Người có giá trị là người có thể phụng sự việc lớn, vậy việc phụng sự nào là lớn đây? Người xưa dạy, đầu tiên phải phụng sự được cha mẹ mình, có ai bỏ bê cha mẹ mà có thể phụng sự người khác tốt được đâu.

Sử Việt có biết bao câu chuyện hiếu thảo của các bậc anh hào. Nguyễn Đình Chiểu khóc thương mẹ đến mù mắt, dùi mài kinh sử cũng để báo hiếu mẹ cha. Mai Thúc Loan “lập thân hành đạo” cũng để mẹ được an lòng. Phan Bội Châu lo cho song thân chu toàn rồi mới ra làm quan. Nguyễn Trãi thương cha bị đi đày mà cùng em trai cải trang thành dân phu theo hầu. Sau bị cha phát hiện, giảng rõ đạo hiếu cũng phải biết đền nợ nước, nên Nguyễn Trãi mới chịu về theo đường quan nghiệp, giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh.

Dù có thành công trên quan trường, thân mạng trách nhiệm lớn lao, phụng sự nước non và bá tánh, nhưng những bậc đại trí vẫn giữ trọn đạo hiếu không hề mai một. Nước Việt còn có một vị vua, nổi tiếng hiếu thuận, dù đứng trên muôn người, nhưng trước mẫu thân vẫn hết mức cung kính.

Ông vua hiếu thuận

Tự Đức (1848 – 1883) là con thứ hai của vua Thiệu Trị với bà Phạm Thị Hằng (Hoàng hậu Từ Dũ). Sau khi nối nghiệp vương, ông đặt ra quy định ngày lẻ thiết triều, ngày chẵn vào vấn an mẫu thân. Như thế, mỗi tháng vua ngự triều mười lăm ngày, thăm mẹ mười lăm lần, chỉ trừ những lúc ốm đau. Trong sách Kể chuyện gương hiếu thảo của Nguyễn Phương Bảo An có viết, mỗi khi thăm mẹ, Tự Đức đều “cung kính, nén hơi, sửa mình, quỳ gối hỏi thăm sức khỏe mẹ, rồi cùng mẹ bàn luận kinh sách, và sử sách xưa nay”.

Bà Từ Dũ là người am hiểu sử sách, tích cổ, Tự Đức mỗi khi ở bên nghe mẹ giáo huấn đều ghi vào môt cuốn sổ nhỏ gọi là “Từ huấn lục”. Khi mẹ muốn nghe đọc sách, ông đích thân đọc tới chừng nào mẹ bảo dừng mới thôi.

Có lần Tự Đức đi săn ở vườn Thuận Trực không may gặp trời mưa nên không về kịp giỗ vua cha Thiệu Trị. Bà Từ Dũ ở nhà nóng ruột, sai người đi đón. Vua Tự Đức liền ngồi kiệu không có lọng che dù trời vẫn đang mưa tầm tã, đi thẳng vào cung lạy xin chịu tội. Bà Từ Dũ ngồi quay mặt vào trong, không nói nửa lời. Vua thấy vậy, tự tay lấy roi mây dâng lên rồi nằm xuống xin chịu đòn.

Tranh vẽ vua Tự Đức (ảnh: ABS travel).

Vì sao người càng có địa vị càng phải hiếu thuận

Trong chương 9 – Tề gia trị quốc của sách Đại Học xưa có viết:

“Điều gọi là ‘trị nước trước hết điều chỉnh nhà mình’ ấy là nhà mình không giáo dục được mà có thể giáo dục được người khác, điều đó không có. Cho nên bậc quân tử không ra khỏi nhà mà thành tựu được việc giáo dục dân nước…”

Kinh Thi cũng viết: “Làm cha, con, anh, em đều giữ đủ phép tắc, rồi sau dân chúng mới bắt chước. Thế là việc trị nước ở tại điều chỉnh nhà mình”.

Trị quốc là một việc rất lớn, thành công trong việc trị quốc là một thành công vĩ đại, đáng lưu truyền sử sách. Vậy nên quan niệm ngày nay khi nghĩ về trị quốc vẫn thường chú tâm tới những vấn đề lớn lao như quân sự, kinh tế, tài chính, giáo dục, văn hóa, ngoại giao… mà dường như đã quên lời dạy của người xưa về việc “tề gia” (điều chỉnh gia đình của mình).

Điều chỉnh gia đình mình, trước hết phải điều chỉnh chính mình theo đạo, đạo làm người lại đặt đức hiếu làm đầu, bởi không có song thân thì sao có bản thân ta. Thế nên, dù làm vua trăm họ, bậc vương quân chân chính đều nêu cao đức hiếu.

Nhưng thế nào mới là đức hiếu chân chính

Hiếu thuận không phải chỉ là vâng lời cha mẹ, chăm lo cha mẹ chu đáo tới khi khuất núi, chịu tang 3 năm, mà theo Khổng Tử, đức hiếu thuận còn phải là “khéo nối chí cha ông, khéo noi theo sự nghiệp cha ông”. Nghĩa là mang cái thành tựu đạo đức đời trước mà truyền lại không chút sai chạy cho con cháu sau này.

Tổ tiên bao đời trao nguồn sống của Đất Trời cho ta, kèm theo đó là cái đạo làm người, vậy chỉ truyền lại cái nguồn sống cho thế hệ mai sau vẫn chưa đủ, còn phải khéo lưu truyền đạo đức để nó không mai một qua những hành vi không tốt của bản thân. Đó mới là đạo hiếu chân chính.

Có chuyện rằng, xưa ông Tăng Tử nuôi cha là ông Tăng Tích rất chu đáo, bữa ăn luôn đầy đủ các món. Mỗi khi dẹp mâm ông lại hỏi cha về chỗ đồ ăn còn thừa, xem ý cha muốn xử lý thế nào. Cha bảo đem cho người láng giềng thì ông Tăng Tử đem cho ngay.

Sau khi ông Tăng Tích qua đời, ông Tăng Tử đã già yếu, cũng được con là ông Tăng Nguyên nuôi tử tế, bữa ăn cùng đầy đủ các món. Nhưng khi dẹp bữa, ông Tăng Nguyên không hề hỏi cha về cách xử lý đồ ăn còn thừa. Cha có hỏi về đồ ăn còn thừa trong nhà bếp, thì ông Tăng Nguyên trả lời là không còn. Ý ông Tăng Nguyên muốn dành đồ ăn còn thừa đó để dọn lại trong bữa ăn sau cho cha, đó là vì ông có ý tiết kiệm.

Sau này Mạnh Tử kể lại chuyện này đã bàn, “phụng dưỡng cha như ông Tăng Nguyên chỉ là nuôi cái miệng của cha thôi. Phụng dưỡng cha như ông Tăng Tử mới là nuôi cái chí hướng của cha”, phổ biến đức nhân của cha đối với bà con láng giềng. Phụng sự cha mẹ như ông Tăng Tử mới thật là đúng đạo phụng dưỡng.

Thế mới thấy, giữ trọn đạo hiếu đâu phải chỉ nuôi cha mẹ đủ ba bữa cơm, lo chăn ấm đệm êm hay hầu chuyện cha mẹ già không ngần ngại. Đạo hiếu trước hết phải là giữ đạo làm người của tiên tổ mà làm gương cho đời sau.

Sách thánh hiền xưa vì thế phân ra làm mấy kiểu người thi hành đạo hiếu thế này:

“Có người an nhiên vui vẻ thi hành đức hiếu, chẳng phàn nàn than thở. Có người sốt sắng thi hành đức hiếu vì nhận được nhiều của cải điền sản của cha mẹ dành cho. Có người gắng gượng mà thi hành đức hiếu để lương tâm khỏi áy náy, hoặc để người ngoài khỏi chê cười.

Tuy cách thế thi hành có khác, nhưng khi thành công vẫn là một: cha mẹ được phụng dưỡng. Nhưng xét về giá trị, người an nhiên vui vẻ thi hành nhân đạo ngũ luân vẫn có giá trị hơn loại người thứ hai, thứ ba. Người ấy quả là có nhân cách của bậc thánh hiền” – (Tứ thư bình giải, Lý Minh Tuấn).