qua sau khi bị vẽ thành phái hữu đã hành hạ tôi suốt 22 năm!”

Nhưng vào năm 1978, sau khi bị ĐCSTQ gán cho cái mác “cánh hữu” suốt 22 năm, sau khi gánh chịu đủ mọi nỗi tủi nhục và đau khổ, trở về Bắc Kinh, ông lại nhanh chóng viết đơn xin gia nhập đảng.

Kể từ đó, ông là quan chức của ĐCSTQ trong một thời gian dài: năm 1979, ông được thăng chức phó chủ tịch Học viện Chính trị Pháp luật Bắc Kinh; năm 1983, sau khi Học viện Chính trị Pháp luật Bắc Kinh được đổi tên thành Đại học Chính trị Pháp luật Trung Quốc, ông giữ chức phó hiệu trưởng, mùa xuân năm 1988, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Đại hội 7 kiêm phó chủ nhiệm Hội ủy viên Pháp luật, và xuất nhậm chức hiệu trưởng Đại học Chính trị Pháp luật Trung Quốc.

Vào tháng 2 năm 1990, Giang Bình bị cách chức vụ hiệu trưởng vì ủng hộ phong trào dân chủ sinh viên năm 1989, nhưng ông vẫn là ủy viên Thường vụ Quốc hội cho đến tháng 3 năm 1993; năm 1995, ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Ủy ban Trọng tài Bắc Kinh.

Giáo sư Giang Bình ủng hộ “pháp quyền” trong những năm cuối đời, nhưng những vụ án oan, sai, giả vẫn xuất hiện hàng loạt. Sự cai trị của ĐCSTQ rốt cuộc có vấn đề gì? Mấu chốt nằm ở đâu?

Tháng 11 năm 2004, Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung đăng loạt bài xã luận “Cửu bình về ĐCSTQ”, thông qua suy ngẫm thâm nhập về lịch sử và hiện thực, lý luận và thực tiễn, thể chế và cơ chế, hình thức và bản chất của ĐCSTQ, đã hé lộ đáp án cho câu hỏi trên.

ĐCSTQ về bản chất là một tà đảng phản thiên phản địa, phản nhân loại, phản Thần Phật. Luật pháp và quy định chẳng qua là công cụ để các quan chức ĐCSTQ thăng quan phát tài, chỉnh người, lừa người, ngoài đó ra, luật pháp chỉ là một đống giấy vụn. Chừng nào ĐCSTQ còn nắm quyền, chúng ta không thể có chút ảo tưởng nào rằng Trung Quốc sẽ đạt được “pháp quyền, pháp trị”.

Có lần, giáo sư Giang Bình bào chữa sự vô tội của Dư Mai Tôn trước tòa, đây là lần bào chữa hình sự duy nhất mà ông thực hiện trước tòa trong sự nghiệp luật sư hàng chục năm của mình.

Dư Mai Tôn tốt nghiệp Khoa Luật của Đại học Bắc Kinh và từng là trưởng nhóm thư ký toàn diện và người phát ngôn của Trung tâm Nghiên cứu Quy định Kinh tế của Hội đồng Nhà nước (tiền thân của Văn phòng Lập pháp của Hội đồng Nhà nước); ông cũng là cựu ủy viên Thường vụ Đại hội VII của ĐCSTQ, là bí thư của Cố Minh, phó chủ nhiệm Hội ủy viên Pháp luật Đại hội toàn quốc.

Vào tháng 1 năm 1994, Du Mai Tôn nghi bị người hãm hại, “bị tình nghi làm rò rỉ bí mật gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Trong hai lần bào chữa của Giang Bình, chủ tọa phiên tòa bày tỏ sự chân thành ngay tại chỗ, nhưng sau đó lại quay lưng với ông. Dư Mai Tôn cuối cùng bị kết án ba năm tù, cuộc đời bị hủy hoại.

Trong tù, Du Mai Tôn không bao giờ nhận tội, tiếp tục kháng cáo.

Vào tháng 3 năm 1995, Kỉ Mẫn, phó Ban phúc thẩm của Pháp viện Tối cao, đã đến nhà tù để tìm hiểu đơn khiếu nại của Du Mai Tôn. Du Mai Tôn nói: “Giang Bình bảo vệ sự vô tội của tôi.” Kỉ Mẫn trả lời: “Luật sư tính là gì chứ? Then chốt là ở thẩm phán.”

Câu trả lời của Kỉ Mãn vừa đúng vừa không đúng. Nói “đúng”, vì trong mắt ĐCSTQ, ngay cả việc có một học giả trứ danh trong giới pháp học như Giang Bình làm người bào chữa, thì cũng chẳng tính là gì. Nói “không đúng”, vì then chốt không phải là ở thẩm phán, mà là ở cái đảng đứng sau thẩm phán.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch