Cuối năm 1996, tôi, một Việt kiều từ Pháp về Việt Nam để tìm kiếm một cơ hội đầu tư. Những kỷ niệm của thời thơ ấu trong tôi bỗng thức dậy như sóng xô khiến tôi cứ nôn nao nhớ đất, nhớ người. Nghỉ ngơi một ngày, tôi đã vội lấy vé máy bay đi Đà Lạt. Từ Tân Sơn Nhất, chiếc AT-72 lao vút lên lững lờ mây trắng Sài Gòn. Những con đường người xe nườm nượp, những tàu bè xuôi ngược trên sông, những toà nhà cao chọc trời cứ mỗi lúc một nhỏ dần. Thành phố xoè bàn tay lớn trên nền xanh biếc đồng bằng đang vẫy vẫy…

Tới Liên Khương, máy bay lượn một vòng trong khói sương bảng lảng trước khi hạ cánh. Qua cửa sổ, tôi bất ngờ thấy đỉnh Di Linh ở phía bắc, đỉnh LangBiang ở phía tây nhô lên từ một biển mây. Rồi, những mảng xanh đa sắc trải dài phía dưới mách bảo tôi nơi đây vẫn còn bất tận rừng già. Máy bay lăn trên đường băng sống lại từ cuối tháng 8 năm 1996. Nghe nói, trước 1975 Liên Khương chủ yếu phục vụ cho các chuyến bay mang mục đích quân sự. Sau năm 1975, nó hầu như bị quên lãng nên cứ hư hao dần. Thế mà, giờ đây, mỗi tuần nhà ga đã mở được ba chuyến bay cho các tuyến Liên Khương – Tp Hồ Chí Minh, Liên Khương – Huế. Từ sân bay, suốt dọc ba mươi cây số ô tô về Đà Lạt, tôi như lướt giữa xanh non dâu tằm, rồi bất ngờ chìm vào ánh nắng ngả màu xanh hắt xuống từ những rừng thông. Thông ngút ngàn, trùng điệp. Trên cao, dưới thấp, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái… Thông gần đến nỗi thò tay qua cửa xe là có thể với được, lại có lúc thông xa vời vợi, mờ trong sương. Ở dưới nhìn lên, thông thẳng vút tượng hình những mũi tên hướng lên trời.

Dừng xe bên đường, tôi chạy lên đồi. Thông loang loáng thân đen như những người bạn thuở nhỏ quanh tôi. Ngỡ cây là người, tôi vòng tay ôm một gốc thông. Đã tròn lẳn thế này rồi sao thông? Nhựa thông màu hổ phách, lưu luyến níu áo tôi. Tôi bần thần vơ một nắm lá. Thông Prenn xoè năm ngón như muốn bắt tay người. Tôi bỗng nao nao nhớ gốc thông già ở thung lũng Tình Yêu. Lá thông rụng đầy, êm như thể chiếc chiếu trời cho. Tôi và em thường ngồi ở đó, nhìn vào mắt nhau mà thấy cả hoàng hôn giăng tím chiều xứ sở…Tiếc biết bao nhiêu khi KaYang không cùng tôi trở lại cao nguyên thơ mộng trong dịp này! Đã mấy chục năm! Xa vời vợi…

thông
Ảnh: Cây xanh Hà Đông

Xe chạy dọc theo con đường mới mở hai làn lớn, hút vào phố cũ. Phố đồi lô xô thân thuộc đây rồi! Tôi đã nhận ra địa chỉ tôi cần đến, khiêm tốn nằm giữa những khu nhà bề thế đang xây cất dở. Một người cao lớn, trắng trẻo, trán cao, mắt sáng, cười thật tươi ra tận cửa xe đón tôi. Anh nắm chặt tay tôi, lắc lắc: “Tôi đợi ngày hôm nay từ lâu lắm rồi! Đã hơn hai mươi năm! Tôi biết…”. Tôi cười theo: “Rằng thế nào rồi tôi cũng sẽ trở về! Người tha hương, ai nỡ phụ quê suốt một đời, anh nhỉ!”. Trong phòng khách, sau khi trao đổi vắn tắt về chương trình làm việc, tôi xin phép anh Giản được dạo một vòng Đà Lạt. Cho đỡ nhớ mong! Cho một cái nhìn thỏa thuê sau bao năm trời cách biệt. Anh vui vẻ ngỏ ý muốn được trực tiếp làm “hướng dẫn viên” cho tôi, người mà anh gọi là nhà đầu tư quý…

Tôi vô cùng ngạc nhiên.Vì tới chỗ nào anh Giản cũng có thể đọc thơ cho tôi nghe. Hỏi, anh bảo đó là hồn thơ của các nhà thơ viết về Đà Lạt. Có đôi bài là thơ anh. Rồi đùa: “Thơ chưa xuất bản, tôi đã xuất khẩu trước cho anh đấy nhé…”. Ngồi ở nhà hàng thủy tạ trên hồ Xuân Hương, tôi ngắm mây nước thì ít, ngắm anh Giản thì nhiều. Tôi mến anh không phải chỉ vì anh hiếu khách, mà chủ yếu do anh là người có một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người. Bức tranh Đà Lạt năm 2000 anh vẽ ra trước mắt, đẹp hơn cả một bài thơ. Bài thơ ấy đã dạo những khúc đầu xuân sắc. Anh rủ: “Chiều thế này, đến Tuyền Lâm tuyệt lắm anh ạ”. Tôi đồng ý: “Thì ta đến đó đi anh. Tôi nghe nói nơi ấy sẽ là…”. “Tương lai sẽ là khu du lịch. Vốn đầu tư lên tới 400 triệu đô la cơ đấy”. Xe lại chạy. Dọc đường, anh cho tôi biết khu du lịch này lấy hồ Tuyền Lâm làm trung tâm vươn về bốn phía. Phía bắc sẽ chạy tới quốc lộ 20, xuôi tới thác Prenn.

Mặt trời chiều bất chợt loé trên đèo. Tuyền Lâm, suối rừng như một chốn mơ với rừng thông khoác tấm áo vàng. Chuông chùa Thiền viện Trúc Lâm ngân nga tan trong sương khói, tỏa trên những gợn xanh đến huyễn hoặc của nước hồ. Tới đây, bụi trần ném lại, tâm hồn thơ thới lạ. Vốn quen kinh doanh, tôi đành thở dài, không biết diễn tả cảm xúc thoát tục của mình như thế nào. Chỉ biết theo 222 bậc lên chùa, chân tôi như có ai đó nâng lên. Cứ như sắp bay vậy…

Sáu giờ chiều, Đà Lạt đã mờ mờ. Ở biệt thự số 10 đường Nguyễn Du, tôi mở cửa sổ: cà phê trong vườn xanh đen, hoa hoàng tử đỏ sẫm, cúc vàng rực. Dưới đèn, hoa bìm bịp e ấp tím đến bất ngờ. Nhìn chéo qua vạt rau xanh dưới chân đồi, ánh đèn trên công trường xây dựng khách sạn Dầu Khí bên kia vẫn còn sáng rực lên. Khuya, hình như có tiếng lộp bộp rơi nhẹ trên lá. Sương sa. Sớm mai, tôi tản bộ đến biệt thự số 6 uống cà phê. Quán cà phê chỉ có mấy bộ bàn ghế nhỏ, mái che bằng một tấm bạt. Một giọt sương trong vắt vô tình rơi xuống ly cà phê tôi vừa khuấy. Sương long lanh thành từng chuỗi trên cỏ, trên dây muống dại leo. Đường vắng, thông cao vút, lấp lánh trong nắng sớm mai…

Tôi bỗng nhớ: hồi còn nhỏ, cứ vào dịp trước Tết, tôi hay được bố dẫn đi săn. Bố tôi là một viên chức kiểm lâm. Ông thuộc rừng Đà Lạt như lòng bàn tay. Len lỏi trong những đồi cỏ tranh Nam Ban, Lán Tranh vùng Đức Trọng cũ, mê mải đuổi theo dấu chân nai, chồn, dúi, nhím, tôi hét khản cả giọng. Có lần, một con dúi bị chó săn đuổi dồn vào một cái nhà dài. Cả nhà nhốn nháo. Một cô bé đã chụp được con vật. Cô tên là KaYang, con gái của già làng K’Ho. Đó là em…Từ đấy, mỗi lần đi săn, bố tôi đều ghé lại nhà già làng. Tôi lấy cớ muốn học tiếng K’Ho, xin bố ở lại chơi với anh em của KaYang chỉ vì tôi rất mê tài ngồi trên mình ngựa phóng lao bách phát bách trúng của họ. Duyên nợ của chúng tôi chỉ thực sự bắt đầu khi KaYang lên Đà Lạt, rồi được chọn đi du học ở Pháp cùng một đợt với tôi…

Lần này, theo anh Giản về Lán Tranh, tôi ngỡ ngàng quá. Xe chạy bon bon trên đường 27 mới mở. Vượt qua cây cầu sắt lát gỗ dài 72 mét, xe từ từ leo lên dốc Két. Xưa kia, nơi đây là khu vực săn bắn của Bảo Đại. Sau này, khu ấy dành cho gia đình Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân. Giờ đây, những đồi cỏ tranh bất tận tới rừng già đã biến mất. Thay vào đó là sắn, khoai, bắp, cà phê xanh đến mỡ màng, mát mắt… Ở bản Di Hin, nơi xưa tôi gặp em, tôi vô cùng xúc động khi được tiếp xúc với một số bà con ở Thành phố lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Họ đều làm việc ở nông trường quốc doanh số 1 do TP Hồ Chí Minh đầu tư. Mỗi hộ được cấp một căn nhà 40 mét vuông, tường xây, mái lợp tôn hoặc ngói. Nhiều nhà có ti vi, xe máy, có hàng trăm triệu đồng gởi tiết kiệm. Rẽ sang Công ty trà Cam Lâm do ông Chung Ching Sen người Đài Loan làm Tổng giám đốc, tôi được biết trong số 47 héc ta trà trồng thử nghiệm, 31 héc ta đã cho những tấn trà xuất khẩu đầu tiên. Trà Xuân Mới, Kim Huyên, Thúy Ngọc, Ô Long xanh sẫm, lá nhỏ, sao không nát, nghe nói, khi chế biến xong, bán trên thị trường quốc tế với giá 100 đô la một ki lô gam. Vốn đầu tư của ông Chung chưa phải là lớn lắm, chỉ khoảng 6 tỉ đồng Việt Nam! Quay trở lại N’Thôi Hạ, xe như lồng trên nhánh đường 27 gập ghềnh, men theo những rừng thông non bạt ngàn, chúng tôi đến Nam Ban. Thị trấn của những người đi khẩn đất này mọc lên từ năm 1977. Đông đúc, tấp nập. Nhà mới, chợ mới, những bảng hiệu mới. Hồ Cam Ly Thượng sắp tưới nước cho 600 héc ta đất ruộng và đất đồi của Lâm Hà vừa xây dựng xong. Đập tràn trắng xóa nước. Trắng xoá như thác Voi hùng vĩ đổ xuống từ trời xanh cao nguyên. Tôi đã lặng ngắm một cây si bên lòng hồ. Cây si xưa rễ bám vào một cây đa ngàn năm. Đa đã mục, còn trơ lại những rễ si vặn xoắn vào nhau thành cây mới. Từ thời thượng cổ đến giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên những mắt lá si thấy dòng Cam Ly tụ lại, trong vắt như một tấm gương trời…

Thác Cẩm Ly, Đà Lạt. Ảnh: bazantravel.com

Để tiện cho việc tìm hiểu đầu tư, tôi đã dọn đến ở khách sạn Palace. Khách sạn xây dựng từ năm 1922 này vừa được nâng cấp. Bước vào khách sạn, tôi không tin ở mắt mình, ngỡ nơi nghỉ ngơi dành cho du khách đã trở thành một bảo tàng nghệ thuật. Khắp các hành lang, các phòng ốc đều treo những bức tranh đắt giá của nhiều hoạ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Có những búc tôi chỉ thấy có ở Viện bảo tàng nghệ thuật Louvre. Nghe giới thiệu, tôi rất thích thú khi biết rằng chúng chỉ là những bản sao tinh vi được đem từ Hồng Kông đến. Các phòng ngủ sang trọng, giá cao nhất tới 360 đô la, thấp nhất cũng phải 120 đô la một đêm (chưa tính phụ phí). Ngang ngửa giá các khách sạn lớn ở các thành phố đắt đỏ như Washington, Paris, Tokyo mà tôi có dịp trải qua trong những chuyến công cán xa. Ở đây, tôi được biết thêm: Ngoài 442 khách sạn hiện có trong thành phố, Đà Lạt sẽ cho chỉnh trang 16 biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo theo cách liên doanh với nước ngoài để chuẩn bị đón một lượng khách có thu nhập cao ngày càng tăng vào những năm 2000.

Sau ngày tìm hiểu dự án 9,5 triệu đô la cho chương trình cấp nước Đà Lạt do chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, tôi quyết định ở lại suối Vàng một đêm. Từ trên núi nhìn xuống, suối lấp lánh ánh sáng kì ảo của một bông huệ vàng Đà Lạt đang lay động khẽ. Ý định đón xuân ở Di Hin trong tôi bỗng bùng lên trong tôi như một đốm lửa nhỏ. Tôi khát đựơc uống rượu cần, ăn thịt trâu và hát múa theo nhịp cồng chiêng những bài ca ân tình của người K’Ho cao nguyên…

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||a3d00e646__