Ai cũng nói gia đình là cái nôi của đời người. Nhưng tại chính nơi đó, tôi lại chỉ nhận được cảm giác tội lỗi và đau khổ, biến cả cuộc đời tôi sau này trở thành một tấn bi kịch. Khi mọi thứ đi vào bế tắc, tưởng chừng tôi chỉ có thể buông xuôi mặc dòng đời xô đẩy, phép màu đột nhiên xảy đến…

Chưa bao giờ cảm nhận được hạnh phúc gia đình

Tôi sinh ra ở thành phố Pleiku nhỏ bé. Từ nhỏ, gia đình tôi đã không hạnh phúc, chuyện bố mẹ đánh chửi nhau xảy ra như cơm bữa. Vì sợ tôi khổ, mẹ đã sớm cho tôi đi sang nhà cô ở. Lâu lâu, tôi mới gọi điện về hỏi thăm, nhưng lúc nào cũng thấy mẹ nói bố lại đánh mẹ.

Lam khi đã trưởng thành

Tới năm lớp 10 tôi trở về nhà, chứng kiến cảnh gia đình lúc nào cũng như có cục đá tảng đè nặng, tôi chẳng thể học được và phải ở lại lớp. Vì thế, bố mẹ cho tôi đi học xa để tránh cho tôi bị ảnh hưởng. Nhưng thỉnh thoảng chị gái gọi điện cho tôi vẫn nói “bố lại đánh mẹ sưng hết mặt mày”, tôi chẳng còn muốn trở về nhà nữa. Nếu có dịp phải về thăm nhà như tết hoặc hè, tôi chẳng thể ở quá năm ngày vì cảm giác ăn cơm nuốt cũng không trôi giữa tiếng bố la mắng mẹ.

Tôi láng máng nhận ra lý do gia đình mình lúc nào cũng nổi sóng gió khi mẹ hỏi tôi ngày lên thành phố thi đại học: “Nếu con có một bố nữa thì mong muốn bố cho cái gì?”. Đến năm đầu đại học, tôi phát hiện ra mình không phải là con ruột của bố. Tôi đã được sinh ra khi bố tôi phải đi tù oan 8 năm trời. Bố tôi luôn nghi ngờ mẹ ngoại tình với người khác, nhưng chính bố tôi cũng chỉ biết sự thật sau khi tôi biết một thời gian ngắn. Trái với suy nghĩ của tôi, thái độ của bố tôi hoàn toàn ngược lại.

Trước đây bố hay mắng chửi tôi ghê lắm, nhưng từ khi ông biết tôi đã biết mình không phải con ruột của ông, ông lại thương tôi nhiều hơn. Có lẽ bố hiểu cảm giác tội lỗi của tôi, cảm giác chỉ muốn mình không được sinh ra trên đời này. Ông thương tôi nhưng vẫn chẳng thể thay đổi tính tình và cách hành xử đầy nghiệp chướng oán thù với mẹ. Bất kể chuyện gì ông cũng mang ra chửi mẹ, đến nỗi người ngoài còn nói ông bị điên, chửi những chuyện rất oan ức cho mẹ trong một trạng thái dường như mất kiểm soát.

Thất bại trong cả việc tìm kiếm hạnh phúc riêng tư

Sống trong một môi trường thiếu thốn tình cảm và những giá trị cơ bản nhất của gia đình từ khi còn quá nhỏ, tôi mất đi động lực và quan niệm đúng đắn về hạnh phúc gia đình.

Đang học năm thứ hai của đại học kiến trúc ở Đà Nẵng thì tôi bỏ dở để kết hôn, chuyển về miền trung sống với gia đình chồng. Do không có tấm bằng đại học trên tay để kiếm kế sinh nhai, tôi đành phải ra Hạ Long học nghề. Vợ chồng trẻ ở xa nhau, chuyện cãi vã cũng là điều bình thường, dễ hiểu. Nhưng dần dà tôi chẳng muốn làm lành nữa, vợ chồng tôi quyết định ly thân dù đã có với nhau một con. Sau đó một năm, chúng tôi chính thức ly hôn.

Chưa từng được biết tới một gia đình hạnh phúc từ khi còn nhỏ, đến khi có thể tự tìm kiếm hạnh phúc cho mình, tôi cũng lại thất bại. Tôi đã rất đau khổ và trống rỗng, mất niềm tin vào cuộc sống, thấy nó chẳng còn ý nghĩa gì. Tất cả những gì níu kéo tôi ở lại là đứa con trai mới hai tuổi của mình. Nếu không có con, những lần tìm đến cái chết của tôi sẽ dễ dàng và dứt khoát hơn.

Sống vật vờ trên đời như vậy, tôi đi tìm thú vui cho nguôi ngoai nỗi chán chường. Hạ Long vốn nổi tiếng là vùng đất ăn chơi, tiêu khiển. Bạn bè tôi tất cả đều thường xuyên dùng rượu bia, thuốc lắc mỗi khi lên quán bar, sàn nhảy. Không thấy một cuộc sống tươi đẹp, bình an nào khác và nghĩ đó là thông lệ của thành phố này, tôi trượt dài trên những cuộc đàn đúm sa đoạ để quên đi những nỗi buồn chồng chất.

Nhưng đau khổ dường như không buông tha tôi. Tôi được tin mẹ bị ốm nặng, có thể chẳng sống được bao lâu nữa. Tôi tức tốc trở về nhà trong hoang mang lo sợ. Nhưng có lẽ lời cổ nhân luôn đúng, “trong cái rủi có cái may”, cái tin mẹ ốm đã kéo tôi ra khỏi cuộc sống bê bối không có mục đích. Khi về nhà tôi biết rằng mẹ bị u xơ tử cung, bệnh không nặng như tôi đã tưởng.

Đó như bước ngoặt của số phận, để tôi bắt đầu quan tâm tới những vấn đề tâm linh. Mẹ thì đau ốm, tinh thần bố càng ngày càng tệ, rồi sau đó bố mắc bệnh gút, nằm xuống là không dậy được nữa. Nhà tôi đi cúng bái nhiều chỗ mong giải hạn. Tôi được người ta nói là có căn, tôi cũng theo đạo Mẫu và thờ tứ Phủ, rồi xuất tâm muốn tu luyện như những vị chân sư trong cuốn sách “Hành trình về phương Đông” mà tôi đọc được.

“Tôi được người ta nói là có căn, tôi cũng theo đạo Mẫu và thờ tứ Phủ…”

Trang mới của cuộc đời

Sau đó, trong một lần lướt Facebook, tôi thấy thông tin về một môn tập mà mình từng biết cách đây 5 năm. Tò mò hỏi thử và được các bạn nhiệt tình gửi đường link về cuốn sách Chuyển Pháp Luân, tôi đọc online trên mạng liền tù tì trong hai ngày là hết cuốn sách.

Trước đây tôi có rất nhiều điều thắc mắc về nhân sinh và những hiện tượng “mắt không thể thấy, tay không thể sờ” nhưng hiện hữu một cách rõ ràng trên thế giới này. Đọc xong cuốn sách, tôi như được thông tỏ hết thảy. Hơn nữa lại thấy những điều viết trong đó như thể đang nói về bản thân mình, khiến tôi lý giải được vì sao cuộc sống của mình, của bố và mẹ lại khổ sở đến vậy.

Nghiệp lực luân báo, ai có nợ đều phải hoàn trả; nếu không tu tâm dưỡng tính thì rắc rối chỉ chiêu mời thêm rắc rối. Thay vì oán trách số phận hay buông xuôi để nỗi đau khổ làm chủ và đánh lừa rằng mình hoàn toàn bất lực, tôi đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời mình và biết được mục đích sống từ nay về sau sẽ như thế nào.

“Tôi đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời mình và biết được mục đích sống từ nay về sau sẽ như thế nào”

Tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ngay sau đó. Từ một đứa con gái cứng đầu, ngang bướng và nóng tính, tôi đã trở nên nghe lời bố mẹ hơn. Tôi cũng hoàn toàn đoạn tuyệt với những thói hư tật xấu trước kia để bắt đầu một cuộc đời mới. Nguyên lý Chân Thiện Nhẫn đã giúp tôi thay đổi từ suy nghĩ cho tới hành động nhỏ nhất hàng ngày, để trở thành người tốt, an nhiên tự tại hơn.

Thông qua việc tập luyện các bài công pháp và tu dưỡng tâm tính, bệnh viêm xoang của tôi đã được trị dứt hoàn toàn. Có lần khi đang ngồi thiền bài số 5, tôi thấy một luồng năng lượng man mát thông lên mũi, đi lên trán và sáng hôm sau khi ngủ dậy tôi đã không còn cảm giác đau đầu như búa bổ do viêm xoang nữa.

“Thông qua việc tập luyện các bài công pháp và tu dưỡng tâm tính, bệnh viêm xoang của tôi đã được trị dứt hoàn toàn.”

Sau khi chứng kiến những thay đổi tích cực ở tôi, mẹ đã tập theo và đọc sách cùng tôi. Khối u của mẹ lúc trước đi khám bác sĩ đo được là 10 cm, sau khi mẹ tập thì đi khám lại chỉ còn 3-4 cm. Nhưng có một thời gian nghe người ta nói không đúng về Đại Pháp nên mẹ bỏ tập, lúc đó đi khám lại, khối u lại tăng về 10 cm như trước. Thế là từ đó mẹ quyết tâm tu luyện, chỉ nhìn vào những điều triển hiện rõ ràng tốt đẹp mà không nghe theo lời vu khống, thiếu tìm hiểu của người khác.

Những người có đọc sách và tìm hiểu về môn tập kỹ lưỡng như mẹ và tôi, đều thấy rằng chẳng có gì khuất tất và sai lệch. Đại Pháp dạy con người ta làm người tốt, biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, biết buông bỏ những bám víu và dục vọng không cần thiết để đạt được sự tự tại trong tâm. Hơn nữa các bài tập còn làm cho thân thể cải thiện tích cực rõ rệt. Chỉ những người không chịu tìm hiểu kỹ và mang một quan niệm bài xích để nhìn nhận mới nghĩ tiêu cực về Pháp Luân Đại Pháp.

Bố tôi lúc đầu cũng phản đối mẹ tập. Nhưng tới khi bố bị bệnh gút, nằm xuống là không đứng dậy được nữa, mẹ lại phải phục vụ từ A đến Z, cảm nhận được sự bất lực của con người trước số phận, và chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục ở mẹ và tôi, bố tôi quyết định thử đọc sách. Từ khi tu luyện tới nay đã được vài tháng, bố tôi từ hình hài gầy gò xanh xao đã có da có thịt, khỏe khoắn hồng hào, lại có thể đứng dậy đi lại được rồi. Và điều kỳ diệu nữa là bố tôi đã điềm đạm, nhẹ nhàng với mẹ hơn rất nhiều. Trái tim tôi như trút bỏ được một điều gì đó đâm sâu, đau nhói suốt 26 năm qua. Với tôi, tới tận bây giờ, gia đình mới thật sự là nơi để trở về. Và tất cả là nhờ có Pháp Luân Đại Pháp.

“Với tôi, tới tận bây giờ, gia đình mới thật sự là nơi để trở về. Và tất cả là nhờ có Pháp Luân Đại Pháp.”

Lan truyền điều tốt là nhiệm vụ của người tốt

Thế nhưng nhiều người ở quê tôi lại hiểu nhầm rằng Pháp Luân Công làm chính trị vì những ai tập môn này đều cố gắng nói với người khác về việc chính quyền Trung Quốc đã đàn áp môn tập như thế nào. Những người được nghe nhiều thì nói rằng, môn này tốt thế thì các bạn cứ tập, vì sao cứ phải đi nói với người khác nhiều thế làm gì, khác gì làm chính trị, muốn lật đổ chính quyền Trung Quốc sao? Nhưng từ khi tu luyện, có được biết bao lợi ích từ Pháp Luân Công, được dạy cách làm một người tốt thì phải như thế nào, tôi hiểu rằng họ làm vậy đều xuất phát từ tấm chân tình muốn giúp đỡ những người bị bức hại ở Trung Quốc. Hơn nữa, im lặng chính là đồng lõa với cái ác, họ không muốn nhân loại vô tình trở thành kẻ đồng lõa với tội ác kinh Thiên động Địa vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc ngày nay nên mới tích cực đi nói rõ cho mọi người như vậy. Nhìn những người bị bức hại đến chết chỉ vì đức tin vào Chân Thiện Nhẫn, là người được dạy làm người tốt, bạn lẽ nào có thể im lặng. Có được điều tốt đẹp đã thay đổi cả cuộc đời mình, lẽ nào bạn có thể không nói cho người khác để họ cũng được ích lợi như bạn.

Để trở thành người tốt, tôi không thể ích kỷ, nên tôi muốn nói với bạn về những điều tốt đẹp mà Pháp Luân Đại Pháp mang tới cho gia đình tôi. Đó là những điều mà tôi chưa bao giờ dám mơ tới.

Chú thích:  

“Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới” (Nghị quyết 1432 của Thượng viện New York chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017).

Thông tin tham khảo: vi.falundafa.org.

Lam – Pleiku 2019 

(Ảnh do nhân vật cung cấp)