Người Trung Hoa có một câu thoạt nghe rất thú vị, đó là: “Chó cắn Lã Động Tân, không biết lòng người tốt”.

Nếu bạn biết rằng Lã Động Tân là một trong tám vị Tiên huyền thoại thì sẽ thấy câu nói trên không chỉ vô lý, mà còn có phần bất kính nữa. Nhưng kỳ thực, đằng sau đó là một điển cố nổi tiếng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa.

Lã Động Tân là người huyện Vĩnh Lạc, phủ Hà Trung, sinh vào những năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông. Ông thường mặc trang phục đạo sĩ, trên tay cầm cây phất trần, lưng đeo kiếm phép. Bởi ông lấy Thuần Dương Tử làm đạo hiệu, nên người đời thường gọi ông là Thuần Dương kiếm khách.

Bức tranh dân gian Trung Quốc “Chó cắn Lã Động Tân”. (Ảnh: shiliyoupin.com)

Câu chuyện dưới đây xảy ra trước khi Lã Động Tân đắc Đạo thành Tiên, khi ông vẫn còn là một nho sinh từng theo đuổi nghiệp đèn sách.

Thời ấy Lã Động Tân có một người bạn tâm giao tên là Cẩu Diễu. Cha mẹ của Cẩu Diễu đều đã qua đời, gia cảnh lại nghèo khó, vậy nên Lã Động Tân đã mời Cẩu Diễu về sống tại nhà mình để cùng trau dồi việc bút nghiên.

Một ngày nọ có vị khách họ Lâm đến chơi nhà, thấy Cẩu Diễu anh tuấn nho nhã lại chăm chỉ học hành, vị khách bèn nói với Lã Động Tân: “Thưa tiên sinh, tôi muốn gả Lâm muội muội của tôi cho Cẩu Diễu, ý tiên sinh thế nào?”.

Lã Động Tân thấy Cẩu Diễu có vẻ ưng thuận mối hôn sự này nên không tiện từ chối, nhưng lại lo rằng bạn mình thành gia lập thất rồi sẽ bỏ lỡ tiền đồ. Ông bèn nói: “Lâm tiểu thư vừa xinh đẹp lại có đức hạnh, quả là phúc đức lớn cho tiểu huynh đệ của ta. Chỉ có một điều kiện này, sau khi hai người thành thân rồi, ta muốn được động phòng với tân nương tử ba đêm đầu”.

Cẩu Diễu nghe xong thấy thất kinh, trong lòng không khỏi sửng sốt nhưng vẫn đành phải cắn răng đồng ý. Cuối cùng thì hôn sự vẫn diễn ra như dự định. Vào đêm động phòng, tân nương đeo khăn hồng che mặt, ngồi trên giường chờ tân lang đến. Chờ mãi chờ mãi mới nghe thấy tiếng bước chân chàng tiến vào phòng. Nhưng vị tân lang này chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng thèm tỏ ra quan tâm đến nàng, mà cứ thế ngồi ở bàn chong đèn đọc sách suốt cả đêm. Lâm tiểu thư kiên nhẫn ngồi đợi đến nửa đêm vẫn không thấy động tĩnh gì, đành phải ấm ức ngủ một mình. Nhưng sáng sớm hôm sau nàng tỉnh dậy thì chàng ta cũng biến đi như một cơn gió.

Chuyện cứ như thế suốt ba đêm liền.

Sau ba ngày mòn mỏi, Cẩu Diễu mới được vào động phòng. Anh ngạc nhiên thấy nương tử đang ngồi trên giường khóc thút thít, bèn quỳ xuống bên cạnh an ủi nàng. Lâm tiểu thư nói trong nước mắt: “Lang quân, vì sao cả ba đêm qua chàng không chịu đi ngủ mà cứ mải mê đọc sách suốt đêm, đến sáng thì lại bỏ đi đâu mất vậy?”.

Đến lúc này Cẩu Diễu mới vỡ lẽ: “Thì ra ca ca sợ ta ham vui mà quên việc đèn sách, nên mới dùng cách này để nhắc nhở ta. Ca ca dụng tâm như vậy thì quả là quá ‘nhẫn tâm’ rồi!”. Nói xong, anh bèn kể lại đầu đuôi sự tình cho nương tử nghe.

Về sau Cẩu Diễu thi đỗ bảng vàng và được lên làm quan. Cả hai vợ chồng cùng đến cáo biệt Lã Động Tân để lên đường nhậm chức.

Nhiều năm trôi qua, Lã gia không may gặp hỏa hoạn, toàn bộ cơ ngơi sản nghiệp nay chỉ còn lại một đống tro tàn. Lã Động Tân đành phải dựng một căn nhà tranh để vợ con ở tạm qua ngày, rồi khăn gói lên đường tìm Cẩu Diễu nhờ giúp đỡ. Trải qua quãng hành trình khổ nhọc, mãi rồi ông cũng tìm được người bạn chí thân chí cốt năm xưa. Cẩu Diễu mặc dù đón tiếp ông rất thân tình, nhưng tuyệt nhiên lại không đề cập đến chuyện giúp đỡ, thậm chí một đồng bạc lẻ cũng không hề đưa cho Lã huynh.

Cứ như thế Lã Động Tân đã ở nhà Cẩu Diễu hơn một tháng trời. Tiền mang theo người cũng tiêu sạch, mà Cẩu Diễu vẫn cứ dửng dưng như thế, ông bèn buồn bã trở về nhà.

Lại trải qua quãng đường dài vất vả, cuối cùng ông mới về đến nhà. Nhưng ngạc nhiên thay, túp lều tranh cũ đã biến mất, thay vào đó là một căn nhà mới to đẹp khang trang. Bên trong nhà dán giấy trắng, lại có tiếng khóc than nỉ non không ngớt. Ông chạy vội vào trong, thì thấy ngay giữa nhà là cỗ quan tài lớn, còn vợ con ông thì mặc áo tang đang gào khóc thảm thiết.

Lã Đông Tân gọi vợ: “Phu nhân, phu nhân… chuyện gì xảy ra thế?”.

Vợ ông quay đầu lại, vừa run rẩy vừa nói: “Chàng… là người hay là ma?”.

Lã Động Tân cảm thấy lạ lùng, nói: “Phu nhân, ta có chết đâu, sao lại là ma được?”.

Thì ra trong những ngày ông đi vắng thì có người đến giúp xây nhà, lại sắm sửa đồ đạc mới tinh tươm. Ít lâu sau, lại có người mang theo cỗ quan tài đến báo tin: Lã lão gia đã đổ bệnh chết rồi.

Lã Động Tân biết là Cẩu Diễu bày trò đùa mình. Ông bèn bước đến cầm rìu bổ cỗ quan tài làm đôi, thấy bên trong toàn là kim ngân châu báu. Trên đó có một phong thư, viết rằng:

“Tiểu đệ không dám phụ lòng huynh, nay xin tặng huynh một căn nhà và số kim ngân này làm kế sinh nhai. Huynh khiến thê tử đệ giữ phòng trống, nay đệ mạn phép khiến thê tử huynh khóc đoạn trường”.

Từ đó trở đi, tình bạn của Lã Động Tân và Cẩu Diễu lại càng thêm khăng khít. Trong dân gian cũng vì vậy mà lưu truyền câu nói rằng: “Cẩu Diễu Lã Động Tân, bất thức hảo nhân tâm”, tạm hiểu là: Cẩu Diễu và Lã Động Tân, cả hai đều không biết (hiểu nhầm) lòng tốt của người kia. Bởi vì “Cẩu Diễu” (苟杳) đồng âm với “cẩu giảo” (狗咬) nghĩa là ‘chó cắn’, nên mới bị đọc chệch ra thành chó cắn Lã Động Tân, không biết lòng người tốt”.

Điều thú vị là câu thành ngữ “Chó cắn Lã Động Tân” trở nên quá phổ biến, khiến người ta quên mất câu chuyện gốc ban đầu. Câu thành ngữ này cũng được dịch sang tiếng Anh và mang một ý nghĩa khá mới mẻ: “A dog biting Lu Dongbin, not being able to recognize a kind-hearted man. The goodness of a person is of no consequence to the ungrateful”, tạm dịch là: Chó cắn Lã Động Tân, không nhận biết ai là người tâm lành hạnh tốt, đức thiện hảo của một người thường là chẳng quan trọng gì đối với phường bạc bẽo vong ân.

Tâm Minh