Đến hẹn lại lên, đầu năm lại chứng kiến cảnh người tấp nập đi chùa làm lễ giải hạn cầu an. Thuận theo nhu cầu làm ăn ngày một mở rộng, các mối quan hệ xã hội ngày một phức tạp thêm, dường như số người đặt niềm hy vọng vào các thầy sư, thầy đồng, thầy cúng để “tiêu tai, giải nạn, phát tài” cũng tăng lên. Người người đi lại ngược xuôi, ai cũng cố gắng chọn chùa nào có tiếng là “linh”, thầy có tiếng cao tay… Vậy thực ra, cách giải hạn nào là tốt nhất?

Theo quan niệm của nhiều người đi lễ, mỗi cá nhân đều có một sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 sao (La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô…), năm nay là sao này, thì sang năm sẽ đến sao khác, cứ như thế xoay vòng. Trong 9 sao đó thì có sao xấu và sao tốt. Nếu là năm có sao tốt ứng chiếu vào thì có thể gặp nhiều may mắn, ứng với sao xấu thì có thể nhiều rủi ro vận hạn, do đó cần đi làm lễ dâng sao giải hạn.

Giải hạn, cầu may… không phải là điều Đức Phật dạy

Nếu làm lễ ở chùa thì có thể nói việc này hoàn toàn đi ngược lại với những điều mà Đức Phật dạy cách đây khoảng 2500 năm. Trong kinh sách nhà Phật giảng Phật Pháp để con người biết được nguồn gốc của các nỗi bất hạnh, và thông qua xả bỏ tính xấu, dần dần đạt đến cảnh giới giác ngộ, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi bể khổ.

Người bình thường, ai cũng mong có cuộc sống bình an, “vạn sự như ý”, nhưng kỳ thực làm gì có cái điều như ý đó, nhất là khi nhu cầu của con người là không khi nào ngừng lại. Ai cũng mong phát tài, công danh thăng tiến, càng nhanh càng tốt. Thấy bên hàng xóm giàu lên mình lại thêm sốt ruột! Hết cầu cho mình được cái này, thoát khỏi cái kia, thì sẽ cầu cho con trai, con gái, bạn bè người thân.

Có người nói : “Tôi chẳng cầu gì, chỉ xin mỗi sức khỏe”, hoặc, “Tôi chẳng xin gì cho riêng mình, chỉ cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà được khỏe mạnh”. Người ta nói số phận mỗi người đã định sẵn, số của bản thân mình chẳng đổi được, nói chi đến thay đổi số của người khác.

Trong Phật giáo cũng nói đến “Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng”. Sông Hằng tại Ấn Độ dài 2.510 km bắt nguồn từ dãy Hymalaya của Bắc Trung Bộ Ấn Độ, theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và chảy vào vịnh Bengal. Vậy tính ra sông Hằng có bao nhiêu hạt cát?! Phật Như Lai nhiều đến như thế, mỗi vị Phật lại có quyền năng và thần thông vĩ đại phi thường đến như thế!

Dân số toàn thế giới chỉ có khoảng 7 tỷ người, có lẽ chỉ cần một vị Phật phẩy tay khẽ một chút là toàn nhân loại sẽ sung sướng, “vạn sự như ý”, sẽ được “quốc thái dân an”, hoặc trừng trị hết tất cả kẻ ác và xóa sạch “bất công” trong nháy mắt. Vậy sao không thấy điều này xảy ra?

Cúng sao giải hạn không phải là lời Phật dạy (Ảnh: hanhtrinhtamlinh)

Tìm về lịch sử cách đây 2500 năm, Đức Phật, khi ấy là hoàng tử sống trong nhung lụa, đã quyết định rời bỏ cuộc sống hoàng tộc đi tìm con đường giải thoát. Tu luyện trải qua bao nhiêu khổ nạn, Ngài chứng ngộ, đắc quả vị Phật và bắt đầu cứu độ chúng sinh.

Người thường luẩn quẩn với vòng sinh, lão, bệnh tử, đủ nỗi đau khổ, bất hạnh và phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày. Người xe ôm có nỗi khổ của xe ôm, tổng thống có cái khổ của tổng thống. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng có cái khổ của họ, giai tầng nào cũng vậy.

Có khi ở trong khổ mà không tự nhận ra, vì xung quanh ai cũng thế, không có được sự so sánh. Theo lời giảng trong Phật gia, tất cả những công, danh, tình, tiền, những được và mất ở cõi người đều chỉ giống như là ảo giác hư không, nay được mai mất, khi sinh ra cũng trần truồng, khi chết đi cũng chẳng mang theo được gì.

Từ bi thương xót chúng sinh, Đức Phật đã chỉ cho con người cách giải thoát hoàn toàn khỏi thế tục, đạt đến cảnh giới viên mãn không còn sinh lão bệnh tử, không còn trong luân hồi. Trong lịch sử đã ghi nhận rất nhiều người đã theo con đường đó mà “đắc Đạo”, rồi truyền tiếp lại con đường tu luyện cho lớp người đi sau.

Khổ nhiều hay khổ ít là do nhân quả, do chính mình

Kinh sách nhà Phật giảng nhân quả, giảng duyên phận. Mọi chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ này đều không thoát khỏi luật nhân quả.

Theo Phật gia, đã làm người là khổ, nhưng tất cả là do chính mình gây nên. Làm việc thiện sẽ kết thiện duyên, làm điều ác sẽ kết ác duyên. Đối với ai cũng vậy, tất cả những bất hạnh hay may mắn của bản thân đều là do những việc mình cố ý hay vô ý đã làm trong quá khứ, có thể là đời này, có thể là đời khác mà thành.

Ý nghĩ xấu, lời nói không tốt, hành động xấu sẽ tạo nên quả xấu. Luật nhân quả nhiều khi không triển hiện ngay kiểu như sờ vào điện thì bị giật chết, nên con người không nhìn thấy, cảm thấy khó tin.

Điếc không sợ súng, lại dễ bị tham vọng chi phối nên dễ làm điều xấu. Trong cuộc sống sẽ vì đó mà thi triển hết “khôn khéo”, hết mưu mẹo để mong đạt được mục đích của mình, suốt đời tranh đấu mệt mỏi. Có khi chỉ vì một vài câu nói mà làm hại mạng người khác. Gặp ai cũng nghĩ xem có phải là “đối tác tiềm năng” hay không?

Do vậy đến đời này, đến lúc này sẽ cần phải chịu khổ để hoàn trả lại những lỗi lầm đó. Nợ ai thì sẽ trả lại đúng cho người đó, có thể biểu hiện ra như bị giật nợ, bị lừa. Ai nợ mình thì sẽ tìm đến để hoàn lại, ví dụ có người giúp không công việc nào đó.

Số phận của mỗi người cứ như vậy trôi đi, đời này rồi đến đời khác, không ai được phép tùy tiện mà thay đổi điều đó, tức là không thể thay đổi số phận. Nếu không thì cũng giống như việc mắc nợ mà không phải trả. Do vậy có đứa trẻ sinh ra đã bị nạn rồi, đó là nạn của đứa trẻ nhưng cũng là nạn của những người liên quan đến nó.

Nhưng lẽ thường người ta chỉ thích được mà không chịu mất, không muốn chịu thiệt. Lại không còn tin vào nhân quả, không còn tin vào lời Phật dạy, nên khi gặp bất kể khổ nạn nào cũng đều không vui vẻ mà trả, đều muốn “xù nợ”. Khi các khoản nợ tích lại nhiều rồi, nó vượt khỏi khả năng gánh chịu, sẽ thành trọng bệnh, tai ương, chết chóc.

Giống như một công ty, nợ nhiều không trả được sẽ đến lúc vỡ nợ, phá sản. Vậy nên các vị Phật từ bi thương xót con người nhưng cũng không thể vì thế mà thi triển thần thông để con người nhẹ bớt, trừ khi người nào đó tỉnh ngộ ra, thay đổi tâm tính, xuất tâm tu thiện vãn hồi lại lỗi lầm.

Trong xã hội bình thường cũng vậy, chắc bạn cũng chỉ sẵn lòng giúp những người đã từng phạm lỗi, nay thực sự muốn hối cải. Điều này người bình thường cũng hiểu được, chúng ta không ai mong muốn giúp một kẻ xấu, để rồi mai lại tiếp tục phạm tội, lần này đến lần khác, năm này qua năm khác.

Nhân quả không bắt trả lỗi ngay lúc đó, cũng chính là cho thời gian, tạo cơ hội cho người đã làm sai có dịp chuộc lại, sửa lại. Nếu ai làm ác, thì đến một ngày khắc sẽ phải trả. Cái ngày đó có thể sẽ rất bất ngờ và làm cho người ta phải thốt lên: tại sao lại bất công với tôi, biết thế thì… Đó chính là sự từ bi và uy nghiêm.

Khổ nhiều hay khổ ít là do nhân quả, do chính mình Khổ nhiều hay khổ ít là do nhân quả, do chính mình  (Ảnh: allwallpaper)

Thần thông không tránh được nhân quả

Theo truyện cổ Phật gia có ghi lại, Đức Phật có kể lại câu chuyện dưới đây về Mục Kiền Liên cho các đệ tử của mình.

Trong số các đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Thi thì có Mục Kiền Liên được ví là Đệ nhất thần thông, vô cùng xuất chúng. Khi ông đụng đầu ngón chân vào cung điện của Thiên Đế Thích, ông có thể làm cung điện rung chuyển, thậm chí là đổ sụp.

Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, cũng là một đại đệ tử xuất chúng của Đức Phật, thường đi cùng nhau. Họ đi lại giữa thiên đường và hạ giới, địa ngục và cõi súc sinh, vận dụng thần thông để cứu độ người khổ nạn và giáo hóa các chúng sinh.

Có một lần, hai vị đi xuống tận địa ngục vô gián. Ở đó cực kỳ nóng. Hơi nóng bốc lên từ chảo dầu đầy khắp bầu không khí trong địa ngục. Những kẻ khốn khổ phải chịu nhận hình phạt này đang khóc lóc và kêu la vì đau đớn. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã làm mưa để giảm nhẹ sự thống khổ của họ trong một phút chốc.

Lúc ấy họ trông thấy một tội nhân, với thân thể thô đại cùng cái lưỡi lớn và rất dài. Năm trăm cái cày sắt nằm trên đầu lưỡi của ông ta. Ông ta đang dùng những cái cày được gắn trên lưỡi để cày một mảnh đất hoang. Máu tươi nhỏ giọt từ lưỡi của ông ta.

Ngay khi người tội nhân trông thấy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, ông ta chạy đến bên họ và khóc lóc: “Hai vị tôn giả, tôi tên là Bộ Lợi Nô, lúc còn sống là một giáo sĩ truyền tà giáo. Tôi chuyên thuyết tà pháp, phỉ báng Phật giáo, nên mới bị khổ báo thế này đây. Nếu các Ngài đi qua Nam Thiêm Bộ Châu (một trong bốn Châu lớn trên trái đất,  theo Phật giáo), thỉnh các Ngài nói với những môn đồ của tôi rằng đừng thờ cúng những thứ tôi đặt trong tháp gỗ nữa. Nó sẽ chỉ làm tăng khổ báo của tôi thôi. Cũng xin các Ngài nói với họ rằng đừng phỉ báng Phật Pháp, theo tà giáo để lừa gạt chúng sinh nữa, nếu không sẽ theo dấu chân của tôi và bị đọa xuống nơi này, nghìn vạn lần van xin các Ngài”.

Sau khi rời khỏi địa ngục vô gián, hai vị tôn giả bèn trở lại thành Vương Xá, và gặp một nhóm ngoại đạo. Tất cả họ đều mang theo gậy chống, gậy lớn làm vũ khí để chặn đánh những người xuất gia.

Xá Lợi Phất là người đi trước. Khi những kẻ ngoại đạo kia cầm vũ khí định đánh hai người, Xá Lợi Phất đã nói chuyện với họ bằng ngữ khí ôn hòa. Họ bèn dừng lại và để Xá Lợi Phất đi qua. Nhưng khi Mục Kiền Liên bước tới, họ lại giương vũ khí lên.

“Khoan đã!” Mục Kiền Liên giơ tay lên chặn họ lại và nói: “Hai chúng tôi vừa mới trở về từ ngục vô gián. Chúng tôi đã thấy sư phụ Bộ Lợi Nô của các ông phải chịu khổ báo cực đại như thế nào trong địa ngục. Ông ấy phải dùng lưỡi cày gắn trên lưỡi để cày đất. Máu tươi rỉ ra từ đầu lưỡi của ông ấy.

Ông ấy đang phải chịu khổ báo cực đại. Ông ấy nhờ tôi chuyển lời tới các ông rằng hãy dừng phỉ báng Phật Pháp, tuyên truyền tà giáo, nếu không sẽ đi theo bước chân của ông ấy. Đồng thời các ông đừng có triều bái cái tháp gỗ thì mới có thể giảm bớt thống khổ cho ông ấy”.

Mục Kiền Liên nói vậy là có hảo tâm muốn họ hối cải và tiêu trừ sự hằn thù giữa hai bên. Nhưng ngay khi ông vừa nói xong, đám ngoại đạo lao vào và tấn công ông vô cùng hung hãn.

“Đánh! Hắn phỉ báng sư phụ chúng ta. Đánh hắn. Đánh sa môn này!”.

Gậy gỗ và gậy chống đập vào đầu Mục Kiền Liên như mưa, đến nỗi ông bị thương tích đầy mình.

Nhiều người trông thấy cảnh ngộ của Mục Kiền Liên bèn nảy sinh tâm nghi ngờ về thần thông của ông.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Thần thông của Mục Kiền Liên không phải là điều hư giả, ông có thể lên trời xuống đất, biến hóa khôn lường, thân thể không có chướng ngại, tự do tự tại. Năng lực thần thông của ông là bất khả tư nghị. Thần thông của Mục Kiền Liên không hề bị tiêu mất, nhưng khi đối mặt với nghiệp lực trước mắt, ông biết rằng nợ nghiệp thì tất phải hoàn trả. Đây là luật nhân quả, không ai có thể vi phạm. Khi nghiệp lực tới, người ta phải nhận nó; phù hợp với luật nhân quả mới là đạo lý. Mọi người đều cần phải hiểu rằng khi nghiệp lực tới, đừng cố gắng chạy trốn và mang tâm oán hận. Một người cần phải biết rõ rằng tạo nghiệp là đáng sợ như thế nào. Hãy tu luyện tinh tấn và cẩn thận với hành vi của chính mình”.

Mục Kiền Liên có sở trường về thần thông, nhưng ông đã không dùng nó để che đậy sai lầm của mình và tránh bị nghiệp báo. Ông đã nêu lên một tấm gương tốt cho chúng ta.

Mục Kiền Liên có hảo tâm muốn họ hối cải và tiêu trừ sự hằn thù. Nhưng ngay khi ông vừa nói xong, đám ngoại đạo lao vào và tấn công ông vô cùng hung hãn. (Ảnh: khmerapsara)

Tu nhân tích đức là cách giải hạn tốt nhất

Dường như người càng có nhiều cái có thể mất, áp lực được và mất trong cuộc sống càng nhiều, càng mong cầu bình an yên ổn…thì lại càng để tâm đến việc này, sắm lễ cầu an, giải hạn. Ít thì chỉ ghi tên và vài đồng lẻ gọi là, nhiều thì chi ra trăm triệu, vài trăm triệu. Lễ thì to nhỏ khác nhau, nhưng tất cả đều chung một lòng là cầu xin bình an, vạn sự như ý.

Đa phần các lễ được làm ở chùa vào dịp đầu năm, cũng có người mời các thầy sư, thầy cúng về tận nhà, lại có người đến các “cửa điện” nhờ cậy các cô đồng, cậu đồng ra tay. Nhưng xem ra cũng chỉ là mất tiền, có khi lại mang hại vào thân. Tâm kia mà không hướng thiện thì vô ích.

Nhiều nhà sư trong Phật giáo Việt Nam cũng lên tiếng không đồng tình với việc làm lễ dâng sao giải hạn trong chùa, cho rằng nó không phù hợp với những điều vốn được biết đến trong kinh sách Phật giáo.

Không chỉ có dâng sao giải hạn mà tất cả các lễ khác, dù cao và đầy đến đâu đều không có ý nghĩa, không thể tự nhiên thoát được các “khối nợ” mà mình đã gây ra. Chỉ có tu tâm dưỡng tính, năng làm việc thiện tích đức mới vãn hồi được.

Ngay cả các thầy tu, nhà sư suốt ngày ở chùa, dâng thắp hương, tụng kinh, niệm Phật nhưng nếu cái tâm không chân thành hướng Thiện, không chuyên tâm tu luyện sửa đổi tâm tính theo như điều Phật dạy thì cũng chẳng ích gì. Nếu tuyên truyền những điều lệch lạc, lợi dụng người tín tâm, phá hoại hình ảnh của Phật Pháp thì tội cũng không tránh khỏi nhân quả báo ứng nặng nề mà Bộ Lợi Nô như trong câu truyện kể trên là một gương.

Lại nói có nhiều người vì truy cầu may mắn mà tùy tiện rước tượng Phật, tượng Bồ Tát về nhà, để trong phòng, trong xe ô tô, thậm chí còn có đeo trên mình đi đủ các nơi, làm đủ thứ chuyện. Có người lấy hình ảnh tượng Phật, Bồ Tát dán lên xe máy, đưa lên các ấn phẩm, các đồ lễ cầu may, các vỏ bao nhang… để mong được sự bảo hộ, bán được nhiều.

Các vật có hình tượng các vị thần Phật sao có thể bị xé, bị dẫm đạp lên, bị cho vào thùng rác? Đó chẳng phải là phạm tội bất kính lớn nhất đối với Phật hay sao?

Xưa kia, tổ tiên con người hoàn toàn tín tâm vào Thần, luôn tôn kính từ trong tâm, chẳng dám nói nhiều điều này nọ. Ví như, khi nhắc đến Vua thì phải thi lễ kính cẩn. Vua được gọi là Thiên Tử, con Trời, còn phải đối đãi như vậy. Nói chi đến các vị Đại Giác Giả như Đức Phật, các vị Bồ Tát.

Cổ nhân có câu “Đức năng thắng số”. Nếu đối chiếu với những điều giảng trong kinh sách nhà Phật thì cũng rất có lý. Khi người ta làm việc tốt sẽ tích được đức, bù đắp lại những phần lỗi lầm trong quá khứ. Đức tích được nhiều thì hẳn sẽ hóa giải được những hoạn nạn mà lẽ ra sẽ phải chịu trong số mệnh của mình, đời sau còn có thể làm quan, phát tài.

Còn nếu xuất tâm hướng Thiện mạnh mẽ hơn nữa, hàng ngày hướng Phật tu tâm mong làm người tốt thì cũng có thể cảm động đến Trời xanh, các vị Đại Giác Giả có thể vì thế mà cứu độ về các cõi cực lạc, vĩnh viễn thoát cảnh khổ trong luân hồi. Và đương nhiên nếu làm điều trái ngược với Đạo lý thì sẽ tổn đức, thất đức… tạo thêm các mối ác duyên làm cho tương lai thêm khốn đốn.

Làm người tốt không dễ bởi vì thường chúng ta chỉ muốn được điều tốt, được thứ thoải mái, mấy ai vui vẻ khi chịu khổ. Xưa kia giảng tu nhân tích đức, nay có lẽ là tu nhân thì phải tích được nhiều tiền, cũng là vì đạo đức xã đang trượt xuống dốc.

Nhưng cho dù tiêu chuẩn tốt và xấu theo quan niệm của con người trong xã hội có thể biến đổi theo thời gian, thay đổi theo địa lý phương Đông và phương Tây, thậm chí thay đổi theo cách nhìn của mỗi cá nhân, thì luật nhân quả vẫn là chung cho vạn vật trong vũ trụ này, vẫn chỉ có một bộ tiêu chuẩn để phân biệt Thiện – Ác, tốt và xấu.

Chỉ có lắng tâm nghe Đạo mới biết được những điều chân, và sự huyền diệu của giải thoát mà Phật Pháp dạy. Nó không chỉ là những điều ở bề mặt có thể nghiên cứu ra. Mà phải là tu luyện cái Tâm!

Phật chỉ nhìn nhân tâm con người, không phải vì lễ cao lễ đầy mà đắc được thứ cầu xin, chỉ có tu tâm dưỡng tính, tích đức hành thiện thì mới mong thay đổi được số mệnh, tránh được tai ương (Ảnh: pixabay)

Tịnh Hải

Tái bút:

Khi nói đến luân hồi, nhân quả, số phận, Thần…nhiều người liền gạt đi cho là mê tín. Thực ra họ không dám đối diện với thực tế một cách khách quan, rằng những gì con người hiểu biết được, những gì khoa học có thể lý giải được thật quá nhỏ bé. Khi con người không còn tin vào nhân quả, sẽ là lúc con người không biết sợ nữa, có thể dám mạnh tay làm mọi điều xấu.

Đây có lẽ là cái gốc của sự suy đồi đạo đức. Vì mục đích danh, tình, tiền… nhiều người lớn tiếng truyền bá vô thần đồng thời giấu nhẹm các thông tin khách quan có liên quan. Họ không dám nói rằng, ngày nay, chính những nơi đi đầu trong “khoa học hiện đại” như Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức… lại có những công trình nghiên cứu về luân hồi một cách có hệ thống nhất. Và những bằng chứng có thật về luân hồi thì có ở khắp nơi.