Kinh nghiệm cuộc sống nói với chúng ta rằng: Càng khó buông bỏ thì càng dễ mất đi, càng muốn nắm giữ lại càng dễ tuột mất. 

“Buông bỏ” là điều mà chúng ta vẫn thường nghe thấy trong cuộc sống đời thường. Có người vì không thể buông bỏ cờ bạc mà chìm đắm trong cực khổ vô độ. Có người vì không thể buông bỏ sức mê hoặc của đồng tiền mà dấn thân vào tội ác. Có người vì không thể buông bỏ sự cám dỗ của quyền lực mà đánh mất tôn nghiêm bản thân.

Vài năm trước, tôi từng đọc tác phẩm của Lưu Nghinh Xuân với tiêu đề “Nhìn hồng trần cuồn cuộn”, trong đó có câu chuyện khá hài hước nhưng rất ý nghĩa như thế này: 

Có ông lão nuôi một con chó, đặt tên là Buông Bỏ. Có người hỏi ông vì sao lại đặt cho chú chó đáng yêu cái tên như thế? Ông lão trả lời: ‘Cậu tưởng rằng tôi gọi con chó sao? Không, là tôi đang gọi chính bản thân mình’. Ông lão dùng cách đó để nhắc nhở bản thân rằng, cầm lên được thì cũng đặt xuống được. Cảnh giới của ông thật sự rất cao, lấy “buông bỏ” làm thực tiễn cao nhất. 

Lại có câu chuyện kể rằng, trước đây có một lão hòa thượng và một tiểu hòa thượng xuất hành vân du. Trên đường họ gặp con sông lớn, có một thiếu nữ cũng muốn qua sông nhưng không dám qua, cô gái liền cầu cứu hai vị hòa thượng. Tiểu hòa thượng nghĩ: “Nam nữ thụ thụ bất thân, không thể gần nhau, huống hồ mình là người nhà Phật, càng không thể gần nữ sắc”. 

Trong lúc tiểu hòa thượng đang suy xét, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, sang bờ bên kia cả hai vị lại vội vã lên đường. Tiểu hòa thượng mãi không thể lý giải được rằng tại sao sư phụ lại nhận lời cõng cô gái, suốt cả chặng đường dài cậu không ngừng suy nghĩ về điều ấy. Cuối cùng cậu không nhịn được bèn nói: “Sư phụ, người tu Phật phải tránh xa nữ sắc, sư phụ cõng cô gái trên lưng có phải đã phạm giới rồi không?”. Lão hòa thượng đáp: “Ài, ta đã để cô ấy xuống từ lâu rồi, sao đến giờ con vẫn còn chưa buông?”. 

Nghe xong câu chuyện trên, ai đó chắc hẳn sẽ bật cười: Tiểu hòa thượng nghĩ mãi không thông, không buông bỏ được, cả đường cứ suy nghĩ đắn đo. Nhưng nghĩ lại, có lẽ chúng ta cũng từng như vị hòa thượng ấy, không thể buông bỏ được những điều nhỏ nhặt. 

Khi còn ở trong quân đội, tôi thường vì những chuyện nhỏ nhặt mà thất vọng. Có lần đoàn đội chiếu phim, tôi không có tâm trạng xem, trong lòng chỉ cảm thấy phiền phức. Lúc này chỉ đạo viên đã đến phòng khuyên nhủ tôi, lấy lý lẽ của quân đội và trường học để thuyết phục tôi. Hiện tại tôi không còn nhớ nhiều về cuộc trò chuyện ấy, nhưng có một từ của chỉ đạo viên khiến tôi vẫn nhớ đến tận giờ, đó là: “Buông bỏ”. Hai từ này khiến tôi nhìn anh với ánh mắt khác, cũng hai từ này đã thay đổi vận mệnh của tôi.

Trên đường đời, có rất nhiều sự việc nên buông bỏ và buộc phải buông bỏ. Ví dụ người công nhân sau giờ làm thì cần buông bỏ áp lực công việc để cả cơ thể và tâm trí được thoải mái. Người nông dân sau buổi canh tác trên cánh đồng thì cần buông bỏ nỗi lo về mùa vụ để có chút thời gian nghỉ ngơi. Ngay cả những nhà văn khi sáng tác, cũng có lúc phải buông cây bút xuống để giải tỏa hết căng thẳng và mệt mỏi trong thời gian dài. Đến khi quay đầu nhìn lại, những tác phẩm của bản thân và con đường đã trải qua giống như có thêm linh hồn mới. Thêm một chút thư thái, thêm một chút nghỉ ngơi, như thế thì con đường sáng tạo càng đi càng xa hơn.

Nếu không thể buông bỏ những thứ kể trên, con đường của mỗi người sẽ dài vô biên vô tận. Có người bởi vì áp lực công việc quá nhiều mà cơ thể không chịu đựng được. Có người vì quá sức trên mảnh đất canh tác của mình mà cơ thể suy nhược, lòng càng sầu lo. Có người vì nhiều ngày miệt mài bên bàn viết mà không được nghỉ ngơi, tác phẩm và cơ thể của họ cũng dần dần trở nên thiếu sức sống. 

Trên thực tế, buông bỏ là triết lý và nghệ thuật sống. Chúng ta đang ở trong một xã hội phức tạp, đối mặt với những khó khăn và thách thức, muốn buông bỏ thì có dễ gì đâu? Có người buông bỏ được, bước qua được thì có thể tiến tới con đường thành công. Có người vì không thể buông bỏ mà viết ra những thất bại của cuộc sống.

Chỉ khi hiểu thế nào là buông bỏ mới có thể càng đi càng xa. Kinh nghiệm cuộc sống nói với chúng ta rằng: Những thứ càng khó buông bỏ thì càng dễ mất đi, càng muốn nắm giữ lại càng dễ tuột mất. Khổ não lớn nhất của đời người đại đa số đều là “cầm không lên được” hoặc “buông không xuống được”.

Hiểu được thế nào là buông bỏ mới là con đường hạnh phúc, cũng là lựa chọn đúng đắn. Học cách buông bỏ tất cả mọi thứ, như thế đường đi sẽ càng ngày càng rộng, đời người càng đi càng xa…

Theo Văn Chương Duyệt Độc
Ngọc Linh biên dịch

Video: Tôi đã từng là 1 “Anh Đại” trong đời!

videoinfo__video3.dkn.tv||e80fb241e__

Có thể bạn quan tâm: